Thông tin về miếu Bà Mụ, xã Tân Hiệp

Thứ tư - 22/12/2021 03:45
Dưới thời kỳ các chúa Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII) và triều Nguyễn, Cù Lao Chàm có tên gọi là phường Tân Hợp thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Cù Lao Chàm là xã đảo Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
ba mu
Miếu Bà Mụ, xã Tân Hiệp - Ảnh: Hoàng Phúc
 
        Cù Lao Chàm có tất cả 08 hòn đảo, trong đó hòn Lao có diện tích lớn nhất và có người cư trú. Do các đặc điểm về địa hình, điều kiện tự nhiên của hòn Lao, dân cư chỉ tập trung sinh sống ở Bãi Làng, Xóm Cấm và Bãi Hương. Trước đây, làng Tân Hiệp có dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong tư liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1943 – 1944, khi điều tra về “Làng Tân Hiệp” có viết như sau: “Dẫu biết làng này có trên 20 mẫu ruộng, nhưng vì nghề nông không phải dễ làm như ở trong kia nên chỉ sống được có 3 tháng vì nghề nông. Dân làng có thể sinh nhai được 3 tháng nghề đánh cá. Bởi thế còn 6 tháng kia, không biết lấy gì mà làm ăn[1]. Dẫu rất khó khăn, song cư dân trên đảo rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa làng/xã như đình, chùa, lăng, miếu,... nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của mình.

        Có thể nói, ít ở nơi đâu có tỉ lệ di tích nhiều như ở Cù Lao Chàm. Trên địa phận Cù Lao Chàm hiện nay có 22 di tích tôn giáo – tín ngưỡng[2] phân bố ở Hòn Lao, Hòn Tai và Hòn Dài, trong đó số lượng di tích tập trung chủ yếu ở Hòn Lao. Đối tượng thờ tự cũng rất đa dạng, như: Phật, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân, Thiên Y Chúa Ngọc, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Ngũ Hành Tiên Nương,… là các vị thần được triều đình nhà Nguyễn sắc phong để nhân dân phụng thờ. Bên cạnh đó, người dân còn lập miếu thờ một số vị thần khác, trong đó có Bà Mụ. Miếu Bà Mụ hiện tọa lạc tại tổ 3 thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Miếu còn có tên gọi khác là lăng Bà Mụ.

        Miếu Bà Mụ được xây dựng trên vị trí cao của hòn Gieo nhìn ra biển (khoảng trống giữa hai ngọn đồi), nơi trước đây tấp nập tàu thuyền qua lại. Ngày trước, bao quanh miếu là cánh đồng Gieo (ruộng khô, ít nước, mỗi năm chỉ canh tác lúa một vụ lúa Đông Xuân, còn lại trồng khoai), bên hông có suối nước nhỏ, nhiều cây bụi mọc quanh miếu. Từ khi làm âu thuyền và thực hiện san ủi làm khu dân cư tại khu vực này thì mới có đường giao thông thuận lợi tiếp cận miếu. Trong lần tu bổ 2015, miếu được làm hàng rào bao bọc khuôn viên.
 
mieu ba mu
Miếu Bà Mụ, xã Tân Hiệp - Ảnh: Hoàng Phúc

         Miếu có quy mô nhỏ, thấp với lối kiến trúc cuốn vòm. Đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng gắn với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ven biển. Cửa vào miếu (chỉ có một lối vào chính) được trổ ở tường đầu hồi (khu đĩ), đây là trường hợp hiếm gặp trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trong đợt khảo sát di tích năm 1997 do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An) thực hiện, có nhận định: “Dấu vết còn lại cho thấy trước đây cửa của ngôi miếu nhìn về đỉnh 517 (hòn Biền), vì một lý do nào đó, người đời sau đã chuyển cửa ở vị trí hiện nay[3]. Hiện nay, dấu vết này không còn rõ nét. Qua phỏng vấn hồi cố ông Trần Quốc Ngào[4] và một số vị cao niên khác ở Cù Lao Chàm, họ không rõ niên đại xây dựng miếu và đều khẳng định cửa miếu trước nay vẫn vậy, không có đổi hướng. Như vậy, việc thay đổi hướng miếu đã được thực hiện từ rất lâu rồi. Dựa vào hình thức kiến trúc, có thể tạm đoán định miếu được xây vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

        Việc thờ Bà Mụ ở Cù Lao Chàm có thể xem là một hiện tượng khá thú vị, bởi trên địa bàn thành phố Hội An, chỉ có chùa Bà Mụ (trước đây của làng Minh Hương) và hội quán Phước Kiến (của người Hoa) là có thờ tự Bà Mụ. Đây là tín ngưỡng người Việt tiếp thu từ người Hoa. “Đối với cộng đồng người Hoa, nhằm duy trì, phát triển giống nòi trên quê hương/ vùng đất mới, ngoài việc thờ tự riêng ở tại mỗi nhà người ta còn thiết lập nơi thờ tự Thiên hậu Thánh mẫu, 3 bà và 12 mụ như ở hội quán/ chùa Phước Kiến; Hội quán/ chùa Ngũ Bang; Miếu/ chùa Bà Mụ... Theo quan niệm dân gian, Thiên hậu Thánh mẫu thần thông, quảng đại, cứu nhân độ thế, còn 3 bà theo kinh sách Đạo giáo có danh hiệu là Quỳnh Tiêu Thiên đế bà, Bích Tiêu Thiên vương bà và Vân Tiêu Thiên Thai bà - vốn là các nữ thần bảo hộ hài nhi; Việc hoài thai của người mẹ còn có sự giúp đỡ của 12 bà mụ, gọi là Thập nhị Hoa bà đặt tên cho 12 con giáp mới nên hình, nên dạng đầy đủ, sinh được mẹ tròn con vuông[5].

       Về sinh hoạt tín ngưỡng: Người dân đảo thường đến miếu để cầu xin về đường con cái (nếu hiếm muộn) hoặc cầu khấn để mẹ tròn con vuông mỗi khi sinh đẻ hoặc có sự cố sinh đẻ khó khăn. Lễ vật khá đơn giản, chỉ gồm hoa tươi, trái cây và nước lọc. Có lẽ trước đây, việc tiếp cận với các cơ sở y tế để hỗ trợ việc sinh nở còn khó khăn (trạm y tế xã với phương tiện thô sơ, cách trở với bệnh viện trong đất liền…), do đó, việc cầu khấn tại miếu giúp mang lại nguồn sức mạnh, nguồn động viên tinh thần to lớn cho thai phụ và người thân trong gia đình. Hiện nay, nhiều người trẻ tuổi vẫn đến miếu và thực hiện các nghi lễ này. Miếu không chỉ linh ứng với người dân địa phương mà còn với cả du khách. Từng có trường hợp du khách tham quan Cù Lao Chàm, tình cờ biết thông tin về ngôi miếu, đến để cầu tự, sau quay lại miếu cúng tạ vì lời cầu khấn của họ được linh nghiệm[6].  

       Rất nhiều năm trước đây, tại di tích tổ chức lễ tế vào ngày 15 tháng 5 âm lịch[7]. Hiện nay, người dân không tổ chức lễ tế riêng tại miếu nữa. Hằng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, người dân thôn Bãi Ông tổ chức cúng xóm cầu bình an, làm lễ rước mời Thần Nông và Bà Mụ. Lễ cúng được tổ chức tại khoảnh đất ở phía trước ngôi miếu.

       Về kiến trúc: Miếu tọa lạc trên một vùng gò được dọn quang, mặt tiền xoay hướng Tây Nam, hướng ra biển. Nền miếu láng xi măng, cao khoảng 1,1m so với cốt đường giao thông. Tường rào xây gạch bao bọc khuôn viên. Góc Đông Nam xây bậc cấp (6 bậc) làm lối dẫn lên miếu. Trong khuôn viên và sát tường rào có một số cây thân gỗ tỏa bóng mát quanh năm.

        Miếu chỉ có một gian, nằm ở khoảng giữa khuôn viên, hơi lùi về phía sau, mặt bằng hình chữ nhật, kích thước: 2,66m x 3,2m. Tuy nhiên, các cạnh có chút chênh lệch về kích thước (cạnh mặt tiền dài 2,66m, cạnh phía sau dài 2,54m). Tường xây rất dày để chống chọi với tác động của gió bão. Tường mặt tiền xây giật cấp, tạo lối vào có hai lớp cuốn vòm. Cửa vào hai cánh trổ ở tường đầu hồi, kiểu thượng song hạ bản, đóng mở bằng chốt xoay. Nền miếu lát gạch đất nung, cốt nền ngang bằng nền sân. Bên trên lối vào có mảng pano vẽ trang trí chữ 壽 (Thọ) tròn ở chính giữa, hai bên là bông hoa và dải lụa. Mảng tường mặt tiền hai bên đắp gờ chỉ tạo ô hộc, vẽ trang trí bình hoa và cây cổ thụ. Góc mái vẽ hình dây lá. Qua đối chiếu ảnh tư liệu (lưu trữ tại Trung tâm), các chi tiết trang trí này khác biệt so với trước đây: mảng pano vẽ hình chim phượng, góc mái vẽ hồi văn gãy khúc. Mái lợp ngói âm dương, chia làm 4 mái (kiểu một gian hai chái). Bờ hồi kiểu cuốn thư, bờ nóc đắp hoa dây. Đuôi mái hơi cong lên ở bốn góc mái.

       Kích thước lòng miếu là 1,67m x 2,17m, nội thất xây trần bê tông gạch vữa kiểu cuốn vòm. Bệ thờ xây gạch sát tường biên phía sau, quần bàn vẽ trang trí đồ án cá vờn sóng nước, hoa sen và giao lá. Bên trên bệ thờ xây thêm một bục nhỏ đặt tranh thờ[8] và bộ tam sự. Bề mặt tường phía sau tô vẽ khám thờ, chính giữa là chữ 神 (Thần). Trán khám trang trí đồ án “lưỡng long tranh châu”, thân khám vẽ dây lá hóa rồng, các loại thảo mộc. Các nét vẽ trang trí ở miếu rất đơn sơ, mộc mạc.

      Sự hiện tồn của miếu Bà Mụ cùng các tục về cầu tự, cầu được bình an khi sinh nở hiện lưu truyền tại địa phương phần nào thể hiện sự quan trọng của di tích trong đời sống tinh thần của cư dân vùng đảo Cù Lao Chàm trước đây cũng như hiện nay. Các lễ lệ cúng tế này vẫn được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua đó cung cấp những thông tin cần thiết về đời sống văn hóa tinh thần của cư dân biển – đảo Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, di tích còn mang những nét riêng về kiến trúc, góp phần làm phong phú các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật của Đô thị cổ Hội An nói chung, Cù Lao Chàm nói riêng.

* Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ di tích Lăng Bà Mụ, Tư liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.  
2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
3. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 165.
[2] Theo UBND thành phố Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng, tr. 286.
[3] Theo Phiếu khảo sát di tích miếu Bà Mụ do Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An lập năm 1997 - Hồ sơ lưu của Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
[4] Ông Trần Quốc Ngào (63 tuổi) trú tại tổ 3 thôn Bãi Ông, khu vực liền kề di tích.
[5] Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, trang 202, 203.
[6] Thông tin này do ông Trần Quốc Ngào cung cấp.
[7] Thông tin này do ông Trần Quốc Ngào cung cấp.
[8] Tranh này do người dân mới đặt vào sau này, trước đó không có. Tuy nhiên, tranh thờ ở đây là tranh Bà Chúa Tiên, không phải Bà Mụ.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: Miếu Bà Mụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây