Khai quật khảo cổ học dưới tàu đắm Cù Lao Chàm - Hội An - Quảng Nam ( 1997-2000)

Thứ tư - 28/08/2013 21:54
Theo điều tra của các nhà khảo cổ học Việt Nam, bắt đầu từ khoảng đầu thập kỷ 90, do ngẫu nhiên, các ngư dân ở vùng biển Hội An đã phát hiện ra một con tàu cổ chở đầy đồ gốm Việt Nam bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) khoảng 20km về phía Đông.
        Những đồ gốm cổ bị dính theo lưới đã được mang về bày bán ở các quầy bán lưu niệm trên các phố cổ ở Hội An. Do vẻ đẹp và niên đại cổ kính của chúng, ngay lập tức đã thu hút giới buôn bán đồ cổ và đột ngột tạo nên cơn sốt đồ cổ (thường gọi là đồ biển) sôi động ở Hội An từ năm 1993. Điều đó càng kích thích ngư dân đi vớt đồ gốm của con tàu và vô hình chung tàn phá con tàu nghiêm trọng. Nhiều lưới quét “đặc chủng” dài hàng nghìn mét để cào quét đồ gốm từ độ sâu 70m, hàng vạn đồ gốm bị vỡ nát, hàng nghìn di vật quý bị rơi vào tay bọn buôn đồ cổ và vượt biên giới lưu lạc đi khắp nơi trên thế giới.

        Trước tình hình đó, Bộ văn hóa  - thông tin đã kịp thời có chỉ thị bảo vệ di chỉ. Cơn sốt “đồ biển” dần dần lắng dịu, nhưng sự an toàn của con tàu bị đe dọa bất cứ lúc nào bởi các ngư dân cũng như giới buôn đồ cổ luôn luôn coi đó là nguồn thu và lợi nhuận quan trọng của họ. Việc khai quật con tàu được đặt ra nhưng làm thế nào để khai quật được trong khi mà ở Việt Nam chưa có ngành khảo cổ học dưới nước. Hơn nữa, vị trí con tàu chìm rất sâu (70m dưới biển) đòi hỏi phải có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại cùng các chuyên gia giỏi và nguồn kinh phí rất lớn.

        Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhờ có sự nỗ lực của Bộ văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, giải pháp duy nhất được đặt ra là, chỉ có hợp tác, liên doanh, liên kết theo đúng luật pháp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có thể khai quật được con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm.

        Một Ban khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm được thành lập. Ban khai quật chủ trì cuộc khai quật được tổ chức liên ngành, liên cơ quan bao gồm đại diện của các cơ quan Bảo tàng - lịch sử Việt Nam, Viện khảo cổ học, Bảo tàng - Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở văn hóa - thông tin Quảng Nam (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam), Bảo tàng Quảng Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An), Trung tâm khảo cổ học dưới nước của Đại học Oxtord (Anh), Liên hiệp xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Việt Nam (VISAL), Công ty Saga (Malaxia), Bộ đội biên phòng Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam.

        Trong Ban khai quật, các nhà khảo cổ học Việt Nam sẽ giám sát, theo dõi và tham gia tổ chức khai quật, Đại học Oxford chịu trách nhiệm về việc khai quật khảo cổ học dưới nước, Công ty VISAl chịu trách nhiệm tổ chức nhân sự, tham gia góp một phần phương tiện, tài chính và các chuyên gia, công ty Saga chịu trách nhiệm chính về các phương tiện thiết bị hiện đại, mời các chuyên gia giỏi và toàn bộ kinh phí cho cuộc khai quật.

       Cuối cùng, sau ba năm chuẩn bị thủ tục, ba năm thăm dò và khai quật, cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước con tàu cổ Cù Lao Chàm đến nay đã kết thúc thắng lợi. Dưới đây, xin điểm lại vắn tắt quá trình khảo sát, khai quật, kết quả và một số nhận định ban đầu về kết quả khai quật.
 

         1) Quá trình khảo sát và khai quật con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm:
      Sau một thời gian chuẩn bị thủ tục xin phép, ngày 14 - 2 - 1997, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 680/KGVX thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ  đồng ý để Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, VISAL và Saga tiến hành khảo sát, khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm. Quá trình khảo sát và khai quật được tiến hành trong các năm 1997, 1998 và 1999 bao gồm 6 đợt: 3 đợt khảo sát, 1 đợt tiền khai quật và 2 đợt khai quật.

       1.1) Đợt khảo sát lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 14 - 4 - 1997 đến 19 - 4 - 1997:
       Trong đợt này có 16 thành viên bao gồm các chuyên gia khảo cổ, chuyên gia khảo sát dưới nước ở trong và ngoài nước, các cán bộ biên phòng, an ninh và 3 ngư dân, sử dụng nhiều phương tiện thăm dò hiện đại kết hợp với quan sát bằng kinh nghiệm ngư dân, đã khảo sát trên diện tích khoảng 8km2.

       Tuy nhiên, do dòng chảy quá mạnh, sương mù nhiều, nên đợt khảo sát này chỉ đủ để các chuyên gia làm quen với địa hình khu vực, đánh dấu trên bản đồ được một số điểm nghi vấn để chuẩn bị cho đợt khảo sát tiếp theo.

        1.2) Đợt khảo sát lần thứ hai được tiến hành từ ngày 8 - 5 - 1997 đến ngày 17 - 5 - 1997:
       Trong đợt này, các thành viên vẫn như lần trước, nhưng có tăng thêm phương tiện thăm dò hiện đại hơn (máy quét cạnh, Side Scan Sonar) kết hợp với việc bủa lưới của ngư dân.

       Kết quả lần này thật khả quan. Các thiết bị thăm dò đã tìm được ở tọa độ 1606’30” vĩ tuyến Bắc, 108027’ kinh tuyến Đông một đụn cát dài khoảng 30m, cao 2 - 3m dự đoán đó là điểm đắm của con tàu. Cũng ở khu vực này, lưới và cuộc lặn đầu tiên của 2 chuyên gia Saga đã vớt lên được một số đồ gốm men.

        Một lần nữa, do điều kiện thời tiết khu vực, đợt khảo sát lại tạm dừng để chuẩn bị cho đợt khảo sát thứ ba.

      1.3) Đợt khảo sát thứ ba được tiến hành từ ngày 3 - 6 - 1997 đến ngày 6 - 6 - 1997:
       Đợt khảo sát này nhằm phúc tra lại kết quả của đợt khảo sát lần thứ hai có sự chứng kiến của một số quan chức Nhà nước.

      Kết quả đã xác định lại địa điểm đã được đánh dấu lần trước, các chuyên gia lặn đã thấy được các chồng di vật gốm men nằm xếp nhiều lớp tại khu vực có đụn cát.

     Trên cơ sở kết quả được khẳng định này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, VISAL, Saga đã làm thủ tục xin phép và chuẩn bị cho đợt tiền khai quật.

       1.4) Đợt tiền khai quật tháng 8 năm 1997:
       Để chuẩn bị khai quật, đợt tiền khai quật tháng 8 năm 1997 nhằm mục đích sau đây:
       - Xác định chính xác hơn quy mô tàu đắm. số lượng, chất lượng và sự phân bố của di vật trên con tàu đắm.

      - Tìm hiểu các điều kiện để chuẩn bị cho phương pháp lặn khả thi trong điều kiện con tàu ở độ sâu hơn 70m mà trước đó chưa có cuộc khai quật nào ở độ sâu tương tự trên thế giới.

       - Các chuyên gia, thủy thủ làm quen với môi trường khai quật tại khu vực có tàu đắm.

       Trong hàng tháng làm việc tại đây, không kể ngày định vị và tránh bão, các chuyên gia chỉ làm việc được 12 ngày, lấy được 41 mẫu gốm để tiến hành xử lý theo quy trình khảo cổ học: định vị, đo vẽ, chụp ảnh ở dưới đáy biển, phân loại, tẩy rửa, đánh số, giảm mặn, lập phiếu, đo vẽ, chụp ảnh truy nhập vi tính và chuyển về kho bảo quản để tiếp tục giảm mặn.

      Công việc đang tiếp tục thì một cơn bão đổ bộ và hơn nữa mùa mưa bão cũng gần kề. Vì vậy đợt tiền khai quật tạm dừng sau khi đã xác định thêm quy mô của tàu đắm và quyết định chuẩn bị cho đợt khai quật năm 1998.
 

        1.5) Đợt khai quật năm 1998 từ ngày 16-5-1998 đến ngày 1-7-1998:
        Đợt khai quật được chuẩn bị công phu, tổ chức chặt chẽ đảm bảo cho 42 chuyên gia và thủy thủ ăn, ở làm việc trên xà lan công trình ngay tại di chỉ.

       Các phương pháp khai quật dưới nước được các nhà khảo cổ Anh ở Đại học Oxford tiến hành cực kỳ tỉ mỷ và thận trọng.

        Kết quả, trong 53 ngày vừa định vị, vừa tránh bão, vừa khai quật đã thu được 922 đồ gốm men trong đó có nhiều loại hình mới, đẹp. Các quy trình xử lý hiện vật bị ngâm lâu ở nước mặn được tuân thủ chặt chẽ.

        Tuy nhiên, các cơn bão hình thành liên tục, do đó Ban khai quật quyết định dừng cuộc khai quật để chuẩn bị cho đợt khai quật năm 1999.

        1.6) Đợt khai quật năm 1999 từ ngày 23- 4-1999 đến đầu tháng  7 - 1999:
        Đây là đợt khai quật tổng lực với các phương tiện, thiết bị và nhân sự rất lớn: 3 xà lan lớn, 3 tàu kéo, 1 tàu đánh cá nhỏ, hơn 100 chuyên gia, công nhân, thủy thủ và các lực lượng an ninh bảo vệ. Khác với các lần trước, đợt này Ban khai quật đã sử dụng phương pháp lặn bão hòa khí, là phương pháp cực kỳ tốn kém nhưng hiệu suất của công việc rất cao.

        Kết quả sau hơn hai tháng làm việc đợt khai quật đã tìm hiểu được quy mô, cấu trúc con tàu, khai quật được hơn 240.000 di vật và hàng chục vạn mảnh gốm vỡ. Tất cả đều được xử lý cẩn thận theo đúng quy trình khảo cổ học và được lưu trữ tại kho Bảo tàng Quảng Nam và kho tạm ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

        2) Kết qủa khai quật:
        2.1) Hiện trạng của tàu đắm cổ Cù Lao Chàm:
        Trước khi khai quật, tàu đắm cổ bị bùn cát vùi dưới đáy biển. Do bị ngâm lâu dưới biển, bị hà phá hủy cộng thêm với sự cào quét của lưới ngư dân cho nên bề mặt tàu đã bị phá hủy nhiều. Sau khi hút hết bùn cát và lấy dần di vật, xác con tàu lộ ra và nằm theo hướng Đông Tây và nghiêng từ phía Bắc xuống phía Nam. Tàu được làm hòan toàn bằng gỗ. Một vài mẫu gỗ được Viện Lâm nghiệp Việt Nam phân tích đó là loại gỗ tếch chuyên được dùng để đóng tàu. Tàu dài 29,40m, nơi rộng nhất là 7,2m. Lòng tàu được chia thành 19 khoang, giữa các khoang được phân chia bởi các thanh dầm gỗ được ghép rất xít sao, chặt chẽ không cho nước từ khoang này ngấm sang khoang khác.

        Về phía Tây, đã phát hiện được nhiều đồ dùng của thủy thủ đoàn như chảo, ấm, nồi bằng đồng. Bởi vậy có thể dự đoán đây là phần đuôi của con tàu, còn mũi tàu thì quay về phía Đông.

           2.2) Di vật:
         Không kể số mảnh, chỉ tính riêng số các di vật không bị vỡ hoặc bị vỡ ít, cuộc khai quật đã thu về được trên 240.000 hiện vật, bao gồm đồ gốm men, đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ đá và di cốt người.

         a. Đồ gốm: Chiếm số lượng nhiều nhất, loại hình phong phú, đa dạng, trang trí đẹp mắt. Những đồ gốm này chủ yếu là gốm Việt Nam. Ngoài ra còn một số ít đồ gốm Trung Quốc, gốm Thái Lan và gốm Champa.
 

         Các đồ gốm Việt Nam bao gồm có nhiều dòng gốm như gốm hoa lam, gốm vẽ nhiều màu, gốm men xanh ngọc, gốm men màu xanh dương sẫm, gốm men trắng, gốm men trắng mỏng văn in, góm men nâu, gốm sành.

         Về loại hình có 18 loại hình chính và hơn 100 loại phụ như đĩa kích thước rất lớn (đkm: 46,2cm), đĩa kích thước nhỏ, đĩa cỡ trung bình, đĩa cắt khấc cánh hoa, bát chân đế cao, bát chân đế thấp, bát cỡ rất lớn, chén hình quả đào có gắn tượng vẹt, cốc sâu lòng, cốc hình cầu, tước có hình cô tiên và con rùa, tước hoa lam, âu, liễn, liễn nhiều ngăn, chậu cỡ lớn, kendi cỡ nhỏ, bình rót hai bầu có quai, bình rót dáng thon, bình rót dáng quả, các loại ấm trà, bình rót 4 cạnh, ấm hình uyên ương, bình rót hình rồng, bình rót hình phượng, ấm hình con gà, bát hương, bình hai bầu, hình ba bầu, các loại bình ngọc hồ xuân, các loại nậm, ống nhổ, các loại vò, các loại lọ, các loại hộp, các loại bình vôi, tượng người quỳ nâng bình rượu, tượng người phụ nữ quý tộc (hoặc cô tiên), các loại tượng động vật nhỏ (nghê, sư tử, kỳ lân, voi, ngựa, hươu, bò, rùa, ếch, khỉ mẹ bồng khỉ con, cá), nồi nấu, nghiên mực ...

        Trong các loại hình này, loại kích thước lớn nhất cao 56,8cm, đường kính miệng 24cm, loại có kích thước rất nhỏ chỉ cao 2,7cm.

         Hoa văn trên gốm cực kỳ phong phú. Đề tài con người có các vị thần tiên, người phụ nữ quý tộc, cụ già câu cá, cụ già chèo thuyền, người cưỡi ngựa, người quản tượng, chiến binh phi ngựa, trẻ em đang nô đùa, trẻ em chăn trâu thổi sáo v.v...

        Đề tài động vật có rồng, phượng, sư tử, voi, hổ, ngựa, trâu, bò, hươu, khỉ, chim đại bàng, vẹt, chích chòe, chào mào, sáo, bói cá, uyên ương, thiên nga, chim sâu, cò, hạc, rùa, rắn, cá chép, cá măng, cá chê, dơi, bươm bướm, ong, chuồn chuồn.

         Đề tài hoa lá có hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn, tùng, mai, trúc, các loại cây cổ thụ.

         Các loại hoa văn khác có nhà cửa, chùa tháp, cung điện, cầu cống, sông nước, núi non, mây trời...

        Mỗi loại đề tài, lại được thể hiện nhiều kiểu, nhiều tư thế, nhiều đồ án biến ảo, nhiều hình nhiều vẻ tạo nên sự phong phú đa dạng chưa từng thấy. Ngoài đồ gốm Việt Nam, còn có một số đồ gốm hoa lam và men ngọc Trung Quốc, một số đồ sành men nâu đen, lọ men ngọc của Thái Lan, một vài đồ gốm men Chăm, sản phẩm của khu vực gốm Bình Định.
 
 

        b. Đồ kim loại: có một số đồ đồng như chảo, nồi, ấm là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Đáng lưu ý đã tìm thấy 41 đồng tiền cổ trong đó có 24 đồng xác định được niên đại Trung Quốc.

        c. Đồ đá: có một số bàn nghiền

        d. Đồ gỗ và di tích thực vật:

       Đồ gỗ là các thanh dầm và ván đóng tàu bị vỡ. Di tích thực vật thu được gồm có nhãn, gấc, hạt dẻ gai Bắc Giang và cây óc chó.

        e. Di cốt người: Các di cốt vớt được đã được Tiến sĩ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường giám định bao gồm 11 cá thể trong đó xác định rõ được 6 cá thể trưởng thành, một thiếu niên, hai em bé. Trong cá thể trưởng thành có một hộp sọ được xác định đó là một phụ nữ khoảng 18 - 19 tuổi có đặc điểm nhân chủng gần với sọ của phụ nữ Thái Lan hiện đại.
 

         3) Một số nhận xét:
         Dựa vào kết quả khai quật, kết quả nghiên cứu giám định khảo cổ học và so sánh tổng hợp, bước đầu có một số nhận xét như sau:

        3.1) Nguồn gốc con tàu và hàng hóa trên tàu:
      Xét về mặt cấu trúc, tàu cổ Cù Lao Chàm có những nét tương đồng với các con tàu cổ Trung Quốc hoặc Đông Nam á từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.

       Căn cứ vào xét nghiệm chất liệu gỗ thì loại gỗ tếch được dùng để đóng tàu cổ Cù Lao Chàm từ khoảng thế kỷ 18 trở về trước, chỉ có ở khu vực ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Lào. Xét các khu vực này, ta thấy có nhiều khả năng con tàu này được đóng ở Thái Lan vì các lý do sau đây:

       - Theo thư tịch cổ, thế kỷ 15 - 16, Thái Lan có quan hệ buôn bán rất mạnh.

       - Đặc điểm nhân chủng của di cốt người trên con tàu gần gũi với người Thái Lan.

       - Thêm vào đó, ở Thái Lan, khu vực Chantaburi là nơi đóng tàu thuyền buôn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.

         3.2) Nguồn gốc hàng hóa:
        Toàn bộ số đồ gốm hàng hóa trên tàu, so sánh chung, đều thấy tương tự như các loại hình đã tìm thấy ở các lò gốm cổ Hải Dương mà cụ thể hơn là ở khu lò Chu Đậu - Mỹ Xá, xã Thái Tân, huyện Nam Thanh. Đây là một khu lò rất lớn và sản xuất nhiều đồ gốm xuất khẩu đã tìm thấy ở một số nước Đông Nam á và Nhật Bản. Có thể có một vài lò khác ở Hải Dương cũng tham gia xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là lò Chu Đậu.

        Ngoài hàng hóa còn có một số đồ đồng của Việt Nam, một ít đồ gốm là của Thái Lan, Trung Quốc và Champa là đồ sinh hoạt hàng ngày của thủy thủ trên tàu.

         3.3) Niên đại:
         Vì không có tài liệu ghi chép niên đại tuyệt đối của tàu cho nên phải dùng phương pháp so sánh tổng hợp.

        Việc phân tích các mẫu gỗ đóng tàu bằng phương pháp C14 cho thấy con tàu được đóng trong khoảng từ cuối thế kỷ 14 đến khoảng thế kỷ 16.

       Niên đại của các đồ gốm trên tàu so với các đồ gốm phát hiện trong địa tầng Chu Đậu, đồ gốm có ghi niên đại và đồ gốm Việt Nam phát hiện ở Đông Nam á đều nằm trong khoảng thế kỷ 15.

        Đồ gốm men Trung Quốc và Thái Lan cùng nằm trong khoảng thế kỷ 15.

       Các đồng tiền Trung Quốc và được sử dụng kéo dài, sớm nhất là thế kỷ thứ 7 thời Đường, muộn nhất là tiền Vĩnh Lạc thời Minh đầu thế kỷ 15.

       Chính vì vậy có thể nghĩ rằng con tàu và đồ gốm trên tàu là thuộc thế kỷ 15. So sánh chi ly hơn về phương diện loại hình và hoa văn có thể nghĩ rằng những đồ gốm trên tàu có thể được sản xuất khoảng giữa thế kỷ 15 đến một vài thập kỷ sau đó, và như vậy con tàu sẽ được đóng sớm hơn một chút (có thể vào khoảng nửa đầu thế kỷ 15).

        3.4) Chủ nhân con tàu:
       Nếu cho rằng tàu được đóng ở Thái Lan, xuất phát từ Thái Lan cho nên có thể nghĩ rằng chủ nhân con tàu là người Thái Lan. Dĩ nhiên không loại trừ có sự tham gia của người Việt Nam hay Trung Quốc.

        3.5) Về thời gian và con đường đi của con tàu:
       Theo giám định thực vật, các loại quả ở Việt Nam trên tàu được thu hoạch vào cuối mùa hè, đầu mùa thu. Kết hợp với sử cũ có thể dự đoán, con tàu này đến thương cảng quốc tế Vân Đồn vào mùa xuân, sau một thời gian buôn bán đã khởi hành trở về đầu mùa thu, khi đi ngang qua ngoài khơi Cù Lao Chàm, gặp thời tiết xấu và chở quá nặng cho nên bị đắm.

        3.6) Về các giá trị khoa học của việc khai quật khỏa cổ học con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm:
       a. Việc khai quật và nghiên cứu con tàu đắm Cù Lao Chàm đã góp một bằng chứng vô cùng sinh động vào việc nghiên cứu giao thương quốc tế trên vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Đặc biệt nó đã chứng minh trong thế kỷ 15, 16, Việt Nam tiếp tục tham gia một cách tích cực nhất vào con đường tơ lụa trên biển trong đó mặt hàng quan trọng nhất là đồ gốm. Bởi vậy thời kỳ này gốm Việt Nam được làm đẹp nhất, chất lượng tốt nhất và xuất khẩu nhiều nhất.

        b. Với khối lượng đồ sộ, sưu tập gốm Việt Nam trên tàu cổ Cù Lao Chàm đóng góp một nguồn tư liệu quan trọng, toàn diện và đầy đủ vào việc nhận thức lịch sử đồ gốm men thế kỷ 15.

        c. Cũng vậy, các tư liệu về đợt khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã góp phần phản ánh sinh động, chân thực lịch sử văn hóa Việt  Nam thế kỷ 15, đó là hình ảnh một xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đó là hình ảnh một đất nước tươi đẹp, yên bình với những con người lạc quan trong cuộc sống, hăng say trong lao động, sáng tạo để xây dựng đất nước, sáng tạo nên một mảng mỹ thuật dân gian giàu chất liệu, tràn đầy chất sáng tạo, một mảng nền mỹ thuật phong phú và hấp dẫn mà bấy lâu nay còn chưa nhận biết đầy đủ trong nền mỹ thuật Lê sơ. Nước Đại Việt thời Lê sơ trong thế kỷ 15 thực sự là một quốc gia hùng mạnh của khu vực Đông Nam á.

        Cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm là một cuộc khai quật dưới nước lớn nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam và trong chừng mực nhất định, theo các nhà khảo cổ học Anh, là có tầm cỡ thế giới. Cuộc khai quật được tiến hành thật quy mô, lâu dài, gian khổ và tốn kém, nhưng kết quả thu được thật to lớn. Bên cạnh việc thu được các tư liệu nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia và các nhà tổ chức Việt Nam còn tranh thủ trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu với các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là học tập phương pháp khảo cổ học dưới nước, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị mới và cách tổ chức đối với những đợt khai quật khảo cổ học dưới nước có quy mô tương tự.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây