Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An

Chủ nhật - 16/08/2020 22:27
Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch ở Hội An tọa lạc tại số 80 Trần Phú được hình thành năm 1995 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Bảo tàng hiện đang trưng bày 361 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX -X đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An, phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền Đông - Tây - Á - Âu.
Bao tang Gom su MD

Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch toạ lạc tại địa chỉ 80 Trần Phú

Gian trước bảo tàng trưng bày bản đồ về Con đường gốm sứ trên biển của Thế giới, trong đó chỉ ra các tuyến đường, các điểm dừng mà thuyền buôn chuyên chở gốm sứ đã đi qua. Trên con đường gốm sứ ngang qua vùng biển Đông có điểm dừng tại Hội An và một số thương cảng khác trong khu vực, đây là nơi trung gian nhận hàng và chuyển hàng giữa hai khu vực Đông - Tây của thế giới. Bên cạnh đó là bản đồ một số lò gốm được phát hiện ở Việt Nam và nội dung khái quát về lịch sử nền gốm sứ mậu dịch Việt Nam. Trong đó khẳng định, bắt đầu từ thế kỉ XIV, gốm Việt gia nhập vào thị trường gốm thương mại và phát triển rực rỡ nhất trong thế kỉ XV-XVI. Gốm sứ thời bấy giờ được sản xuất từ các lò gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Hợp Lễ… ở phía Bắc và Gò Sành, Gò Trường Cửu, Gò Hời, Gò Cây Me… ở phía Nam với nhiều sản phẩm gốm có chất lượng cao như gốm men ngọc, gốm men nâu, gốm hoa nâu, gốm men trắng, gốm vẽ lam... Riêng khu vực miền Trung chỉ có gốm sành, không có những lò gốm men, do đó phải nhập đồ sứ từ các nơi khác trong nước. Bước sang thế kỷ XVIII, gốm thương mại Việt Nam đột nhiên vắng bóng trên thị trường thế giới. Trong vòng 4 thế kỷ, gốm thương mại Việt Nam đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các dân tộc (1).

ban do con duong gom su (anh Trung tam)

Bản đồ Con đường gốm sứ trên biển

Phần lớn không gian còn lại của bảo tàng dành cho việc trưng bày các sản phẩm hoặc các mảnh gốm khai quật được từ các di chỉ khảo cổ ở Hội An. Điển hình có các hiện vật thuộc di chỉ Bàu Đà. Đây là một cồn cát được bao bọc bởi các nhánh của sông Cổ Cò, nằm cách Cửa Đại hơn 1km về phía Tây, nay thuộc xã Cẩm Thanh. Kết quả các đợt thám sát và khai quật ở đây đã thu được rất nhiều chủng loại gốm, sứ: Champa, Ả Rập, Đại Việt, Trung Quốc… có niên đại từ trước thế kỷ XV(2). Với lợi thế về vị trí địa lý và số lượng gốm sứ mậu dịch từ Đàng Ngoài, Trung Đông, Trung Quốc… xuất hiện khá nhiều, Bàu Đà chắc chắn đã từng là một trạm dừng đậu tàu thuyền để mua bán, trao đổi, hàng hóa, sản vật suốt trong nhiều thế kỷ.(3)
 
Một địa điểm khác là Trảng Sỏi, cách sông Hội An gần 300m về phía Bắc, là điểm tụ cư buôn bán có liên quan đến khu vực Chiêm cảng xưa và sau này là Đô thị Thương cảng Hội An, ở đây tập trung khá nhiều gốm sứ Trung Quốc, Islam, Việt Nam có niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIV(4). Ngoài ra có di chỉ Thanh Chiếm thuộc phường Thanh Hà đã tìm thấy một số lượng lớn gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc (các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông..), Nhật Bản (Hizen), cùng với đồ gốm đất nung địa phương (Thanh Hà) có niên đại khoảng thế kỷ XVII (5). Bên trong khu vực phố cổ Hội An, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều dấu tích của đồ gốm sứ như là di chỉ hội quán Triều Châu phát hiện đồ gốm sứ Đại Việt thời Lê - Nguyễn, gốm sứ Trung Quốc thời Minh - Thanh, gốm sứ Nhật Bản (HIZEN) và số lượng lớn gốm sành chưa xác định được xuất xứ đều có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX(6). Di chỉ nhà 129 đường Phan Châu Trinh phát hiện nhiều mảnh gốm sứ Nhật (HIZEN), gốm sứ Trung Quốc và gốm sành Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX(7). Di chỉ đình ấp Tu Lễ, di chỉ đình Cẩm Phô khai quật được nhiều mảnh gốm sứ Nhật (HIZEN), gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan và gốm sành Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII(8).

gom sành Vi t Nam Tk 17 18 ( nh Trung tâm)

Gốm sành Việt Nam thế kỷ 17 - 18

Đặc biệt hơn cả, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch trưng bày bộ sưu tập đồ gốm sứ vớt biển được trục vớt từ con tàu đắm cổ vùng biển Cù Lao Chàm. Theo thống kê, có khoảng 240.000 di vật đã được khai quật, trong đó ngoài một số vật dụng, đồ dùng của thủy thủ đoàn với các chất liệu khác nhau, đa phần hiện vật trục vớt được là đồ gốm sứ gia dụng thuộc thế kỷ XV-XVI, có nguồn gốc từ các lò Chu Đậu - Mỹ Xá, tỉnh Hải Dương. Các hiện vật gốm bao gồm nhiều dòng gốm với nhiều loại hình, hoa văn và đề tài trang trí phong phú, hấp dẫn. Con tàu đắm này cùng một số con tàu đắm từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI ở vùng biển Philippines, Indonesia, vịnh Thái Lan và rải rác khắp phía Nam biển Đông là bằng chứng của một nền thương mại và sản xuất sôi động trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
 
khong gian trung bay 2 (anh Minh Ðang)

Không gian trưng bày bên trong bảo tàng

Sự ra đời và phát triển của thương cảng Hội An đã thu hút các tàu buôn nước ngoài, tạo cơ hội quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm thủ công của Việt Nam, trong đó có nghề gốm sứ. Hội An không chỉ là một phần huyết mạch thông thương buôn bán của những con tàu buôn quốc tế, đây còn là nơi các nền văn hóa, tôn giáo đa dạng được kết nối và hòa quyện. Theo dòng thời gian, theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, “con đường gốm sứ” đã thay đổi, chuyển hóa về nhiều mặt. Nhưng những dấu tích, những bằng chứng vẫn còn lưu lại ít nhiều trong sử liệu, trong các bảo tàng và cả trong lòng đất sâu còn chưa khai quật trên khắp Hội An, gợi nhắc một thời quá khứ vàng son của cảng thị cổ này.

Hãy một lần đến với Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch để tìm về các giá trị lịch sử - văn hóa của Hội An, hiểu thêm vai trò quan trọng của Hội An trong mối giao lưu thương mại của khu vực và thế giới vào các thế kỷ trước.

* Tài liệu tham khảo:
 
(1) Khai quật khảo cổ học dưới tàu đắm Cù Lao Chàm - Hội An - Quảng Nam (1997-2000): https://hoianheritage.net/vi/di-san-van-hoa/Di-tich-khao-co/khai-quat-khao-co-hoc-duoi-tau-dam-cu-lao-cham-hoi-an-quang-nam-1997-2000-122.html

(2) (3) Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, Kỷ yếu hội thảo khoa học năm 1995, 2004, Tr 103, 106.

(4) Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, Kỷ yếu hội thảo khoa học năm 1995, 2004, Tr 110, 111.

(5) Kikuchi Seiichi, Nghiên cứu đô thị cổ Hội An, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Tr 77.

(6) (7) (8) Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Di tích Danh thắng Hội An, 2015, Tr 50, 51.
- Ngoại thương và con đường gốm sứ trên biển:  http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3129/11727/ngoai-thuong-viet-nam-va-con-djuong-gom-su-tren-bien.html

Tác giả: Nguyễn Thị Lệ Thương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây