Một vài hình thức trấn yểm ở Hội An

Chủ nhật - 16/08/2020 21:18
“Xu cát tị hung” (mong điều lành, tránh điều xấu) là tâm lý phổ biến của con người từ ngàn đời nay. Ai cũng có mong ước được sinh tồn, được thụ hưởng những điều phước lành, tốt đẹp, đồng thời luôn tìm cách loại trừ, tránh xa những nhân tố gây ảnh hưởng đến sinh mạng, mưu cầu sự giúp đỡ để kéo dài sự sống và phát triển lớn mạnh. Để đạt được mong muốn đó, trong văn hóa phương Đông, người ta thường thờ cúng các đối tượng gây hại để không tiếp tục bị hại; dựa vào thế lực khác để phủ dụ, che chở không bị gây hại; vận dụng các yếu tố ngũ hành, phong thủy để có giải pháp khắc chế, … Một trong những phương pháp thường dùng là sử dụng vật trấn yểm với mong muốn biến “hung” thành “cát”.
Trấn yểm (hay trấn ếm, ếm đối) là việc “dùng bùa phép ngăn chặn ma quỷ hay điều xui xẻo[1]. Trấn trạch: “giữ nhà, chống ma quỷ, chống việc xui xẻo[2]. Yểm là việc “áp, ếm, trừ dẹp cho yên. Yểm phù: dùng bùa trấn ếm... Yểm trừ: dùng bùa chú trừ tà, yểm trừ ma quỷ[3]. Mục đích trấn yểm nói chung có thể phân chia thành hai loại: loại trấn áp trừ tà cầu mong điều tốt lành và loại gây tai họa cho người khác. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến các hình thức trấn yểm mang mục đích, ý nghĩa tích cực.

Trấn yểm là việc làm đã có từ xa xưa và được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, khu vực. Trấn yểm có liên quan chặt chẽ với những quy định trong phong thủy. Ngay từ thời thượng cổ, con người đã chú ý đến những ảnh hưởng của tự nhiên tác động đến đời sống nên tiến hành lựa chọn vị trí sinh hoạt một cách với niềm tin rằng, một vị trí địa lý tốt về mặt phong thủy đảm bảo cho gia đình được êm ấm hạnh phúc, việc làm ăn phát đạt, xã hội phát triển, cuộc sống bình an. Phong thủy tốt sẽ giúp giảm thiểu được tai họa, gia tăng sự thành công và may mắn, trái lại một vị trí nếu có khuyết điểm về phong thủy thường mang lại nhiều trở ngại và bất ổn trong cuộc sống. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan tác động, rất nhiều trường hợp không thể lựa chọn những vị trí phù hợp phong thủy, con người vì muốn tránh rủi ro, điều không may có thể xảy ra nên sử dụng trấn yểm để điều chỉnh hay hóa giải những khuyết điểm phong thủy ấy. Ngay cả khi đã nằm ở vị trí đắc địa, con người vẫn lo lắng đến những thế lực tà ma, những yếu tố bất lợi ngẫu nhiên mang đến, cho nên việc sử dụng các biện pháp trấn yểm sẽ giúp họ gia tăng cảm giác an toàn, yên tâm làm ăn, sinh sống.

Ở Việt Nam, trấn yểm là việc khá phổ biến trong dân gian. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều người tin rằng những việc như xóm làng gánh chịu thiên tai; gia đình thường xuyên gặp điều bất trắc, làm ăn không phát đạt… cần phải có biện pháp để hóa giải. Tại Hội An, các hình thức trấn yểm cũng được sử dụng từ lâu đời, hơn nữa còn mang tính giao lưu của các nền văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của nhiều vùng miền, quốc gia.  

Người xưa từng xây dựng công trình kiến trúc để trấn yểm, đó là Chùa Cầu. Khi đến Hội An, Chùa Cầu là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, gồm cây cầu có mái che bắc ngang qua một lạch nước, gắn liền với cầu ở hướng Bắc là một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế (tức Bắc Đế Trấn Vũ) mà người dân địa phương quen gọi là “chùa”. Quan sát kiến trúc di tích, có thể đoán được vì sao di tích có tên gọi như vậy, tuy nhiên ngoài chức năng cầu nối giao thông, nơi thực hành tín ngưỡng, di tích còn có chức năng trấn yểm. Chùa Cầu tương truyền do người Nhật xây dựng, vì vậy nó còn được gọi là cầu Nhật Bản. Và “… Tương truyền cầu ban đầu do người Nhật xây dựng, ngoài chức năng giao thông qua – lại một con lạch lớn còn mang một hàm ý sâu xa nhằm trấn yểm thủy quái với hình ảnh chiếc cầu giống một thanh đoản kiếm đâm xuống lưng một con Cù – quái vật có đầu ở Ấn Độ, lưng ở Hội An, đuôi nằm Nhật Bản, nó thường hay gây tai họa cho con người (lũ lụt, động đất…). Sau đó, để yên tâm hơn, người Hoa cùng người Việt đã lập miếu, thỉnh ngài Bắc Đế Trấn Võ ở phương Bắc về thờ. Ngài còn có tên là Huyền Thiên đại đế, mặt đỏ dữ tợn, tay cầm con rắn, chân đạp trên con rùa, tư thế luôn sẵn sàng diệt thủy quái – con Cù để che chở cho người dân nơi đây”[4]. Có thể nói, đây là công trình trấn yểm quy mô nhất và quan trọng nhất ở khu phố cổ Hội An.

Tại mỗi công trình kiến trúc cũng thường có các hình thức trấn yểm (trấn trạch). Loại hình trấn trạch phổ biến ở Hội An là dùng vật khí mang tính biểu tượng như gương vẽ hình bát quái, nhánh xương rồng… treo tại một số vị trí trong công trình kiến trúc mà người ta tin rằng nó có thể ngăn chặn được điềm xui rủi. Ở các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là với các di tích tín ngưỡng của người Hoa, Minh Hương, phía trước tiền đường thường đặt tượng một cặp linh thú (lân, sư tử,…) bằng đá, ở hai bên lối vào chính. Chúng là vật trấn yểm theo phong thủy để trừ tà, tránh điềm xấu, vận hạn cho gia chủ, đón vượng khí.

Khi tham quan phố cổ, du khách sẽ thấy nhiều ngôi nhà gỗ có gắn đôi mắt cửa ngay trên đầu cửa đi chính giữa nhà. Mắt cửa có hình dáng, màu sắc đa dạng. Nhiều mắt cửa được chạm hình lưỡng nghi (âm dương) ở phần tâm; phần vành bao quanh chạm hình bát quái. Ngoài chức năng là chi tiết kiến trúc, mắt cửa còn có chức năng trang trí và mang yếu tố tâm linh (tín ngưỡng vạn vật hữu linh, có ý kiến cho rằng mắt cửa còn gắn với tín ngưỡng thờ Môn thần của người Hoa). Có thể xem mắt cửa như một vật trấn trạch, giúp tránh không cho tà ma xâm phạm vào nhà, giúp gia chủ tránh được hoạn nạn, rủi ro, làm ăn thất bát, có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc trang hoàng nhà cửa, đình, miếu… người ta còn hay dựng cây nêu ở phía trước. Theo quan niệm của người xưa, hàng năm cứ đến dịp này là Quỷ hay ghé thăm, quấy nhiễu, do đó phải trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Cây nêu là biểu tượng của sự trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng. Cho đến nay, hoạt động mang ý nghĩa tâm linh này vẫn được duy trì và phát huy ở Hội An.

Ngoài các hình thức kể trên, người xưa còn sử dụng bia đá để trấn yểm. Với những ai hay lang thang trong các con ngõ, hẻm trong khu phố cổ, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp một vài tấm bia yểm bằng đá với kích thước khiêm tốn. Như ở tường rào nhà thờ tộc Lê Doãn (số 44/20 Phan Châu Trinh), phía trước, hai bên cổng vào (cổng chính) có hai tấm bia đá gắn trong tường rào, khắc chữ Hán, quét vôi màu trắng. Phía trước bia bên trái (theo hướng từ trong nhà nhìn ra) còn có bia sa thạch, khắc chữ Hán, hình vẽ, chữ[5] trên bia bị bong mờ, không đọc được thật sự rõ ràng nhưng có thể khẳng định là bia yểm. Trước các bia đều có đặt nồi hương để thờ cúng rất tôn nghiêm. 

Hay như ở mặt ngoài tường biên phía Bắc (tiếp giáp góc cua đường kiệt bê tông) của nhà số 19 Lê Lợi có tấm bia đá nhỏ hình chữ nhật, gắn vào hốc tường (phía sau nhà), phía trên vẽ hình đầu thú (hổ?), phía dưới khắc 3 chữ: 石 敢 當 (Thạch Cảm Đương) khiến nhiều người tò mò về ý nghĩa của nó. Đây là hình thức trấn yểm do người Hoa mang sang khi đến làm ăn buôn bán tại Hội An. Thạch Cảm Đương (nghĩa là hòn đá có khả năng chống lại mọi thứ), tên đầy đủ là “Thái Sơn Thạch Cảm Đương”. Vào thời xa xưa, người Trung Quốc tin rằng đá của núi Thái Sơn có sức mạnh tâm linh và thần thánh. Theo truyền thuyết, vào thời nhà Hán, Hán Vũ Đế đã lên núi Thái Sơn, mang về bốn hòn đá, đặt bốn góc của cung điện để chống lại các thế lực tà ác, đem lại phước lành cho đất nước. Dần dần, người ta xem nó như một vị thần có khả năng trừ tà, trấn thủy, tránh tai họa, cầu bình an[6]. Người dân Trung Quốc hay đặt bia[7] này trong nhà, trên tường hoặc tại các con đường, ngã ba có xung đột phong thủy để hạn chế tai ương, trừ tà.

Một tấm bia đá được nhiều người biết đến ở Hội An với nhiều câu chuyện được thêu dệt lưu truyền phổ biến một thời trong dân gian, đó là bia yểm nằm trong gốc đa cổ thụ, sát vỉa hè nhà số 98 đường Phan Châu Trinh, phường Cẩm Phô. Che chở, bảo vệ tấm bia là am thờ nhỏ xây gạch. Có người cho rằng những hình vẽ trên tấm bia là sơ đồ kho báu; hay tấm bia do người Nhật dựng, liên quan đến việc xây dựng và tồn tại của Chùa Cầu, dùng để trấn yểm con Cù. Không ai rõ cây đa do ai trồng và được trồng khi nào, cũng như lai lịch tấm bia trong hốc cây. Trong tài liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện vào năm 1941-1943, tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, khi viết về làng và phường Cẩm Phô có nhắc tới tấm bia yểm nhưng rất ngắn gọn như sau: “Sau đình[8] có một tấm bia, tuyên truyền bia ấy là một đạo bùa để trấn thủy. Hình như hồi trước ở làng này thường bị thủy tai hay sao”. Điều đó chứng tỏ, ngay tại thời điểm đó cũng rất ít người dân địa phương biết rõ về tấm bia yểm, chỉ nói chung chung là bia “trấn thủy”. Dựa theo nội dung được khắc trên văn bia và dòng chữ Hán có nội dung “Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự vĩ yểm thủy đạo”, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đây là tấm bia yểm thủy đạo, cải hóa những yếu tố bất lợi của phong thủy đối với vùng đất cư dân đang sinh sống. “Xưa kia, khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Phan Chu Trinh đoạn từ lạch Chùa Cầu về phía Tây là cồn đất với bốn bề sông nước, phía Bắc cồn đất này là một vũng nước lớn nhận nước từ Rọc Gốm và khe Ồ Ồ đổ về. Trong mùa lụt, lượng nước đổ về rất mạnh tạo ra sức tàn phá lớn đối với cồn đất. Vì vậy, cư dân địa phương dùng hình thức trấn yểm bằng bia đá để cầu mong sự bình an[9]. Bên trong am thờ, những người dân sống lân cận đặt bát hương để thờ cúng. Trên thân cây còn có khám thờ âm linh càng làm bia yểm tăng thêm vẻ huyền bí.

Thuyết phong thủy cũng cho rằng, nếu người chết được chôn ở nơi đất có phong thủy tốt thì sẽ truyền được phúc đức cho con cháu đời sau. Vì vậy, nghĩa trang, mồ mả cũng được áp dụng các hình thức trấn yểm để đảm bảo mộ huyệt bình an, hóa giải điều bất lợi. Do đó, khi tham quan các ngôi mộ cổ ở Hội An, sẽ thấy phía sau một số ngôi mộ dựng một tấm bia đá nhỏ khắc hai chữ: 后 土[10]. Đấy là bia Hậu Thổ, một hình thức trấn yểm ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Hậu Thổ là nữ thần[11], xuất phát từ việc sùng bái đất đai và phụ nữ trong văn hóa thờ cúng tự nhiên trong xã hội mẫu hệ. Vì Trung Quốc là một quốc gia dựa vào nông nghiệp từ thời cổ đại, và từ lâu đã có tư tưởng "trời sinh, đất dưỡng", do đó hình thành nghi thức tôn thờ trời và đất. Bà Hậu thổ thống trị núi sông, đất đai kết hợp với Ngọc Hoàng đại đế, người chủ trì trên trời. Từ thời Đường, Tống đã hình thành nên phong tục tế bái thần Hậu Thổ khi xây mộ, thắp hương mộ hay cử hành tang lễ. Thần Hậu Thổ có hai chức năng chính, một là bảo hộ huyệt mộ bình an, hai là có chức năng như vị thần dẫn đường thông báo mỗi khi người nhà đến cúng bái người chết. Thần Hậu Thổ huyệt mộ có tính chất tư hữu, nghĩa là sau khi đã sử dụng mảnh đất này để mai táng người chết thì vị thần Hậu Thổ này cũng thuộc về gia tộc người chết. Vì thế, thần Hậu Thổ huyệt mộ có rất nhiều phân thân, trở thành vị thần của riêng tộc đó.   

Nhiều người cho rằng trấn yểm là những điều mê tín, u muội, tìm kiếm sự an ủi trong lòng khi đối diện khó khăn, tai ương trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, trấn yểm có thể được xem như một hình thức tín ngưỡng dân gian. Vật trấn yểm đại diện cho sự tồn tại của thế lực thần linh, là vật trung gian kết nối giữa thần linh và con người, truyền tải khao khát, ước vọng của con người trong cuộc sống. Vật trấn yểm dù ở bất kì hình thức nào cũng đều là di sản của người xưa để lại và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó là công cụ cụ thể hóa tâm lý và tinh thần của con người, thể hiện những mong ước giản đơn và cơ bản đó là cầu mong bình an, tốt lành, tránh xa những điều bất trắc, xấu xa. Chức năng của trấn yểm mang tính tích cực, hỗ trợ thêm cho cuộc sống, mang lại sự bình tĩnh, an yên cho lòng người (cũng có loại bùa yểm dùng để hại người, mang tính tiêu cực, tuy nhiên không nhiều người sử dụng với mục đích xấu này).

Tuy rằng trấn yểm mang đậm màu sắc tâm linh nhưng đã thể hiện mạnh mẽ những ước vọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, vật trấn yểm cũng góp phần bổ sung vào những giá trị nghệ thuật cho khu phố cổ Hội An. Ngoài ra, do hàm chứa bên trong bối cảnh và ý nghĩa văn hóa nhất định, vật trấn yểm trở thành một trong những cầu nối quan trọng để tìm hiểu về quan niệm tín ngưỡng và văn hóa dân gian của người dân Hội An, cũng như cung cấp bằng chứng về mối quan hệ giao lưu rộng rãi của nhiều nền văn hóa trên mảnh đất này.

* Phụ lục ảnh:

Chua cau 1

Chùa Cầu

bia h u th m ông Ðô d c h Nguy n, p Thanh hà 1

Bia hậu thổ mộ ông Đô đốc họ Nguyễn phường Thanh Hà


bia y m Th ch c m duong
 
Bia Thạch cảm đương 

bia y m th y d o

Bia yểm thủy đạo

Bia y m tru c nhà s 44 20 Phan Châu Trinh
 
Bia yểm trước nhà số 44.20 Phan Châu Trinh

* Tài liệu trích dẫn và chú thích:
 
[1] Viện ngôn ngữ (2007), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển bách khoa, trang 1316.
 
[2] Viện ngôn ngữ (2007), sđd, trang 1316.
 
[3] Viện ngôn ngữ (2007), sđd, trang 1475.
 
[4] UBND  thành phố Hội An (2015), Di tích – danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng, trang 105.
 
[5] Chính giữa bia theo chiều dọc có khắc ba chữ Hán. Chữ đầu tiên có thể là chữ 勅 (sắc), chữ thứ hai là魂 (hồn) hoặc鬼 (quỷ), chữ cuối là 鎭 (trấn).
 
[6] Nguồn tham khảo: 鹿军士, 天下奇石:赏石文化与艺术特色, 现代出版社(Lộc Quân Sĩ (2014), Thiên hạ kì thạch: Thưởng thạch văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, Nxb Hiện Đại).
 
[7] Bia yểm “Thạch Cảm Đương” có hình thức khác nhau ở những nơi khác nhau, có loại tròn, có loại kèm phù điêu như hình đầu sư tử và đầu hổ ở phía trên, hoặc kèm theo hình bát quái. Một số bia không có trang trí, chỉ khắc 3 chữ "石 敢 當". 
 
[8] Đình được nhắc tới ở đây là đình Cẩm Phô.
 
[9] Võ Hồng Việt (2013), Cây đa bia yểm thủy đạo đường Phan Chu Trinh, bài đăng trên website: https://hoianheritage.net
 
[10] Trong chữ tượng hình cổ đại ban sơ, chữ Hậu (后) đại diện cho tư thế ngồi xổm để sinh nở của người phụ nữ, chữ Thổ (土) đại diện cho bộ ngực của phụ nữ, và từ Hậu cũng là cách xưng hô của vị nữ tộc trưởng đại diện cho xã hội gia tộc mẫu hệ, do đó về sau, thần Hậu thổ được cúng bái như một vị thần nữ.

Trong thần thoại Đạo giáo, tên đầy đủ của vị thần Hậu thổ là “Thừa Thiên Hiệu Pháp Hậu Đức Quang Đại Hậu Thổ Hoàng Địa Chi”, xếp thứ tư trong Lục ngự/Tứ ngự (Tôn thần) của Đạo giáo, là vị nữ thần cai quản việc sinh nở âm dương, sông núi đất đai, là vị thần bảo hộ nông nghiệp, đất đai. Nguồn tham khảo: https://zhuanlan.zhihu.com/p/40637513
https://baike.baidu.com/item/%E5%90%8E%E5%9C%9F/2786798
 
[11] Hầu hết ý kiến cho rằng Hậu thổ là nữ thần. Tuy nhiên, có một số ít ý kiến khác cho rằng Hậu thổ là nam thần. Ông là thổ địa tại một địa phương, khu vực nhất định. Thần thì ở trên cao nên người dân thường tin hơn vào Chúa đất (thổ địa). Ông không chỉ chịu trách nhiệm về việc sản xuất nông nghiệp địa phương, mà còn quản lý phong thủy và can thiệp vào số phận của Âm và Dương trong dân gian. Nguồn tham khảo: https://zhuanlan.zhihu.com/p/40637513

Tác giả: Hoàng Phúc - Lệ Thương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây