Di tích Khảo cổ học Bãi Làng

Thứ ba - 27/08/2013 21:39

Di tích Khảo cổ học Bãi Làng

Qua thư tịch cổ, Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp trong thời kỳ Champa, Đại Việt được miêu tả là nơi dừng chân của các thương thuyền trên con đường hàng hải quốc tế để các thương nhân lấy nước ngọt, lương thực, tránh bão. Đồng thời Cù Lao Chàm là cửa ngõ giao thương của Lâm ấp phố thời Champa, phố cảng Hội An thời Đại Việt. Qua nhiều đợt khảo sát, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số dấu tích cư trú của cư dân Champa trước đây như dấu tích đá xếp ngăn dòng suối lấy nước, giếng nước có cấu trúc giống giếng Chăm...
          Từ những tư liệu lịch sử, khảo cổ đó kết hợp với kết quả khảo sát khảo cổ Bãi Làng, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An) đã phối hợp với Khoa sử, Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại Học Quốc gia Hà Nội tiến hành đào thám sát 2 hố tại khu vực trường tiểu học Bãi Làng vào tháng 5 năm 1997, một hố tại khu vực phía sau nhà ông Huỳnh Cư - thôn Bãi Làng vào tháng 5 năm 1998. Cuộc thám sát đã thu được nhiều hiện vật Champa thuộc thế kỷ VII - X. Nhằm thu thập thêm nhiều thông tin để chứng minh rõ hơn về vai trò của di tích khảo cổ này trong thời kỳ Champa tại Hội An, vào tháng 5 năm 1999 các nhà khảo cổ học thuộc khoa Sử, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội và cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An do Tiến sĩ Lâm Mỹ Dung làm Chủ trì khai quật, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng làm cố vấn khoa học đã mở rộng hố thám sát III(tại phía sau nhà ông Huỳnh Cư) thành hố khai quật Bãi Làng.
 

          Đặc điểm di tích

         Di tích khảo cổ học Bãi Làng nằm sát chân núi trong khu dân cư thuộc thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, Hội An, cách bờ biển khoảng trên dưới 100m, cách di chỉ khảo cổ Bãi Ông khoảng 1,5km về phía Đông Nam. Di tích nằm ở vị trí cao hơn so với mực nước biển từ 1,47 - 3,19m.

         Hố thám sát ở khu vực trường tiểu học Bãi Làng nằm trong khu đất có diện tích 50 x50m = 2500m2, phía Bắc giáp Đình Tiền hiền, phía Nam giáp khe nước nay đã cạn, phía Đông, Đông Bắc giáp núi, phía Tây, Tây Nam giáp biển. Trong khu đất này, các nhà khảo cổ đã đào ba hố thám sát, vị trí các hố nằm theo hướng lùi dần vào núi. Do mặt bằng của khu đất thoải dần từ chân núi ra biển nên các hố có độ cao cao dần so với mực nước biển, cụ thể như sau: Hố I(góc Tây Bắc trường tiểu học): 1,47m, Hố II(trong sân trước trường tiểu học Bãi Làng): 1,97m, Hố III (sau nhà ông Huỳnh Cư): 3,19m.(lúc 15h ngày 25/5/1998).

          Hố I, II có tầng văn hóa mỏng dần về phía biển, hiện vật xuất lộ ngay trên mặt đất, địa tầng bị xáo trộn nhiều do cư dân hiện đại đào hố chôn rác. Theo các nhà khảo cổ thì có hiện tượng này là vì vùng đất này đã xảy ra sự xói mòn bề mặt đất do nước, gió và nhất là do con người (Theo báo cáo sơ bộ kết quả thám sát khảo cổ ở Bãi Làng Cù Lao Chàm, tài liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích). Ngoài các hiện vật liên quan đến cư dân hiện đại, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật thống nhất về niên đại, chủng loại, chúng bao gồm đồ gốm sứ Trung Quốc thời Đường (thế kỷ VII - X), gốm Islam của Trung Cận Đông (thế kỷ IX - X), gốm bản địa(Champa), đồ thủy tinh, đồ trang sức (hạt chuỗi).

          Hố III nằm phía sau nhà ông Huỳnh Cư, sát chân núi, diện tích: 1 x 2m, hố kết thúc ở độ sâu 150cm. Trên mặt đất hố có một số tảng đá, có thể do bị lăn từ trên núi xuống. Kết cấu địa tầng của hố như sau: Lớp đất mặt từ 00 -20cm, đất màu trắng xám, khô, nhiều rễ cây và các chất bị phân hủy. Do tác động của cư dân hiện đại nên hiện vật ở lớp này đã bị xáo trộn, có lẫn nhiều hiện vật mới. Tầng văn hóa từ 20 - 150cm, đất màu xám đen, càng xuống sâu càng ngã vàng và pha nhiều cát. Đôi chỗ đất bị ô - xít hóa nên có màu nâu rỉ sắt. Sinh thổ nằm ở độ sâu 150cm trở xuống, đất mịn, màu xám trắng. Tại hố này có nhiều hiện vật thuộc nhiều chủng loại được phát hiện, trong đó có hạt chuỗi, thủy tinh, mẩu gốm sứ, gạch, đá, sắt.

          Hố khai quật Bãi Làng tháng 5/1999 được phát triển mở rộng từ hố thám sát III tháng 5/1998 với diện tích là 8m2. Bề mặt hố khai quật bị cắt phá bởi 5 hố rác lớn nhỏ (hố lớn nhất có đường kính gần 1m, sâu 0,40m). Sau khi bóc hết những hố rác nói trên thì diễn biến địa tầng khá ổn định.

          Lớp đất mặt ở độ sâu 00 - 20cm, cát màu xám trắng, khô, pha nhiều cát, bị cắt phá bởi các hố rác cũ, mới. Tầng văn hóa ở độ sâu 20 - 150cm, chia làm hai lớp văn hóa. Lớp trên ở độ sâu 20 - 120cm, đất màu đen xám, hiện vật xuất hiện dày đặc, tập trung nhất ở độ sâu 60 - 100cm. Lớp văn hóa dưới ở độ sâu 120 - 150cm, đất chuyển từ màu xám đen sang xám nhạt và màu gỉ sắt ở một số chỗ, hàm lượng cát tăng, hiện vật thưa dần. Từ độ sâu 150cm trở xuống sinh thổ là cát biển trắng mịn. Sử dụng phương pháp trắc địa hố khai quật, các nhà khảo cổ đã nhận thấy các lớp đất có độ nghiêng vừa phải theo hướng từ chân núi ra biển. Ở góc Đông Bắc, đá núi xuất lộ với mật độ dày hơn, có đá gốc và đá lăn xuống trong quá trình cư dân sinh sống đã đè lên cả hiện vật.

          Có rất nhiều hiện vật được tìm thấy trong hố khai quật, trong đó đồ gốm Chăm xuất hiện đều và nhiều ở các tầng văn hóa, lớp đất, chúng thuộc các loại hình đồ gia dụng và kiến trúc. Đồ gốm gia dụng Chăm thể hiện sự chuyển hóa về chất liệu từ gốm thô sang gốm hơi thô đến gốm mịn. Gốm Chăm ở Bãi Làng mang đặc trưng về loại hình của gốm Chăm ở di tích Trà Kiệu. Rải rác trong các lớp đất, tầng văn hóa còn có nhiều hiện vật là mảnh gốm, sứ của các loại hình vò, bát, đĩa... thuộc đời Đường - Trung Quốc(thế kỷ VII - X) và có một số ít mảnh sứ có nguồn gốc từ các lò nung ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Cảnh Đức Trấn - Trung Quốc (thế kỷ XVII - XVIII). Ngoài ra còn có nhiều hiện vật là đồ gốm Islam, đồ đá, đồ sắt, thủy tinh có nguồn gốc Trung cận Đông. Đặc biệt có một hiện vật là quả cân đồng và lượng lớn thủy tinh phế phẩm, bán thành phẩm. Những hiện vật này thể hiện đã có sự buôn bán và chế biến thủy tinh tại Bãi Làng trong các thế kỷ từ VII - X.

           Đặc điểm di vật
          Di vật trong các hố thám sát: Chủ yếu là đồ gốm sứ Trung Quốc thời Đường (thế kỷ VII - X), gốm Islam (thế kỷ IX - X), gốm bản địa (gốm Champa), đồ thủy tinh và trang sức hạt chuỗi. Trong đó tại hố III, số lượng hiện vật phát hiện được là 2679 hiện vật, mẩu hiện vật các loại trong đó có 161 hạt chuỗi, 1 mặt trang sức, 245 mảnh thủy tinh, 2272 mẩu gốm vỡ, gạch, đá, sắt.

          Nhìn chung hiện vật gốm sứ ở các hố thám sát là các mảnh vỡ đồ gia dụng có nhiều kích cỡ, thuộc các loại hình vò, bình, hũ, chậu, nồi, bát, chén... Những hiện vật này có nhiều nguồn gốc khác nhau gồm đồ gốm sứ thời Đường Trung Quốc sản xuất tại các lò Việt Châu (Triết Giang), Định Châu (Hà Bắc), Tương Âm, Trường Sa (Hồ Nam), Quảng Đông; đồ gốm Islam của Trung Cận Đông, có màu men xanh rất đặc trưng thuộc thế kỷ IX - X; đồ sành, đồ gốm bản địa chủ yếu là đồ đất nung từ thô đến mịn. Do nằm cùng tầng văn hóa với các loại gốm sứ Trung Quốc thời Đường hoặc gốm Trung Cận Đông đã kể trên nên có thể xác định khung niên đại của đồ gôm, sành bản địa tương đương với các loại đồ gốm sứ trên ngoại nhập nói trên.

           Đồ thủy tinh có 245 mảnh là mảnh vỡ của các loại đồ đựng như ly, âu, đĩa... Bên cạnh đó có một số mảnh hình dáng giống lá sen hoặc hình dáng lạ có khả năng là những đồ thờ tự liên quan đến Phật giáo. Các hiện vật này được chế tác tinh xảo, xương mỏng, màu sắc (có mảnh màu vàng, xanh dương, xanh lơ, tím, đen, trong suốt) và hoa văn trang trí đa dạng.

          Đồ trang sức gồm 161 hạt chuỗi nhiều kích cỡ, màu xanh dương, vàng, nâu, tím...một số hạt có vân, hình dáng phổ biến là hình cầu, tròn dẹt, trụ tròn, trụ lục giác, hạt lựu. Có một số hạt chuỗi có vân giống những hạt chuỗi cùng loại có nguồn gốc ấn Độ. Về chất liệu, kiểu dáng, một số hạt chuỗi gần giống hạt chuỗi được tìm thấy ở các khu mộ chum Sa Huỳnh là di tích mộ táng An Bang, Hậu Xá II (Hội An).
 

 
          Di vật trong hố khai quật: Tuy diện tích hố khai quật không rộng nhưng các nhà khảo cổ học phát hiện được khoảng 8000 hiện vật gồm các mảnh vỡ của đồ gốm sứ gia dụng, kiến trúc, đồ thủy tinh, kim loại, đá.

          Trong đó, hiện vật gốm Chăm là phổ biến, hầu hết là đồ gốm gia dụng, thuộc các loại hình: nồi, vò, kendy, chén quai gốm, hũ cao cổ, chén, bát bồng, lọ hoa. Đồ gốm xuất hiện với tỷ lệ khá đồng đều từ lớp trên xuống lớp dưới. Tuy nhiên đã có sự chuyển hóa khá rõ rệt về chất liệu trong từng loại hình sản phẩm. Gốm thô chủ yếu dùng sản xuất đồ đun nấu (nồi), gốm hơi thô để sản xuất đồ đựng(Kendy, vò...), gốm mịn được dùng sản xuất đồ sinh hoạt khác như chén, bát  bồng. Hoa văn trang trí trên gốm Chăm ở di tích Bãi Làng đơn giản, gồm các họa tiết văn thừng, chải(trên thân nồi), gờ tròn chạy quanh vai, thân vò, Ken dy... Kỹ thuật sản xuất gốm chủ yếu dùng bàn xoay kết hợp nặn tay, miết láng và gắn chắp các bộ phận. Gốm Chăm kiến trúc có các côi gạch nhỏ, ngói. Các sản phẩm gốm có hình dáng cân đối, tròn, dày đều. Xương gốm thô, hơi thô và mịn. Hoa văn trang trí phổ biến là văn thừng, văn chải.

         Nhìn chung gốm Chăm ở Bãi Làng mang nhiều đặc trưng của loại gốm Chăm ở các di tích đồng đại như Trà Kiệu nhưng hoa văn trang trí đơn điệu hơn.

        Gốm Trung Hoa thời Đường được phát hiện rải rác trong các tầng văn hóa gồm các loại hình vò, bát, đĩa, ang. Chất liệu gốm Trung Hoa có xương gốm mịn, màu trắng sữa hoặc màu xám đen, độ nung khá cao nên xương gốm chắc. Kỹ thuật sản xuất bằng bàn xoay, miết láng, nặn tay, tráng men, ít được trang trí hoa văn.Tuy nhiên các hiện vật gốm Trường Sa có trang trí hoa với hai màu xanh và đỏ nâu trên nền men trấu rạn màu vàng giữa lòng bát. ở một số mảnh bát còn có dấu vết con kê hình vuông (gốm Quảng Đông).

         Gốm Islam được phát hiện ở Bãi Làng thuộc các loại hình vò đựng. Xương gốm nhẹ, màu trắng, men màu xanh thẫm, dày, bóng.

          Tại hố khai quật còn phát hiện nhiều mảnh vò sành Chăm, Trung Hoa. Chất liệu sành Chăm thô, hơi thô, xương có nhiều lỗ khí, độ nung chưa cao. Sành Trung Hoa được nung ở nhiệt độ cao, xương cứng hơn.  

         Nhóm đồ thủy tinh gia dụng được chế tạo từ thủy tinh trong, tương đối mỏng, màu xanh là chủ đạo. Dựa vào những mảnh miệng đáy còn khả năng nhận biết loại hình, các nhà khảo cổ nhận thấy thủy tinh gia dụng tại địa điểm Bãi Làng thuộc các loại hình: bát nông lòng, đĩa sâu lòng, lọ hình trụ, lọ có vai xuôi, cổ cao và miệng hơi loe... Hiện vật thủy tinh trang sức khá phong phú như hạt cườm, hạt cườm vuông, hạt chuỗi đeo tai hình hạt lựu, hạt chuỗi thủy tinh ba màu, thủy tinh ghép, thủy tinh thắt hai đầu. Ngoài ra, còn có nhiều thủy tinh nguyên liệu, phế phẩm, bán thành phẩm được phát hiện như hạt chuỗi chưa khoan lỗ, các hạt chuỗi dính chặt trong quá trình sản xuất.

          Hiện vật đá gồm đồ trang sức bằng mã não; bàn mài, chày nghiền bằng sa thạch. Hiện vật kim loại gồm dao sắt; quả cân, gương đồng. Tại di chỉ Bãi Làng còn phát hiện được chì lưới bằng đất nung, một số hạt chuỗi cẩm thạch.
 


           Nhận xét

          Dựa vào vị trí địa lý, hiện vật phát hiện tại di tích cho thấy Bãi Làng là di chỉ cư trú của cư dân Champa vào thế kỷ VII - X sau Công nguyên. Ngoài ra, dấu vết văn hóa Champa thuộc giai đoạn này còn xuất hiện rải rác ở khắp Hòn Lao, trong đó Bãi Làng, Xóm Cấm là nơi có mật độ di tích dày đặc nhất. Qua đó, có thể nhận xét rằng “người Chăm ở Cù Lao Chàm có một cuộc sống ổn định, mức độ tập trung cao”. Diễn biến địa tầng và loại hình các hiện vật thu được đã chứng minh cư dân Bãi Làng có đời sống khá phát triển về nhiều mặt. Về nông nghiệp, người Chăm đã tận dụng canh tác trên nhiều hệ sinh thái khác nhau: nương, rẫy, ruộng nước. Bên cạnh đó, người Chàm còn tận dụng khai thác các nguồn lợi sẵn có là lâm sản (trầm, gỗ, hương liệu quý), hải sản (tôm, cua, cá...). Nghề thủ công cũng được người Chăm tập trung sản xuất để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đời sống.

          Từ kết quả thám sát, khai quật Bãi Làng, Tiến sĩ Lâm Mỹ Dung đã nhận định rằng: “Các ngành nghề thủ công cũng được người Chàm chú ý để phục vụ đời sống hàng ngày, đáng chú ý là nghề làm gốm và thủy tinh... Những phát hiện về thủy tinh ở Bãi Làng là những cơ sở để đặt vấn đề quá trình sản xuất thủy tinh nội địa của người Chăm ở Hòn Lao. 

          Kết hợp tư liệu khai quật khảo cổ tại các di chỉ Bãi Ông, Bãi Làng cho thấy Cù Lao Chàm là nơi có sự cư trú của nhiều lớp cư dân cổ thuộc thời kỳ tiền Sa Huỳnh, Champa.

         Những tư liệu khoa học là các hiện vật gốm, sành Trung Hoa, Islam và thủy tinh Islam được phát hiện trong di tích Bãi Làng đã góp phần minh chứng cụ thể rằng: chắc chắn có sự dừng chân trao đổi của các thương thuyền Trung Quốc, Trung Đông tại Bãi Làng - Cù Lao Chàm. Qua đó cho thấy vị trí quan trọng của hải đảo Cù Lao Chàm trên con đường hàng hải quốc tế. Đặc biệt, hiện vật quả cân đồng được phát hiện tại di tích Bãi Làng là hiện vật chứng minh cho hoạt động thương mại của cư dân Champa ở Cù Lao Chàm đã sớm phát triển và có qui mô trao đổi hàng hóa lớn. Trao đổi thương mại không chỉ diễn ra giữa nội bộ cư dân Champa trên đảo Cù Lao Chàm mà còn phát triển giao lưu thương mại quốc tế.

          Từ số lượng lớn hiện vật thuộc nhiều chủng loại, nhiều nguồn gốc xuất xứ được phát hiện tại địa điểm Bãi Làng - Cù Lao Chàm cho thấy cư dân tại đây đã có cuộc sống ổn định, mức độ tập trung cao, giao lưu thương mại mạnh mẽ với bên ngoài. Những tư liệu khảo cổ Bãi Làng chứng minh quan điểm trước đây cho rằng Cù lao Chàm là nơi tù đày giam hãm phạm nhân là không còn hợp lý. 

Xem tiếp 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây