Nghệ nhân Lê Phú Hải với nghệ thuật tuồng ở Hội An

Thứ năm - 13/08/2020 23:08
Nghệ thuật tuồng là một hình thức diễn xướng dân gian gần gũi, phổ biến và quen thuộc với các thế hệ cư dân Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung. Trước đây, ở Hội An cũng có một số đoàn tuồng được thành lập, trong đó tiêu biểu là đoàn nghệ thuật tuồng ở Thanh Hà.
DSCN7335
 
Nghệ nhân Lê Phú Hải trình diễn tuồng trong lễ hội Đêm rằm phố cổ (14 âm lịch) tại số nhà 106 Bạch Đằng

Theo hồi cố của các bậc cao niên tại địa phương, đoàn nghệ thuật tuồng ở  Thanh Hà - Hội An được hình thành vào khoảng năm 1958-1959 tại Nam Diêu, với tên gọi là Đoàn nghệ thuật tuồng Cẩm Hà, do ông Đằng thành lập, ông Nguyễn Thiệt làm trưởng đoàn. Trong lịch sử tồn tại, có lúc đoàn tuồng phải dừng hoạt động trong thời gian dài. Nhưng với tinh thần muốn phát triển phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, giữ gìn di sản văn hóa của ông cha để lại, bao thế hệ diễn viên nghệ thuật tuồng ở Thanh Hà kế tiếp nhau bảo tồn bộ phận di sản có giá trị này cho quê hương Hội An.

Bên cạnh tên tuổi của những người đi trước, ông Lê Phú Hải - người con của vùng đất Nam Diêu - Thanh Hà, đã nối nghiệp ông cha và quyết tâm theo đuổi nghề cho đến hiện nay vẫn còn đang thực hành bộ phận di sản văn hóa phi vật thể này.

Ông Lê Phú Hải sinh năm 1950, từ năm 10 tuổi, ông đã theo cha là ông Lê Hảo - sinh năm 1913, quê quán Nam Diêu, Thanh Hà, Hội An là thành viên trong Đoàn nghệ thuật tuồng Cẩm Hà đi diễn nhiều nơi. Ngoài diễn phục vụ tại địa phương, đoàn tuồng này còn tham gia diễn ở Cẩm Kim, Cẩm Châu, Trà Quế, Điện Phương - Điện Bàn…, chủ yếu diễn trong lễ hội cầu an đầu năm, khánh thành đình làng, nhà thờ tộc họ… Do có đam mê nghệ thuật nên từ nhỏ ông Hải đi theo cha, nhìn cha diễn rồi tự học, những điểm nào khó thì được cha chỉ bảo. Đến năm 17 tuổi, ông đi thoát ly tham gia cách mạng. Sau năm 1975, ông trở về quê hương và tham gia trong đoàn tuồng của địa phương. Tuy nhiên, với nhiều lý do, đoàn tuồng hoạt động đến năm 1986 thì ngừng hẳn. Mãi đến năm 2003, khi Hội Người cao tuổi phường Thanh Hà phát động khôi phục phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, đội tuồng phường Thanh Hà được thành lập gồm có 12 người, trong đó có ông Hải và em trai ông (ông Lê Khiêm, nay đã mất). Trong thời gian đầu, ông Hải là người đi tìm kiếm diễn viên - những người có khả năng trong lĩnh vực này để cùng tham gia trong đội tuồng của địa phương. Trong đoàn tuồng, ông Hải đảm nhiệm vai chính trong các vở diễn, ngoài ra ông luôn sát cánh cùng anh em để động viên, chỉ ra các động tác sai, chưa phù hợp vì trong diễn tuồng thì vũ đạo là rất quan trọng. Nhằm duy trì và phát triển đoàn, đồng thời để tạo nguồn thu cho hoạt động, ông Hải chủ động đi đến các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Hội An để đăng ký tham gia trình diễn nghệ thuật tuồng, ông đã liên hệ với khách sạn Pacific (trên địa bàn phường Cẩm Châu) để phục vụ diễn tuồng hàng đêm. Nhưng sau đó được khoảng 5 năm thì đội tuồng Thanh Hà không duy trì hoạt động nữa. Từ năm 2005, ông Hải và vợ là Hồ Thị Hoa (sinh năm 1967, cũng là diễn viên tuồng) đã liên hệ với Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An để tham gia cộng tác viên trình diễn nghệ thuật tuồng phục vụ khách tham quan trong Khu phố cổ cho đến hiện nay.

Trong quá trình thực hành nghề, giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, ông Hải và vợ tham gia dạy lớp năng khiếu tuồng, tại số 31 Nguyễn Thái Học. Lớp có 14 em theo học, trong đó có con gái ông là Lê Hồ Hoàng Yến (sinh năm 2003), hiện nay có tham gia trình diễn nghệ thuật tuồng biểu diễn phục vụ trong “Đêm rằm phố cổ”.

Theo ông Hải, đối với nghệ thuật tuồng, trước tiên đòi hỏi người thực hành phải có tố chất và đam mê nghệ thuật. Về kỹ thuật hát, diễn viên hát tuồng ngoài chất giọng bẩm sinh, cần phải học tập, rèn luyện qua quá trình lâu dài. Bản thân ông Hải từ nhỏ đã đi theo cha để học hỏi những kỹ thuật vũ đạo, kỹ năng diễn xuất tuồng. Trong suốt quá trình thực hành, ông không ngừng tìm tòi sách vở, tự học hỏi kinh nghiệm diễn xuất của những người đi trước để có những kỹ năng, sáng tạo riêng khi biểu diễn trước công chúng.

Nghệ thuật tuồng là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống vô cùng độc đáo, pha lẫn giữa tính hàn lâm nghệ thuật và dân gian truyền khẩu, mang tính ước lệ tượng trưng cao. Người thực hành trước tiên phải có vốn hiểu biết về lý thuyết, tức là phải nắm được bố cục tuồng, học thuộc câu chữ, lời lẽ đối thoại của những vở tuồng được soạn sẵn, các động tác tuồng cơ bản. Theo đó, ông Hải cho biết, qua thời gian thực hành nghề, ông đã tích lũy được những kinh nghiệm, kỹ năng để linh hoạt trong việc sử dụng vốn từ, kỹ năng hát, điệu bộ... để ứng biến phù hợp khi diễn xuất trên sân khấu, tạo được nhiều cảm xúc cho người xem (nhất là đối với vai chính).

Trình diễn tuồng là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa vũ đạo và hát. Múa tuồng chính là những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống hàng ngày của con người trong xã hội nhưng được nâng lên thành nghệ thuật bởi tính ước lệ và khuếch đại, với những nguyên tắc nghiêm ngặt: hành động bên trong, bên ngoài của nhân vật phải tương ứng; phải trái phải cân đối; tuỳ theo tính cách, tâm trạng của nhân vật để sử dụng vũ đạo cho đúng. Ví dụ, khi lời nói hoặc câu hát kết thúc thì hành động múa cũng phải kết thúc một cách dứt khoát… Luôn tôn trọng khán giả, khi ra bộ, tuyệt đối không được chỉ tay trực tiếp xuống khán giả mà phải đưa ngang. Mỗi loại nhân vật của tuồng lại có một lối diễn khác nhau, chính diện thường ngay thẳng, cương trực, đi đứng đàng hoàng, còn phản diện thì gian xảo, láo liên, uốn éo... Để trở thành diễn viên đứng biểu diễn trên sân khấu, đòi hỏi ông Hải phải nắm được những yếu tố cơ bản đó.

Với những tri thức, kỹ năng nghệ thuật trong lĩnh vực di sản văn hóa phi mà bản thân ông Hải đang nắm giữ, ông đã được các cơ quan báo chí có nhiều bài viết đánh giá là người có công gây dựng, vực dậy nghệ thuật tuồng ở Hội An, vốn đã bị mai một và đứng trước bờ vực thất truyền.

Đến nay đã trên 50 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, mặc dù bản thân ông không được đào tạo qua trường lớp nhưng dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và truyền dạy từ cha ông và những người đi trước, thêm vào đó là sự yêu nghề cùng tài năng vốn có và những kinh nghiệm, tri thức được tích lũy qua thời gian, nên hiện tại dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn gắn bó, đam mê với nghề. Trong quá trình hoạt động, tuy có lúc gián đoạn nhưng ông đã cùng một số bạn diễn, đặc biệt là vợ và con gái là những bạn diễn hỗ trợ ông xuyên suốt trong nhiều năm qua vẫn duy trì đoàn tuồng và biểu diễn phục vụ du khách, người dân địa phương tại khu phố cổ vào tối 14 hàng tháng. Với những đóng góp của ông Lê Phú Hải trong việc gìn giữ, duy trì nghệ thuật tuồng đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bộ phận di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của Hội An./.
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây