Truyện kể dân gian liên quan đến biển đảo ở Hội An

Chủ nhật - 03/10/2021 22:30
Kho tàng truyện kể dân gian sưu tầm được ở Hội An khá phong phú và bao gồm nhiều thể loại từ thần thoại, truyền thuyết đến cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, giai thoại,… Trong đó truyện kể liên quan đến biển đảo ở Hội An chiếm số lượng đáng kể.
        Truyện kể dân gian người Việt ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung có thời gian ra đời muộn. Thần thoại xuất hiện với số lượng ít và thường là những dị bản, những phân đoạn cắt ngắn, không hoàn chỉnh. Liên quan đến sự hình thành các hòn đảo ở Cù Lao Chàm trong dân gian lưu truyền một số mẩu chuyện, về một ông thần Khổng Lồ gánh đất để tạo thành núi non sông biển và do đôi quang gánh bị đứt, đất đá văng ra thành các hòn đảo ở Cù Lao Chàm. Mẩu chuyện này rõ ràng ảnh hưởng từ mô típ “Ông Khổng Lồ gánh đất” của một số thần thoại khởi nguyên ở miền Bắc.

        Truyền thuyết sưu tầm được tại Hội An khá phong phú và liên quan đến nhiều hiện tượng tự nhiên, xã hội, trong đó có các truyền thuyết lý giải về sự ra đời của địa danh, hiện tượng tự nhiên, dạng địa hình, sản vật… ở biển đảo.
 
bai chong cu lao cham 2021
Bãi chồng ở Cù Lao chàm - Ảnh: Hồng Việt - Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

        Liên quan đến các hiện tượng tự nhiên gắn với biển tại địa phương có các truyền thuyết như “Cha con ông sóng”, “Tại sao nước biển mặn”, “Sự tích sao ông Chài”, “Cù dậy”, “Ông Cụt” (gió lốc)… Truyền thuyết “Cha con ông sóng” là một truyền thuyết khá hoàn chỉnh, lý giải sự ra đời của sóng biển. Truyền thuyết “Nước biển mặn” lý giải hiện tượng này bằng cách cho rằng có một chiếc cối xay ra muối được vận hành liên tục ở dưới lòng biển. Mô típ chiếc cối xay ra muối này có ở nhiều truyền thuyết cùng loại ở các nước Đông Nam Á và phương Đông, mang dáng dấp cái cối xay vũ trụ trong thần thoại Quầy biển sữa của Ấn Độ.

        Đặc biệt tại Hội An có hai truyền thuyết vừa liên quan đến hiện tượng tự nhiên biển đảo vừa mang tính địa phương là truyền thuyết “Trấn Cù dậy” và truyền thuyết “Ông Cụt”.
Trấn Cù dậy” là một truyền thuyết lưu truyền phổ biến tại Hội An kể về một quái vật khổng lồ là con Cù nằm dưới lòng đất, đầu ở Ấn Độ, đuôi ở Nhật Bản, mỗi lần nó quẫy đuôi thì nước Nhật bị động đất hoặc mỗi lần nó vùng dậy thì gây sạt lỡ đất đai, biển sông biến thành cù lao hoặc biến các cù lao, cồn bãi thành sông biển. Để giữ con Cù nằm yên, một pháp sư người Nhật đã đúc một thanh kiếm bằng vàng yểm vào sống lưng của nó, bên trên xây một chiếc cầu trấn giữ. Chiếc cầu đó là chùa Cầu hiện nay. Đây là một trong hai truyền thuyết phổ biến của xứ Quảng (Bắc Đế trấn Cù và Cao Biền yểm long mạch) được tiến sĩ Trần Đình Phong nhắc đến trong Quảng Nam tỉnh phú vào thế kỷ 19: “…Thậm thời địa hống Cù thanh, Bắc Đế chi đao huyền thủy trấn, Thị xứ thạch khai Long mạch, Cao Biền chi kiếm tích yên lung”.

        Truyền thuyết “Trấn Cù dậy” là cách lý giải dân gian về hiện tượng sụt lỡ đất đai, thay đổi địa hình ở các địa phương ven biển, nơi có nhiều cồn bãi, đảo, cù lao, đồng thời cũng thể hiện ước mơ của người dân về việc khống chế được thiên tai này, mà cụ thể là thiên tai liên quan đến địa chấn, động đất. Nhiều địa phương ven biển miền Trung, miền Nam cũng lưu truyền truyền thuyết về sự trỗi dậy, vụt bay lên của con Cù sau thời gian nằm yên ở dưới lòng đất gây nên sự biến động đất đai, cồn bãi, cù lao, đầm phá.

        Truyền thuyết “Ông Cụt” lưu hành chủ yếu ở làng Thanh Hà, có nội dung lý giải sự hình thành của gió lốc. Câu chuyện kể rằng ngày xưa tại Thanh Hà có một cặp vợ chồng sau thời gian chung sống, người vợ có thai mãi ba năm mới sinh. Quái lạ thay, người vợ không sinh con bình thường mà sinh ra ba quả trứng. Vợ chồng cho là quái dị nên bỏ ba cái trứng ấy vào một cái om (nồi nhỏ bằng đất nung), thả xuống sông. Chiếc om trôi ra Cù Lao Chàm thì tấp vào và nở ra ba ông rắn. Khi trưởng thành ba ông rắn về quê thăm cha mẹ, gặp lúc người cha đang dọn ruộng cuốc phải làm đứt đuôi một ông nên gọi là ông Cụt. Ông hóa một luồng gió xoáy bay về Cù Lao Chàm. Hai ông còn lại một ông gọi là Bích, một ông gọi là Tứ. Ba ông chọn Cù Lao Chàm làm nơi sinh trưởng, Thanh Hà là quê mẹ, và làng Đại Lợi là quê cha. Ở Cù Lao Chàm hiện có bài vị thờ Bích sơn hầu quận công và Tứ dương hầu quốc công tại đình Tiền hiền và miếu Tổ nghề Yến, có lẽ cũng xuất phát từ truyền thuyết này.
 
hang yen
Hang Yến ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng Việt - Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

        Liên quan các sự vật, loài vật ở biển đảo chúng tôi sưu tầm được một số truyền thuyết về “Sự tích đôi sam biển”, “Sự tích cá chuồn và chim tu hú”, “Sự tích rạm đưa cơm cho chồng”, “Sự tích nàng Yến”, “Sự tích Ông tổ nghề yến”… Các truyền thuyết này chủ yếu nhằm lý giải sự có mặt của một số sản vật biển tại địa phương theo lăng kính dân gian.

        “Sự tích đôi sam biển” nói lên sự gắn bó không rời nhau của đôi sam biển được lý giải bằng câu chuyện cảm động của một đôi vợ chồng dân biển địa phương, người vợ vì cứu chồng mà cả hai bị rơi xuống biển chết, hóa thành đôi sam.
 
        “Sự tích cá chuồn và chim tu hú” lý giải hiện tượng vì sao khi chim tu hú kêu thì đến mùa cá chuồn. Câu chuyện kể về tình yêu của một cô gái đi tu ở vùng núi và một chàng trai miền biển, do không lấy được nhau nên sau khi chết cô gái miền núi biến thành chim tu hú và chàng trai miền biển biến thành cá chuồn, thân ở biển mà luôn muốn bay về nguồn tìm gặp cô gái. Vì vậy, cứ đến mùa chim tu hú kêu thì cá chuồn lại xuất hiện: “Mãn mùa tu hú kêu thanh; Cá chuồn đã hết sao anh chưa về”.

        Tại địa phương Hội An cứ đến những ngày gần mồng 5 tháng 5 âm lịch thì từng đàn rạm lại kéo nhau xuôi các dòng sông con lạch để đi ra biển. Người dân lý giải bằng câu chuyện trong đó cho rằng rạm là hóa thân của những người vợ, mang cơm cho chồng đi đánh giặc ở ngoài biển. Câu chuyện thể hiện tính nhân văn, sự sẻ chia sâu sắc của cộng đồng đối mới những người vợ miền biển thủy chung, tận tụy đối với chồng trong những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

        “Sự tích nàng Yến”, “Sự tích Ông Tổ nghề yến” là những câu chuyện mang tính địa phương liên quan đến một sản vật biển quý là tổ chim yến. Ngoài việc lý giải sự có mặt của tổ chim yến các câu chuyện này còn cung cấp tài liệu góp phần khẳng định tính bản địa và vai trò của làng Thanh Châu ở Hội An trong nghề khai thác yến sào tại chỗ nói riêng, ven biển miền Trung nói chung.

        Một số truyền thuyết khác liên quan đến các địa danh miền biển của địa phương cũng đã được sưu tầm như truyền thuyết về xóm Thới, bãi Hương, chùa Hải Tạng, lăng bà Cúc,… Những truyền thuyết này thường ngắn, ít tình tiết, sự kiện.
 
chua hai tang cu lao cham 2021
Chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Thân Danh - Phòng Tu bổ di tích

        Tại Hội An cũng lưu truyền nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại về sự có mặt của một thế giới thủy phủ ở ngoài biển, nơi ngự trị của các vị long vương, các vị thần biển, của công chúa thủy tề. Một số câu chuyện còn gắn biển đảo với thế giới thần tiên, nơi chứa đựng những kho của cải vô tận như chuyện Phượng Hoàng và cây khế khi phượng hoàng chở người em và người anh ra biển để lấy vàng “may túi ba gang đem đi mà đựng”; chuyện Thạch Sanh, Lý Thông khi Thạch Sanh cứu công chúa Thủy Tề và được tặng nhiều của cải nhưng chàng chỉ lấy một cây đàn có sức mạnh đẩy lui quân địch,…

        Tại Cù Lao Chàm còn lưu truyền nhiều câu chuyện ngắn, mẩu chuyện về các hiện tượng quái dị, về thế giới ma quỷ mang tính thần kỳ. Những mẩu chuyện loại này khá phong phú, tạo thành một hệ thống chuyện quái dị, ma quỷ mang đặc điểm riêng. Trong đó đặc điểm nổi bật là ngắn, ít tình tiết, sự kiện, nội dung chủ yếu nói về sự linh thiêng, sự kỳ quái của thế giới siêu nhiên. Ngoài giá trị về mặt cung cấp nguồn tư liệu dân gian liên quan đến các địa danh, sự kiện, con người ở Cù Lao Chàm, các câu chuyện này còn giúp hiểu rõ hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại cụm đảo nổi tiếng Cù Lao Chàm trước đây.

        Có thể thấy, truyện kể dân gian liên quan đến biển đảo ở Hội An khá phong phú và đa dạng, phản ảnh đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân Hội An, cũng như thể hiện tình cảm, ước mơ, sự ứng xử... của con người trước các sự vật, hiện tượng của tự nhiên và xã hội ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây