Một số thông tin về Hội An trong tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên

Chủ nhật - 18/07/2021 22:04
Với sự ưu đãi về điều kiện tự nhiên và chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn, vào thời kỳ Trung đại, Hội An trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất của xứ Đàng Trong, Việt Nam và của cả khu vực, thế giới. Trải qua những biến thiên lịch sử, ngày nay Hội An còn lưu giữ được một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú, cả về nội dung và loại hình, trong đó Khu phố cổ Hội An được đánh giá là một quần thể di tích kiến trúc - cư dân đô thị của thời Trung đại duy nhất còn lại hầu như nguyên vẹn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa đang còn hiện hữu tại địa phương, thì nguồn tư liệu thành văn liên quan đến Hội An được lưu giữ, bảo quản tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, các viện nghiên cứu ở nước ta rất phong phú và đa dạng, trong đó bộ tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên được xem là nguồn tư liệu quan trọng để nhận diện, nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.
quang nam tinh tap bien
Ảnh Tư liệu: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
 
        Bộ tài liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên do Viện Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương thực hiện vào đầu thế kỷ XX[1]. Quảng Nam tỉnh tạp biên gồm 15 quyển với tổng số 3.176 trang. Nội dung chủ yếu ghi chép về các đạo sắc phong từ thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định phong cho các thần và những quan viên có công ở các làng xã; Công văn, đơn từ, câu đối, hoành phi ở các đình, chùa, nhà thờ tộc… các làng xã của các huyện, phủ thuộc tỉnh Quảng Nam.

          Đối với Hội An, bộ Quảng Nam tỉnh tạp biên ghi chép về 11 làng xã với số lượng 417 trang. Qua thống kê, các làng xã ở Hội An trong Quảng Nam tỉnh tạp biên gồm có 684 đơn vị tư liệu, trong đó sắc phong có 283 đơn vị, hoành phi liễn đối có 388 đơn vị, các loại khác có 13 đơn vị.

        Về sắc phong, các làng xã ở Hội An có 283 sắc phong được ghi chép, trong đó làng có sắc phong được ghi chép nhiều nhất là làng Thanh Hà với 46 đơn vị sắc phong, làng có ít sắc phong nhất là Để Võng với 17 đơn vị sắc phong.

        Một trong những vị thần được thờ ở Hội An có sắc phong nhiều là Đại Càn (57 sắc phong). Bà Đại Càn có danh hiệu được triều đình phong kiến gia phong là: Hàm hoằng, Quang đại, Chí đức, Phổ bác, Hiển hóa, Trang huy, Dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần. Trong Ô Châu cận lục khi viết về đền Tứ vị thánh nương ở Diễn Châu, tác giả Dương Văn An ghi lại hai thuyết về tục thờ Đại Càn như sau “… Một thuyết cho rằng Đại Càn gồm 4 mẹ con, đều là gái, người Nam Tống bị nạn chết trên biển xác trôi vào cửa Cớn (Càn). Một thuyết khác ghi Đại Càn là 2 mẹ con thuộc dòng dõi Hùng Vương, do bị kẻ thù ám hại nên bị đày ra biển đến cửa Cờn thì chết… Ngư dân đánh cá nghỉ lại ở xứ ấy, nằm mơ thấy thần khấn rằng “nếu thần có linh thiêng thì đêm nay cho đánh được thật nhiều cá, chúng tôi sẽ xin lập đền thờ. Quả nhiên được như lời khấn, họ bèn lập đền thờ…[2]. Đại Càn là vị thần giữ vị trí đứng đầu trong danh sách các vị thần được thờ tự và là vị chủ thần được thờ trang trọng nhất tại nhiều đình làng tại Hội An cũng như nhiều địa phương.

        Ngoài thờ thần Đại Càn, một vị thần khác cũng được sắc phong và thờ phụng nhiều trong các di tích tại Hội An đó là thần Bạch Mã (46 sắc phong). Thần Bạch Mã hoặc Thái Giám Bạch Mã thường được dân gian gọi là ông Thái Giám. Đây là vị thần giữ vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian địa phương cũng như trong hệ thống phong thần của các vương triều phong kiến Việt Nam. Trong các làng ở Hội An, sắc phong thần Thái Giám Bạch Mã có ở nhiều nhất là làng Để Võng (9 sắc phong); tiếp đến là làng Hội An (8 sắc phong), làng Cẩm Phô (6 sắc phong). Có đến 8/11 làng xã ở Hội An ghi trong bản khai có sắc phong thần Bạch Mã trong số các sắc phong thần của làng. Thần Bạch Mã thường được thờ chung với Đại Càn tứ vị thánh nương, Thiên Y A Na Chúa Ngọc và một số vị thần khác tại các đình làng. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt về tín ngưỡng nên một số địa phương đã dựng nên những ngôi miếu để thờ riêng vị thần này và gọi bằng một cái tên dân gian là miếu ông Thái giám như ở Thanh Hà có ba miếu Thái Giám Bạch Mã, một ở Nam Diêu, một ở Thanh Chiếm và tại Bàu Súng hiện vẫn còn một miếu Thái Giám. Tại Cẩm Phô trước đây cũng có hai miếu Thái Giám hiện nay không còn. Ở Cẩm Kim hiện cũng còn một miếu Thái Giám…

        Một vị thần khác cũng được thờ khá phổ biến ở Hội An là Thành Hoàng  với 10/11 làng xã có sắc phong (37 sắc phong). Thành Hoàng thường được gọi là Thần Bản, hay Bổn Cảnh Thành Hoàng là vị thần cai quản khu vực của một đơn vị hành chính cụ thể, là vị thần phù hộ độ trì cho cộng đồng dân cư của làng, được thờ phổ biến rộng rãi trên khắp các làng xã ở Việt Nam. Theo quan niệm của dân gian Thành Hoàng là vị thần cai quản, bảo hộ cộng đồng dân cư của một làng xã, cũng là để cầu mong yên bình của dân gian gửi đối với một tín ngưỡng. Triều đình nhà Nguyễn phong sắc cho thần Thành Hoàng là Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng tôn thần; ban sắc cho thần Bổn Cảnh Thành Hoàng là Quảng hậu Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng chi thần.

        Về hoành phi liễn đối, trong Quảng Nam tỉnh tạp biên, hoành phi, liễn đối của các di tích ở Hội An được ghi chép theo từng làng xã, thường phần trước chép hoành phi, sau chép liễn đối, ở mỗi hoành phi liễn đối có ghi thông tin về ngày, tháng, năm và họ tên người lập, người cúng. Số lượng hoành phi liễn đối các làng xã ở Hội An được ghi chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên là 388 đơn vị tư liệu, trong đó có 256 hoành phi và 132 liễn đối. Hầu hết các hoành phi liễn đối đều có niên đại vào thời các vua nhà Nguyễn. Trong các làng xã ở Hội An được ghi chép, làng Cẩm Phô có số lượng nhiều nhất là 120 hoành phi liễn đối, tiếp theo là làng Minh Hương có 89 hoành phi liễn đối, làng Thanh Hà có 76 hoành phi liễn đối… Riêng làng Sơn Phong không thấy ghi chép trong nguồn tư liệu này.

        Bên cạnh sắc phong và hoành phi liễn đối, một số tư liệu Hán Nôm khác ở Hội An được ghi chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên nhưng chiếm tỉ lệ khiêm tốn, với 13 đơn vị tư liệu, đó là các loại chiếu, tấu, truyền, đơn… của 4 làng Sơn Phô, Hội An, Cẩm Phô, Thanh Hà. Tuy số lượng ít, nhưng nội dung những tư liệu này có giá trị quan trọng. Có thể kể đến như sắc truy tặng cho ông Trần Ngọc Dao, là người chính trực, có lòng đức độ, hết lòng với triều đình, nên gia tặng là Gia Nghị Đại phu lương sơn Bố Chánh sứ ti vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838); sắc cho ông Bùi Phước Châu am tường nghề gạch ngói vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843); sắc cho ông Nguyễn Văn Chí, là người có tài năng, cẩn thận, có lòng cương trực, bất chấp hiểm nguy để giúp vua mà gặp nạn vào năm Tự Đức thứ 18 (1865); sắc cho bà Nguyễn Thị Giàu, là người đức độ, giữ trinh triết, hết mực chăm lo cho con vào năm Tự Đức thứ 28 (1875); tờ độ điệp cho ông Đoàn Văn Thu chùa Vạn Đức, là người luôn gìn giữ giới luật, thông hiểu kinh văn, kiên trì đạo hạnh vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830)…

        Có thể thấy, Quảng Nam tỉnh tạp biên là tư liệu vô cùng quý, có ý nghĩa và giá trị quan trọng trong nghiên cứu, tìm hiểu về các làng xã ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vào giữa thế kỷ XX trở về trước. Quảng Nam tỉnh tạp biên kết hợp với Quảng Nam xã chí đã thể hiện được một cách khá đầy đủ về văn hóa các làng xã ở Quảng Nam, từ những di tích đến tín ngưỡng, văn hóa, phong tục tập quán, dân cư, nghề nghiệp,… Qua hai nguồn tư liệu này cung cấp nhiều thông tin khoa học để phục hồi lại những giá trị văn hóa của các làng xã ở Hội An đã bị mai một, hủy hoại do chiến tranh, thiên tai và những yếu tố tác động khác… qua đó phục vụ mục tiêu bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mục tiêu xây dựng văn hóa con người Hội An theo nghị quyết của Đảng bộ thành phố và định hướng xây dựng Hội An thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
 
[1] Tham khảo thêm bài viết “Quảng Nam tỉnh tạp biên - Tư liệu quý về văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Nam” của Lê Thị Hà, 2020,  https://vannghedanang.org.vn/quang-nam-tinh-tap-bien-tu-lieu-quy-ve-van-hoa-lich-su-vung-dat-quang-nam-le-thi-ha-3425.html và bài viết “Hồi hương di sản Quảng Nam” của Trần Đình Hằng, 2020, http://baoquangnam.vn/van-hoa/hoi-huong-di-san-quang-nam-86102.html.
[2] Dương Văn An (2009), Ô Châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Nxb Giáo Dục, tr.95-97.

Tác giả: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây