Tết Nguyên tiêu ở Hội An

Thứ hai - 14/02/2022 20:32
Tết Nguyên tiêu (tết Thượng Nguyên) là một trong những lễ tết quan trọng trong năm âm lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước Châu Á. Lễ tết này diễn ra vào rằm tháng Giêng, tức sau tết Nguyên đán không lâu nên không khí đón tết vui xuân vẫn còn rộn ràng, nô nức. Nhiều vùng miền còn gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh da, bánh nổ,…
và tổ chức nhiều hoạt động tế lễ, vui chơi như trong dịp Tết Nguyên đán. Dưới triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn rất coi trọng lễ Thượng Nguyên và xếp vào những lễ tiết quan trọng trong năm, được quy định tổ chức cúng tế theo định kỳ và có lễ phẩm cụ thể trong triều đình[1].
 
tet nguyen tieu
Lễ hội Nguyên tiêu tại Chùa Ông - Ảnh: Hồng Việt
 
      Lễ tết Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa của Việt Nam, có sự giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa trong lịch sử. Theo tục lệ, vào dịp mùa xuân, sau những ngày Tết Nguyên đán, người dân Hội An lại chuẩn bị lễ tết Nguyên Tiêu. Đây vừa là dịp cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài, xin lộc đầu năm tại những di tích tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố và một số hội quán ở trong khu phố cổ Hội An, đồng thời là dịp để cộng đồng cư dân mở hội vui chơi trước khi bước vào công việc của năm mới với ước vọng mọi việc hanh thông, như ý.
Căn cứ bảng kê các ngày lễ lệ của xã Minh Hương ở Hội An, theo sổ hương hỏa năm 1765, có 16 lễ tục được tổ chức trong năm, trong đó có lễ Nguyên tiêu, được tổ chức vào ngày 15/1 âm lịch, địa điểm tổ chức chính của các lễ tục trên diễn ra tại cung Cẩm Hà, cung Trừng Hán và cung Hải Bình. Hình thức tổ chức chủ yếu là lễ cúng, ngoài ra có hoa đăng (thả đèn hoặc treo lồng đèn), làm đám rước kiệu ngoài phố,…[2]

      Hiện nay, thời gian diễn ra hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng. Các hoạt động cộng đồng tập trung chủ yếu từ ngày 12 đến 18, lễ chính vào ngày 16 tháng Giêng.

      Vào dịp này, tại các di tích đình làng, miếu xóm, tổ chức lễ kỳ yên đầu năm, cầu cho dân làng bình an, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa và cũng là dịp cúng tế các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai khẩn vùng đất, lập làng xã. Riêng đối với một số hội quán, đình miếu ở khu vực phố cổ Hội An, trong dịp này cũng tổ chức cúng cầu an, đồng thời là ngày tế tự Tiền hiền, là dịp để gặp mặt đồng hương của từng bang/hội. Đối với các thương nhân buôn bán tại Hội An tổ chức cúng tế để cầu tài lộc, cầu mong công việc làm ăn được thuận lợi, như ý. Tại các chùa Phật thì cúng tế, cầu kinh để cầu mong quốc thái dân an và tổ chức nhương sao giải hạn nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử.
 
hoi quan Phuc kiens
Lễ hội Nguyên tiêu tại Hội quán Phúc kiến - Ảnh: Tư liệu Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An

      Tại các đình làng, đối tượng được cúng tế chủ yếu là các vị thần được sắc phong như: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị, Thiên Y A Na, Bạch Mã, Ngũ Hành Tiên Nương, Thành Hoàng, Phước Đức Thổ Địa, ngoài ra có Tiền hiền, chiến sĩ trận vong, âm linh,…

       Đối với các hội quán của cộng đồng người Hoa ở Hội An đều tổ chức cúng tế long trọng, không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp Tết. Đặc biệt, đối với hội quán Triều Châu, hội quán Quảng Triệu được trang trí cờ hoa rực rỡ, đèn lồng nhiều màu sắc, bên trong các khám thờ cũng được trang hoàng lộng lẫy, trang nghiêm. Ngoài việc cúng tế tưởng niệm Tiền hiền còn cúng các vị Thần đang được thờ tại hội quán như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phục Ba Tướng Quân, Quan Công, Tài Bạch Tinh Quân… Ở các chùa Phật, ngoài việc cúng Phật và chư Bồ Tát để cầu an thì tại đây còn cúng các vong hồn vô chủ, các vị tinh tú để giải trừ các sao hạn nặng.

      Không gian toàn khu phố cổ, các tuyến đường phố thuộc khu trung tâm như Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Trần Phú, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai,… là không gian chính diễn ra hoạt động tết Nguyên Tiêu. Vào dịp này, các tuyến đường được trang trí cờ hoa, lồng đèn rực rỡ, nhiều sắc màu hòa quyện cùng không gian của các cung đường uốn cong uyển chuyển, mái phố rêu phong với lối kiến trúc nhà cổ, đình, miếu, hội quán cổ kính, cùng với dòng người qua lại nô nức, nhộn nhịp, tạo nên không gian lễ hội rất hấp dẫn những ai đến Hội An vào dịp mùa xuân.

      Không gian văn hóa gắn liền với lễ tết Nguyên Tiêu tập trung ở các di tích tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, hội quán. Trong đó, chủ yếu tập trung ở một số di tích tín ngưỡng trong khu vực phố cổ như Quan Công miếu, hội quán Ngũ Bang, hội quán Phước Kiến, hội quán Quảng Triệu, hội quán Triều Châu, đình Cẩm Phô, ngoài ra còn có ở các xã, phường lân cận.
Để chuẩn bị cho lễ cúng Nguyên tiêu tại các hội quán, ban trị sự của từng bang chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo, bài bản. Theo lệ thường, trước khi tổ chức cúng tế sẽ hình thành một ban tế lễ. Ban tế lễ là các vị chức sắc và lão thành của làng, khoảng từ 60 tuổi trở lên, bên cạnh đó còn có ban lo việc hậu cần, trần thiết. Vị chánh bái thường do tập thể lão thành cử ra, vị này phải còn khỏe, có uy tín và hợp tuổi để đứng lễ chính cáo bái với Thần linh. Đội gia lễ thường có 4 người, có nhiệm vụ hành lễ theo người xướng khi cúng tế. Trước đây, ở một số địa phương có riêng đội cổ nhạc nhưng hiện nay chủ yếu thuê ở Cẩm Nam, Cẩm Hà, có khi phải thuê ở Duy Vinh, Duy Xuyên,...

      Vào đêm trước buổi cúng chính, thường làm lễ cáo yết, còn gọi là lễ túc để báo cáo với chư vị Tiền hiền, Thần thánh. Lễ vật để cúng lễ cáo yết rất đơn giản gồm có hương đèn, hoa quả, xôi chè, bánh trái, vàng bạc áo giấy… Các vị cao tuổi đại diện thắp hương cúng vái, không cúng tế linh đình như buổi tế chính.

      Về lễ vật cúng lễ tế chính ở di tích tín ngưỡng của các làng xóm bao gồm hương đèn, hoa quả, thịt heo, xôi chè, gà giò, heo luộc hoặc heo quay, đồ thổ thần, gạo muối, vàng bạc áo giấy… Đối với cộng đồng người Hoa ở Hội An, trong các dịp lễ Tết hàng năm hoặc trong những ngày cúng giỗ, lễ vía tại gia đình, hội quán, người Hoa thường chế biến một số món ăn riêng, gắn với truyền thống ẩm thực của từng bang để dâng cúng ông bà tổ tiên, các vị thần bảo hộ tại hội quán. Đối với bang Triều Châu thì có món vịt lấu, bát bửu... Bang Quảng Triệu thường có món cơm dương châu, lạp áp, kim tiềm kê… Bang Phúc Kiến có món bún xào Phúc Kiến, khoai nhục, chè khoai môn,...

      Khi cúng, vị chánh tế và các vị phân hiến đều phải mặc áo rộng, đội khăn đóng. Riêng đội gia lễ thì mặc áo dài có viền hoa văn, đội mũ lễ theo kiểu quan văn, chân đi giày có quấn xà cạp. Riêng ban tế lễ của cộng đồng người Hoa ở Hội An thì do Ban trị sự chủ trì, chánh tế thường do vị bang trưởng hoặc bang phó phụ trách. Khi cúng mặc trang phục theo kiểu của từng bang, không có đội gia lễ và cổ nhạc, chỉ có người đọc văn tế và người xướng nghi thức cúng tế.

      Đối với một số địa phương, sau lễ tế chính có cúng thả bè và tống long chu nhằm tống ôn, cầu an cho xóm làng, tránh khỏi dịch bệnh, ốm đau.

      Lễ cúng của cộng đồng người Hoa diễn ra tại các hội quán gọn nhẹ hơn, mặc dù lễ cúng cũng có xướng tế, đọc văn tế. Thường tới giờ cúng tế, chủ tế cùng người tham gia tập trung trước điện thờ hành lễ trong vòng 10 phút thì lễ tế kết thúc. Ngày cúng Nguyên tiêu cũng là ngày giỗ Tiền hiền của bang, là dịp gặp mặt đầu năm của bà con trong bang. Vì thế, sau khi tế lễ kết thúc, các bang này còn tổ chức mở tiệc ăn mừng chiêu đãi quan khách. Trong buổi tiệc còn có tổ chức múa lân, chơi xổ số trúng thưởng. Người nào may mắn được trúng thưởng thì xem như trúng được lộc đầu năm.
Đặc trưng Tết Nguyên tiêu ở Hội An là những tập tục, nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng trong việc cúng tế các vị Thần, Tiền hiền, các đối tượng được thờ tự tại di tích tín ngưỡng liên quan. Cách bày trí, trang hoàng bàn thờ trong lễ tế, cờ hội, nhạc khí, lễ phục… Cùng với những nghi thức cúng tế truyền thống của từng địa phương, từng bang hội có sự khác nhau, ngoài ra có những tập tục đặc trưng như xin xăm, xin lộc, vay lộc làm ăn đầu năm, cầu may mắn, cầu tài lộc, đốt nhang vòng, dán giấy cầu an,…

      Với những tập tục, lễ nghi trong quá trình thực hành di sản lễ Tết Nguyên tiêu gắn với từng di tích vật thể cụ thể, tạo nên tập quán xã hội, lễ hội đặc trưng của cộng đồng người dân Hội An, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của cư dân địa phương. Lễ tết Nguyên tiêu vừa là hoạt động tín ngưỡng thờ cúng các vị Thần, Tiền hiền, vừa là sinh hoạt văn hóa tinh thần, với các hoạt động vui chơi giải trí, các món ẩm thực gắn bó trực tiếp với hoạt động lao động sản xuất. Cùng với đó, không gian phố cổ, những tuyến đường, quán xá, những địa điểm sinh hoạt văn hóa là không gian văn hóa gắn liền với tết Nguyên tiêu ở Hội An. Trong lễ hội, những điển tích, hình ảnh về con người, lịch sử, văn hoá truyền thống được trở về, tìm lại và khẳng định nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hoá riêng của mỗi cộng đồng làng, qua đó giúp cho mỗi người dân hiểu rõ hơn về gốc tích và truyền thống của quê hương, đất nước.

      Tết Nguyên tiêu trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, là dịp quảng bá sản phẩm văn hóa của địa phương đến với bạn bè thế giới. Trong các năm qua, lễ hội tết Nguyên tiêu đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, đem lại lợi ích về văn hóa, kinh tế cho cộng đồng địa phương. Vì vậy, tết Nguyên tiêu có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay trên nhiều phương diện như vai trò thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cố kết cộng đồng, vui chơi giải trí, vai trò sáng tạo nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật cần được bảo tồn, phát huy, đề xuất đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn An, Tống Quốc Hưng (2018), Sinh hoạt văn hóa người Hoa ở Hội An, Nxb Đà Nẵng.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ (tục biên), tập 5, phần Bộ Lễ, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Viện Sử học, Huế, Nxb Thuận Hóa.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
4. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2004) “Lễ Tết Nguyên Tiêu” - Đề tài cấp cơ sở, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
5. Trung tâm Bảo tồn Di sản Di tích Quảng Nam (2005), Xã Minh Hương với thương cảng Hội An thế kỷ XVII-XIX, Công ty In Quảng Nam in.
6. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2008), Lễ lệ lễ hội Hội An, Công ty Cổ phần In và Dịch vụ Quảng Nam in.
7. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di sản Hán Nôm Hội An - tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương (Quyển 1: Tờ truyền, trát văn và trình, bẩm), Nxb Đà Nẵng.
8. Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An xuất bản.
9. Viện Viễn đông Bác cổ, tài liệu điều tra di sản văn hóa làng xã Quảng Nam, năm 1941-1943.
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 747.
[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di sản Hán Nôm Hội An - tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương (Quyển 1: Tờ truyền, trát văn và trình, bẩm), Nxb Đà Nẵng, trang 161
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây