Một số thông tin về lịch sử - văn hóa làng Phước Trạch

Chủ nhật - 07/11/2021 22:57
Làng Phước Trạch xưa thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hiện chưa có tư liệu xác định chính xác quá trình thành lập làng Phước Trạch.
   
Một số thông tin về lịch sử văn hóa làng Phước Trạch
Tư liệu Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An
 
  Tuy nhiên, tên gọi Phước Trạch theo tư liệu sớm nhất tiếp cận được là trong Bản tấu của Bộ Hộ về việc thuyền người Thanh gặp nạn xin trạm trú tại Hội An vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) như sau:“Tuần phủ Nam Ngãi, Ngụy Khắc Tuần tâu trình rằng: Trong ngày mồng 1 tháng này, Trấn thủ cửa biển Đại Chiêm, Nguyễn Dưỡng báo rằng vào ngày 29 tháng trước, thấy có 6 người Thanh đi vào địa phận cửa biển xã Phước Trạch, bèn cử phái viên và người Minh Hương làm thông ngôn cùng tra khám. Đó là người Thanh thuộc huyện Đồng An, phủ Toàn Châu, tỉnh Phước Kiến. Chủ thuyền là Trần Cấp thuê họ làm thủy thủ cùng phó lái thuyền gồm có 15 người đi trên một chiếc thuyền đến Đài Loan mua chở hàng hóa…”[1]. Cuối thế kỷ XIX, trong tác phẩm Đồng Khánh dư địa chí được biên soạn dưới triều vua Đồng Khánh (1886 - 1888) cho biết: “xã Phước Trạch là 1 trong 13 xã/thôn thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hoà Vang[2].

      Vào năm 1899, dưới thời vua Thành Thái, xã Phước Trạch sáp nhập vào tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn[3]. Như vậy qua các tư liệu trên, bước đầu có thể xác định làng/xã Phước Trạch hình thành muộn nhất vào đầu thế kỷ XIX.

      Sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, xã Phước Trạch là 1 trong 18 xã[4] thuộc thị xã Hội An. Đến năm 1946, làng/xã Phước Trạch thuộc Khu 7 - Tuy Nhạc[5]. Tháng 3/1951, làng/xã Phước Trạch thuộc Khu Bắc[6]. Đến năm 1956, làng Phước Trạch thuộc xã Cẩm An, quận Điện Bàn. Từ năm 2004 đến nay, danh xưng về làng Phước Trạch xưa được sử dụng lại để chỉ về tên gọi của một trong những khối thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An.

      Về lịch sử - văn hóa làng Phước Trạch, qua thông tin hồi cố cho biết, các bậc tiền hiền của làng Phước Trạch là các tộc Trương, Trần, Lê, Phạm từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào định cư sinh sống, lập làng và xây dựng nhà thờ để thờ tự, sinh hoạt.

      Đặc biệt, qua tiếp cận nội dung tài liệu Cẩm An – Làng chài ở miền Trung Việt Nam[7] cho biết, năm 1962, Phước Trạch là một trong những thôn thuộc xã Cẩm An[8]. Người dân Phước Trạch nói riêng, xã Cẩm An nói chung sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy hải sản, trong đó, thôn Phước Trạch có 126 thuyền đánh bắt hải sản[9], gồm 20 thuyền đánh bắt xa bờ và 106 thuyền đánh bắt gần bờ. Có thể thấy, qua tư liệu này, bước đầu xác định được hoạt động kinh tế của thôn Phước Trạch nói riêng, xã Cẩm An nói chung là nghề đánh bắt thủy hải sản.

      Ngoài ra, một tư liệu khác cũng đã đề cập đến làng Phước Trạch, đó là thần tích, thần sắc của làng Phước Trạch viết về vị thần Đại Càn và cá Ông[10], do Viện Viễn Đông Bác cổ điều tra, khảo sát vào năm 1939. Đây là tư liệu ghi chép về nguồn gốc các vị thần, về các lần sắc phong và việc tổ chức cúng tế những vị thần này.

      Về vị thần Đại Càn, tư liệu cho biết: Vào đời nhà Trần[11], vua đi thuyền đánh giặc gặp sóng to gió lớn phải dừng chân nghỉ lại ở một làng gần cửa Đại Càn. Tối lại, vua nằm thấy chiêm bao “một người đàn bà mang một cái nón thúng tới xin chịu giúp vua”. Sáng ngày, nhớ lại vua hỏi ở trong làng có thờ ai không? vì sao thờ? Mọi người kể lại cho vua nghe, sau đó vua đem quân ra đánh giặc. Bây giờ gió yên, biển lặng nên vua đánh thắng trận. Vua tin đánh thắng trận là nhờ bà Đại Càn hiển linh phò giúp. Khi vua trở về đã chỉ dụ ban truyền sắc phong bắt mỗi làng phải lập đình thờ bà. Cho nên ngày nay, làng nào cũng thờ bà, lấy tên là Đại Càn. Sắc nhà vua phong tặng là Đại Càn quốc gia Nam Hải tôn thần[12]. Làng Phước Trạch thờ bà Đại Càn ở đình. Mỗi năm làng tổ chức tế lễ 2 lần, tế xuân vào ngày 6 tháng 2, và tế thu vào ngày 6 tháng 8 âm lịch.

      Về thần tích cá Ông, theo lời kể của những người làng Phước Trạch làm nghề đánh bắt ở biển, họ đi biển thường hay bị sóng tố, gặp rủi ro, hay tử nạn… và được cá Ông giúp. Vì vậy, nhằm tỏ lòng biết ơn, kính trọng, hễ khi nào thấy cá Ông chết tấp vào bờ, người thấy được báo tin cho làng xã biết, sau đó dân làng sẽ cho chôn cất tử tế, chờ khi thịt mục, xương rời thì bỏ xương cá vào hòm nhỏ có sẵn ở lăng để thờ cúng. Thần có sắc nhà vua phong tặng là Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần[13]. Tại làng Phước Trạch, thần được thờ ở lăng, mỗi năm làng tổ chức 2 lễ tế, tế xuân vào ngày 6 tháng 2 và tế thu vào ngày 6 tháng 8 âm lịch.

      Nhìn chung, qua thần tích, thần sắc, có thể xác định cư dân làng Phước Trạch nói riêng, xã Cẩm An nói chung có các thiết chế sinh hoạt như đình (thờ Đại Càn), miếu/lăng (thờ cá Ông)... Đây là những thiết chế văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu chung của các làng xã ở Hội An thời bấy giờ, đặc biệt là đối với cư dân sinh sống bằng nghề sông nước, qua việc thờ cúng nhằm cầu mong thần linh phù hộ, giúp đỡ, buôn bán được bình an, đắc lợi.

      Về tổ chức lễ tế cá Ông, qua 2 nguồn tư liệu tiếp cận (gồm Thần tích, thần sắc làng Phước Trạch và Cẩm An – làng chài ở miền Trung Việt Nam), có thể khái quát như sau: Lễ cúng cá Ông được tổ chức 2 lần trong năm. Lễ cúng đầu tiên diễn ra vào tháng giêng sau Tết âm lịch, đánh dấu sự khởi đầu một mùa đánh bắt xa bờ. Lễ cúng lần hai thường vào tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch, để kết thúc mùa đánh bắt trên biển.

      Trước khi tổ chức lễ, mọi người sẽ tổ chức đi nghinh Ông vào buổi sáng ngày 21 tháng Giêng. Vào khoảng 3 giờ chiều, lễ túc được tổ chức tại lăng Ông Ngư. Một gian lều được dựng lên cạnh ngôi miếu, những người bán rong và các nhà buôn địa phương thiết lập các quầy hàng giải khát tại khu vực này. Vào ban đêm có biểu diễn hát bội và có đông đảo nhân dân tham gia. Chủ đề các vở tuồng đề cập đến các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết và những vị anh hùng dân tộc. Sáng ngày 22 tháng Giêng, thì tổ chức lễ chính. Sau khi lễ hội kết thúc, hoạt động đánh bắt xa bờ bắt đầu. Vào cuối mùa đánh bắt, một buổi lễ đơn giản hơn được tổ chức để cảm tạ cá Ông vì đã che chở ngư dân của làng trong mùa vừa qua và khẩn cầu cho một mùa đánh bắt xa bờ thuận lợi.

      Những tiếp cận bước đầu về mặt tư liệu đã cho thấy, Phước Trạch là làng ven biển Cửa Đại chuyên nghề khai thác thủy hải sản, có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng, đặc trưng. Hiện nay, có những giá trị văn hóa vẫn được bảo tồn, song cũng có những yếu tố đã mất đi do những biến thiên của lịch sử. Trong thời gian tới cần có một đề tài nghiên cứu về làng Phước Trạch nói riêng và vùng ven biển Hội An nói chung.
 
 
 
 
 
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Văn An (2009), Ô châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Nxb Giáo dục Việt Nam.
2. Trần Ánh (2018), “Hội An với quá trình biến đổi địa danh hành chính”, Bài viết đăng trong Tập thông tin nghiên cứu Bảo tồn di sản số 4 (44).
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh.
5. Trường Đại học Bang Michigan - Viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam cộng hòa) (1962), Cẩm An – Làng chài ở miền Trung Việt Nam.
6. Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
 
Tài liệu trích dẫn
[1] Bản sao hiện lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[2] Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông Bác Cổ (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế Giới, Hà Nội, tr.1460.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, tr.361.
[4] 18 xã của thị xã Hội An gồm: Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh Hương, Hội An, Sơn Phong, Sơn Phô, Kim Bồng Đông, Kim Bồng Tây, Để Võng, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam, Thanh Đông, Phước Trạch, An Bàng, Cù Lao Chàm và 2 vạn ghe Phước Châu, Thanh Lộc.
[5] Khu 7 - Tuy Nhạc gồm: An Bàng, Phước Trạch và Tân Thành.
[6] Khu Bắc gồm: Trường Lệ, Trà Quế, An Mỹ, Để Võng, Sơn Phô, Thanh Tây, Xóm Chiêu, Xóm Mới, Cồn Đầm, An Bàng, Phước Trạch và Tân Thành (Dẫn theo Trần Ánh, “Hội An với quá trình biến đổi địa danh hành chính”, Bài viết đăng trong Tập thông tin nghiên cứu Bảo tồn di sản quý IV – 2018).
[7] Do Nhóm Cố vấn Trường Đại học Bang Michigan phối hợp với Viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam cộng hòa) thực hiện năm 1962.
[8] Xã Cẩm An gồm có 4 thôn: Thôn 1 – An Bàng, thôn 2 – Tân Thành, thôn 3 – Phước Trạch, thôn 4 – Tân Hiệp.
[9] Xã Cẩm An có 369 chiếc thuyền.
[10] Bản sao hiện lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[11] Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314).
[12] Năm Tự Đức thứ 5 (1852), thần Đại Càn được sắc phong là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa. Năm Tự Đức thứ 33 (1880), sắc phong là Trang huy Đại Càn quốc gia Nam Hải. Đến thời vua Đồng Khánh thứ 2 (1887) y phong là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Đại Càn quốc gia Nam Hải. Năm Duy Tân thứ 3 (1909) sắc phong là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải.
[13] Vua Minh Mạng thứ 7 (1826) và vua Thiệu Trị thứ 3 (1843) sắc phong là Từ tế Chương linh thần. Vua Tự Đức thứ 33 (1880) sắc phong là Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Nam Hải cự tộc Ngọc Lân thần. Vua Duy Tân thứ 3 (1909) sắc phong là Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo Trung hưng Nam Hải cự tộc Ngọc Lân thần.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây