Nhà tranh tre ở làng Thanh Hà

Chủ nhật - 19/07/2020 21:26
Thanh Hà là một làng được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Trong tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định được biên soạn dưới thời vua Gia Long, làng Thanh Hà được tác giả nhắc đến như sau: “…1.135 tầm, phía nam dọc theo sông, phía bắc có dân cư rất trù mật, đến bến đò sông Thanh Hà, sông rộng 69 tầm, nước sâu 2 tầm, trong và ngọt, từ đây đi ngược lên thì đến ruộng đồng xã Cổ Lưu là hết, xuôi xuống dưới thì hợp lưu với sông lớn.
… 742 tầm, bên nam chạy dọc theo phù sa của sông, bên bắc là dân cư xã Thanh Hà, dân ở đây chuyên làm nghề đúc gạch ngói, làm lò gốm và nấu vôi trắng, đến nền cũ miếu Bát Vị, ở địa phận xã Thanh Hà”.
Cư dân làng Thanh Hà làm nhiều nghề như ngói, gạch, làm đồ gốm... Làng cũng có nghề đánh cá, trong đó cư dân ấp Cồn Động chuyên nghề làm cá, nghề nông thì chiếm một nửa của làng. Theo hồi ức của các vị cao niên phường Thanh Hà, trước đây người dân địa phương chủ yếu ở trong các ngôi nhà tranh tre, rất ít người có điều kiện xây nhà gạch kiên cố, ngay cả đối với những người sản xuất gạch ngói trong làng gốm Thanh Hà. Trước năm 1960, nhà tranh tre chiếm số lượng lớn, nhà rường có số lượng rất ít. Tuy vật liệu xây dựng của 2 loại nhà có khác nhau nhưng bố cục tổng thể ngôi nhà và bố trí công năng không có nhiều khác biệt, gồm 4 phần như sau: nhà chính; nhà phụ (nhà ngang); các công trình phụ và hàng rào, cổng ngõ, sân vườn.

Nhà chính thường nằm giữa khuôn viên, kết hợp với các công trình phụ trợ tạo thành bố cục tổng thể hoàn chỉnh của ngôi nhà. Nhà chính có quy mô lớn nhất, hướng nhà chính là hướng của toàn bộ ngôi nhà. Tùy theo vị trí, kích thước khu đất, địa hình và ý muốn của gia chủ mà nhà có thể xoay theo nhiều hướng khác nhau, không nhất thiết phải xoay theo hướng Nam theo kinh nghiệm dân gian. Nhà chính có các kiểu thức: nhà 1 gian 2 chái, nhà 3 gian 1 chái, nhà 3 gian 2 chái (còn gọi là nhà tam gian nhị hạ hoặc 3 căn 2 hè), nhà 3 gian dựng thêm gian chái sát vách phía sau nhà chính (tận dụng vách sau để tiết kiệm vật liệu), dùng làm gian bếp và kho chứa thóc, vật dụng. Điểm chung là các nhà này đều không có hiên, cửa chống sập bằng cây chống. Nhà có chái thì có khu đĩ ở đầu hồi. Nhà thường làm thấp để hạn chế tác động của gió bão.  

Để làm nền nhà, người dân chở xỉ lò (xỉ than) ở làng gốm về, trộn với đất sét làm đất nền, rồi “nỏ” cho nền nhà được chắc hơn. Khi phần nền nhà hoàn tất, có thể tiến hành dựng khung nhà. Hệ khung nhà toàn bộ làm bằng tre, mái lợp tranh. Gia đình kinh tế khó khăn thì lợp tranh rạ, hộ nào khá hơn thì lợp tranh sen. Với cột tre, phần gốc chôn xuống nền đất. Vì kèo ghép bằng hai đoạn tre liên kết với cột. Kèo tre: phía dưới là gốc, trên là ngọn; những đoạn tre đẹp, tốt hơn được chọn làm bộ kèo gian chính giữa. Đòn đông: gốc ở hướng Đông (hướng quy ước, tức phía bên trái nhà theo hướng từ trong nhìn ra). Những năm 1960 trở về sau, có gia đình dùng gỗ núi (như gỗ sơn, lim) để làm hệ khung chịu lực chính (cột cái, kèo, trính, xiên) tương tự hệ khung nhà rường. Ở một số nhà có hai hàng cột gian giữa là cột gỗ, chân cột đặt trên đá táng. Có lẽ vì các cột này nằm chính giữa nhà, vị trí đẹp nhất, trên cột thường có treo liễn đối (để trang trí trước gian thờ) nên các cột này được đặt trên đá táng cho thêm phần thẩm mỹ, trang trọng. Trong khi đó hai hàng cột còn lại ở phía trước và sau, dù là cột gỗ đi nữa thì chân cột cũng chôn xuống đất.
         
Nền nhà bằng đất sét nện, lớp mặt trên cùng trộn đất sét với tro rồi đầm chặt. Với gia đình khá giả thì nền nhà lót gạch thẻ, tuy nhiên không nhiều. Nền nhà cao khoảng 2 - 3 bậc so với nền sân (sân đất hoặc lát gạch thẻ). Vách bao che là các tấm phên tre. Phổ biến nhất là sử dụng tấm phên tre hoặc ốp thêm tấm tranh phía bên ngoài phên tre để chắn gió. Phên được trét phân trâu hoặc trét dầu rái để bảo quản, chống mối mọt và trám trít các kẽ hở, kín gió hơn. Nhà ở những khu vực cao, ít chịu tác động lũ lụt, phên vách làm bằng cốt tre, đắp đất sét. Khu đĩ không làm kiên cố, có thể phá dỡ được dễ dàng khi nước lụt dâng cao để thoát hiểm.

Về mặt bằng sinh hoạt: Gian chính giữa nhà chính đặt bàn thờ gia tiên. Bệ thờ đóng bằng gỗ hoặc tre, hình thức đơn giản, gia đình nào khá giả thì đóng tủ thờ kiểu cách cầu kỳ hơn. Phía trước bàn thờ bố trí một bộ bàn gỗ, bàn tre hoặc phảng gỗ, trên phảng đặt cái tợ, để bộ trà dùng để tiếp khách. Hai gian bên bố trí giường ngủ, để các vật dụng. Trong nhà chính còn có một tủ gỗ đựng đồ. Với nhà 3 gian có bếp ở chái sát phía sau nhà chính, một gian bên bố trí giường ngủ, gian bên còn lại trổ lối đi ra phía sau.

Thông thường, nhà có thêm một dãy nhà ngang, vuông góc với nhà chính, quay mặt vào sân trước. Phần lớn nhà ngang nằm sát về phía bên trái (theo hướng từ trong nhà nhìn ra), tuy nhiên không nhất thiết bố trí theo quan niệm “Đông trù tây mạng”, bởi nhiều nhà có chái nằm bên phải, tùy vào khu đất. Hệ khung chịu lực nhà ngang: kèo tre (đôi), chỉ có cột ở vách chứ không có cột ở giữa nhà, chân cột chôn xuống nền đất. Nền nhà bằng đất nện. Nhà ngang là nơi ngủ nghỉ, diễn ra các sinh hoạt gia đình.
         
Bếp đa số được bố trí gộp chung trong nhà ngang hoặc phía sau chái sát nhà chính (với kiểu nhà chính 3 gian). Nhà có khuôn viên rộng rãi thì bếp nằm ngoài, tách biệt nhà ngang, cũng bằng tranh tre. Để đề phòng hỏa hoạn, vách phên quanh bếp trét đất sét trộn với rơm, vỏ trấu; hoặc lấy gạch chồng xung quanh bếp. Trong gian bếp có thờ ông Táo.

Cổng vào nhà thường nằm đối diện gian bên phải nhà chính (theo hướng từ trong nhà nhìn ra), trụ cổng có thể chỉ đơn giản dựng bằng cột tre hoặc trồng hai cây xanh thân gỗ. Hàng rào bằng cây bụi hoặc trồng chè tàu, dâm bụt, có nhà để trống không làm hàng rào, có nhà trồng cọc tre. Ít nhà trồng chè tàu vì phải mất công cắt tỉa. Hàng rào trồng tre là nhiều vì dễ trồng, lấy tre đó làm nhà, làm chuồng gia súc, đan các vật dụng trong gia đình (rổ, nong, nia…), làm giàn cho dây bầu bí leo, ủ lá để bón khoai, lấy nhánh để cắm chói trồng đậu tây, khổ qua. Hơn nữa, tre giữ đất, không bị sạt lở trong mùa mưa lụt. 

Sân nằm phía trước nhà chính, thường được mở rộng sang cả phía trước nhà phụ. Nền sân bằng đất nện hoặc lát gạch thẻ, dùng phơi nông sản (lúa, đậu phộng, bắp…). Khoảnh sân vườn trước nhà có thể có trồng cây cảnh.   

Trước đây nhà không có công trình vệ sinh. Hầu như nhà nào cũng có chuồng nuôi gia súc, gia cầm, tùy vào thế đất mà chọn vị trí phù hợp, thường nằm một bên hoặc phía sau nhà chính, cách một khoảng xa để tránh mùi hôi. Riêng với nhà ở trong làng gốm Thanh Hà, do khuôn viên nhỏ hẹp cũng như điều kiện về ngành nghề nên người dân ít có chăn nuôi.

Do sau này kinh tế phát triển, các vật liệu xây dựng mới phong phú, đa dạng, người dân chọn xây nhà gạch thay cho nhà gỗ, tranh tre. Đến nay, các ngôi nhà tranh tre không còn nữa, không chỉ riêng ở Thanh Hà mà còn ở các địa phương khác ở Hội An. Hiện nay, để xây dựng được ngôi nhà tranh tre bền, chắc, đẹp thì lại tốn rất nhiều tiền của và công sức. Ở một số khu nghỉ dưỡng sang trọng phục vụ khách du lịch, nhà tranh vách đất được phục dựng để tạo không gian xưa, gợi nét hoài cổ. Việc lưu giữ, bảo tồn nhà tranh tre cũng như kỹ thuật, tri thức dựng nhà là điều cấp thiết, cần được quan tâm đúng mực hơn.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (2008), Kỷ yếu Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, Công ty cổ phần In và Dịch vụ Quảng Nam.

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây