Di chỉ hậu xá I

Thứ ba - 27/08/2013 21:50

Di chỉ hậu xá I

Địa điểm Hậu Xá I (khối Bàu Đưng – phường Thanh Hà) được phát hiện tháng 8 - 1993 đã được đào thám sát và khai quật trong hai năm 1993 và 1994 với tổng diện tích 48m2. Với sự cố vấn của GS. Trần Quốc Vượng và GS. E Ji. Nitta.
A. DI TÍCH

          Hố khai quật (là sự mở rộng của hố thám sát) nằm ở sườn Đông- Bắc cồn cát Hậu Xá, sát nghĩa trang Tin Lành và trong khuôn viên vườn ông Võ Huy. Hố khai quật có hướng Bắc-Nam, cách dòng sông chảy của sông Thu Bồn (nay là Bàu Sen) khoảng 70m. 

         Kết quả thám sát và khai quật rất đồng nhất, có thể thấy sự tồn tại của hai lớp văn hóa. Tuy vậy, giữa chúng không thấy sự đứt quãng và những thay đổi rõ rệt trong cấu tạo chất đất.

          Lớp đất mặt đã bị xáo trộn khá dày tới khoảng 0,60m chứa những hiện vật và có nguồn gốc khác nhau.

1 (1)
 
TẦNG VĂN HÓA 1: Dày từ 0,6m - 0,7m nằm ở độ sâu 0,6m - 1,2m. Đây là tầng văn hóa chứa những mảnh gốm Chăm, loại hơi thô và mịn có màu hồng, đỏ gạch, xương gốm pha ít tạp chất, độ nung vừa phải, trang trí văn khắc vạch, văn chải, văn thừng mịn. Nhìn chung, gốm Chăm ở đây giống loại gốm Chăm ở Trà Kiệu lớp trên, Đồng Nà, Trảng Sỏi. Ngoài ra còn thấy nhiều hiện vật khác.

           Sứ: 9 mảnh - sứ Islam, ảnh thanh, bạch định, sứ men trắng hoa xanh.

          Bán sứ: 20 mảnh men trấu rạn xanh xám, mỏng hầu hết đã bị bong lớp men, còn thấy trang trí văn in ô vuông thành từng đám.

          Sành: 48 mảnh tráng men và không tráng men.

          Gốm:
        - Gốm Sa Huỳnh: 104 mảnh của các loại hình chum, nồi, bát,... trang trí chủ yếu văn thừng, văn chải trên nền thừng...

          - Gốm hơi thô Sa Huỳnh - Chăm: Cách gọi kép này tạm được sử dụng để chỉ một loại gốm mà về mặt chất liệu rất khó phân biệt rạch ròi giữa gốm thô Văn hóa Sa Huỳnh và gốm thô Văn hóa Chămpa với những loại hình chủ yếu là nồi và bát. Đây là loại gốm gia dụng được sản xuất và sử dụng rộng rãi trong nhiều giai đoạn từ sớm đến muộn và chính trong loại gốm này ta tìm thấy sự nối tiếp truyền thống trong chế tác gốm từ Văn hóa Sa Huỳnh đến Văn minh Champa.

          Chất liệu gốm: Pha nhiều cát, độ nung vừa phải, phần lớn đã bị bong lớp áo gốm và có thể do vậy cũng mất luôn hoa văn trang trí. Một số mảnh trang trí văn thừng kết hợp văn chải. Trên một vài mảnh còn thấy vết muội.

           Loại hình:
           + Nồi miệng loe xiên, vành miệng rộng, thân hình cầu dẹt.

           + Nồi miệng loe ngang, vành miệng ngắn.

           + Nồi miệng loe ngang, vành miệng rộng phẳng, mép miệng cắt bằng thân thấp.

           Loại gốm này tìm thấy 114 mảnh thân, đáy và 290 mẩu vụn.

          - Gốm Chăm: (Phân biệt rất rõ so với gốm Sa Huỳnh qua độ nung, chất liệu, màu sắc loại hình).

          Gốm mịn, độ nung vừa phải, màu sắc từ hồng đến xám trắng. Phần lớn không trang trí, trên một vài mảnh vỡ còn thấy những đường khắc chìm chạy vòng quanh phần quai giáp với cổ.

          * 78 mảnh thân quai miệng của các loại hình : nồi vò, bình...
          - Gốm Hán: Một mảnh vò văn in ô vuông.
         - Hiện vật khác: Một vài mảnh đá, mẩu sắt bị rỉ nặng, một khuyên tai ba mấu màu đỏ gan gà, phần đeo và hai mấu kia bị vỡ, mấu còn lại hình tứ giác chóp. Dài mấu 0,7cm, rộng mấu 0,9cm, kích thước còn lại 2,8 x 3,4 x 1,5cm. Một số hạt cườm, chuỗi bằng đá, thủy tinh.

2
 
TẦNG VĂN HÓA II: Dày khoảng 1m ở độ sâu từ 1,2 đến 2,3m.

          Gốm:
          - Gốm Sa Huỳnh: 32 mảnh chum, nồi, bát...

          - Gốm hơi thô Sa Huỳnh - Chăm: 315 mảnh.

          - Gốm Chăm: Màu sắc giống như gốm Chăm ở tầng I, tuy nhiên lượng cát nhiều hơn, độ nung thấp hơn gần như gốm Sa Huỳnh, song xương gốm mịn hơn, khá giống với gốm tầng dưới của di chỉ Trà Kiệu.

           Có 4 kiểu miệng:
                   + Kiểu miệng hơi bẻ loe ra ngoài, thành miệng cao.
                   + Kiểu miệng đứng, thành miệng hơi loe xiên ra ngoài.
                   + Miệng đứng, mép miệng vê dày tạo thành gờ phía ngoài.
                   + Miệng khum, mép miệng vuốt tròn.

         - Gốm thô: Màu xám mốc, xương bở, pha nhiều cát, ít bã thực vật (không thô như gốm Sa Huỳnh) ở một số mảnh còn thấy lớp áo màu hơi đỏ xám, mịn, khá dày, có miết láng. Song có lẽ do ngâm nước nên đã bị bong màu hết. Số lượng đếm được có đến 120 mảnh miệng, thân, chân đế, quai....

            * Nồi:
                    + Miệng ngắn, loe cong ra ngoài, thân phình, đáy bằng.
                 + Nồi miệng loe xiên, thành miệng cao phẳng, mép miệng vuốt nhọn. Nồi của thành miệng mỏng đứng, phần tiếp xúc vai và miệng có một đường gờ nhẹ.

          * Vò, bình: Bình hình củ tỏi miệng hẹp (tựa như loại “Hou”- Hồ Chiến Quốc - Hán).

                    + Kiểu miệng thẳng hơi khum, mép miệng vuốt nhọn, thành miệng cao.
                    + Kiểu miệng hơi loe ra ngoài, thành miệng cao, mép miệng vuốt nhọn.
                    Loại hình này có cái quai hình đĩa; có loại không quai, chân đế choãi.

          * Chân đế: 2 mảnh của chân đế hơi khum có đường kính rất rộng, khác với chân đế choãi của loại bình hình củ tỏi.
                    Ở độ sâu từ 2 đến 2,10m phát hiện được một cụm gốm gồm 3 hiện vật gốm xám mốc lồng vào nhau.

          Hiện vật trong cùng: Nồi gốm nhỏ (loại nồi minh khí hay gặp trong các mộ chum Sa Huỳnh muộn). Thân hình cầu đáy bằng hơi lõm vào trong, miệng ngắn mép miệng vuốt nhọn móng, loe cong nhẹ ra ngoài. Kỹ thuật nặn tay, do vậy độ dày thân không đều, lồi lõm, dáng nồi hơi lệch.

         Hiện vật ở giữa: Có dáng hình chuông hay hình cối, đáy có đục lỗ tròn.

       Đường kính miệng 13cm, đường kính đáy 7cm, lỗ tròn ở đáy đường kính 3,5cm. Do xương gốm pha nhiều cát nên phần xương bị rỗng còn lại 2 lớp áo gốm (hiện tượng này hay gặp ở các chum khu mộ Hậu Xá).

         Hiện vật này cho thấy kỹ thuật chế tác bàn xoay.

        Hiện vật gốm ngoài cùng: Đã bị vỡ gần hết, căn cứ vào những mảnh còn lại đây có lẽ phần đáy của loại nồi gốm đáy tròn bằng, thân ngắn hay cũng có thể là loại nắp hình lồng bàn.

        - Gốm Hán: Những mảnh của một vò Hán, cứng gần như sành màu xám, màu đỏ tía, in ô vuông.

       - Một số mảnh gốm nung nhẹ lửa, xương trắng, xốp, còn dấu tích vết men trắng, rạn, màu xanh xám rất mỏng, đồng chủng loại với vò Hán - Lục Triều.

          Đá: Một số mảnh đá kết, dạng quắc-dít, trên một vài mảnh còn dấu vết mài.

          Hạt chuỗi: Cườm thủy tinh, đá hình tròn, hình trụ, hình hạt lựu...

         Đồng: 37 mảnh và mẩu vụn của loại hình lá đề, trên mảnh lớn nhất kích thước còn lại 1,9 x 1,5 x 0,1cm. Một mặt được trang trí một đường đúc nổi chạy dọc tựa như hình gân lá, 2 bên gân đúc nổi hoa văn hình móc câu.

          Dựa trên đặc điểm hiện vật có thể thấy tầng văn hóa I có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ IV sau Công nguyên.

          Hiện vật và phân bố mặt bằng cùng kết cấu địa  tầng cho phép ta nghĩ rằng đây không phải là nơi cư trú thông thường mà là nơi thờ cúng của người xưa.
 
3 (2)
 
B. HẬU XÁ I - DI CHỈ TRONG QUAN HỆ VỚI NHỮNG DI TÍCH   MỘ CHUM VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CHĂM CỔ

        - Sự xuất hiện và tồn tại của loại gốm xám mốc (về chất liệu) hầu như không hoặc chưa thấy trong những mộ chum Sa Huỳnh, những di tích Chăm cổ khác như Đồng Nà, Trảng Sỏi, Trà Kiệu. Loại gốm xám mốc hình chuông, bình có quai chỉ có Hậu Xá I di chỉ.

         - Hiện vật lá đề đồng lần đầu tiên tìm thấy ở địa điểm này, cho tới naychỉ có thể tạm thấy sự tương đồng giữa lá đề đồng và một loại hình bùa trong văn hóa Óc Eo. Tuy vậy, sự giống nhau này rất tương đối. Ý nghĩa, chức năng và nguồn gốc của lá đề đồng còn khá mơ hồ. Sự xuất hiện của loại hình hiện vật này, theo chúng tôi chưa hẳn nói lên ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Óc Eo. Có nhiểu khả năng hơn là do cả hai nền văn hóa (Champa và Óc Eo) đều có chung các yếu tố ngoại sinh.
         
I. HẬU XÁ I TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC DI TÍCH MỘ CHUM SA HUỲNH KHU VỰC HỘI AN.

          Trong hố khai quật, hố thám sát, cả 2 tầng văn hóa I và II, đều phát hiện được những mảnh mộ chum và đồ trang sức của văn hóa Sa Huỳnh, bên cạnh các hiện vật khác. Tuy vậy, cần lưu ý một số hiện tượng sau:

          + Số lượng hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh ở tầng văn hóa trên nhiều hơn so với ở tầng văn hóa dưới. Khuyên tai 3 mấu nhọn tìm thấy ở độ sâu 1,10m, tức là ở lớp chuyển tiếp giữa tầng dưới và tầng trên.

          + Gốm Sa Huỳnh ở đây chủ yếu là các mảnh vỡ của chum, nồi, bát trang trí văn thừng, văn chải. Hậu xá I di chỉ chưa thấy những loại hiện vật và hoa văn trang trí đặc trưng của mộ chum như bình con tiện, bát bồng chân cao, đèn... với những trang trí đặc trưng khắc vạch, chấm dải, ấn mép vỏ sò, cuống rạ, tô thổ hoàng, ánh chì...

          Theo chúng tôi, khả năng những hiện vật từ các khu mộ chum xung quanh lẫn vào đây ngay từ thời cổ có thể đã xảy ra. Bên cạnh Hậu Xá I - di chỉ, là Hậu Xá I - mộ táng (trong và ngoài khuôn viên của nghĩa trang Tin Lành đã được khai quật, thám sát và đào chữa cháy nhiều lần).

          Tại Hậu Xá I - di chỉ, chưa thấy sự tiếp nối rõ nét về địa tầng giữa Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Champa. Tầng văn hóa dưới của di chỉ tuy có niên đại trùng với niên đại muộn nhất của mộ chum, song xét về hiện vật theo chúng tôi không phải là tầng Văn hóa Sa Huỳnh điển hình. Đây là tầng Văn hóa Champa cổ, còn bảo lưu những yếu tố Văn hóa Sa Huỳnh - chủ yếu trong các loại hình gốm gia dụng “Sa Huỳnh - Chăm”, trong một số đồ trang sức đá và thủy tinh.
 
II. HẬU XÁ I VÀ TRÀ KIỆU:

          Ở phần khảo tả hiện vật, chúng tôi đã nhiều lần so sánh gốm di chỉ Hậu Xá I với gốm Trà Kiệu. Thực tế nghiên cứu cho thấy, có nhiều nét tương đồng giữa gốm Hậu Xá I lớp trên với gốm Trà Kiệu lớp trên, gốm Hậu Xá I lớp dưới với gốm Trà Kiệu lớp trên. Song gốm Chăm hơi thô, mịn ở Hậu Xá I trang trí giản đơn hơn, loại hình nghèo nàn hơn và chất liệu kém hơn so với gốm cùng loại ở Trà Kiệu, cụ thể:

          Ở di chỉ Hậu Xá I, ít gặp, loại gốm Chăm mịn trang trí văn in ô vuông (chỉ có vài mảnh ở lớp đất mặt), loại hình chủ đạo: vò, nồi, bát. Không thấy bát, cốc chân cao đặc, kendy, ấm, đĩa, vò thân phình... như ở Trà Kiệu.

          Loại hình bình hình trứng của Trà Kiệu lớp dưới không có ở di chỉ Hậu Xá I hay bất kỳ ở một địa điểm Chăm cổ nào ở Hội An, mặt khác loại gốm xám mốc lớp dưới di chỉ Hậu Xá I lại không hề thấy ở Trà Kiệu.

          Nguyên nhân của hiện tượng trên phải chăng do tính chất của các địa điểm, hoặc giả do mốc niên đại sớm nhất của di chỉ Hậu Xá I và Trà Kiệu không trùng nhau? Dù sao, Trà Kiệu với vị trí Kinh đô của mình, chắc đã góp phần không nhỏ tạo nên sự phong phú của các loại hình hiện vật.
 
III. HẬU XÁ I VÀ ĐỒNG NÀ:
          Tại Đồng Nà đã phát hiện được loại gốm thô “Sa Huỳnh - Chăm”, gốm Chăm hơi thô, mịn... như di chỉ Hậu Xá I. Tuy vậy gốm Chăm Đồng Nà gần với gốm Trà Kiệu hơn (về cả chất liệu, loại hình và trang trí), đẹp hơn gốm Chăm ở di chỉ Hậu Xá I. Ở Đồng Nà cũng đã phát hiện được gốm Hán văn in ô vuông, ô trám lồng.
 
IV. HẬU XÁ I VÀ TRẢNG SỎI:
          Niên đại sớm nhất của Trảng Sỏi tương đương với niên đại muộn của lớp dưới di chỉ Hậu Xá I, với lớp trên di chỉ Hậu Xá I và một phần lớp trên Trà Kiệu. Giữa hai địa điểm có một số tương đồng trong các loại hình gốm Chăm hơi thô, gốm Chăm mịn, đặc biệt ở loại vò có trang trí hai đường chỉ chìm bao quanh vai. Cả ở hai nơi đều thấy nhiều gốm thô “Sa Huỳnh - Chăm”. Cũng giống như ở di chỉ Hậu Xá I, gốm Chăm mịn ở Trảng Sỏi thiếu vắng những loại điển hình như kendy, bát, cốc chân cao đặc, vò trang trí văn in ô vuông, ấm...

          Tại Trảng Sỏi, có loại nồi khá phổ biến, thành miệng bên trong có vết lõm nông sâu khác nhau (đã vỡ vung ?) kiểu miệng nồi này thấy cả ở ba loại gốm thô “Sa Huỳnh - Chăm”, hơi thô và mịn, kiểu miệng nồi này không (chưa) thấy ở các địa điểm khác.

V. HẬU XÁ I VÀ NHỮNG HIỆN VẬT GỐM, SỨ CÓ NGUỒN GỐC KHÁC (NGOẠI NHẬP ?):
          Trong cả 2 tầng văn hóa ở di chỉ Hậu Xá I, bên cạnh những hiện vật gốm bản địa, luôn phát hiện thấy gốm sứ có nguồn gốc ngoại lai. Tầng văn hóa dưới tập trung những mảnh vò Hán văn ô vuông, bán sứ Hán - Lục Triều. Tầng văn hóa trên có bán sứ, sứ Đường, Tống... Ngoài ra ở độ sâu 0,80m tìm thấy vài mảnh sứ Islam. Những hiện vật này một mặt thể hiện mối giao lưu rộng rãi của cư dân cổ Hội An, mặt khác giúp xác định chính xác hơn niên đại của địa điểm.

          Di chỉ Hậu Xá I cho thấy những mối quan hệ qua lại nhiều chiều rộng rãi và ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ giữa Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm - Óc Eo - Hán - Ấn... Nét chung nổi bật nhất của các di tích trước sau Công nguyên ở Hội An - mà di chỉ Hậu Xá I là tiêu biểu - sự giao lưu mạnh mẽ với văn hóa Trung Hoa và sự chuyển tiếp văn hóa trong đứt gẫy và kế thừa ở những thế kỷ I, II sau Công nguyên.

Xem tiếp

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây