Hiện tại, có nhiều thuật ngữ khác nhau được dùng để chỉ bộ phận kiến trúc được gọi là vì vỏ cua, vì trính chồng trụ đội. Người Huế gọi vì vỏ cua là vì thừa lưu, người Nam bộ gọi là vỏ cư, vỏ quy. Vì trính chồng trụ đội có các tên gọi khác là vì thảo bạc, vì chồng rường giả thủ hay vì chồng rường, kèo Nhật Bản.
Vì trính chồng trụ đội có cấu tạo gồm các thanh gỗ (trính) có độ dài không bằng nhau, đặt song song cách đều nhau theo thứ tự ngắn dần về nóc. Chúng được liên kết với nhau bằng những trụ gỗ đứng (trụ đội) có kích thước gần bằng nhau. Trụ đội có mộng liên kết với các trính tạo thành thế vững chắc để đỡ các đòn tay mái. Khác với vì trính chồng trụ đội, vì vỏ cua có cấu tạo cong vồng lên để đỡ đòn tay mái vòm, được làm từ tấm gỗ nguyên khối, hai đầu kèo có mộng liên kết với cột. Qua khảo sát, đã phát hiện số lượng khá lớn di tích trong khu phố cổ Hội An có bộ vì kèo cấu tạo theo kiểu vỏ cua và trính chồng trụ đội.
Vì vỏ cua: Bước đầu thống kê được 17 di tích trong khu phố cổ Hội An có vì vỏ cua. Những di tích này chủ yếu tập trung ở các trục đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực phía đông của đường Nguyễn Thái Học. Trong các công trình kiến trúc là kiểu nhà 2 tầng, vì vỏ cua được phân bố tại mái hiên của nhà trước, sát với đường phố như nhà số 46, 52, 66 đường Nguyễn Thái Học; số 04, 06 đường Nguyễn Thị Minh Khai và số 80, 127 đường Trần Phú hoặc mái hiên của nhà đông nhìn ra sân trong như nhà số 96 Trần Phú.
Trong các công trình kiến trúc là nhà kiểu 1 tầng, vì vỏ cua nằm tại các vị trí: Hiên trước của nếp nhà trước, tiếp giáp với đường phố (nhà số 38 đường Trần Phú), hiên sau của nếp nhà trước, giáp với sân trời (nhà số 41, 101 đường Nguyễn Thái Học, nhà số 77 đường Trần Phú).
Tại các công trình nhà 1 tầng là di tích tín ngưỡng như nhà thờ tộc họ thì vì vỏ cua nằm ở vị trí sát hiên hoặc hiên của công trình (nhà thờ tộc Nguyễn Tường, tộc Đinh). Đặc biệt, tại Hội quán Hải Nam, vì vỏ cua phân bố ở hiên trước chính điện, tiếp giáp với phương đình; tại Hội quán Phúc Kiến, nằm ở hiên của nhà Đông và nhà Tây.
Ở Hội An, kiểu vì vỏ cua thường kết hợp với vì trính chồng trụ đội để tạo nên giá trị thẩm mỹ cao của công trình kiến trúc (nhà số 41, 101 - Nguyễn Thái Học; nhà số 77, 96 - Trần Phú, nhà thờ tộc Đinh, tộc Nguyễn Tường).
Tại một số di tích, vì vỏ cua chỉ được bố trí ở hai vì giữa, ở hai bên không có. Vì vậy, đầu đòn tay được đỡ bởi tường hồi và phía trên tường hồi, các nghệ nhân đã đắp giả vì vỏ cua hình con dơi bằng vữa vôi (nhà số 46 - Nguyễn Thái Học). Những vì vỏ cua được phát hiện ở trong khu phố cổ Hội An có thể chia thành các dạng sau: Song ngư ngậm dải lụa, Dơi ngậm tiền, Hoa cúc - mây cuộn, Ngọc như ý - dải lụa, Dải lụa - đồ án bát bửu, Cành mai - chữ thọ, Thú vật - hoa dây, Rồng dây, Hai con sư tử quay vào dơi ngậm giỏ hoa mẫu đơn.
Trên đây là những dạng vì vỏ cua có các đề tài trang trí được chạm thủng và tạo dáng theo dáng của vì để đỡ đòn tay. Ngoài ra, tại một số di tích khác (nhà thờ tộc Đinh và nhà số 38 Trần Phú), các đề tài trang trí chỉ chạm khắc ở mặt bên của vì.
Nếu như hầu hết các di tích có vì vỏ cua thuộc duy nhất một dạng đề tài trang trí thì vì vỏ cua ở nhà số 96 Trần Phú có sự hội tụ nhiều đề tài trang trí gồm ngọc như dải lụa, hoa cúc - mây cuộn, dơi ngậm tiền. Vì vỏ cua ở di tích trong khu phố cổ được làm từ tấm gỗ nguyên khối có chiều dài từ 1,00 - 1,20m, rộng 0,80 - 1,00m, dày 0,10m.
Vì trính chồng trụ đội: Cũng như vì vỏ cua, vì trính chồng trụ đội xuất hiện khá phổ biến trong các di tích ở Khu phố cổ Hội An. Kiểu vì kèo này chủ yếu nằm trong các di tích ở đường Trần Phú, đặc biệt là các hội quán và nhà thờ tộc họ. Và nó cũng chỉ xuất hiện chủ yếu ở loại nhà 1 tầng.
Trên bình diện tổng thể của công trình kiến trúc, kiểu vì trính chồng trụ đội nằm ở các vị trí sau: Đối với các di tích nhà ở hoặc nhà ở kết hợp với thờ tự tổ tiên, vì kèo này nằm ở phía sau nhà trước, tiếp giáp với sân trời và ở hiên nhà trước sát đường phố (nhà số 96, 72 Trần Phú).
Đối với các di tích là nhà thờ tộc họ, hội quán, đình, miếu, vì trính chồng trụ đội chỉ xuất hiện ở nếp trước của công trình. Vì trính chồng trụ đội trong khu phố cổ Hội An có thể chia thành các kiểu: Chồng rường 2 tầng (2 trính 3 trụ đội) và chồng rường 3 tầng (3 trính 5 trụ đội).
Kiểu 3 tầng cũng có những hình thức khác nhau như chồng rường đấu củng (Hội quán Triều Châu, Phúc Kiến, Dương Thương, Quan Công Miếu) hay chồng rường mà trụ đội biến thể thành những đệm gỗ kê các trính chồng lên nhau (tiền sảnh của Dương Thương hội quán). Hầu hết các trụ đội có tiết diện hình tròn, riêng trụ đội của vì chồng rường nhà số 40 Trần Phú có tiết diện hình vuông. Thân trụ đội thon dần về đỉnh trụ, phần dưới phình to và trên phần này được nghệ nhân tạo dáng độc đáo, được trang trí công phu, tinh xảo và có các bông trụ (tai trụ).
Hình thức trang trí trên vì trính chồng trụ đội cũng khá đa dạng. Đầu trính chạm cách điệu hình đầu con cù, thân trính được tạo dáng mềm mại bởi các đường gờ chỉ. Cây trính (rường) dưới cùng thường được chạm khắc trang trí khá độc đáo. Mặt dưới chạm các đồ án bát bửu, hoa, chữ thọ, trúc mai, mai điểu,... mặt bên trang trí hình con dơi.
Trong các công trình kiến trúc ở Khu phố cổ Hội An, kiểu vì vỏ cua và vì trính chồng trụ đội được xử lý khá tinh tế, vừa nhằm giảm bớt tính nặng nề về công năng của các cấu kiện kiến trúc, vừa tạo ra những giá trị thẩm mỹ độc đáo. Thông thường, không gian có hệ vì trính chồng trụ đội, vỏ cua được chủ nhà sử dụng làm nơi tiếp khách, nơi thỏa mãn những nhu cầu của đời sống tinh thần. Phần không gian này kết hợp với những bày trí tại sân trời (bình phong, chậu hoa cây cảnh, hồ cá...) tạo nên một thế giới thiên nhiên riêng của chủ nhà. Những đồ án, đề tài trang trí trên vì kèo dường như phần nào thể hiện những ước mong của chủ nhà trong đời sống thế sự. Sự hiện diện của hai kiểu vì kèo này trong công trình kiến trúc cũng chứng tỏ về khả năng tài chính và địa vị xã hội của chủ nhà. Không kể các ngôi nhà thờ tộc họ, hội quán hay đình miếu, các di tích còn lại có sự hiện diện của vì vỏ cua và trính chồng trụ đội đều thuộc sở hữu của những nhà buôn nổi tiếng ở Hội An trước đây.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền