Sắc phong thần kỳ ở Hội An

Chủ nhật - 16/01/2022 20:36
Sắc phong (敕封) là loại hình văn bản hành chính trung ương cấp cao do Hoàng đế các triều đại quân chủ Việt Nam ban hành để ban thưởng, phong tặng, ban cấp chức tước, phẩm hàm, vật hạng, thần hiệu cho thần dân và thần kỳ. Nếu sắc phong sắc phong nhân vật có nhiều thay đổi về tên gọi, thể thức qua các triều đại thì sắc phong thần kỳ cơ bản có sự thống nhất chung.
sắc phong thần Huyền Thiên đại đế vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824)
Sắc phong thần Huyền Thiên Đại Đế vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824)
 
      Dựa vào các sắc phong khảo sát được tại các đình làng ở Hội An hiện nay, cũng như dựa vào bản khai Phôn-clo (Folklore) của các làng xã tại Hội An và tài liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện những năm 1942 – 1943, đã thống kê được 321 đạo sắc trên 11 xã. Trong tổng số 321 đạo sắc này, có 252 sắc phong thần kỳ.

      Đối với thần kỳ có 29 vị thần, gồm thiên thần 5 vị, nhiên thần 16 vị, nhân thần 8 vị. Những vị thần có sắc thờ ở nhiều làng xã nhất là bà Đại Càn 10/11 làng xã, Thành Hoàng 10/11 làng xã (làng Minh Hương không có sắc 2 vị thần này). Có vị thần chỉ được thờ tự duy nhất ở một làng xã như Thiên Hậu thánh mẫu, Bảo Sanh Đại đế, Bộ hạ tam thập lục tướng, Huyền Thiên Đại đế, Sanh Thai tam vị thánh nương ở làng Minh Hương, Bích Sơn thạch tượng, Thái giám Mộc Thọ ở làng Để Võng, bà Phường Chào ở làng Hội An, Phi Vận tướng quân ở làng Sơn Phong, Ngọc Nữ linh cô ở ấp Trường Lệ làng Cẩm Phô, riêng Quan Thánh Đế quân có sắc thờ tự ở 4 làng xã là xã Minh Hương (8 sắc); Thanh Đông (2 sắc); Thanh Nam (2 sắc); Thanh Hà (2 sắc). Riêng nhân thần người địa phương, xã Minh Hương có 2 nhân vật được phong Linh phù chi thần là Lý Đại Thành, Thái Văn Thoại.

      Về số lần sắc phong thần kỳ: Làng có số lần sắc phong nhiều nhất là Minh Hương: 51 lần, tiếp đến là Cẩm Phô: 48 lần; Thanh Hà: 47 lần. Những vị thần có nhiều lần sắc phong là Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương: 61 lần ở 10 làng xã; Thành Hoàng: 60 lần ở 10 làng xã, Thái giám Bạch Mã: 50 lần ở 8 làng xã; Thiên Y Chúa Ngọc: 40 lần ở 5 làng xã. Có những vị thần chỉ có 1 hoặc 2 lần sắc phong như Thái giám Mộc Thọ, Bích Sơn tôn thần ở làng Để Võng; Bộ hạ tam thập lục tướng ở làng Minh Hương; Ngọc Nữ linh cô ở ấp Trường Lệ, làng Cẩm Phô … Đây là những vị thần được sắc phong muộn vào đời Khải Định (1916 – 1925) trở về sau.

      Về niên đại, sắc phong thần kỳ ở Hội An có niên đại sớm nhất là Minh Mạng thứ 5 (1824) và muộn nhất là Bảo Đại thứ 18 (1943). Trong số các sắc phong của làng Hội An, có một bản sao sắc phong năm Thành Thái thứ 8 (1896) phong cho bà Nguyễn thị (bà Phường Chào) ở châu Phiếm Ái, mỹ tự là Trai thục Dực bảo trung hưng trật trung đẳng thần. Bà Phường Chào và bà Bô Bô, những vị nữ thần gốc ở miền núi và Trung du xứ Quảng cũng có bài vị được thờ ở đình làng Hội An, trong đó bà Phường Chào có bản sao sắc phong[1].

      Dựa vào các lần được sắc phong, đối chiếu với một số sắc phong khác ngoài Hội An, có thể thấy rằng ngoài những lần đột xuất như năm Minh Mạng thứ 12 (1831) phong cho Thiên Hậu của làng Minh Hương; Duy Tân thứ 7 (1913) phong cho Ngũ Hành Sơn Tinh Chúa Ngọc của làng Cẩm Phô; Bảo Đại thứ 11 (1936) phong cho Ngọc Nữ linh cô của ấp Trường Lệ làng Cẩm Phô, còn lại các lần khác được triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho nhiều vị thần ở nhiều làng khác nhau, chứng tỏ việc sắc phong thần kỳ được tiến hành theo từng đợt cho nhiều địa phương. Vì vậy, thời điểm gia phong, sắc phong có sự giống nhau giữa các địa phương. Dựa vào nội dung sắc phong, có thể biết được các đợt này tiến hành vào các dịp lễ lớn của triều đình như tứ tuần, ngũ tuần khánh đản của vị vua đương triều, hoặc của tiên đế triều trước, ngày làm lễ đăng quang tức vị (lên ngôi vua) của vị vua mới,…

      Các sắc phong này cơ bản có sự thống nhất về hình thức, nội dung, thể thức qua các đời vua triều Nguyễn. Chúng đều được viết trên giấy long đằng màu vàng, kích thước bình quân dài 130cm, rộng 50cm, bên ngoài có viền hồi văn chữ vạn hoặc hoa thị, rộng 3–3,5 cm, lòng giấy mặt chính vẽ long vân (rồng mây) chữ thọ, phượng hàm thọ (chim phượng ngậm chữ thọ), mặt sau vẽ tứ linh, chữ thọ, quạt lá và hòm sách. Giấy thời Minh Mạng, Tự Đức có nét vẽ sắc sảo, nhụ vàng hoặc bạc, chất lượng giấy mềm, mỏng, dẻo dai. Càng về sau, chất lượng giấy và nét vẽ giảm dần.

      Về nội dung, các sắc phong cơ bản có 3 phần. Phần mở đầu là chữ “Sắc” Sắc phong 15 hoặc “Sắc chỉ”, tiếp đó là tên của vị thần hoặc tên của địa phương và tên của vị thần. Phần giữa là lý do, mỹ tự, phẩm trật ban phong. Phần cuối là chuẩn cho địa phương y cựu phụng sự (theo lệ cũ mà thờ tự) để dụng đáp thần hưu (đền đáp ơn thần) hoặc “dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển” (ghi lại ngày vui của đất nước để làm rõ điển lệ), hoặc “thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân” (thần hãy ra sức bảo vệ dân ta), và kết thúc bằng hai chữ “Khâm tai”. Như vậy là đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) thì các sắc phong thần kỳ đã thay 2 từ “Cố sắc” thành “Khâm tai[2].

      Về phẩm trật được chia làm 3 hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần (thường được ghi là tôn thần, chi thần). Có vị thần ngay từ những năm đầu đời Minh Mạng đã được phong là thượng đẳng thần, như: Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương; Thiên Y A Na Chúa Ngọc, có những vị thần ban đầu chỉ được phong là tôn thần, chi thần như Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân, Thành Hoàng, Lang Lại nhị đại tướng quân, Bạch Mã Thái giám,… Dần dần trải qua các đợt gia phong, phẩm trật của vị thần được nâng dần lên và mỹ tự cũng nhiều dần. Do tình trạng có quá nhiều mỹ tự nên năm Tự Đức thứ 3 (1850) nhà vua đã chuẩn theo quy định: “… mỗi thần hiệu gia tặng 2 chữ, các thần hiệu dự ở phong tặng đều xét từng hạng viết điền vào nhưng trong khi viết sắc, đem cả những chữ tích phong trước kia và mỹ tự gia tặng lần này, viết liền đi, để cho hợp với việc làm trước[3].

      Đến năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), các thần nhất loạt được ban phong mỹ tự Dực bảo trung hưng. Xét các sắc phong thần kỳ tại Hội An, chúng tôi thấy có nội dung ban phong đúng như các quy định này. Để thấy rõ sự gia phong qua các đời vua triều Nguyễn có thể kê ra một số trường hợp như sau: Thần Thái giám Bạch Mã, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), là năm ban phong đầu tiên của triều Nguyễn có tôn hiệu là Thái giám Bạch Mã Lợi vật chi thần. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), năm ban phong cuối cùng, vị thần này có tôn hiệu đầy đủ là Lợi vật Kiện thuận Hòa nhu Đoan túc Hàm quang Dực bảo trung hưng Thái giám Bạch Mã thượng đẳng thần. Vị Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần năm Minh Mạng thứ 7 có tôn hiệu Hàm hoằng Quang đại Chí đức Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần, đến năm Khải Định thứ 9 (1924) có tôn hiệu đầy đủ là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo trung hưng Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần. Vị Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần (Cá Ông) năm Minh Mạng thứ 7 có tôn hiệu Từ tế Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân chi thần, đến năm Khải Định thứ 9 có tôn hiệu đầy đủ là Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo trung hưng Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân trung đẳng thần,…

      Sắc phong nói chung, sắc phong thần kỳ nói riêng là một loại tư liệu đặc biệt có giá trị về nhiều mặt. Về lịch sử chúng là những tư liệu gốc, quý giá, chứa đựng nhiều thông tin chính xác, chân thực về tên gọi làng xã, về tổ chức bộ máy chính quyền quân chủ từ trung ương đến địa phương,… Các sắc phong còn cung cấp những thông tin lý thú về kỹ thuật chế tác và trang trí trên giấy truyền thống, về ấn triện học, thư pháp học,…
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Do là bản sao từ làng Phiếm Ái nên chúng tôi không đưa vào tổng hợp.
[2] Các sắc phong năm Minh Mạng thứ 3 ở một số địa phương vẫn còn dùng từ “Cố sắc” để kết thúc.
[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, tr.353.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây