Sản vật - thổ sản ở Hội An, Quảng Nam qua một số tư liệu

Chủ nhật - 25/07/2021 23:52
Sau khi vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa vào năm 1558, Nguyễn Hoàng đã nhận thấy vị thế quan trọng của vùng đất Quảng Nam và từng bước xác lập quyền lực chính trị, quân sự, phát triển kinh tế ở vùng đất mới: “Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.
        Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu[1] trấn thủ dinh Quảng Nam[2]. Bên cạnh vị thế chiến lược quan trọng, thì vùng đất Hội An, Quảng Nam giàu sản vật - thổ sản, theo Đại Nam thực lục ghi chép: “Quảng Nam là vùng đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa...”[3].

        Với chính sách mở cửa, ngoại giao khôn khéo của các chúa Nguyễn (từ thời chúa Nguyễn Hoàng) đã phát huy tiềm lực nội tại về thổ sản, biến chúng thành nguồn hàng thương phẩm quan trọng để buôn bán, trao đổi với thương nhân các nước đến Hội An, Quảng Nam, Cristoforo Borri ghi chép trong Xứ Đàng Trong năm 1621 như sau: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”[4].

        Sự giàu có về sản vật và hoạt động buôn bán nhộn nhịp, phát triển của Hội An, Quảng Nam cũng được Thiền sư Thích Đại Sán ghi chép trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự vào năm 1695 như sau: “… Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước… Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập họp mua bán suốt ngày. Thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây[5]. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn ghi chép: Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa sản vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước”[6]. Có thể thấy, dựa vào tiềm lực kinh tế dồi dào, đặc biệt là nguồn sản vật - thổ sản phong phú và đa dạng, đã tạo cho Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung trở thành điểm đến, điểm dừng của thương nhân các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và phương Tây đến giao thương buôn bán, lập thương điếm và cư trú lưu dài.

        Vào giữa thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã ghi chép về sản vật Quảng Nam trong tác phẩm Phủ biên tạp lục như sau: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chớ chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy”[7].

        Về các loại gỗ quý ở Quảng Nam, Lê Quý Đôn đánh giá như sau: “Hai xứ Thuận Quảng cho loại gỗ tốt nhất là gỗ hoa lê, tục gọi là trắc mật, thớ nhỏ mịn, có mùi thơm như mía nướng, màu sắc trước đỏ sau đen, tính bền không mọt, người ta phần nhiều dùng làm rương, hòm, ghế, bàn, đòn kiệu và các đồ dùng; có thứ tên là thai bài, sắc trắng như ngà voi, uốn không gãy, có thể làm cán giáo và làm côn dài rất tốt. Gỗ hồng, tục gọi là gỗ sơn, sắc đỏ vàng như sơn dầu, bền chắc mềm mịn; gỗ giáng hương keo thì sắc tía vàng, tính rất bền, hoa văn xoáy tròn, có khi như xoáy trôn ốc, tiện làm đồ dùng, cưa làm rương hòm đều tốt”[8]. Về kỳ nam: “Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất t Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai[9].

        Đầu thế kỷ XIX, trong tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định có chép sản vật Quảng Nam, gồm: vàng, sắt, lụa sống, tơ, tơ trắng, gấm, đường cát, quế, chạm khắc đá, đũi, lụa trắng, bông vải, đường phèn, than bùn, thông, trầu núi, dầu lạc hoa (dầu phụng), vượn, tê giác, hươu, tre, củ ấu, trái lòn bon, khỉ, voi[10]. Trong những sản vật này, triều đình nhà Nguyễn chọn mua một số thổ sản tiêu biểu của Quảng Nam: “Nhà nước đứng mua đường và quế là thổ sản ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hằng năm, thường phái Bộ Ty và Khoa đạo đến hiệp đồng làm việc. Sau đó, chuẩn định: hằng năm mua đường cát với giá thoả thuận. Quảng Ngãi, 110 vạn cân; Quảng Nam 90 vạn cân. Đó là ngạch nhất định”[11]. Ngoài ra, phàm có sản vật ngà voi, như các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam, chiếu lệ đặt giá mua, làm lệ thường lâu dài[12].
Cuối thế kỷ XIX, sản vật tiểu biểu tỉnh Quảng Nam theo ghi chép trong Đồng Khánh dư địa chí[13], gồm: Hà Đông có vàng cát, chim công, vỏ quế. Diên Phước có đá cẩm thạch. Hòa Vang có yến sào, mật ong. Quế Sơn, Duy Xuyên có Nam trân.
Đầu thế kỷ XX, trong Đại Nam nhất thống chí ghi chép thổ sản của tỉnh Quảng Nam, gồm: vàng, đồng, sắt, đũi, lụa, sa, nhiễu, lãnh thâm, vải, lúa, quế, nam trân, xoài, đường cát, thuôc lá, bánh đậu xanh, chè nam, muối, mạch môn đông, Yến sào, đồ gốm, cẩm thạch, đá nam châm, đá la vân, đá xanh, vỏ sò, than đất, cây thông, gỗ muồng, gỗ sến, gỗ kiền kiền, cây trám, sáp ong, mật ong, mây nước, mây sắt, mây rồng, chim mía, chim vàng anh, chim nhung, cá trôi, cá gáy, cá vỉnh, cua đá, chá thiền tử, hồ đằng tử. Đặc biệt, nam trân và yến sào, quế… là những sản vật đặc trưng, và được xem là tốt nhất ở Quảng Nam, nên hàng năm tỉnh Quảng Nam phải lựa chọn loại tốt nhất để nộp về kinh, cung tiến lên triều đình nhà Nguyễn, như năm Minh Mạng thứ 8 (1827) cho biết “vua xa giá đến dinh Quảng Nam, sai Trung sứ mang biểu thỉnh an và quả nam trân  (trái lòn bon) về Kinh dâng cung Từ Thọ[14]. Hay dưới triều vua Minh Mạng cho biết “Tổ yến là một thứ quý giá, người dân không được quyền dùng. Vì thế khi số lợi tức phải nộp đã được thu nhận, những gì còn lại được tập trung, dù ít dù nhiều, xấu hay tốt, tất cả đều phải bán cho nhà nước rồi sẽ được trả theo giá thị trường[15].

        Một số sản vật - thổ sản nổi tiếng của Quảng Nam cũng được khắc trên Cửu đỉnh (biểu trưng cho các vị vua triều Nguyễn) như trầm hương được khắc trên Cao đỉnh, nam trân (trái lòn bon) được khắc trên Nhân đỉnh, chim yến được khắc trên Chương đỉnh, quế được khắc trên Nghị đỉnh.

        Có thể nói, qua các nguồn tư liệu trên, Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung là vùng đất giàu sản vật - thổ sản, chính sự đa dạng và phong phú của nguồn tài nguyên này, cùng với chính sách mở cửa, ngoại giao khôn khéo của các chúa Nguyễn, sau này là nhà Nguyễn đã góp phần tạo nên sự phát triển phồn thịnh của Hội An, Quảng Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII, và những thập niên đầu của thế kỷ XIX.
         
Tài liệu trích dẫn
[1] Năm 1602, Nguyễn Phúc Nguyên được chúa Nguyễn Hoàng cử làm trấn thủ dinh Quảng Nam.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.35-36.
[3] Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr.35-36.
[4] Cristoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.92.
[5] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Sài gòn xuất bản, tr.154-155.
[6] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.294-295.
[7] Phủ biên tạp lục, sđd, tr.432-433.
[8] Phủ biên tạp lục, sđd, tr.412-413.
[9] Phủ biên tạp lục, sđd, tr.425.
[10] Lê Quang Định (2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.219.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.1026.
[12] Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nguyễn Trọng Hân, Trương Văn Chinh dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.15.
[13] Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế Giới, Hà Nội, tr.1448.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.620.
[15] A.Sallet (Nguyễn Cửu Sà dịch) (2003), “Tổ chim én: Những con én biển ăn được và tổ ăn được của chúng”, BAVH, tập XVII, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.51.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây