Di tích mộ táng Hậu Xá I

Thứ ba - 27/08/2013 21:28
Hậu Xá I nay thuộc khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Nơi đây là điểm cuối cùng về phía Đông của một dải cồn cát lớn chạy dài từ Điện Bàn xuống Hội An (khoảng 5m), ôm dọc theo bờ Bắc của một dòng chảy cổ hiện nay đã bị lấp cạn để lại dấu vết ruộng lúa - đất hoa màu, dân địa phương gọi là Rọc Gốm.
           Địa điểm này đã được các nhà khảo cổ thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) phát hiện và đào thám sát năm 1989. Sau đó, năm 1990 cán bộ khảo cổ của Viện Khảo cổ học tiếp tục đào lại ở đây.

          Trong 3 năm 1993 - 1995, thực hiện chương trình dự án: “Khai quật khảo cổ về di tích văn hoá mộ chum Sa Huỳnh ở Thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”, nhằm làm sáng tỏ về khu di tích này, Ban Quản lý Di tích Hội An phối hợp các nhà khảo cổ học của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã tiếp tục đào thám sát và khai quật khảo cổ học.

          Thực tế việc tiến hành đào thám sát, khai quật khu mộ táng này đều nằm trong tình trạng đào chữa cháy, vì lý do cư dân đào huyệt chôn mộ hoặc xúc đất đã làm lộ chum, thậm chí đào phá làm nhiều chum, hiện vật bị vỡ nát, lộn xộn, lộ ra trên mặt đất, nên việc xử lý chúng tôi không thể thực hiện theo đúng phương pháp khoa học khảo cổ.
 

 
          Hố 1: Được tiến hành từ ngày 18 đến 20/02/1993, diện tích hố đào 6m2 (2m x 3m) nằm sát đường mòn từ Hậu Xá đi chùa Long Tuyền về phía Tây.

          - Chum 1: hình trụ, có vai gãy, đáy tròn, hông phình, miệng loe, từ vai xuống đáy trang trí văn thừng. Cao cả nắp 65cm, đường kính vai 50cm, đường kính miệng 30cm, đường kính hông 40cm. Nắp đậy hình lồng bàn úp. Xung quanh nắp chum có một số mảnh vỡ của đồ đựng chân đế cao, nồi nấu, chân đế đèn, mẩu sắt.

         - Chum 2: Hình trụ, miệng loe, đáy tròn, vai gầy, hông phình, thân trang trí văn thừng. Cao đến miệng 75cm, đường kính vai 66cm, đường kính hông 55cm, đường kính miệng 70cm, nằm nghiêng về chum 1. Nắp hình chóp cụt, trang trí hoa văn khắc vạch, kết hợp chấm dải, tô màu thổ hoàng. Có khá nhiều hiện vật nằm cả trong và xung quanh bên ngoài chum như bát chân đế cao, thấp, nồi nấu, bát không chân đế miệng loe... Hiện vật trong lòng chum phân bố từ miệng đến đáy có các đồ đựng (nồi, bát chân đế thấp), dọi xe chỉ bằng đất nung, gần đáy có hạt chuỗi thuỷ tinh, đá, nhỏ, màu nâu, xanh nước biển. Bên ngoài, dưới đáy chum có một số mảnh vỡ của “đèn Sa Huỳnh”.

          - Chum 3: Lộ trên mặt đất (do lớp đất mặt đã bị lấy để đắp đường và bị bào mòn). Chum hình cầu, có hông phình, miệng loe, đáy tròn, thân trang trí văn thừng. Cao đến miệng 25cm, đường kính thân 42cm, đường kính miệng 23cm. Nắp hình lồng bàn (không có núm) bị vỡ thành nhiều mảnh. Xung quanh, bên ngoài có một số mảnh vỡ của bát có chân đế, nồi.

          Hố 2: Được tiến hành từ 21 - 25/02/1993, cách hố 1 khoảng 10m về phía Đông, nằm sát mép đường phía Đông của con đường mòn. Diện tích hố đào 7,5m2 (2,5m x 3m). Ở đây đã bị đào bới, xáo trộn, mảnh chum và hiện vật đồ đựng khá nhiều, xác định có khoảng 3 chum, số lượng mảnh hiện vật gốm rất phong phú, cùng với hiện vật sắt, dọi xe chỉ.

          Hố 3: Từ 3 - 6/01/1994 nằm sát vách Nam của hố 2, diện tích đào 9m2 nhìn chung hố này cũng bị đào bới, xáo trộn. Dựa vào vết tích đáy chum, các hiện vật chúng tôi đã xác định được ở trong hố có 6 chum. Các hiện vật bị đập vỡ, bỏ vung vãi xung quanh. Căn cứ vào mảnh chum (thân, đáy, miệng) có thể xác định chum ở đây là loại miệng loe, có vai đáy bầu, thân trang trí văn thừng và chải. Nắp hình chóp cụt hoặc lồng bàn úp. Các hiện vật gốm trong hố khá phong phú, đồ sắt, đồ trang sức bằng đá, thuỷ tinh được chế tác rất tinh vi. Dưới đáy trong 2 chum/6 chum có dấu vết tro than.
  
2 (2)
         
           Ngoài ra chúng tôi buộc phải đào “chữa cháy” 3 lần khác ở vị trí đều nằm sát đường đi về phía Đông.

          Lần 1: Ngày 6/5/1994, xử lý chum đã bị phá huỷ chỉ còn 1/3 (phần đáy). Trong chum khá nhiều mảnh vỡ của các vật dùng đồ đựng (nồi, bát bồng...). Đặc biệt có rất nhiều hạt chuỗi bằng đá, thuỷ tinh màu trắng, xanh, nâu.

          Lần 2: Ngày 23/6/1994, xử lý mộ chum đã bị lộ hẳn trên mặt đất, chum hình trứng, từ vai trở xuống văn thừng. Kích thước cao còn lại 59cm, đường kính giữa thân 56,5cm, đường kính đáy 43cm. Qua mảnh vỡ của nắp chum cho biết nắp hình nón cụt, không hoa văn, mặt trong áo gốm nhẵn, láng, màu tô thổ hoàng.

          Đồ tuỳ táng có: Gốm đồ minh khí, thân hình cầu, bình, bát bồng... trang trí văn thừng, khắc vạch, tô màu,... khá tinh vi và đẹp. Đồ sắt: có một mẩu vỡ nhỏ, vụn, khó nhận dạng. Đặc biệt có một vật hiện nay phát hiện duy nhất ở Hội An là vật chất liệu đá cuội, hình trái tim.

          Lần 3: Từ ngày 24 - 25/10/1994, xử lý chum loại hình trụ, có vai. Chum này, từ vai xuống đáy 70cm. Hiện vật tuỳ táng nằm ở trong và xung quanh bên ngoài chum có: nồi, chân đế bát bồng, bát có chân đế (phần lớn bị vỡ), đồ sắt, khuyên tai 3 mấu bằng đá, hạt chuỗi bằng đá, mã não, thuỷ tinh nhiều loại hình, kích thước, màu sắc khá phong phú. Dấu vết để lại cho biết chum đã bị xáo trộn đến đáy. Đặc biệt ở đây, bên ngoài dưới đáy chum được kê (lót) một lớp đá (Natơrit), trong cát ở đây có màu tro, đen rất rõ.
 

VÀI Ý KIẾN NHẬN XÉT
          Mặc dù tiến hành đào thám sát, khai quật khu mộ táng trong điều kiện bị động “chữa cháy” nhưng kết quả thu được qua số lượng chum và hiện vật tuỳ táng khá phong phú, có thể khẳng định:

          - Đây là khu mộ táng của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn cách đây  trên dưới 2000 năm.

          - Tuy nằm trong giai đoạn muộn của Văn hoá Sa Huỳnh nhưng ở đây mô típ trang trí hoa văn trên gốm vẫn được làm tinh tế và đẹp. Chứng tỏ khả năng bảo lưu các yếu tố truyền thống trong tạo tác, hoa văn còn khá mạnh mẽ.

          - Đặc biệt ở Hậu Xá I so với các điểm mộ táng khác ở Hội An đồ tuỳ táng, hiện vật gốm chứa khối lượng lớn đã được sử dụng, khá phong phú về loại hình, kiểu dáng, hoa văn... Vì vậy nó sẽ cung cấp một bộ sưu tập quí về đồ gốm dân dụng của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn. Góp phần đáng kể vào việc nghiên cứu về đồ gốm nói chung.

          - Đồ trang sức chiếm số lượng khá phong phú với nhiều kiểu dáng hạt chuỗi, khuyên tai, vòng đeo tay... chất liệu chủ yếu là hồng mã não, đá quý, thuỷ tinh được chế tác khá tinh vi, thể hiện trình độ kỹ thuật cao của cư dân thời kỳ này.

          - Có một vật lạ nằm ở trong chum, bằng đá hình trái tim (duy nhất ở Hội An) nhưng chưa rõ chức năng, ý nghĩa của vật này.

          Nhìn chung các vật tuỳ táng được phân bố cả trong và ngoài chum, có hiện tượng đập vỡ đồ gốm trước khi chôn. Đây là vấn đề đáng lưu ý trong táng tục của cư dân Sa Huỳnh cổ.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây