Bác Hồ trong ca dao, dân ca ở Hội An

Chủ nhật - 16/05/2021 21:26
Trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam, Bác Hồ kính yêu của chúng ta thường được dân gian hóa thân vào trong những vần ca dao huyền diệu, cao đẹp và trong sáng vô ngần, ca dao, dân ca Hội An là một bộ phận trong kho tàng ấy nên cũng không ngoại lệ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Hội An đã tạo nên một dòng văn học dân gian với nhiều thể loại phong phú, phản ánh đời sống lịch sử, xã hội của quê hương, đất nước, của địa phương, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là chủ đề lịch sử kháng chiến. Qua kết quả sưu tầm văn học dân gian Hội An do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện trong thời gian qua, trong tổng số 1644 đơn vị ca dao, dân ca sưu tầm được, có 428 đơn vị ca dao chủ đề lịch sử kháng chiến (chiếm 26%). Trong đó, hình ảnh Bác Hồ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong thể loại ca dao, dân ca Hội An. Bởi Bác là vị anh hùng giải phóng dân tộc đã trở thành nhân vật lịch sử vĩ đại, tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hội An nói riêng.

Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, chia cắt, Bác đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho non sông, cũng vì thế hình ảnh Bác đã trở thành thiêng liêng, gần gũi với mọi người dân trên đất nước chúng ta. Đối với người Hội An, trước hết là thể hiện lòng tôn kính và ngưỡng mộ Bác: “Ngồi em nhớ Bác Hồ nơi xa vắng, Bác mến yêu giờ Bác sống ngày đâu, Em chúc mong sau này chiến thắng, Hôn Bác Hồ mà vuốt chùm râu, Tuy cách xa nhưng còn cố gắng, Nơi xa vời lòng Bác còn thương”.

Trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác luôn tạo sức mạnh cho quân dân ta tiến lên giành chiến thắng. Hình ảnh Bác luôn hiện hữu trên mỗi chặng đường hành quân vất vả, trong mỗi bước tiến công của quân và dân Hội An:“...Quyết đem xương máu ra giành, Cho nền độc lập rạng danh Cha già, Cha già lãnh đạo chúng ta, Mưu mô kế hoạch trở qua phải trần, Cụ Hồ mình hai con mắt là bốn con ngươi, Ngày hôm nay cụ lãnh đạo cho nhân dân, Trường kì kháng chiến tinh thần nêu cao”.

          Rồi những lời dặn dò của Bác với đồng bào ta sau hội nghị Giơ-ne-vơ: “Hội nghị Giơ - ne – vơ, Kết thúc ngoại giao ta đã thắng lợi to, Cụ Hồ kêu gọi dặn dò, Đồng bào ta phải nhớ cho rõ ràng, Pháp và ta hai đàng kí kết, Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Thừa nhận Pháp đã kí rằng, Chủ quyền thống nhất hoàn toàn về ta...”

Hình ảnh của Bác Hồ cũng được người dân Hội An đưa vào những câu ca hò khoan đối đáp: “À ơi nghe anh giác ngộ đã lâu, Đây em xin hỏi đôi câu về tình hình, Em hỏi anh anh lại đáp liền, Ai vì dân vì nước vì bình quyền tự do, Ai vì dân ấm dân no nước giàu dân mạnh, Đó là cụ Hồ lo cho nước mình...”

Nhằm thể hiện lòng tôn kính Người, vào ngày sinh nhật của Bác, người dân Hội An đã gửi lời chúc mừng Bác thông qua những vần ca dao xúc tích, ngắn gọn: “Mười chín tháng năm cờ bay phất phới, Lòng anh như sao vàng, Hôm nay là ngày hội liên hoan, Chúng con mừng Bác, tuổi vàng Bác trẻ trung, Bác Hồ ơi! Bác ở phương nào, Chúng con tin chắc, chúng con tin mỏi mắt, Mong Bác sức khỏe hơn xưa...”

         Thế rồi, khi hay tin Bác mất, nỗi tiếc thương vô hạn của người dân cả nước nói chung không gì có thể tả được, để bày tỏ nỗi niềm đó, người dân Hội An lại mượn những câu ca dao để diễn tả cảm xúc: “Tin sét đánh từ thủ đô Hà Nội, Vọng Hồ Nam vang dội đất trời, Cả nước kêu Bác Hồ ơi, Tim người ngừng đập vạn lời đau thương, Triệu tấm lòng một ước ao, Hôm nào ra đón Bác vào miền Nam, Hội An ơi Bác ghé thăm ta đó, Tóc bạc cha già gửi gió hương thơm, Được gần Bác một chiều hôm, Dâng lên Bác chén cơm gạo mùa, Thu Bồn nước chảy mát trong, Thuyền ra đón Bác giữa dòng không gian, Đất Hội An sống hiên ngang, Thủy chung với Bác lòng luôn đợi chờ...”

         Ngay cả những người con Hội An đang bị tù đầy nơi Côn Đảo cũng nghẹn ngào: “Một buổi chiều mùa trên Côn Đảo, Lúc hai giờ chiều ngày bảy tháng chín, Bỗng nghe tin bão tố ngập trùng dương, Bác Hồ Chủ tịch vị Cha già đã tạ thế, Mắt đang sáng bỗng về đẫm lệ, Tai nghe như điếc, miệng lại như câm...”

Cùng với lòng tiếc thương vô hạn là nỗi nhớ Bác Hồ - người Cha chung của dân tộc, dù Người đã đi xa, nhưng nỗi nhớ Người luôn hiện hữu trong tim mỗi người dân Phố Hội và tình cảm đó được thể hiện qua những vần ca dao bình dị: “Bác ơi con nhớ Bác trăm bề, Miền Nam nhớ Bác, Bác chưa về Bác thăm, Bác ơi con đã về đây, Bao năm xa cách bàn tay mẹ hiền, Bác Hồ hình ảnh thiêng liêng, Tù lao chúng cháu ngày đêm nhớ người, Mà nay Bác đã đi rồi, Xé lòng thương tiếc Bác ơi thấu tình...”

Điều vinh dự của quân và dân Hội An là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã lập nhiều chiến công vang dội nên được Bác Hồ gửi tặng khẩu súng Các-bin có khắc tên Người. Đây là kỷ vật vô giá, thể hiện tình cảm của Bác đối với Đảng bộ, quân và dân Hội An, tình cảm ấy còn giữ mãi không bao giờ phai nhạt và tình cảm này được người dân địa phương thể hiện qua câu ca dao: “Đứng uy nghiêm bên bờ sông Cửa Đợi, Khắp bốn mùa rau trái đượm hương thơm, Nhớ ngày ta khởi nghĩa Hội An, Cờ sao năm cánh huy hoàng tung bay, Sống trong nanh vuốt quân thù, Hội An vẫn nhớ không nguôi Bác Hồ, Thấu lòng Bác đã gửi vô, Tặng một cây súng hơn kho vàng mười...”

         Luôn ghi tạc những lời dặn dò của Bác, sau ngày đất nước độc lập, thống nhất, người dân Hội An đã thực hiện lời căn dặn của Bác, quyết tâm học tập từng bước xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp: “Chúng con nhớ Bác Bác ơi, Nhớ lời Bác dặn đời đời khắc ghi, Quyết tâm học tập không chơi, Rạng danh đất nước như lời Bác khuyên, Nghe lời căn dặn của cha, Quyết tâm mà học đưa nước nhà tiến lên”.

Qua những câu ca dao, dân ca nói về Bác Hồ sưu tầm được ở Hội An, cho thấy trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, hình ảnh của Bác luôn hiện hữu trong tâm trí của người dân Hội An, Bác là động lực, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt, vì thế chúng ta hay bắt gặp những câu ca dao ca ngợi Bác Hồ ngay trong gian đoạn gắt gao, dưới sự kiểm soát và truy lùng của địch. Nhờ đó mà qua bao thăng trầm của lịch sử, hình tượng Bác Hồ luôn đọng mãi trong tim mọi người con đất Việt.

Bên cạnh những chủ đề về ca ngợi, quê hương đất nước; tình yêu đôi lứa; lao động sản xuất...; bộ phận ca dao, dân ca Hội An sáng tác về hình tượng Bác Hồ là một trong những chủ đề viết về nhân vật lịch sử của dân tộc. Sự vĩ đại của Bác được phản ánh thông qua lăng kính thẩm mỹ dân gian từ các loại hình ca dao, dân ca của nhân dân, tạo nên sự phong phú trong kho tàng văn học dân gian của Hội An nói riêng, văn học dân gian Việt Nam nói chung.
    
 
 
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây