Di tích khảo cổ học Bãi Ông

Thứ năm - 22/08/2013 21:56

Di tích khảo cổ học Bãi Ông

Di tích khảo cổ học Bãi Ông được phát hiện và đào thám sát vào tháng 5/1999, khai quật vào tháng 6/2000. Địa điểm thám sát và khai quật nằm tại cồn cát sát chân núi, ở giữa hai khe nước bắt nguồn từ núi chảy ra biển, thuộc thôn Bãi Ông - Hòn Lao - Cù Lao Chàm - Hội An, cách Lăng Cô Hồn và Nghĩa Trũng khoảng 200m về phía Đông Bắc, cách di chỉ Bãi Làng chừng 1,5km về hướng Tây Bắc.
1 (2)

            Đặc điểm di tích
           Hố thám sát (năm 1999) có diện tích 4m2 (2x2m), được mở theo hướng Bắc Nam, ký hiệu (B.Ô 99HI). Bề mặt hố thám sát không bằng phẳng, bị cắt ngang bởi một rãnh nước của ruộng bậc thang bên cạnh. Lớp văn hóa trên bị phá hủy và bào mòn do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là do quá trình canh tác và sinh sống của con nguời (trồng trọt, mai táng...).

          Tầng văn hóa của hố thám sát dày 1,2m, diễn biến địa tầng và hiện vật của hố thể hiện rõ có 2 tầng văn hóa bị ngăn cách bởi một lớp vô sinh.

          Tầng văn hóa I(trên): từ 00 - 0,40m. Trong tầng này, có nhiều hiện vật gốm Chăm, gốm thời Đường (Trung Quốc) và các mảnh thủy tinh. Các hiện vật này cùng tính chất với hiện vật di chỉ Bãi Làng, Xóm Cấm, khung niên đại từ thế kỷ VIII - X sau Công nguyên. Trên bề mặt tầng văn hóa này còn có những hiện vật có niên đại muộn hơn, khoảng từ thế kỷ XVII - XVIII sau Công nguyên. Dựa vào địa hình và hiện vật, các nhà khảo cổ cho rằng tầng văn hóa này vốn dày, song bị phá hủy nặng nề. Do vùng này luôn có nước chảy qua nên từ 0,20m trở xuống, cát bị nhiễm ôxít sắt và có màu rỉ sắt loang lổ không đều.

          Lớp đất vô sinh (giữa): Dày 20 cm, nằm ở độ sâu 0.40 - 0.60m, song độ dày không đều. Lớp đất này có màu vàng sáng, đôi chỗ bị nhiễm ôxít sắt, rất ít hay hầu như không có hiện vật ở lớp này. Từ lớp đất vô sinh này đã cung cấp một thông tin quan trọng là địa điểm này có sự gián đoạn về cư trú trong thời gian khá lâu.

          Tầng văn hóa II (dưới): từ 0.60 - 1.30m. Ở tầng văn hóa này xuất lộ nhiều cụm gốm mộ nồi tập trung xen kẻ đá cuội, than tro, xương răng cá, công cụ đá, xương động vật... Hiện vật tập trung rõ nhất trong cụm gốm 11(ký hiệu đánh số các cụm hiện vật gốm tại hố thám sát Bãi Ông) ở độ sâu 1m tại phía Nam hố thám sát. Tại đây có 2 nồi gốm, trong đó một nồi còn khá nguyên vẹn, đường kính miệng của nồi 26cm. Mộ nồi này ăn sâu vào trong vách, bên ngoài đáy nồi có kè đá cuội. Trong cụm này còn thấy nhiều mảnh miệng của loại nồi miệng khum, bên trong mép miệng trang trí hoa văn răng sói, in mép vỏ sò. Cụm mộ nồi được kè đá này là dấu vết mai táng của cư dân Tiền Sa Huỳnh. Ngoài ra, nhiều công cụ sản xuất là bàn mài, cuội có dấu vết sử dụng và một răng hàm cá, mẩu than tro, rìu đá có vai được phát hiện. Niên đại của các hiện vật này tương đồng với hiện vật trong các di tích sơ kỳ kim khí miền Trung như: Long Thạnh, Bàu Tró. Cùng lớp với cụm gốm này có 2 hố nhỏ hình tròn, đường kính khoảng 0.20m, sâu khoảng 0,30m, cát trong những hố này có màu thẫm hơn, không thấy hiện vật.

           Di vật của người xưa được lưu lại nhiều và phong phú hơn ở hố khai quật có diện tích 21m2, hố được mở theo hướng Bắc - Nam, ban đầu hố có diện tích 3x5m2, sau đó hố này được mở rộng về phía Bắc thêm 6m2 (2x3m). Vị trí hố khai quật có tọa độ: 15015’15” vĩ Bắc, 108023’10” kinh độ Đông, cách địa điểm thám sát 5m về phía Nam.

           Các di vật phân bố dày đặc trong độ sâu 1,6m của hai tầng văn hóa kế tiếp nhau. Nhìn chung địa tầng hố khai quật giống với địa tầng hố thám sát, tuy vậy hố khai quật có hiện tượng bị cắt phá bởi các dòng chảy nên lớp vô sinh chỉ thấy được ở vài nơi.

          Tầng văn hóa I (trên): từ 00 - 0,35m. Hiện vật ở tầng văn hóa này gồm có gốm sành miền Trung Việt Nam thời Hậu Lê, gốm sứ Trung Quốc thời Đường, Minh, Thanh (thuộc các lò ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Cảnh Đức Trấn) và gốm Chăm. Các hiện vật gốm Đường, Chăm có loại hình và chất liệu giống gốm Đường, Chăm phát hiện được tại Di chỉ Bãi Làng. Những hiện vật gốm Đường, Chăm có niên đại thuộc thế kỷ IX - X và các hiện vật thế kỷ XVI - XVIII bị phá huỷ nghiêm trọng. Vì đa số các hiện vật này nằm ứng với các lớp đào 1,2,3(dày 40cm) của hố khai quật, các lớp đất này đã được cư dân hiện đại canh tác. Dưới độ sâu 0,35m là lớp đất vô sinh dày 5cm ngăn cách giữa hai tầng văn hóa.

           Tầng văn hóa II (dưới): từ 0,40 - 1,55m. Diễn biến màu cát trong tầng văn hóa này chuyển từ màu đen sang vàng theo chiều sâu dần. Các hiện vật gốm, công cụ đá, xương động vật nằm xen lẫn với nhau trong từng lớp đất. Hiện vật gốm thô được làm từ đất sét pha cát, vỏ nhuyễn thể phân bố tập trung ở độ sâu 0,40 - 1,10m. Nhóm gốm thô thuộc các loại hình vò miệng loe, nồi, mâm bồng, bình, lọ hoa... được trang trí hoa văn vỏ sò, vạch răng sói, hình học gấp khúc. Những đồ án này tương tự như những đồ án trang trí trên lọ hoa ở di tích Long Thạnh. Nhiều mảnh gốm Chăm, Đường và sành cũng được phát hiện trong tầng văn hóa này. Hiện vật bằng đá phân bố tập trung ở độ sâu từ 0,75m đến 1,05m với nhiều loại hình, được chế tác tinh xảo. Các hiện vật đá được chế tác từ đá cuội sông, đá màu tím sẫm, đá hoa cương... kỹ thuật chế tác đã chủ yếu là ghè, mài, tước. Có nhiều hiện vật đá được chế tác bằng kỹ thuật cao có bôn tứ giác, rìu tứ giác, rìu đốc hẹp, bàn mài, hòn kê, một mảnh đá có hình giống lưỡi khoan. Ngoài ra, tại hố khai quật còn tìm thấy được dấu vết bếp lửa, hạt cây cháy, xương động vật biển. Đây là dấu vết thể hiện dấu ấn cư trú rõ rệt của cư dân cổ vùng biển đảo tại địa điểm Bãi Ông.
 

 
          Đặc điểm di vật
         Các hố thám sát, khai quật tại địa điểm Bãi Ông có diện tích rộng, tầng văn hóa dày nên các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều hiện vật thuộc nhiều chất liệu, loại hình. Trong đó có 13.000 mảnh vỡ gốm Tiền Sa Huỳnh, chúng thuộc các loại hình vò hình cầu, nồi miệng khum, nồi miệng loe xiên, bình chân thấp, mâm bồng, dọi xe chỉ... Có 1711 mảnh gốm Chăm, Đường, gốm sành miền Trung và sứ men xanh, một số mẩu gạch vụn, ngói cũng được tìm thấy. Đồ đá có hơn 185 hiện vật nguyên và mảnh, thuộc các nhóm hiện vật công cụ sản xuất bằng đá: các dạng rìu, bàn mài, chày nghiền, mảnh tước. Hiện vật đá dùng cho mai táng có đá kè, đá cuội viên; nhóm đồ trang sức có chuỗi hạt màu đen vân trắng được mài trau chuốt. Một vài hạt cây cháy, xương động vật cũng được phát hiện. Đặc điểm chung về hiện vật của hố thám sát, khai quật như sau:

           Hiện vật trong hố thám sát
        Hiện vật gốm: Không phát hiện được hiện vật nguyên nhưng có một số mảnh kích thước lớn. Gốm Tiền Sa Huỳnh có chất liệu thô, xương bở, đen pha nhiều cát, sạn nhỏ, bã thực vật, áo gốm thường có màu xám, màu vàng sáng, nâu đỏ, đỏ... Hoa văn trang trí phổ biến nhất là văn thừng các loại, kế đến là văn in mép vỏ sò độc lập hoặc văn in mép sò tạo những dải mảng in chấm trong khung khắc vạch. Các hiện vật này được làm từ đất sét pha nhiều cát sạn nhỏ, bã thực vật. Xương gốm thường có màu đen, nâu đen, nâu xám; áo gốm màu nâu đỏ, nâu hồng, đỏ, vàng. Đồ án trang trí của đồ gốm cũng rất đa dạng như mép vỏ sò, vạch răng sói, cuốn rạ.

           Hiện vật đá: Chất liệu đá thường là đá xanh, đá xanh xám, xám trắng. Các bàn mài đá được mài phẳng hay tạo lõm hoặc tạo rãnh. Trong nhóm rìu đá cũng có nhiều dạng khác nhau: một rìu đá vai xuôi, hơi lệch, lưỡi hình chữ “V” có dấu vết mẻ do sử dụng; một lưỡi hình bầu dục, đốc hẹp. Các mảnh tước đá cũng được chế tác công phu, một mặt mài nhẵn, có vết ghè tu chỉnh.

           Hiện vật trong hố khai quật 
         Ở tầng văn hóa I: Có một số hiện vật gốm sành miền Trung thế kỷ XVI - XVIII, một số mảnh sứ men trắng, hoa xanh của Trung Hoa thuộc thời Minh, Thanh. Riêng gốm Đường, Chăm có loại hình và chất liệu giống nhóm hiện vật tìm thấy ở địa điểm Bãi Làng.

          Ở tầng văn hóa II: Có nhiều chỗ hiện vật tập trung thành từng cụm, kích thước lớn, một số hiện vật còn có khả năng phục dựng hình dáng. Hầu hết gốm ở tầng văn hóa này làm từ đất sét pha nhiều cát, vỏ nhuyễn thể và bã thực vật. Gốm được nung ở nhiệt độ khá cao nên xương gốm chắc, cứng. Đa phần gốm có áo gốm màu xám đen, xương đen; áo đỏ, xương xám; áo xám vàng, xương xám.

          Trong tầng văn hóa này có nhiều viên cuội dùng để miết gốm và nhiều viên thổ hoàng có thể được sản xuất tại chỗ.

          Tất cả các hiện vật này đã được xử lý, thống kê bảo quản, giám định bước đầu và trưng bày tại các bảo tàng chuyên đề ở Hội An.
 

 
          Nhận xét
          Từ kết quả thám sát và khai quật cho thấy đây là địa điểm cư trú kết hợp mộ táng. Nhưng dấu vết cư trú bộc lộ rõ hơn qua bộ sưu tập hiện vật gồm công cụ đánh bắt, đồ chế tác bằng đá, đồ gốm gia dụng, dấu tích bếp lửa. Những mẩu hạt cây cháy xuất hiện trong di chỉ đã được xác định niên đại và cho biết địa điểm Bãi Ông là di chỉ của cư dân tiền Sa Huỳnh thời Sơ kỳ Kim khí với niên đại 3100 ± 60 BP. Cho đến nay, đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An.

          Từ địa hình biển đảo đã hình thành phương thức sản xuất chủ yếu của cư dân Bãi Ông là săn bắn, hái lượm, đánh bắt. Kỹ thuật mài các công cụ sản xuất đã phát triển đến độ hoàn thiện và kỹ thuật chế tác gốm ở trình độ cao cho ra nhiều sản phẩm có loại hình phong phú. Dấu ấn văn hóa biển của cư dân Tiền Sa Huỳnh tại Bãi Ông đã in đậm nét trong các hoa văn trang trí trên gốm như hoa văn mép vỏ sò, sóng lượn.

           Di tích Bãi Ông được phát hiện góp phần làm rõ thêm vai trò của Cù Lao Chàm trong thời kỳ Tiền - Sơ sử ở Hội An. Đồng thời chứng minh cư dân Sa Huỳnh cư trú liên tiếp ở Hội An từ Sơ kỳ đến hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh.

          Qua một số loại hình và hoa văn trang trí đồ gốm Bãi Ông cho thấy có mối quan hệ văn hóa giữa Bãi Ông với Bàu Tró (Quảng Bình), Cổ Lũy (Quảng Trị), Xóm Cồn (Khánh Hòa). Bãi Ông cùng với Bàu Trám (lớp dưới)... là những di tích thuộc giai đoạn văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở địa bàn Quảng Nam, mà tính chất và bộ sưu tập hiện vật khẳng định về một sự phát triển liên tục của văn hóa thời đại kim khí ở Quảng Nam.

           Theo nhận định của cố Gs Trần Quốc Vượng, Ts Lâm Mỹ Dung thì kết quả khai quật Bãi Ông đã cung cấp nhiều tư liệu cho các nhà khảo cổ học có cơ sở vững chắc hơn trong phân kỳ và định niên đại những giai đoạn văn hóa Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở miền Trung Việt nam./.

Xem tiếp 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây