Di tích Vạn Thiện Đồng Quy

Thứ ba - 23/03/2021 23:00
Trong tâm niệm tín ngưỡng dân gian của cư dân Hội An, trên phạm vi sinh sống của mỗi làng/xã đều có các âm linh phiêu dạt, trong đó có thể là những trường hợp không có con cháu, người thân thờ tự, linh hồn vất vưởng, vô định, bên cạnh đó thường có những ngôi mộ theo thời gian bị “xiêu mồ lạc nấm”, không xác định được danh tính, hoặc không có thân nhân chăm nom, hương khói.
DSCN4606

Di tích Vạn Thiện Đồng Quy - Ảnh: Trần Phương
 
 
Trước những tình cảnh đó, tại mỗi làng/xã ở Hội An ngày xưa thường sẽ lập nên một nghĩa trủng để quy tập những hài cốt, mồ mả vô chủ để thuận tiện chăm nom, hương khói, bên cạnh đó thường có xây dựng một ngôi miếu hoặc khám thờ để các âm linh có nơi trú ngụ. Di tích Vạn Thiện Đồng Quy ở khối Tân Lập, phường Tân An cũng được ra đời theo hình thức đó.

Về thời gian khởi dựng di tích này, đến nay vẫn chưa có tài liệu khẳng định được. Thượng tọa Thích Hạnh Hoa (trụ trì chùa Phước Lâm từ năm 2001 đến nay) cho biết di tích Vạn Thiện Đồng Quy do chùa Phước Lâm xây dựng vào thời trụ trì đời thứ 6, tức cố Hòa thượng Vĩnh Gia (trụ trì chùa Phước Lâm từ năm 1887 đến năm 1918), trong thời gian này chính quyền đô hộ Pháp đào xới đất đai tại một số khu vực ở Hội An để thi công tuyến đường sắt nối Hội An và Đà Nẵng thì phát hiện nhiều xương cốt người trong lòng đất, trụ trì chùa Phước Lâm đã cho quy tập các hài cốt này về an táng tại vị trí di tích Vạn Thiện Đồng Quy hiện nay. Qua một số tài liệu cho biết tuyến đường sắt Hội An và Đà Nẵng được xây dựng vào khoảng giữa năm 1904, đến năm 1905 thì chính thức đi vào hoạt động, mục đích chính là để vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng vào Hội An và ngược lại[[1]] Như vậy, có khả năng di tích Vạn Thiện Đồng Quy được hình thành vào khoảng thời gian này, cách ngày nay hơn 100 năm.

Ngoài hạng mục miếu thờ như hiện nay thì trước đây còn có tường bao bảo vệ khá quy mô, tường được xây bằng gạch, tô trát vữa vôi, gắn các độc bình bằng gốm, đến giai đoạn những năm 1980 của thế kỷ trước do nhiều nguyên nhân tác động khiến cho tường bao bảo vệ bị hư hại nặng[2]. Năm 2017, chùa Phước Lâm tiến hành xây dựng lại tường bao bảo vệ, tạo khuôn viên riêng cho di tích (tường xây bằng gạch, tô trát xi măng), đồng thời Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện dựng bia cắm mốc xác định ranh giới bảo vệ di tích. Năm 2020, Trung tâm tiếp tục thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích này (dự kiến hoàn thành trong năm 2021).[3]

Cùng dọc theo tuyến đường Tôn Đức Thắng, cách di tích Vạn Thiện Đồng Quy này hơn 300m về hướng Đông Nam có một nghĩa trủng của người Hoa cũng có tên gọi là Vạn Thiện Đồng Quy, do cộng đồng người Hoa ở Hội An xây dựng năm 1920 làm nơi quy tập những hài cốt không có thân nhân người Hoa ở Hội An để chăm nom, hương khói.

Di tích có diện tích 536,6m2, được bao bọc bởi các đoạn tường xây gạch, tô trát xi măng. Do sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nên hiện nay toàn bộ khuôn viên di tích thấp hơn cốt nền đường Tôn Đức Thắng khoảng 01m. Tổng thể di tích gồm có một khu đất chôn hài cốt và một hạng mục công trình kiến trúc, tạm gọi là miếu thờ. Miếu thờ cách vỉa hè đường Tôn Đức Thắng 2,9m, mặt tiền quay theo hướng Đông Bắc, cách chùa Phước Lâm khoảng 200m. Tổng thể miếu có hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng khá giống với di tích Cổng chùa Bà Mụ. Tuy nhiên, thay vì chính giữa có lối vào như Cổng chùa Bà Mụ thì vị trí này lại được xây dựng thành một bệ thờ.

Miếu được xây dựng kiểu gấp khúc tạo thành dạng hình “cuốn thư” (kích thước: 2,38m x 5,78m x 3,67m), vật liệu xây dựng bằng gạch thẻ, tô trát vữa hợp chất, quét vôi màu, các chi tiết trang trí truyền thống được nghệ nhân tạo hình mềm mại, uyển chuyển giàu giá trị thẩm mỹ. Trên nền đất tại vị trí hai cạnh bên miếu thờ có dấu vết liên kết giữa miếu thờ với các trụ, tường bao cũ của di tích, các trụ này bị hư hại chỉ còn lại một đoạn ngắn, xây bằng gạch thẻ, tô trát vữa vôi, phần chân tường bao chỉ còn lại chi tiết con tiện lan can bằng chất liệu gốm khá đẹp.

Chính giữa mặt trước miếu thờ gồm có quần bàn, bề mặt đắp nổi kiểu chân quỳ, hai cạnh bên khảm sứ cặp liễn đối đại tự chữ Hán theo lối triện thư. Trên bàn thờ đặt một bát hương bằng chất liệu gốm, bát hương này có dạng tròn, chiều cao 30cm, bề ngang rộng nhất 35cm, đường kính miệng rộng 33cm, bề mặt viền miệng và chân đế bát hương khắc đồ án “hồi văn”, phần thân bát hương tại vị trí tiếp giáp với viền miệng khắc chìm 04 chữ Hán: 萬 善 同 歸 (Vạn Thiện Đồng Quy), hai bên thành bát hương đắp nổi đầu linh thú Toan nghê, vị trí đường diềm liên kết khắc chìm đồ án “lá đề”, phần thân chính bên dưới trang trí chữ 壽 (Thọ) tròn ở vị trí trung tâm, bao quanh là các tia lửa được tạo hình mềm mại, hai bên chữ 壽 (Thọ) trang trí hình bông hoa cúc, phần nhụy hoa được tạo hình theo dạng chữ 壽 (Thọ) tròn. Ngoài ra trên bàn thờ còn đặt các vật dụng như bình hoa, ly nước và ảnh thờ (Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Sanh Thai và mười hai Bà Mụ). Trên tường khảm sứ các đại tự chữ Hán: 萬 善 同 歸 (Vạn Thiện Đồng Quy). Bên trên xây mái che, mái đắp giả ngói âm dương bằng chất liệu vữa hợp chất. Bờ nóc gắn đồ án “dây lá” ở hai bên, chính giữa có chi tiết trang trí nhưng đã bị đứt gãy; vị trí đuôi bờ chảy gắn đồ án “dây lá” nhưng đã bị đứt gãy, hư hại gần như hoàn toàn. Các chi tiết con giống này được tạo hình theo kỹ thuật ghép nối các mảnh ngói vỡ và hợp chất vữa vôi, các chi tiết trang trí được tạo hình mềm mại, uyển chuyển.

Liên kết phía sau vị trí mái là một mảng tường xây, hai cạnh trên được vát góc, bề mặt thành tường đắp nổi tạo đường diềm, trên bề mặt diềm đắp nổi khuôn hình tứ giác theo kiểu thức nối nhau liên hoàn (hai hình tứ giác nối tiếp nhau); bên trên tường thành gắn đồ án hình hoa sen, tạo hình khá mềm mại. Liên kết phía sau hạng mục chính giữa là hai trụ có tiết diện vuông được xây bằng gạch, tô trát vữa hợp chất, đầu trụ đắp gờ chỉ tạo thành 4 tầng. Khoảng giữa hai trụ này đắp nổi hình cuốn vòm (giao nhau với vị trí tường hậu của bàn thờ), phía trên cuốn vòm đắp nổi đồ án dơi ngậm vòng hình bát giác theo kiểu thức “hồi văn”.
         
Từ vị trí bàn thờ chính giữa, liên kết hai bên là mảng tường được tạo hình theo kiểu gấp khúc. Từ vị trí đuôi mái xây một đoạn tường thấp dần, liên kết một đoạn tường theo phương ngang dạng hình chữ nhật, từ vị trí này xây một đoạn tường đối xứng nhau, cuối cùng là hai trụ tạo hình dạng tứ giác xây bằng gạch, tô trát vữa hợp chất, đỉnh trụ tạo gờ chỉ với 3 tầng theo chiều hướng nhỏ dần lên phía trên. Trên hai đỉnh trụ này có dấu vết đứt gãy, do đó có thể trên hai đỉnh trụ này trước đây có chi tiết hình chóp bút nhưng đã bị gãy (giống kiểu thức trụ ở di tích Cổng chùa Bà Mụ). Tại vị trí diềm trên và dưới hai đoạn tường hai bên đắp nổi đồ án “tứ giác liên hoàn” và “vòng tròn liên hoàn”. Tại vị trí chính giữa đoạn tường hai bên tạo một khoảng trống tựa như một ô cửa sổ dạng hình chữ nhật nhưng có giật cấp ở hai đầu, trên bờ thành gắn đồ án “hồi văn” theo hình thức đắp bằng các mảnh ngói và vữa hợp chất.
Hằng năm, chùa Phước Lâm tổ chức cúng thí thực tại di tích Vạn Thiện Đồng Quy vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, vào các ngày rằm và mồng một hàng tháng người dân địa phương thường xuyên đến chăm nom, dâng hương hoa, bánh trái.

Trải qua bao biến động của lịch sử cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng di tích vẫn hiện diện cho đến ngày nay và bảo lưu được những giá trị về phương diện kiến trúc nghệ thuật cũng như hoạt động văn hóa, tín ngưỡng. Có thể nói đây là một di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật khá đặc biệt thông qua nghệ thuật tạo hình cũng như vật liệu xây dựng. Di tích không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng về hình thể kiến trúc thờ tự âm linh/cô hồn ở Hội An mà góp phần cung cấp tư liệu thực địa phục vụ nghiên cứu về một giai đoạn kiến trúc ở Hội An trong lịch sử.
 

Tài liệu trích dẫn và chú thích

[1] Vũ Hoài An (2018), Tuyến đường sắt Đà Nẵng – Hội An trong lịch sử, bài viết đăng trên website: vanhoaquangnamonline.gov.vn.
[2] Theo thông tin hồi cố của Thượng tọa Thích Hạnh Hoa (trụ trì chùa Phước Lâm).
[3] Theo thông tin hồ sơ di tích Vạn Thiện Đồng Quy, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây