Những địa danh khác như phố Hội An, đầm Hội An, kho Hội An đều xuất hiện ở các tư liệu có niên đại muộn hơn năm 1640. Do Hội An là một tên gọi mang ý nghĩa tốt đẹp nên còn được lấy để đặt tên cho một số nơi tại xứ Quảng. Ở Tiên Châu, Tiên Phước hiện còn một ngôi đình làng khá quy mô, cũng có tên đình Hội An. Ở Quảng Ngãi cũng có địa danh Hội An và có lẽ một số địa phương khác cũng có, cho nên nếu không lưu ý dễ dẫn đến nhầm lẫn. Duy địa danh phố Hội An chỉ có một.
Theo lẽ thường có xã hiệu tất có bộ máy quản lý và cơ sở sinh hoạt cộng đồng và thờ tự chung. Cơ sở này ban đầu có thể quy mô nhỏ tạm để dần dần tiến đến xây dựng một ngôi đình làng hoàn chỉnh. Đình làng Hội An cũng vậy. Thời điểm xây dựng đình làng Hội An được xác định là vào thời Lê theo kê khai của chức sắc làng năm 1943 và theo văn bia gắn tại đình. Triều Lê kéo dài 360 năm (1428 - 1788) và đình được xây dựng vào triều vua Lê nào thì không có tư liệu để xác định. Văn bia này cho biết đình được trùng tu vào năm Gia Long 17, Mậu Dần (1818), năm Thành Thái 19 (1907) do mở đường nên dời đến vị trí hiện nay. Năm Bảo Đại 17, Nhâm Ngọ (1942) cải tạo lớn, làm thêm tiền đình. Năm 1953 tiếp tục trùng tu. Sau những lần tu bổ đình làng Hội An có quy mô kiến trúc và nằm ở vị trí như hiện nay. Đây là một ngôi đình làng có kiểu dáng kiến trúc độc đáo, không trùng lắp với các kiến trúc đình làng khác. Vị trí toạ lạc tuy trải qua một số lần di dời nhưng vẫn mang những yếu tố phong thuỷ tốt đẹp như nằm trên gò đất cao, vừa cận thị vừa cận giang, hai bên có nền đất cao làm phước chỉ, phía Tây Nam có núi Trà Kiệu làm trấn sơn. Vì vậy nên có câu đối khắc trên đá tại đình: Phước chỉ thanh linh lâm tả hữu. Kiệu sơn chánh khí trấn Tây Nam. Có thể nói ngôi đình là điển hình cho sự giao lưu – hội nhập văn hoá kiến trúc từ nhiều nguồn gốc ở phố cổ Hội An. Năm 1981 một số hạng mục của ngôi đình bị phá bỏ hoặc cải tạo để làm trường Mẫu giáo Minh An nhưng may mắn là các hạng mục chính vẫn còn gồm hậu tẩm, chính đình, tiền đình, nhà Đông, nhà Tây.
Về tên gọi, khoảng những năm từ 1960 trở về trước đình được gọi với cái tên thân thương là đình Làng Hội. Từ những năm 1960 trở về sau do có cặp voi bằng xi măng ở trước đình nên được gọi là đình Ông Voi và tên gọi này được dùng phổ biến cho đến nay.
Trải qua quá trình vật đổi sao dời và các biến cố lịch sử, ngôi đình làng Hội có một thời gian bị bỏ hoang phế không người trông nom, lễ tế. Nhiều hiện vật, đồ thờ tự của đình đã bị thất lạc, trong đó có 8 bức hoành phi chữ Hán.
1/ Hoành 4 chữ: Thần lực hồi xuân niên đại 1746
2/ Hoành 4 chữ: Dương dương hích hích niên đại 1751
3/ Hoành 4 chữ: Quế Hải từ vân niên đại 1818
4/ Hoành 4 chữ: Chiếu giám vô tư niên đại 1942
5/ Hoành 4 chữ: Danh giáo tăng huy niên đại 1748
6/ Hoành 4 chữ: Viêm Giao tuệ nhật niên đại 1743
7/ Hoành 4 chữ: Nghiễm thể càn nguyên niên đại 1775
8/ Hoành 3 chữ: Nghiễm nhược ân niên đại 1848
Dựa vào các bức hoành này có thể xác định đình làng Hội An được xây dựng hoàn chỉnh muộn nhất cũng vào đầu đời Cảnh Hưng (1740 - 1786) qua sự có mặt của các bức hoành ghi niên đại 1743, 1746…
Trong 8 bức hoành này thì có đến 4 bức hoành do người Hoa đứng tên cúng, trong đó 3 bức ghi niên hiệu vua nhà Thanh là Càn Long. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa người Hoa và người Việt tại Hội An ngay từ đầu đã có sự giao lưu qua lại khá hữu hảo.
Người Hoa và người làng Minh Hương đã mua lại đất đai của xã Hội An để xây dựng nhà cửa, hiệu buôn, hội quán hoặc cơ sở thờ tự khác, vì vậy khi làng xây dựng đình nhiều người Hoa đã đến lễ mừng cũng là điều đương nhiên. Cũng cần nói thêm, xã Hội An là một xã chuyên về buôn bán, dịch vụ nên không có đất nông nghiệp nên chỉ có đất thổ cư và đất mộ.
Trong địa bộ Gia Long 13 (1814) của xã, chỉ ghi hai loại đất là đất thổ cư 12 mẫu 4 sào, 11 thước, 6 tấc do dân xã chia nhau cư trú; đất mộ 46 mẫu, 1 sào, 11 thước, 5 tấc. So với các xã khác thì đất đai của xã Hội An rất ít. Tình trạng này không biết có phải do làng đã chuyển nhượng nhiều đất đai của mình cho xã Minh Hương và Hoa kiều mà nên hay không.
Sau thời gian chuẩn bị, vào tháng 10 năm 2020 vừa qua công tác bàn giao mặt bằng để thi công tu bổ đình Ông Voi đã được thực hiện. Đây là một nỗ lực lớn của chính quyền địa phương và là tin vui cho những người hoài cổ. Đình sẽ được trùng tu như nguyên trạng để trả lại vẽ đẹp của một ngôi đình làng Việt có kiến trúc độc đáo ở Hội An và làm nơi tổ chức các sự kiện văn hoá của thành phố cũng như làm điểm tham quan giới thiệu về Di sản văn hoá thế giới Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền