Các nhóm giải pháp quản lý di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030

Thứ tư - 16/12/2020 02:15
Ngày 11/02/2020, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 351/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Quyết định gồm 5 điều, có hiệu lực từ ngày 11/02/2020. Trong bài viết này chúng tôi xin trích giới thiệu đến quý độc giả nội dung về các nhóm giải pháp triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 của Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An.
Mai pho

Trong giai đoạn 2020-2025: Tập trung triển khai 07 nhóm giải pháp chính sau:

1. Giải pháp cho việc chống ngập lụt Khu phố cổ

- Ưu tiên đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước tại khu vực này kịp thời và hữu hiệu nhất mà không ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc trong đó.

- Thực hiện phương án bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc trong Khu phố cổ thích ứng với bão lũ.

2. Giải pháp chống xói mòn, sạt lở

- Đối với việc sạt lở bờ sông, cần có giải pháp kè bờ sông, đặc biệt đoạn chảy qua Khu phố cổ. Hình thức kè bờ cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với cảnh quan chung.

- Nghiêm cấm tình trạng xâm lấn, gây tổn hại đến hai bên bờ sông cũng như làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

- Đưa đôi bờ các dòng sông vào diện bảo tồn phục hồi cảnh quan sinh thái lâu dài (không chỉ giới hạn trong phạm vi phố cổ). Nghiên cứu hình thức đê, kè phù hợp; vừa có tác dụng bảo tồn cảnh quan sinh thái, vừa ngăn ngừa được tình trạng xói lở bờ sông.

- Xây kè đê biển để tránh tình trạng xói lở bờ ăn sâu vào đất liền.

- Ban hành những quy định cụ thể nhằm bảo vệ bền vững bờ biển Hội An khỏi quá trình xói mòn…

3. Nhóm giải pháp về phát triển không gian cảnh quan tuyến phố hướng tới phát triển bền vững

- Đối với khu vực Khu phố cổ:

+ Bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng hình thái kiến trúc, cấu trúc của phố cổ và các di tích; nghiên cứu bảo tồn, khôi phục lại hình ảnh thành phố cảng thị sầm uất Hội An xưa; hạn chế thương mại hóa phố cổ.

+ Nghiên cứu, mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ còn bảo lưu được giá trị cảnh quan, kiến trúc.

+ Ổn định dân số trong khu phố cổ ở mức phù hợp, đảm bảo dân số ở khu vực I từ 9.700 người đến 10.000 người, mật độ dân số trung bình không vượt quá 150 người/ha đất xây dựng; khu vực IIA dự kiến phân bổ 9.000 dân, mật độ dân số trung bình 135 người/ha; khu vực vùng đệm dãn dân dự kiến phân bổ khoảng 32.000 dân, mật độ dân số trung bình 345 người/ha.

+ Giao thông: Nghiên cứu, cấm các loại xe ô tô ra vào Khu phố cổ; quy định đường 1 chiều cho xe đạp và xe máy trên một số tuyến phố (như phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học).

+ Khơi thông lạch chảy, làm vệ sinh môi trường và cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần sử dụng một số kênh làm đường giao thông mặt nước.

- Đối với khu vực ngoại vi bao quanh Khu phố cổ:

+ Thiết lập một khu đệm an toàn cho phố cổ: Bao gồm bờ sông Hoài, các cánh đồng bao quanh phố cổ, khu rừng dừa sinh thái, các làng nghề truyền thống… Khu vực đệm này tạo nên vành đai xanh sinh thái vừa có tác dụng bảo vệ phố cổ chống xâm lấn, vừa phục hồi không gian vốn có của phố cổ xưa. Nghiên cứu, ban hành quy định chống xâm lấn qua khu vực đệm, đảm bảo các công trình xây dựng cần có kiến trúc thấp tầng và mật độ xây dựng phù hợp.

+ Khu vực ngoại vi bao quanh Khu phố cổ cần nghiên cứu, phát triển thêm những trung tâm mua sắm ở bên ngoài và khu vực vùng đệm để giảm sức ép cho khu phố cổ.

+ Nghiên cứu, xây dựng bổ sung một số bãi đỗ xe ở vùng ngoại vi (như: tại vị trí lối vào từ Đà Nẵng, từ Điện Bàn…) để kéo giảm lượng xe lớn chạy vào sát Khu phố cổ.

+ Bảo vệ, gìn giữ các cánh đồng, rừng dừa nước, các cồn nổi, bãi ven sông ven biển.

- Không gian toàn thành phố Hội An:

+ Bố cục không gian hợp lý, linh hoạt, bền vững cho các yếu tố phát triển của thành phố.

+ Nghiên cứu, định hướng phát triển các khu nhà ở tương lai: Nằm ngoài ranh giới của thành phố nhằm tránh xây dựng tập trung ở khu trung tâm.

+ Nghiên cứu, bổ sung giải pháp cụ thể, đồng bộ về hệ thống hạ tầng khung, công trình kỹ thuật đầu mối; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hiện đại, đồng bộ.

+ Giao thông đường bộ: Nâng cấp các tuyến đường ĐT 603, 607, 608, mở rộng tuyến đường 28/3 nối dài.

+ Giao thông đường thủy: Lập dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy. Nạo vét Cửa Đại tạo dòng chảy sâu, ổn định. Xây dựng bến thuyền du lịch tại một số điểm dọc sông Thu Bồn.

+ Hạ tầng du lịch: Nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, hệ thống bán hàng tự chọn tại Hội An; xây dựng trung tâm thông tin đón và phân phối du khách tại Hội An; xây dựng bảo tàng/phòng trưng bày về thuyền xưa và tái hiện thương cảng Hội An thế kỷ XVII-XVIII.

4. Nhóm giải pháp bảo tồn các công trình cổ, công trình cũ

Thực hiện theo Quyết định số78/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định Phê duyệt Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và Du lịch giai đoạn 2012-2025, trong đó:

- Đối với các công trình kiến trúc và tuyến phố:

+ Bảo quản chống mối, mọt giai đoạn thứ nhất cho toàn thể khu vực phố cổ và vùng lân cận, lập rào cản và tiến hành các biện pháp diệt mối căn bản. (thực hiện trong giai đoạn 2020-2025).

+ Phục hồi thích nghi một số địa điểm sinh hoạt cộng đồng trong phố cổ, như bảo tàng, rạp, chợ… (thực hiện trong giai đoạn 2020-2025).

+ Các công trình ưu tiên, di tích loại đặc biệt và loại I cần tu bổ khẩn cấp (dự kiến khoảng 25 nhà thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, tương ứng 5 nhà/năm).

+  Bảo tồn di tích loại II và loại III (dự kiến 200 nhà cho 05 năm, tương ứng 40 nhà/năm).

+ Bảo tồn thích nghi một số nhà để phục vụ cộng đồng (dự kiến mỗi năm thực hiện 01 nhà).

+ Cải tạo thích nghi một số công trình (mặt tiền tuyến phố), phù hợp cảnh quan Khu phố cổ và tái hiện không gian phố cổ (dự kiến khoảng 10 nhà/năm).

+ Bảo tồn tu bổ một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng: Hội quán, nhà thờ tộc, nhà thờ, đình, chùa, lăng mộ… (dự kiến khoảng 05 nhà/năm).

- Đối với các di tích và di chỉ khảo cổ học:

+ Tu bổ, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ các di tích, di chỉ vùng ven: Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh; di tích Chiêm cảng thời vương quốc Champa (dự kiến 30 di chỉ, di tích).

+ Tu bổ tôn tạo một số bến thuyền ở vị trí thương cảng cũ…, định hướng phát triển giao thông đường sông, biển; phục chế một số thuyền cổ làm cơ sở dịch vụ du lịch, nhằm tái tạo hình ảnh về một cảng thị Hội An sầm uất xưa.

+ Kiểm kê di tích theo định kỳ, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ pháp lý di sản.

+ Tôn tạo, trưng bày một số di tích khảo cổ học có giá trị (cấu tạo các tầng văn hóa, sự biến đổi theo thời gian) dự kiến mỗi giai đoạn khoảng 1 đến 2 địa điểm.

5.Nhóm giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

- Nghiên cứu lịch sử, văn hóa: Thực hiện một số đề tài nghiên cứu về quá trình hình thành văn hóa bản địa Hội An, vị trí, vai trò của thương nhân ngoại quốc tại Hội An (Nhật Bản, Trung Hoa…); mối liên hệ văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Champa tại Hội An…

- Nghiên cứu các phong cách kiến trúc, các giá trị kiến trúc, nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng cổ truyền ở Hội An: Thực hiện các đề tài nghiên cứu đặc trưng kiến trúc tại Hội An; công nghệ xây cất công trình, chế tạo vật liệu cổ; các đề xuất, ứng dụng trong công tác tu bổ di tích; các phương án kiến trúc và kỹ thuật có yếu tố truyền thống.

- Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và phổ biến các loại hình văn hóa phi vật thể: Thực hiện các đề tài nghiên cứu bổ sung vào kho tàng đã có của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, lễ hội, nghề thủ công cổ truyền; giới thiệu, tuyên truyền những nét đặc sắc làm cơ sở phát triển các loại hình mới, mang tính kế thừa truyền thống.

- Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho một số di sản đặc sắc, tiêu biểu.

- Tổ chức các lớp học họa, nhạc cổ truyền, thư pháp, võ thuật, nghề truyền thống. Đây là hình thức bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương, tiến tới mỗi làng quê, mỗi điểm du lịch đều có nội dung và hình thức chương trình biểu diễn văn nghệ riêng của làng, của nghề. Tổ chức các lớp dạy nghề phục vụ tu bổ di tích.

- Tổ chức các sự kiện văn hóa, hoặc biểu diễn phục vụ các sự kiện lịch sử: Tái hiện đêm phố cổ hàng tháng; tổ chức một số lễ hội dân gian định kỳ hàng năm như: Tết Nguyên tiêu, Trung thu, hội Cầu bông, có các cuộc thi: thi sáng tác mẫu sản phẩm nghề và làng nghề, thi hát Đồng dao, múa Thiên cẩu, thi cờ tướng, hát hò khoan, chơi bài chòi, câu lạc bộ thơ Đường, viết Thư pháp, lễ hội ẩm thực; tái hiện một số sinh hoạt truyền thống trong dân gian, trình diễn giới thiệu võ thuật.

- Đối với các nghệ nhân: Khảo sát, lập hồ sơ phân loại nghệ nhân ở Hội An (tên, tuổi, năng lực sự cống hiến…); khai thác vốn văn hóa truyền thống của các nghệ nhân; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc nắm giữ và có công bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể ở Hội An.

- Gắn các sinh hoạt văn hóa phi vật thể với di tích và các địa điểm truyền thống như: Tổ chức tết Nguyên Tiêu, cúng giỗ tổ Tiền hiền của cộng đồng tại các hội quán; lễ vía Quan Thánh Đế Quân tại Quan Công miếu; lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ở hội quán Phước Kiến; các lễ hội của làng ở đình làng, đền miếu của làng… Lồng ghép trình diễn hát bội, bài chòi tại một số di tích trong các dịp lễ tết.

- Tổ chức trưng bày, giới thiệu về Di sản Văn hóa Hội An thông qua bảo tàng chuyên đề, các hình thức cố định, lưu động và giao lưu văn hóa quốc tế: Trưng bày các phát hiện mới về khảo cổ, về lịch sử, nghệ thuật.

- Sưu tầm hiện vật cho bảo tàng; bảo quản hiện vật, trưng bày bảo tàng, triển lãm; xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia.

- Xây dựng Trung tâm dữ liệu thông tin về Di sản Hội An.

- In ấn, làm phim, phục chế, sáng tác, quảng bá. Đây là hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch hữu hiệu. Cần có hình thức hỗ trợ, khuyến khích kinh doanh thương mại điện tử. Việc in ấn sản phẩm quảng bá cũng có thể kết hợp kinh doanh một phần…

- Nghiên cứu, chọn lựa và đề xuất xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để trình công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

- Duy trì phát triển các đề án: Hội An thành phố văn hóa, Hội An thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch…

6. Nhóm giải pháp quy hoạch đô thị nông thôn vùng di sản và phát triển làng nghề

- Khu vực nông thôn, vùng đệm:

+ Cải tạo nâng cấp hạ tầng cơ sở xã hội và kỹ thuật, cải tạo môi trường cảnh quan, đầu tư phát triển các nghề truyền thống để tăng sản phẩm cho xã hội và đưa vào chương trình tham quan du lịch phục vụ khách.

+ Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tại xã Cẩm Thanh, phục vụ du khách đến tham quan du lịch và thưởng thức những món ăn đặc sắc nhất của Hội An. Ven các sông Đế Võng, sông Hoài, ven biển cần xây dựng một số khu du lịch sinh thái đặc trưng để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch.

+ Nghiên cứu mở rộng khoanh vùng bảo vệ Khu phố cổ Hội An.

+ Quy hoạch “vành đai xanh - vùng đệm” xung quanh phố cổ.

+ Đầu tư bảo tồn một số hạng mục vùng ven, như bảo tồn các làng nghề truyền thống, các lò gốm cổ, xưởng nghề mộc...

- Đối với các làng nghề thủ công truyền thống:

+ Giải pháp về cơ chế pháp lý: Cần có giải pháp về cơ chế pháp lý để bảo tồn cảnh quan một số làng nghề, làng quê. Mỗi khu vực bảo tồn làng quê, làng nghề truyền thống cần áp dụng quy chế riêng hoặc theo các quy hoạch chi tiết riêng.

+ Giải pháp phát triển bền vững về môi trường: Đánh giá tác động môi trường tại các làng nghề kết hợp với quy hoạch phát triển làng nghề.

+ Giải pháp phát triển nguồn nhân lực: Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, việc đào tạo phải gắn với việc giải quyết việc làm cho người lao động. Ban hành chính sách tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi của các nghề, thực hiện các chính sách xã hội đối với các nghệ nhân, thợ giỏi. Tổ chức việc giữ nghề và truyền nghề của các nghệ nhân lão thành cho lớp trẻ, bồi dưỡng thế hệ kế tiếp. Tạo điều kiện cho nghệ nhân mộc, nề được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

+ Giải pháp về cung cấp nguyên liệu: Hình thành một hệ thống tiêu chuẩn nguyên liệu cho làng nghề và hệ thống cung cấp nguyên liệu cho mỗi làng nghề trên cơ sở tham gia tự nguyện và tự kiểm soát của các thành viên tham gia theo mô hình hợp tác xã.

+ Giải pháp về thị trường sản phẩm: Đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu chung cho tất cả các làng nghề.

+ Giải pháp về vốn: Có chính sách thích đáng để các cơ sở sản xuất có thể tự tích lũy và tìm được nguồn vốn lâu dài. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển làng nghề.

+ Giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển các làng nghề. Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, khuyến khích doanh nghiệp và nhân dân địa phương đầu tư khai thác dịch vụ gia tăng.

+ Giải pháp về mặt bằng sản xuất: Điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển của thành phố Hội An, trong đó dành quỹ đất nhất định đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề gắn với du lịch. Chú trọng tới mục tiêu phát triển làng nghề trong tổng thể phát triển bền vững của thành phố.

+ Giải pháp bảo tồn gắn với phát triển bền vững: Có giải pháp đưa mỗi làng quê, làng nghề truyền thống thành một điểm du lịch văn hóa, sinh thái, vừa giúp du khách trải nghiệm, hiểu hơn về làng nghề, về nghề truyền thống, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng và địa phương. Vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch và chia sẻ lợi ích của cộng đồng.

- Đối với Khu Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An:

Triển khai nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An:

+ Nghiên cứu lịch sử văn hóa, đa dạng sinh học trên rừng dưới biển.

+ Nghiên cứu xây dựng bảo tàng đa dạng sinh học đảo - biển.

+ Bảo tồn các công trình kiến trúc, các khu di chỉ và khảo cổ học.

+ In ấn, làm phim, phục chế, sáng tác, quảng bá…

7. Nhóm giải pháp về nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản

+ Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn di tích, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di tích, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, những người làm công tác bảo vệ di tích ở địa bàn xã, phường…

+ Đầu tư cho việc phát huy những đặc trưng văn hóa ở các xã, phường để mỗi xã, phường đều có những giá trị văn hóa tiêu biểu nhằm khai thác, thúc đẩy ngành kinh tế dịch vụ - du lịch phát triển đồng đều trên toàn thành phố. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tồn di tích; tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
 
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây