Tổng quan về khảo cổ học ở Hội An

Thứ ba - 15/11/2016 20:27
Trước năm 1985, các nhà khoa học trong và ngoài nước mới chỉ biết, viết về Hội An qua những nguồn tư liệu thư tịch, lịch sử và kết quả điều tra thực địa theo phương pháp sử học, dân tộc, Fofklore ... Bởi việc khảo cổ học hầu như chưa được tiến hành ở Hội An.
          Tháng 7/1985, tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Đô thị cổ Hội An, từ những kết quả điền dã khảo cổ bước đầu, thông qua Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam đã đề ra một chương trình nghiên cứu toàn diện về Đô thị cổ Hội An được thành lập (để chuẩn bị cho Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An 3/1990), một chương trình điều tra, khảo sát khảo cổ học mới được triển khai chính thức. Có thể nói đây là một chương trình mở đầu cho Khảo cổ học ở Hội An. Dựa vào cảnh quan địa lý, dấu vết của các dòng chảy cổ, sau một thời gian điều tra khảo sát, tháng 7/1989 đoàn Khảo cổ học đã đào thám sát khảo cổ tại năm điểm, thông qua hiện vật trong tầng văn hóa bước đầu cho biết:
          
          1) Di chỉ Bàu Đà (Lăng Bà) xã Cẩm Thanh: nằm ở điểm cực Đông của Đô thị cổ Hội An, sát cửa biển (Cửa Đại xưa), bên bờ hai dòng chảy cổ (Song Cổ Cò và Sông Đình). Đây là một bến tàu - nơi dừng đậu, trao đổi hàng hóa, sản vật, đặc biệt là gốm sứ từ thời Vương Quốc Champa, được kế thừa, phát triển vào thời kỳ thương cảng Đại Việt thế kỷ XVI - XVIII.
 
DSC 9528

Dấu vết kiến trúc Chăm phát hiện ở Lăng Bà - Cẩm Thanh - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An 
 
thoi ky cham paKubera1

Tượng thần tài lộc Kupera ở Lăng Bà - Cẩm Thanh - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
         2) Di tích mộ táng An Bang và di chỉ cư trú Thanh Chiếm, Hậu Xá I (nay thuộc phường Thanh Hà), nằm ở phía Tây của Đô thị cổ Hội An, bên bờ của một dòng chảy cổ nay chỉ còn lại dấu vết gọi là “Rọc gốm”. Đây là một dải di tích của cư dân thời Tiền - Sơ sử ở Hội An, nằm trong phức hệ văn hóa Sa Huỳnh (ở Nam Trung Bộ Việt Nam). Riêng di chỉ Thanh Chiếm, qua tầng văn hóa thấy rõ được sự tiếp nối bởi cư dân Champa, Đại Việt. Đặc biệt, đáng lưu ý ở đây là sự có mặt số lượng lớn của gốm sứ mậu dịch nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản (Hizen) với đồ gốm đất nung địa phương (Thanh Hà) niên đại thế kỷ XVII, XVIII.

          * Chương trình này, có sự tham gia hợp tác của các nhà khảo cổ học ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam (trường Đại học Quốc gia Hà Nội), Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và Ban Quản lý Di tích Hội An.

          3) Di chỉ Hội quán Triều Châu (chùa Âm Bổn), nằm về phía sau của Hội quán này, sát hạ lưu sông Thu Bồn (sông Hội An) và về phía Đông của khu phố cổ Hội An hiện nay. Đây là một điểm cư trú khá liên tục và lâu đời của cư dân từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Với sự có mặt khá đầy đủ của gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản (Hizen).

            Đặc biệt, cũng trong đợt này (7/1989) đoàn đã phát hiện và giám định bước đầu khá nhiều vết tích kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, giếng cổ của thời kỳ cư dân Champa đó là: Vết tích kiến trúc: ở An Bang, Thanh Chiếm (Thanh Hà), Lăng Bà (Cẩm Thanh); Tác phẩm điêu khắc: Bức tượng Voi trong Miếu thờ đình Xuân Mỹ (ở Thanh Hà) niên đại thế kỷ VIII - IX, tượng Vũ Công Thiên Tiên - Gandharva, trong miếu thờ “Thần Hời” (An Bang, Thanh Hà) niên đại thế kỷ IX, tượng Nam thần Kubera ở Lăng Bà (Cẩm Thanh) niên đại cuối thế kỷ X, đầu tượng thần ở Hậu Xá (Thanh Hà) niên đại thế kỷ VIII, mảnh bia vỡ (mặt phải còn ba dòng chữ, mặt trái còn hai dòng chữ) niên đại khoảng thế kỷ X - XII. Đồng thời, hệ thống giếng cổ cũng được phát hiện khá nhiều, nằm dọc theo hạ lưu sông Thu Bồn, trong các khu dân cư cổ, gần bên các vết tích kiến trúc Champa. Đây là những giếng nước được làm từ thời cư dân Champa, đã trải qua nhiều lần tu sửa hoặc được làm theo kiểu thức của cư dân Champa bởi cư dân Đại Việt từ lâu đời.

            Tiếp theo và trên một quy mô rộng lớn hơn bao gồm các bước điều tra, đào thám sát, khai quật khảo cổ học trên toàn địa bàn Hội An hiện nay (kể cả những địa điểm đã phát hiện trước đây) theo một chương trình dự án “Nghiên cứu khảo cổ học về văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An”, do quỹ của TOYOTA FOUNDATION (Nhật Bản) tài trợ từ năm 1993 - 1995.

            Kết quả ba năm điền dã, khảo sát đã phát hiện được trên toàn bộ vùng cửa sông - ven biển Hội An đều có dấu tích văn hóa Sa Huỳnh và đã đào thám sát, khai quật tại bốn điểm di tích mộ táng: An Bang, Hậu Xá I, Hậu Xá II (Thanh Hà), Xuân Lâm (Cẩm Phô). Đó là những khu mộ táng chum đất nung. Năm điểm di chỉ cư trú: Hậu Xá I, Trảng Sỏi (Thanh Chiếm), Đồng Nà (Thanh Hà) và Bàu Đà (Lăng Bà Cẩm Thanh).

            Các khu di tích mộ táng có số lượng mộ chum khá dày đặc (tổng số 73 chum được xác định trên diện tích 129m2). Với khá nhiều hiện vật tùy táng gồm có: Đồ gốm: bát, đĩa, nồi, “ đèn Sa Huỳnh”, cốc, bình... Đồ trang sức: khuyên tai (có 3 mấu, vành khăn), vòng đeo tay, hạt chuỗi... chất liệu thủy tinh, đá (có hồng mã não, Nephrite, Crystal, agate, phiến sét), kim loại khác (vàng, chì, đồng). Đồ sắt: Dao, rựa, rìu, đục... Dọi xe chỉ: bằng đất nung (để xe chỉ dệt vải). Tiền đồng: Ngũ Thù, Vương Mãng (của Trung Quốc).

            Các di chỉ cư trú với tầng văn hóa khá rõ và ổn định. ở lớp dưới có nhiều mảnh đồ đựng đã được sử dụng, gồm các loại gốm thô Sa Huỳnh, Sa Huỳnh - Chăm (gốm mịn, mầu nâu đỏ, vàng nhạt hoặc xám mốc, văn chải, thừng mịn hoặc in ô vuông, phong cách Hán, Trung Quốc). Niên đại từ thế kỷ II - III, IV sau công nguyên. ở lớp trên với nhiều mảnh gốm Chăm, sứ, bán sứ Trung Quốc, Islam, Việt Nam thể hiện rất rõ sự nối tiếp dân cư, văn hóa từ thế kỷ III, IV - XI, XV.

            Bằng những chứng cứ hiện vật khảo cổ từ trong lòng đất Hội An, tham chiếu, đối sánh với những di tích khảo cổ học khác ở trong nước và khu vực cùng với kết quả của nhiều phương pháp xét nghiệm, giám định niên đại, tại hội thảo khoa học về văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An 11/1995 các nhà khảo cổ học đã thống nhất kết luận:

            Mảnh đất Hội An là nơi tập trung nhiều nhất, đậm đặc nhất của văn hóa Sa Huỳnh thuộc giai đoạn muộn, cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm. Nét đặc trưng cho các di tích ở đây là sự hiện diện của những đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng (Trung Quốc), chất nhựa kết dính giữa nắp và miệng chum, hay than tro, xương động vật trong đáy mộ chum hoặc những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, dáng dấp kiểu Đông Sơn, óc Eo và trong khu vực rộng hơn ở Đông Nam á. Đặc biệt ở chuôi (cán) một số hiện vật sắt còn để lại dấu vết gỗ, vải khá rõ nét. Trong các di chỉ cư trú, tuy mang tính chất khác nhau giữa các điểm (bến, chợ ven sông, điểm thờ cúng nơi cư trú), nhưng hiện vật trong các lớp văn hóa đều đồng nhất, thể hiện rất rõ sự chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa. Mặt khác, cũng thể hiện rất rõ mối quan hệ, giao lưu văn hóa trong nước và trong khu vực.

       Có thể nói, từ thời Sa Huỳnh, Hội An đã là một tiền cảng thị (pre - port town) hay một cảng thị sơ khai (embryonnary port town) và chắc chắn là tiền đề cho sự hình thành các tiểu vương quốc ở khu vực miền Trung Việt Nam. Với nền văn hóa Sa Huỳnh muộn “cổ điển”, ở đây đặt ra nhiều vấn đề khoa học lý thú về sự phát triển, chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa, về táng thức, diện mạo thiết chế kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân thời kỳ này.

          Song song với chương trình dự án “Nghiên cứu khảo cổ về văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An”, từ năm 1993 - 1995 là chương trình điều tra, thám sát và khai quật tìm hiểu về các lớp kiến trúc, dân cư ở trong khu vực Khu phố cổ Hội An hiện nay của Trung tâm hợp tác nghiên cứu văn hóa Quốc tế, trường đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản.

         Tháng 9/1993 các nhà khảo cổ học đã tiến hành đào thám sát tại các sân sau hoặc trước của các nhà 85, 69, 65, 78, 80, 114 đường Trần Phú - tức là dãy phố trung tâm của khu phố cổ Hội An hiện nay. Kết quả thông qua hiện vật cho thấy, ở đây chỉ có dấu vết dân cư, kiến trúc từ thế kỷ XVIII - XX. Nghĩa là chưa tìm thấy dấu vết phố cổ ở phía Nam đường Trần Phú (hiện nay) và thế kỷ XVI, XVII.

           Từ 1 - 8/1994 nhà khảo cổ học tiếp tục đào thám sát và khai quật khảo cổ tại các vị trí về phía Tây của Khu phố cổ hiện nay đó là: Đình Cẩm Phô, đình ấp Tu Lễ, 129 Phan Chu Trinh. Ngoại trừ vị trí 129 Phan Chu Trinh, tầng văn hóa bị xáo trộn, không xác định, còn lại cấu trúc tầng văn hóa ở các khu vực này khá ổn định và rõ nét, cho thấy vào thế kỷ XVI - XVII đây là vùng bãi sông, có độ xoải từ Bắc - Nam (phía đoạn sông cổ ở phía Nam đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay). Hienẹ vật ở lớp 2 và 3 trong tầng văn hóa chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc, Hizen (Nhật Bản), gốm sành Việt Nam từ thế kỷ XVI - XVIII. Như vậy, cho biết các khu dân cư ở phía Tây của Khu phố cổ Hội An hiện nay đã hình thành khá thịnh vượng vào thế kỷ XVI, XVII và được tiếp nối cho đến nay.

          Từ năm 1998 đến năm 2000, khảo cổ học ở Hội An tiếp tục thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trong đó đáng quan tâm là việc phát hiện di chỉ Ruộng Đồng Cao (khu vực I - Cẩm Phô), có niên đại thế kỷ III - IV sau công nguyên, với sự xuất hiện khá dày đặc gốm mịn, đanh cứng; màu nâu đỏ, vàng nhạt; có gốm trơn láng hoặc in hoa văn ô vuông. Cùng với sự xuất hiện các hạt chuỗi thủy tinh, đĩa đồng kiểu Hán (thế kỷ I - II sau công nguyên), đầu ngói ống (mặt hổ), gạch... Di chỉ đã góp phần bổ sung thông tin làm sáng tỏ thêm về cư dân Champa ở Hội An. Có thể nói từ năm 1998 đến 2000 là thời gian giành cho việc tập trung nghiên cứu khảo cổ học về Cù Lao Chàm, kết quả chương trình này là:

          1) Lần đầu tiên đã phát hiện được di chỉ có niên đại cách ngày nay hơn 3000 năm ở khu vực Hội An - di chỉ Bãi Ông, dienẹ tích khai quật 22m2 vốn có khá nhiều hiện vật gốm thô (đất nung), công cụ đá mài, cuội: rìu tứ giác, rìu có vai, lưỡi ghè, bàn nghiền, chì lưới... Đặc biệt ở lớp trên có tầng văn hóa với niên đại thế kỷ IX - X.
 
thoi ky sa huynh Hien vat Bai Ong

Hiện vật được phát hiện ở Di chỉ Bãi Ông - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
          2) Tại di chỉ Bãi Làng: Trong tổng diện tích khai quật 8m2, thu được hiện vật rất phong phú gồm: gốm - sứ Chăm, Islam (vùng Trung Cận Đông), Nam Trung Quốc; đồ thủy tinh màu có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Nam ấn Độ... Di chỉ có niên đại thế kỷ VIII - X. Thông qua tư liệu thư tịch và hiện vật khảo cổ ở đây đã minh chứng về một vai trò giao lưu buôn bán trên thế giới và trong khu vực của Cù Lao Chàm ở các thế kỷ trước.
 
thoi ky champa 5

Hiện vật gốm thủy tinh màu phát hiện ở di chỉ Bãi Làng - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
           3) Liên tiếp các năm 1997, 1998 và 1999, các nhà khảo cổ học Việt Nam cùng các chuyên gia khảo cổ học, sử học của Đại học Oxford (Anh), KeBang Sean (Malaysia), Cộng hòa Séc, với sự liên doanh đầu tư của công ty Saga (Malaysia) và Visal (Việt Nam), các công ty chuyên trục vớt tàu đắm. Kết quả theo báo cáo của Ban khai quật khảo cổ Cù Lao Chàm cho biết: đã khai quật được hơn 278.000 hiện vật chủ yếu là đồ gốm Việt Nam (sản xuất tại Chu Đậu, Hải Dương), một số ít của Trung Quốc và một số vật dụng khác có niên đại vào thế kỷ XV.
 
3

Hiện vật được trục vớt từ tàu đắm tại Cù Lao Chàm - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
           Kết quả khảo cổ học ở Hội An trong những năm qua đã tạo cơ sở cho sự hình thành ba Bảo tàng nhỏ ở Hội An: Bảo tàng lịch sử - văn hóa, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch và đang có kế hoạch thiết lập Bảo tàng “Văn hóa khảo cổ biển - đảo Hội An”. Đây là những minh chứng về kết quả mà các nhà khảo cổ học đã đạt được ở Hội An trong những năm qua. Trên cơ sở này, các nhà khảo cổ học có thể dựng lại một cách khái quát tiến trình lịch sử của Hội An từ thời Tiền - Sơ sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, được nối tiếp bởi văn hóa Champa, Đại Việt - Đại Nam. Trong suốt quá trình đó, tuy sự hưng thịnh có khác nhau ở mỗi thời kỳ, Hội An vẫn luôn đóng vai trò là giao điểm trung chuyển mậu dịch, giao lưu văn hóa của Việt Nam và khu vực Đông Nam á. Sự xuất hiện của gốm sứ Islam, gốm sứ Trung Quốc (Việt Châu, Trường Sa, Long Tuyền, các lò ở Phúc Kiến, Quảng Đông...) và Nhật Bản (Hizen) vào các thế kỷ IX - X đến thế kỷ XVI - XVII càng khẳng định thêm vai trò của Đô thị thương cảng này.

          Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa phải là nhiều sơ với thực tế bề dày lịch sử vốn có của một Đô thị thương cảng cửa sông - ven biển. Còn khá nhiều vấn đề khoa học được đặt ra cho từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử, kể cả sự chuyển tiếp của nó. Đặc biệt là vấn đề sự chuyển hóa tiếp nối từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa và vai trò của Đô thị thương cảng Hội An đối với con đường gốm sứ mậu dịch trên biển ở khu vực Đông Nam á mà kết quả khảo cổ học ở Hội An trong những năm qua đã cho nhiều dấu hiệu, thông tin khoa học quý giá. Cho nên, chắc chắn những kết quả này, mới chỉ khai phá bước đầu, làm cơ sở cho ngành khảo cổ học ở Hội An với nhiều niềm tin đầy hứa hẹn, hấp dẫn và lý thú. Bởi tiếp tục khảo cổ học ở Hội An sẽ tiếp tục thu được nhiều thông tin khoa học quan trọng không chỉ đối với ngành khảo cổ học mà cả ngành khoa học xã hội nói chung ở Việt Nam và trong khu vực.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây