Di chỉ Bàu Đà

Thứ năm - 22/08/2013 21:41
Bàu Đà là tên gọi của một xứ đất (nay thuộc thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh) nằm trên một cồn cát cao, được bao bọc xung quanh bởi các sông lạch thuộc tả ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, cách Cửa Đại gần 1km. Do nằm ở vị thế bến sông- cửa biển nên trong nhiều thế kỷ của thời kỳ Champa, thời kỳ Đại Việt, đây từng là nơi dừng đậu, đổi trao hàng hóa, sản vật của các thương thuyền trong và ngoài nước mà số lượng gốm sứ, tiền đồng vô cùng phong phú ở đây là những minh chứng rõ ràng. Từ cuối thế kỷ XV, làng Việt là Võng Nhi đã hình thành sớm ở Hội An tại khu vực này.

1 (2)

          Do sự hấp dẫn của Bàu Đà trong việc nghiên cứu khảo cổ, trong thập niên 90 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học thuộc trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Quảng Nam Đà Nẵng và Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm, Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã phối hợp khảo sát, đào thám sát nhiều lần tại đây. Đặc biệt, vào tháng 10/1993 nhóm nghiên cứu thuộc Ban Quản lý Di tích Hội An đã tiến hành đào 2 hố thám sát tại một gò đất cách Lăng Bà về hướng Đông Nam khoảng 200m.

           * Hố I:
           Diện tích đào 2m x 3m, theo hướng Đông Tây.
         - Ở lớp 00 - 20cm: Giống như lớp đất mặt, màu đất gần như nhiễm đỏ do trộn lẫn với bột đất (bột đất là do những viên gạch, ngói bị vỡ nát vụn và phân hủy mà thành). Điều này chứng tỏ khối lượng gạch ngói trong một công trình kiến trúc khá lớn bị phá hủy từ lâu đời. Hiện vật ở đây cũng thống nhất với lớp đất mặt, chủ yếu và đặc biệt là những mẩu gạch, ngói Chăm, cùng gốm sứ Trung Quốc, ARập, Đại Việt ở thời kỳ Vương quốc Champa (từ thế kỷ XV trở về trước).

          - Ở lớp 20 - 40cm: Màu đất chuyển dần sang màu trắng đục, đến lớp đất cái ở độ sâu 40cm, hiện vật ở lớp này về loại hình giống như trên nhưng giảm dần về số lượng rồi chấm dứt ở độ sâu 40cm.

          * Hố II:
         Diện tích hố đào 2m x 2m, cách hố I về hướng Đông Nam 15m. Dấu tích trên mặt đất tương tự hố I, nhưng có xuất hiện một số mảnh gốm Sơ kỳ Kim khí.

         - Ở lớp 00 - 10cm: Màu đất nâu đen, xuất hiện dày đặc mảnh gốm sứ Trung Quốc, Chăm, Đại Việt ở thời kỳ Champa (trước thế kỷ XV).

         - Ở lớp 10 - 20cm: Màu đất giống lớp trên, hiện vật ở lớp này số lượng, chủng loại, niên đại không thay đổi nhưng đặc biệt ở cách vách Bắc 70cm, cách Tây 30cm có một cụm vừa gạch, ngói Champa, gốm sứ Trung Quốc và mảnh nồi gốm Sơ kỳ Kim khí nằm xen kẽ nhau, biểu hiện đồng nhất về niên đại.

          - Ở lớp 20 - 30cm: Màu đất chuyển dần sang màu trắng đục, hiện vật vẫn là gạch, ngói Chăm, gốm tráng men, mẫu gốm Sơ kỳ như ở lớp trên nhưng giảm dần về số lượng và kết thúc ở độ sâu 30cm. Đặc biệt, có những mảnh gốm Sơ kỳ  văn chải rất tiêu biểu và mẩu gốm Chăm hoàn chỉnh hình mỏ két chưa xác định được là vật gì.

          - Ở lớp 30 - 40cm: Đất chuyển dần từ màu trắng đục sang màu cát trắng của lòng sông, đó là lớp đất cái (sinh thổ).

          Tháng 6/94, Khoa Khảo cổ Trường Đại Học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Di tích Hội An tiến hành đào thám sát một móng kiến trúc bằng gạch (do nhân dân tình cờ làm xuất lộ) cách Lăng Bà khoảng 100m về phía Đông. Đây là móng của một công trình kiến trúc khá đồ sộ, mặt bằng hình chữ nhật với kích thước khoảng 12 x 15m. Móng dày 0,75m, nhiều đoạn bị bom đào, cày ủi trong chiến tranh làm hư hại có đoạn bị đào làm mồ chôn người chết, chỉ có góc Đông Bắc hầu như còn giữ đúng nguyên trạng. Lớp trên của móng dày 0,2m được xây bằng 3 lớp gạch (gạch dày 6cm, rộng 15 - 16cm, dài 28-30cm) theo kiểu xếp gạch lên nhau, không có dấu vết mạch hồ. Điều đáng quan tâm là chỉ có mặt trong, mặt ngoài của móng mới xếp gạch nguyên, còn lòng móng đều bằng gạch vỡ nhưng xếp khá công phu.

          - Dưới lớp gạch là lớp đá cuội, sỏi, đá dăm ..., dày 0,3m được nện rất chặt. Lớp này rộng chừng 0,9m, tạo thành chân đế vững chắc cho móng gạch bên trên.

          - Dưới cùng là lớp cát trắng ngà, mịn hạt, (0,4 - 0,5m) khác hẳn loại cát xung quanh, chắc chắn được chuyên chở từ nơi khác đến (Loại cát này hiện nay nhân dân vẫn dùng trong bát hương để cắm hương hoặc đổ trong quan tài người chết).
 
2 (2)
 
            Qua những lần thám sát khảo cổ ở Bàu Đà cho thấy:
           - Gốm Sơ kỳ Kim khí xuất hiện, dù ít nhưng đã chứng tỏ có dấu vết của cư dân Tiền Champa tại khu vực này. Do bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nên lòng đất Bàu Đà bị cày xới, xáo trộn, tầng văn hóa không ổn định, vì lẽ đó, muốn có những kết luận khoa học về Văn hóa Sa Huỳnh ở đây, cần có những cuộc khai quật qui mô lớn.

           - Cùng với lăng Bàu Đà (một di tích Chăm đã bị Việt hóa từ lâu đời) và một số giếng Chăm lân cận, di tích được đào thám sát chắc chắn là móng của một công trình kiến trúc tín ngưỡng Champa. Đây có thể là một ngôi đền miếu Chăm nằm liên hoàn trong cụm di tích Champa tại Bàu Đà.

          - Với lợi thế về vị trí địa lý và số lượng gốm sứ mậu dịch từ Đàng ngoài, Trung Đông, Trung Quốc,...  cũng như lượng tiền đồng Việt, Hoa, Nhật ..., xuất hiện khá nhiều, Bàu Đà chắc chắn đã từng là một trạm dừng đậu tàu thuyền để mua bán, đổi trao hàng hóa, sản vật suốt trong nhiều thế kỷ, phát triển cực thịnh dưới thời Champa trong thế kỷ IX - X  và dưới thời Đại Việt trong thế kỷ XVII-XVIII. Các lớp cư dân đã để lại đậm nét dấu tích văn hóa trên vùng đất này và đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý thú về lịch sử- văn hóa Hội An/.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây