Yếu tố biển trong quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An

Thứ ba - 29/09/2020 03:55
1. Biển và việc quy hoạch không gian Đô thị cổ

Không phải ngẫu nhiên mà giáo sĩ người Ý, C.Borri, từ đầu thế kỷ XVII đã xem Hội An là một “hải cảng đẹp nhất” trong số hơn 60 hải cảng ở Đàng Trong mà ông ta từng đến. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một môi trường lý tưởng: Là nơi các con sông hợp lưu để đổ ra Cửa Đại, tạo nên hệ thống giao thông đường thuỷ hết sức thuận lợi; nằm ở ven sông lại gần cửa biển, lại có sự che chắn của Cù Lao Chàm... thật hiếm có nơi nào để xây dựng một cảng thị hàng hải ngoại thương tuyệt vời hơn thế!
Chính biển, cũng như môi trường cửa sông - ven biển, là yếu tố quyết định vị trí, hướng quay, quy mô,... của đô thị Hội An. Đồng thời, mối quan hệ này cũng tạo ra một hệ quả tưởng như nghịch lý nhưng hoàn toàn hợp lý, đó là: Phố cảng Hội An tuy có vị thế quay lưng với biển nhưng vẫn luôn hướng về biển, luôn có tầm nhìn thoáng mở về biển, cả trong quá khứ lẫn hiện tại vẫn vậy.

2. Yếu tố biển trong kiểu dáng kiến trúc Đô thị cổ

Nhìn trên mặt bằng tổng thể, đô thị cổ Hội An có hình như chiếc võng, hai đầu thuôn dần về hai hướng Đông - Tây. Chiều cao của những công trình kiến trúc chỉ từ 4,5m đến 13m và không quá 3 tầng. Các ngôi nhà mọc san sát bên nhau và do độ cao không đồng đều đã tạo nên những mái ngói nhấp nhô như những biến tấu sóng nước giàu nhịp điệu.
         
Bờ nóc của các công trình kiến trúc, nhất là các di tích tôn giáo - tín ngưỡng, thường tạo dáng cong võng như những con thuyền. Bờ hồi của kiến trúc Hội An cũng vậy, những đường cong mềm mại đã được tạo dáng trang trí hết sức phong phú. Hãy nhìn lên mái phố cổ, có thể hình dung như những con thuyền (được tạo thành bởi những bờ nóc) đang nhẹ nhàng lướt trôi trên sông biển (do mái ngói, bờ hồi kết hợp).

Biển đã hiện hữu rõ nét trong không gian ngoại thất kiến trúc Hội An không phải do ngẫu nhiên hay vô thức mà là sự ảnh hưởng, hoà quyện tất yếu giữa kiến trúc và môi trường.

3. Yếu tố biển trong trang trí kiến trúc Đô thị cổ
         
Trong các công trình kiến trúc đầy ắp nghệ thuật trang trí trong lòng đô thị cổ, các đề tài có liên quan đến biển chiếm tỉ lệ rất nhiều:
         
Trước hết, đó là những “đôi mắt cửa” đầy uy nghiêm, được gắn trang trọng ngay trên lối đi của mỗi công trình. Đây là hình ảnh có nhiều yếu tố tương đồng với “đôi mắt” ghe thuyền khá phổ biến ở vùng Trung - Nam bộ trong quan niệm tín ngưỡng: đương đầu với cái xấu, cái ác để bảo vệ sự an lành, hạnh phúc và định hướng cho sự vươn lên, phát triển...
         
Đó là hình tượng “con cá chép được trang trí dưới nhiều hình thức đa dạng: trên vì “vỏ cua”, trên các chỗ giao nhau giữa kèo và cột, trên các bức vách, trên các phù điêu sơn son thếp vàng,... và được tạo hình như đầu máng xối, miệng phun nước rất ngộ nghĩnh trong những cơn mưa. Cá chép trong đề tài “song ngư”, “lý ngư vọng nguyệt” hoặc trong điển tích “cá chép hoá rồng” cũng xuất hiện trên nhiều trong các công trình kiến trúc cổ.
         
Đó còn là hệ sinh vật biển phong phú được chạm trổ công phu trên các bàn thờ như tôm, cua, cá, mực, sò, rùa, rong tảo,… trong những hoạt cảnh sinh động. Ngoài ra, những bức tranh phù điêu cỡ lớn thể hiện các đề tài “Bát Tiên quá hải”, “Thiên Hậu độ thế”,... càng làm sắc màu biển cả thẩm thấu sâu đậm trong nội thất kiến trúc Hội An.

Biển không chỉ xuất hiện đậm đặc trong trang trí kiến trúc, biển còn in sâu dấu ấn trong các biểu tượng thờ tự: Tượng Thiên Hậu Thánh mẫu (Vị nữ thánh bảo hộ các thương thuyền, thương nhân trên suốt hải trình mậu dịch); tượng Phục Ba Tướng quân (Vị tướng chinh phục sóng gió, bảo vệ con người trên mênh mông biển cả); mô hình thương thuyền Hoa Nam (loại phương tiện giao thương hàng hải nổi tiếng thời bấy giờ của vùng Đông Á) đang được người Hoa sùng bái và thờ tự tôn nghiêm tại các hội quán Phúc Kiến, Ngũ Bang, Quảng Triệu, Triều Châu.
         
Là một đô thị vùng sông - biển như Hội An, yếu tố biển ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đối với phong cách trang trí kiến trúc như trên cũng là điều dễ hiểu.  
     
4. Biển và việc thích nghi với môi trường của kiến trúc Đô thị cổ
         
Hội An nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam song chịu sự tác động khắc nghiệt hơn của khí hậu duyên hải vùng Trung Trung bộ. Biển đem lại cho con người những nguồn tài nguyên vô tận nhưng biển cũng gieo cho cư dân ven biển nhiều tai ương quái ác.
         
Như mọi cư dân khác từng bao đời sống chung với biển, người Hội An đã biết tạo dựng cho mình một lối kiến trúc theo hình khối, không gian mở, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa công trình kiến trúc với môi trường xung quanh.
         
Quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An là một phức hệ thống nhất của các cá thể kiến trúc được làm bằng các loại vật liệu bền chắc, đứng san sát bên nhau, nương tựa vào nhau để sẵn sàng chống chọi với bão lũ. Mái nhà được lợp ngói âm dương rất dày, độ dốc lớn cũng để bảo vệ con người sống bên trong trước bão tố cuồng phong.
         
Nhờ bết kết hợp trong việc chọn lựa vị trí, địa hình, chọn lựa hướng quay chủ đạo hết sức lý tưởng và có những giải pháp kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu như bức xạ mặt trời, nhiệt độ, độ ẩm không khí, chế độ gió, mưa,... mà đô thị cổ Hội An bao đời nay vẫn soi mình duyên dáng, nên thơ xuống dòng nước sông Hoài, vẫn vững vàng tồn tại trước bao thử thách khắc nghiệt của tự nhiên. Chính biển đã quy định tính thích nghi trong kiến trúc đô thị cổ Hội An như thế.

Biển và môi trường sông nước nói chung có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển đô thị - thương cảng quốc tế Hội An ngay từ thời trung đại. Sự hợp lưu các dòng sông Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò,... cùng với Cửa Đại - Biển Đông là một hệ thống giao thông đường thuỷ vô cùng thuận lợi, nhờ vậy mà Hội An đã nhanh chóng trở thành một đô thị - thương cảng quốc tế phát triển thịnh đạt.      
         
Yếu tố biển đã thể hiện rất rõ nét trong kiến trúc đô thị cổ. Dù chủ nhân là người Việt, người Hoa hay người Nhật, biển vẫn là yếu tố hiện hữu dưới nhiều sắc độ khác nhau trong các công trình kiến trúc của họ. Từ không gian ngoại thất với mái ngói, bờ nóc, bờ hồi,... đến các đề tài, mô típ trang trí nội thất; từ các biểu tượng thờ tự tín ngưỡng đến các giải pháp kiến trúc, yếu tố biển đã trở nên hết sức phổ biến trong đô thị cổ Hội An.     
         
Dù đã qua rồi một thời vàng son trong vai trò là một cảng thị ngoại thương quốc tế phát triển rực rỡ nhất ở Đàng Trong, Hội An hôm nay vẫn tiếp tục được biển ban tặng nguồn tài nguyên quý giá với những dải cát mịn, những bãi tắm xanh trong, những cù lao hoang sơ, thơ mộng, những tổ yến sào,... Hội An vẫn là chốn “hội thuỷ, hội nhân” và vẫn giữ vai trò giao lưu quốc tế thông qua hoạt động du lịch, thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị,...

Hội An đã chịu ơn biển rất nhiều, đã quá nặng nợ với biển từ quá khứ, cả trong hiện tại và tương lai sau này cũng thế. Cần tiếp tục hành xử một cách có văn hoá với biển, chung sống hài hoà với biển và phát huy những lợi thế của biển trong phát triển kinh tế - xã hội.
 

Tác giả: Trần Ánh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây