Địa danh Hội An qua câu đối tại các di tích

Chủ nhật - 13/06/2021 21:25
Trong quá trình khảo sát thực địa các di tích trên địa bàn Thành phố, đồng thời kết hợp nghiên cứu các tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, có một hiện tượng văn hóa khá độc đáo và rất phổ biến đó là ở hầu hết các di tích (đặc biệt là các di tích tín ngưỡng như đình, miếu,...) đều có hình thức ghi địa danh/danh xưng (tên ấp/ phổ, làng, xã) trên các câu đối chữ Hán.
hoi an tien tu
 Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
        Trước hết, trong Khu phố cổ nhiều danh xưng/địa danh của làng xã, ấp, phổ Hội An xưa cũng được ghi trên các câu đối chữ Hán tại các di tích. Địa danh đầu tiên có thể kể đến là Hội An. Như đã biết, Hội An là một địa danh/danh xưng khá nổi tiếng trong lịch sử cũng như hiện nay, được nhắc đến trong nhiều tư liệu lịch sử trong và ngoài nước. Cho đến nay, theo các nhà nghiên cứu thì địa danh/danh xưng Hội An (會  安 ) được xuất hiện đầu tiên trên tấm bia đá “Phổ Đà linh sơn trung Phật” lập năm Canh Thìn (1640) ở động Hoa Nghiêm, Non Nước (Ngũ Hành Sơn), thành phố Đà Nẵng. Cũng với địa danh Hội An này, có thể bắt gặp rất nhiều trên các câu đối chữ Hán ở nhiều di tích tín ngưỡng trong Khu phố cổ như đình Ông Voi hay Hội An tiên từ.

        Tại di tích đình Tiền hiền Hội An (Hội An Tiên Từ) thì địa danh này được lồng vào câu đối chữ Hán. Câu đối này được chạm rất tinh xảo trên hai cột đá nằm ở gian giữa của đình với nội dung như sau: “Hội đãng bình trung tân đạo lộ, An bàn thái thượng cựu nhân dân” (Tạm dịch: Hội tụ lại trong vòng bình thản theo đường mới, Thái bình bền vững cho người ở xưa nay). Qua câu đối này thấy rằng: Hai chữ Hội An được tách ra làm hai từ đầu cho hai vế đối. Chữ Hội được viết trước cho vế đối trái (đọc trước). Chữ An cho vế đối phải (đọc sau). Như vậy địa danh/danh xưng Hội An với hai chữ Hội và An được lồng khá hay vào hai vế đối ngắn nhưng đã khái quát được những đặc trưng vùng đất này cũng như đã nói lên được những ước vọng của tiền nhân về một Hội An “Hội tụ những điều mới mẽ An lành”.

        Một địa danh thứ hai trong Khu phố cổ không thể không nhắc đến là Cẩm Phô, một xã hình thành khá sớm ở Hội An. Trong sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc và tập thành vào giữa thế kỷ XVI đã nói đến địa danh xã Cẩm Phô. Xã Cẩm Phô có địa giới và địa bàn cư trú rất rộng, bao quanh phố Hội An như một vòng cung. Danh xưng Cẩm Phô được ghi một cách trang trọng ở hai trụ cổng của đình Cẩm Phô (Cẩm Phô hương hiền) cũng với hình thức là được tách ra lồng vào câu đối chữ Hán như sau: “Cẩm tú giang sơn khai khẩn khai cơ thiên tải tại, Phô trương công đức phỉ thừa phỉ hiển vạn niên xuân” (Tạm dịch: Khai khẩn khai cơ giang sơn gấm vóc môn thuở tại, Kế thừa tiếp tục phô bày công đức mãi vạn xuân).

        Một địa danh khác cũng khá nổi tiếng của phố Hội đó là làng Minh Hương. Tại đình tiền hiền Minh Hương “Minh Hương tụy tiên đường” có nhắc đến địa danh này qua câu đối ở hai cột giữa cổng tam quan như sau: “Minh đức viễn cố xuất sinh tri bạt hồ kỳ tụy, Hương đảng trung như họa chân tượng chiêm chi tại tiền” (Tạm dịch: Đức sáng của tiền nhân tụ về phát quang rộng khắp, Làng xóm nay đẹp như bức tranh hiện hữu trước mắt người).
Hay một địa danh khác ở cấp nhỏ hơn (cấp phổ/ấp) cũng có hiện tượng này như địa danh phổ Thắng Hòa thuộc làng Minh Hương. Danh xưng Thắng Hòa được nhắc đến tại miếu Ngũ Hành của Phổ nằm ở số 124 Nguyễn Thái Học. Trên hai cột trước của di tích có ghi hai vế đối có nhắc đến địa danh Thắng Hoà như sau: “Thắng cảnh cổ tích lưu truyền thiên tải, Hòa trung kỳ tế bảo thủ vạn niên” (Tạm dịch: Cảnh đẹp dấu xưa lưu mãi ngàn năm, Mọi người tương thân chan hoà vạn thuở).

        Như vậy, có thể thấy rằng, ở hầu hết các di tích tín ngưỡng trong Khu phố cổ Hội An hiện tượng ghi địa danh/danh xưng của các làng xã, ấp xưa trên câu đối của các di tích đã trở nên rất phổ biến.

        Tương tự như các di tích trong Khu phố cổ, tại các di tích ở vùng ven cũng có hiện tượng văn hóa độc đáo này. Có thể bắt đầu từ địa danh Thanh Hà - một làng có diện tích lớn nhất và được hình thành khá sớm ở Hội An từ các đợt di dân về phương Nam của các cư dân xứ Thanh - Nghệ vào thế kỷ XVI, XVII. Làng Thanh Hà còn được biết đến bởi nơi đây có nghề làm đồ gốm truyền thống nổi tiếng một thời, đến nay, vẫn bảo lưu được những giá trị, những kinh nghiệm, những tri thức dân gian về hoạt động của nghề cũng như đã bảo tồn được cảnh quan kiến trúc của một làng nghề thủ công truyền thống rất độc đáo. Danh xưng Thanh Hà được nhắc đến trên câu đối của miếu Tổ nghề làm gốm của Làng - Nam Diêu Tổ miếu, với hai vế đối như sau: “Thanh thụ Nam chi lưu lục địa, Hà xuyên Diêu chữ hoạt sinh nhai” (Tạm dịch: Cây tại xứ Thanh cành Nam sinh sáu đất, Cư trú bên sông lấy nghề đốt lò làm kế sinh nhai). Qua nội dung, cả hai địa danh Thanh Hà và Nam Diêu được lồng vào hai câu đối một cách hợp lý và tài tình. Câu đối này cũng đã được khắc họa một cách sinh động về cảnh sắc thiên nhiên, về lịch sử lập ấp của vùng đất Thanh Hà, cũng như khái quát nghề nghiệp của các cư dân ở vùng đất này là nghề làm gốm - Gốm Nam Diêu.

        Một địa phương khác thuộc khu vực vùng ven Khu phố cổ Hội An như phường Cẩm Nam, các địa danh/danh xưng của vùng đất này cũng được thể hiện một cách khéo léo qua các câu đối chữ Hán tại các di tích tín ngưỡng. Ở miếu Thổ Thần của ấp Hà Trung nằm trong cụm di tích lăng ông Cẩm Nam (Lăng Ông năm sở) có ghi câu đối chữ Hán: “Cẩm địa Hà thành tân xuân hợp, Nam thiên Trung xứ lưỡng biên hòa”. Như vậy, chỉ với một câu đối ngắn có thể cảm nhận được cảnh sắc của hai địa danh Cẩm Nam và Hà Trung. Cũng trong cụm di tích Lăng Ông năm sở, ở lăng Ông - ngôi miếu do các cư dân sông nước phổ Xuân Sanh trước đây lập nên trên hai cột trước của lăng cũng có ghi câu đối chữ Hán: “Xuân đáo nam thiên phong điều vũ thuận, Sanh lai hải quốc lãng tịnh ba bình”.

        Một địa danh khác như làng Thanh Tây thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn xưa, nay thuộc phường Cẩm Châu cũng có hiện tượng này. Tại đình Thanh Tây có ghi câu đối: “Thanh xứ chung linh miếu đường thiên cổ tại, Tây xuyên tú khí vũ trụ vạn niên xuân”. Hay miếu ấp Xuân Quang thuộc phường Tân An cũng có câu đối: “Xuân thủy mãn đường nhân hiền đức, Quang sơn cát địa cảnh sắc tân”...

        Nhìn chung, trên địa bàn thành phố Hội An còn khá nhiều di tích tín ngưỡng có cách ghi câu đối chữ Hán nhắc đến các địa danh/danh xưng các làng xã. Hiện tượng ghi danh xưng/địa danh của các làng xã trên các câu đối chữ Hán đã thành một quy luật chung và mang tính chất phổ biến đối với các di tích tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố từ khá sớm. Cho đến nay, trong quá trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình tín ngưỡng thì việc ghi danh tên đất, tên làng thông qua các câu đối chữ Hán cũng được các bậc cao niên ở các địa phương xem trọng. Từ hiện tượng văn hóa này thấy rằng, người xưa đã hết sức khéo léo “xưng danh” để nhắc cho con cháu nhớ về tên làng, xã của mình. Những tên đất, tên làng qua những câu đối chữ Hán tại các di tích mà người xưa đã khái quát, giới thiệu được những nét đặc trưng về vùng đất và con người cũng như những nét tinh tuý của các địa phương, đồng thời qua đó gởi gắm những ước mơ về sự bình yên, sung túc, thịnh vượng trên vùng đất mà mình định cư. Bên cạnh việc nhắc về các địa danh qua các hình thức như: Ca dao, tục ngữ, hò vè... thì việc xưng danh, ghi tên đất/tên làng tại các di tích tín ngưỡng dưới hình thức là các câu đối chữ Hán là một hình thức sáng tạo hết sức độc đáo, thể hiện được sự tài năng, uyên bác về học vấn của các bậc nho sĩ ở các làng xã của Hội An xưa.
 

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây