Tri thức dân gian về y dược gắn với biển đảo ở Hội An

Thứ hai - 10/08/2020 08:07
Cư dân biển đảo địa phương Hội An và các vùng lân cận không chỉ tìm thấy ở biển đảo một kho thực phẩm phong phú vô hạn mà còn dần dà phát hiện ra ở biển đảo nhiều loại nguyên liệu, sản vật có tác dụng chữa bệnh và những cách thức trị bệnh, phòng bệnh dân gian gắn với môi trường biển đảo. Những tri thức này phong phú không kém kho tri thức cùng loại thuộc các địa bàn, môi trường truyền thống khác như rừng núi, trung du, đồng bằng, vốn là những địa bàn gốc của y dược dân gian nói riêng, y dược nói chung. Dân gian nhiều quốc gia phương Đông từ lâu đời đã hình thành ý niệm, niềm tin về việc đi vào rừng núi để tìm các loại lá thuốc, dược liệu chữa bệnh; điển hình là Trung Hoa với nhiều truyền thuyết về tục lên núi tìm lá thuốc. Nhiều loại dược liệu quý hiếm mang tính chữa bá bệnh, trường sinh bất lão thường được cho là tìm thấy trên núi như Thiên Sơn tuyết liên (bông sen tuyết trên núi Thiên Sơn); nhân sâm ngàn năm, sừng tê giác ngàn năm… Bên cạnh những ý niệm truyền thống này, tại địa phương Hội An và nhiều địa phương có biển đảo còn lưu truyền những câu chuyện về chuyện vượt biển để đi đến chốn bồng lai tiên đảo tìm thuốc trường sinh bất lão. Trong cộng đồng những người dân biển đảo ở đây từ lâu đã hình thành niềm tin về một thế giới thần tiên ở biển Đông, ở vương quốc Thủy tề, Bồng đảo nơi có những vị tiên có khả năng cải từ hoàn sinh, cho thuốc cứu người qua khỏi tật bệnh, kéo dài tuổi thọ và trên thực tế người dân ở đây cũng đã khám phá ra nhiều vị thuốc, phương thuốc chữa bệnh từ biển cả.
Trước hết người dân ở đây đã biết được tác dụng to lớn của nước biển, cát biển, không khí trong lành của biển đối với sức khỏe và một số bệnh ngoài da, phong thấp, suy nhược, bệnh đường hô hấp, viêm xoang, gai cột sống… Từ tri thức này đã hình thành một phong trào đi biển vào buổi sáng, buổi chiều của đông đảo người dân địa phương nhằm bảo vệ sức khỏe, rèn luyện thân thể, chữa trị nhiều loại bệnh bằng phương pháp tắm biển, chôn người trong cát, phơi nắng, đi bộ dọc bờ biển…

Dược tính của nhiều loại nguyên liệu, sản vật, rong tảo, cây lá từ biển đảo cũng đã được phát hiện và sử dụng để chữa trị khá nhiều chứng bệnh trong điều kiện khó khăn, khan hiếm về thuốc thang và thiếu các thầy thuốc chuyên nghiệp. Tuy chỉ mới sưu tầm trong phạm vi hẹp tại Hội An và thời gian sưu tầm ngắn nhưng chúng tôi cũng tập hợp được khá nhiều cách chữa bệnh dân gian bằng các nguyên liệu, sản vật lấy từ biển đảo, điều này chứng tỏ kho tri thức y dược gắn với biển đảo rất phong phú, đa dạng, chắc chắn sẽ gây bất ngờ thú vị một khi được sưu tầm, tập hợp đầy đủ.

Để chữa chứng đau dạ dày, ho ra máu, hen suyển người dân biển lấy nang mực (loại mực nang lớn) mài thành bột hòa nước uống. Vỏ bào ngư, nhất là loại có 9 lỗ (cửu khổng bào ngư) đem đốt, tán thành bột dùng chữa mụt ngọt, tiêu độc. Còng biển nấu với rau bồ ngọt (rau ngót) rau vịt chữa được chứng kiết lỵ. Máu ba ba biển, đồi mồi (rùa biển có mai cứng dùng làm đồ mỹ nghệ) có tác dụng bổ âm, người ta thường lấy huyết của chúng nấu cháo hoặc nấu thành đông sương dùng chữa chứng huyết hư ở phụ nữ. Mai của ba ba, đồi mồi đem đốt, tán thành bột dùng chữa lỡ loét, mụn nhọt. Cá ông lụy (cá voi) sau ba năm cải táng dân biển thường xin mấy đốt xương, được gọi cung kính là “ngọc cốt” để dành đốt chữa các chứng đau khớp, nhức mỏi, đau lưng. Khi Ông lụy giạt vào bờ người ta thường lấy một ít chất nhờn (long đàm) trong miệng cá gói cất dùng để chữa chứng khó sinh, hiếm con ở phụ nữ. Loại cá lược, một giống cá mập, trên đầu có phần sụn giống hình chiếc lược, dân biển lấy chiếc lược này phơi khô, tán thành bột dùng uống chữa hen suyển rất hiệu quả. Một số loại hải sản như bào ngư, hải sâm, cá ngựa… được dùng ngâm rượu nhằm tăng cường sức khỏe, chống nhức mỏi, yếu sinh lý. Thịt một số loại cá được cho là bổ dưỡng, giúp người bệnh chóng hồi phục như cá thu, cá mú, cá chim, cá cu. Tôm Huỳnh đế cũng được cho là rất bổ dưỡng vì vậy thường dành cho người bệnh hoặc những trẻ còi cọc, chậm lớn. Sứa biển là món ăn có tác dụng bồi bổ cơ thể, mát gan, xanh tóc.

Vi cước cá (loại sợi sụn lấy từ vi của cá mập và một số loại cá biển), tổ chim yến là hai loại thực phẩm biển có hàm lượng dinh dưỡng cao, từ lâu đã được sử dụng làm món ăn để bồi bổ sức khỏe cho người bệnh chữa chứng suy nhược cơ thể, yếu sinh lý, chống lão hóa da chữa các bệnh về tỳ vị, phổi. Tổ yến huyết còn được dùng để chữa những trường hợp phụ nữ khó sinh. Dân địa phương cho rằng phụ nữ khó sinh lấy tổ yến huyết, nếu tổ còn cả con chim mẹ bị chết dính vào thì càng công hiệu, đặt lên bụng sản phụ thì sẽ sinh được nhanh.

Nhiều loại thực vật, cây cỏ vùng biển cũng được dùng để chữa bệnh. Các loại mứt biển, rong biển được dùng nấu canh, nấu cháo chữa các bệnh nóng gan, cảm sốt, suy nhược hoặc để bồi bổ sức khỏe cho người bệnh. Rau muống biển, loại rau mọc nhiều dọc các bờ biển, đem chặt nhỏ, phơi khô nấu uống chữa phù thủng, đau bụng kinh niên. Lá rau muống biển tươi vò nát xoa vào chỗ bị sứa đụng vào sẽ bớt ngứa, không bị phồng rộp da. Cây rau đắng biển nấu nước uống chữa chứng cao huyết áp hoặc nấu tắm cho trẻ em để chữa sài ghẻ. Cây dứa biển lấy rễ và quả đem phơi khô, nấu uống hàng này chữa bệnh yếu thận, nóng gan, tiêu khát (tiểu đường). Đặc biệt cây dứa biển mọc ở các vách đá ở Cù Lao Chàm có dược tính cao, được khai thác nhiều để sử dụng tại chỗ và bán cho du khách. Ngoài ra ở các cánh rừng tại Cù Lao Chàm từ lâu đời người dân địa phương đã phát hiện nhiều loại cây thuốc có dược tính cao hơn trong đất liền nên được ưa chuộng và bán với giá cao hơn các vị thuốc cùng loại ở các nơi khác như hà thủ ô trắng (bạch thủ ô), ngũ gia bì, sâm núi… Tại các vạt ruộng dưới chân núi Cù Lao Chàm, nơi giao nhau giữa nước mặn và nước ngọt đã sản sinh nên một số loại cây cỏ và được sử dụng làm vị thuốc như cỏ chân vịt (sa sâm, sâm cát) dùng chữa cảm sốt, ho, sưng phổi rất hiệu nghiệm, cỏ sài hồ chữa cảm, sốt rét…

Một số kinh nghiệm mang tính y dược gắn với biển cũng được tích lũy và lưu truyền phổ biến trong cộng đồng. Khi đau ốm người ta không ăn các loại cá gúng, cá ngừ, cá nhám, cá chuồn, cá kình… vì cho rằng thịt của các loại cá này không lành, có thể bẻ người (làm uể oải, nhức mỏi, lâu lành bệnh). Khi ra biển, để chống say sóng thì ngậm một lát gừng với ít hột muối; khi lặn dưới biển để chống lạnh thì uống một vài ngụm nước mắm. Khi cứu người bị đắm thuyền uống nhiều nước biển suýt chết thì không cho uống nước ngọt ngay để tránh sốc nước, lạ nước có thể dẫn đến tử vong. Khi bị đẻn cắn thì dùng mọi phương tiện (đốt lửa, gõ son nồi…) để giúp cho người bị nạn không chìm vào giấc ngủ, nếu ngủ thì sẽ không bao giờ tỉnh dậy. Lại có tục dùng đuôi cá đuối hoặc chiếc nẻ ở đuôi cá (một chiếc gai lớn ở giữa đuôi cá, là vũ khí lợi hại để cá tự vệ, chiếc gai này đâm phải thì sẽ rất đau nhức, có khi dẫn đến chết người do chất độc ở gai tiết ra) đem treo ở đầu nôi của trẻ nhỏ để trừ tà và trị chứng khóc đêm (khóc dạ đề)… Để thấy được tác dụng thực tế của những kinh nghiệm này hãy đọc ý kiến sau của giáo sĩ Alexande De Rhode: “… Tôi tưởng nên kể ở đây một bí quyết tuyệt diệu giáo dân Đàng Trong dạy tôi để không bị đau dạ dày khi đi biển. Thực ra không bao giờ tôi đi biển mà không bị chứng đó hoành hành trong năm, sáu ngày đầu. Thấy tôi quặn đau, người ta mách tôi một liều thuốc rất hiệu nghiệm. Bệnh này là do thuyền tàu chòng chành hoặc hơi khí biển bốc lên. Đây là liều thuốc: mổ bụng con cá lớn lấy mấy con cá con trong đó, đem rán lên, rắc chút hồ tiêu và ăn trước khi bước xuống thuyền. Thế là tức khắc dạ dày cứng cát khẻo mạnh, đi biển mà không núng.”[1]

Như trên đã nói do mọc ở môi trường biển đảo, hấp thụ ánh nắng, hơi nước biển và thổ nhưỡng vùng đảo đá nên nhiều loại cây lá ở Cù Lao Chàm có dược tính cao và từ lâu đã được phát hiện, khai thác để chữa bệnh. Đây cũng là một cách ứng phó tích cực khi điều kiện vể thuốc thang, thầy thuốc chuyên nghiệp ở đây rất khan hiếm. trước đây ở cùng đảo Cù Lao Chàm chỉ có một vài thầy lang địa phương và chủ yếu là dùng thuốc Nam tại chỗ, muốn dùng thuốc Bắc phải vào mua ở đất liền, Dưới đây là một số phương thuốc chữa bệnh ở Cù Lao Chàm:

- Mát gan, tiêu thực: là khế, bồ ngọt,rau trai, lá quế hương, ké, sâm đất, ké trằng, trì tà, từ bi, sả, bù đường, ngũ gia bì, bồ đề, hà thủ ô phơi khô, nấu nước uống.

- Tri phong: lá chạc chìa, sanh, dây gắm, lá dúi, bươm bướm, ngà voi trắng, bù lời, cỏ xước, ngủ ngày (trinh nữ)… phơi khô sắc uống.

- Trị ghẻ: lá ổi, thầu đâu (xoan núi), rau đắng núi nấu tắm

- Kiết lỵ: dây lăng, dây cật ngựa nấu uống hoặc lá sơn dĩ, ổi, xiên, đinh lăng nấu uống.

- Phù thận: lá từ bi, riềng, gốc sây, xác cau nấu uống hoặc lá lợp phơi khô sắc uống.

- Thổ tả: đọt ổi non, dây lăng sắc uống

- Cảm sốt: Cỏ mực, cỏ sữa, mè đất, lá lốt, cỏ ban, rau má, dây mỏ, rau răm trời, rau quế, dỏ dẻ, tre, dông nấu nước uống hoặc cạo gió bằng hột gà (trứng gà) hoặc dùng lá trầu, lá bợp bợp (sống đời) giã nhỏ đắp vào trán để hạ sốt, hoặc dùng con cua hóa thạch, đổ nước sôi ra dĩa rồi mài uống.

- Đau lưng: Vỏ cây khế chua cạo bỏ lớp phấn ngoài rồi xắt lát, sao khử thổ (sấy khô trên bếp lửa rồi hạ nồi xuống cho tiếp xúc với đất để nguội)

- Sốt rét: lá thanh cao (thanh hao) sắc uống

- Bong gân: giả gừng với muối sống đắp vào nơi bị bong gân, trặc gân, hoặc giả lá đại tướng quân với muối đắp.

- Đau bụng: lá vú sữa sắc uống, hoặc nhai lá ổi non nuốt, hoặc nhai gừng với muối sống nuốt, ngâm hạt tiêu với rượu uống; vỏ măng cụt sắc uống, lá sơn dĩ nấu uống.

- Ho: lá rau tần sắc uống, quả quýt tắc hấp với đường phèn uống.

- Mụt nhọt: lá gòn, rau muống rừng giã với muối sống đắp      

- Bướu cổ: lá sợp nấu uống

- Bí đái (tiểu): gốc cây chuối già, loại chuối chát, cắt nhỏ sắc uống hoặc phơi khô nấu uống

- Nước tiểu đỏ: lá rau trai dài sắc uống

- Tắt sữa ở sản phụ: lá đinh lăng sắc uống

- Phỏng nước sôi: bôi mỡ trăn vào chỗ phỏng

- Trúng gió: gừng giã nhỏ trộn với nước tiểu trẻ em cho uống

- Sanh con xổ lòng: lá bẹ nấu uống hoặc uống nước tiểu con nít buổi sang khi chưa bước xuống đất, hoặc rang muối xông. Giã gừng ngâm rượu xát vào mặt rồi hơ lửa than, tỏi ngâm rượu bóp chân tay.

- Bị dời đái: lá bồ ngọt (rau ngót) giã đắp

- Hen suyễn: Mồng năm tháng năm âm lịch bắt thằn lằn (thạch sùng) nuốt

- Cầm máu: thuốc rê đắp; phấn của bẹ dừa, mạng nhện; phấn bẹ cây đủng đỉnh; hành mọi giã, lá thầu đâu giã đắp hoặc dùng than trong bếp nghiền nát đắp. Lại có tục, nếu bị chảy máu trong lúc cấp thời cứ quơ tay về sau lưng bứt đại lá gì cũng được, nhai đắp vào vết thương để cầm máu.

- Tít cắn: lấy thịt, máu con tít đó đắp lên vết thương

- Chó cắn: lấy cám đắp vào rồi dùng dao liếc qua liếc lại ba lần .v.v…

Ngoài ra tại Cù Lao Chàm có một loại lá Lao được gom góp từ nhiều loại lá hái trên núi, đem chặt nhỏ, phơi khô dùng nấu nước uống, có tác dụng tiêu thực, mát gan, thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị được nhiều chứng bệnh về thời tiết, phong độc… Trước đây những sản phụ sau sinh thường dùng để chống phù thủng, giúp ăn được ngủ được, chắc bụng, săn da. Vào dịp tết Đoan Ngọ mồng năm tháng 5 âm lịch, lá Lao được bày bán nhiều nơi ở chợ Hội An. Nhiều người mua lá Lao để dùng uống cả năm. Hiện nay lá Lao là một đặc sản có tác dụng chữa bệnh được bày bán phổ biến ở Cù Lao Chàm và có sức tiêu thụ cao. Có thể nói, lá Lao là một sản phẩm thể hiện sự phát triển của tri thức dân gian về y dược gắn với môi trường biển đảo. 
 
Tài liệu trích dẫn:

[1] Alexandre De Rhode, Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr 93.
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây