Một số điểm nhấn trong hoạt động bảo tồn phát huy Di sản Văn hóa Hội An năm 2021 và những định hướng trong năm 2022

Thứ ba - 11/01/2022 21:25
Trong năm 2021, dù điều kiện thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, đặc biệt đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân thành phố; trong đó các hoạt động công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hội An cũng bị ảnh hưởng lớn…
      Song, với sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND – UBND thành phố; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và các địa phương; tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, viên chức, lao động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tích cực tham mưu cho Thành phố triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn và đạt được những kết quả nổi bật, thể hiện trên nhiều phương diện.
 
khong anh pho co
Phố cổ Hội An - Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
      Công tác nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa được tập trung đẩy mạnh, dần đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng. Sau nhiều năm tổ chức thực hiện, đến nay Trung tâm đã cơ bản hoàn thành các nội dung để tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài “Nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An”; đã tập trung khảo sát, nghiên cứu và thực hiện 05 chuyên đề về di tích Chùa Cầu phục vụ công tác tu bổ; nghiên cứu tập hợp, dịch thuật các tư liệu Hán Nôm, in ấn và xuất bản 02 đầu sách: Hội An qua Châu bản triều Nguyễn, Sắc phong ở Hội An; hoàn thành bản thảo 02 đầu sách khác là Di tích - Danh thắng Cẩm Kim, 250 năm phong trào Tây Sơn nhìn từ Hội An và 01 bộ tài liệu “Giáo dục Di sản trong học đường ở Hội An” dùng cho cấp Tiểu học,… qua đó, góp phần làm sáng tỏ thêm các giá trị về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người phố Hội, đồng thời tạo được nguồn ấn phẩm, tư liệu phong phú hơn để giới thiệu các giá trị Di sản Văn hóa Hội An đến với công chúng.

     Trung tâm đã chuẩn bị chu đáo các nội dung, tổ chức thành công các cuộc tọa đàm khoa học về: “Hội An trong lịch sử danh xưng Quảng Nam” nhằm hưởng ứng chương trình 550 năm danh xưng Quảng Nam của Tỉnh; về “Công tác xuất bản và văn hóa đọc sách ở Hội An”; phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển thành phố Hội An trong giai đoạn mới”, bước đầu kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững Đô thị Di sản Hội An trong thời gian đến.

     Trong năm qua, Trung tâm cũng đã tham mưu cho thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản; công tác cáo cáo định kỳ về Di sản Hội An theo yêu cầu của UNESCO và các cơ quan chuyên môn, quản lý cấp trên được thực hiện nghiêm túc. Đã tham mưu cấp phép 90/90 hồ sơ tu bổ, sửa chữa, các di tích/nhà ở trong Khu phố cổ đảm bảo theo các quy định hiện hành, bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng, sửa chữa, tu bổ nhà ở/di tích và trật tự kinh doanh trong Khu Phố cổ; đã triển khai 06 cuộc tuyên truyền về Quy chế Quản lý Di sản Văn hóa thế giới - Khu phố cổ Hội An trong Nhân dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản. Các hoạt động khảo sát, điều tra, tư liệu hóa về di sản như: Vẽ ghi kiến trúc các di tích có giá trị đặc biệt, chụp ảnh mặt tiền, không ảnh về cảnh quan, kiểm kê khoa học các hiện vật,… về các di tích trong và ngoài Khu phố cổ được thực hiện thường xuyên đã từng bước bổ sung được các cơ sở dữ liệu cần thiết để lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản lâu dài.

      Công tác kiểm kê, nhận diện đề xuất hướng bảo tồn phát huy các di sản văn hóa phi vật thể được tập trung thực hiện và ngày càng bài bản hơn. Trong năm, Trung tâm cũng đã tiến hành kiểm kê nghiên cứu bước đầu về lĩnh vực văn hóa ẩm thực Hội An, làm công tác tư liệu về nghệ thuật biểu diễn tuồng dân gian ở Hội An; đã nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghề Trồng rau Trà Quế, Lễ hội Tết Nguyên Tiêu, Lễ hội Trung Thu ở Hội An;… tham mưu thành phố xây dựng phương án bảo tồn, phát huy tục tống Long Chu ở các làng/xã tại Hội An,… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời tạo sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách.

      Trên lĩnh vực tu bổ di tích, Trung tâm đã triển khai thi công, nghiệm thu và đưa vào sử dụng phát huy 15 công trình di tích đảm bảo chất lượng; đang tập trung triển khai thi công 10 công trình khác; đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư ở nhiều giai đoạn, cấp độ khác nhau cho các công trình, dự án trọng điểm của thành phố như: Dự án PCCC Khu Phố cổ; dự án tôn tạo Di tích Cây Thông Một, dự án cải tạo ngoại, nội thất Bảo tàng Hội An; đặc biệt là dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia về bảo tồn trong, ngoài nước và cả Nhân dân địa phương cùng với những bạn bè yêu quý Di sản văn hóa Hội An. Hoạt động nghiên cứu khoa học trước và trong quá trình tu bổ di tích được đề cao và chú trọng trong các khâu thực hiện, do vậy các di tích đều được tu bổ, trùng tu, tôn tạo đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả bước đầu như di tích đình Hội An, Nhà Lao Hội An được Nhân dân đánh giá cao.

       Công tác lưu trữ bảo quản các tư liệu, hiện vật được tập trung đẩy mạnh. Đã số hóa hơn 7.000 trang tài liệu, tiếp nhận 80 đơn vị tư liệu và 1.638 cuốn sách để lưu trữ; xây dựng thư mục lưu trữ số về Di sản Văn hóa Hội An; xử lý, bảo quản sơ bộ và lập 100 hồ sơ hiện vật khảo cổ học, 101 hồ sơ hiện vật về di tích Nhà lao Hội An; hoàn thành kiện toàn hồ sơ hiện vật Bảo tàng Hội An.

      Công tác tuyên truyền - phát huy giá trị di sản từng bước được nâng cao chất lượng gắn với việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong các khâu công tác. Đã tổ chức biên soạn và phát hành 04 tập Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản; phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố thực hiện 51 chuyên mục Phát thanh Bảo tồn Di sản; cập nhật thường xuyên tin, bài, thông tin nghiên cứu về Hội An trên website của Trung tâm và Bảo tàng Hội An với các phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh và 264 tin, bài trên Facebook Di sản Hội An, mở trang Zalo official account Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An để tăng cường đăng tải thông tin về Di sản Văn hóa Hội An đến với công chúng. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát huy tại các điểm bảo tàng bằng nhiều hình thức trực tuyến như: Đăng tin, bài viết, pano giới thiệu tuyên truyền, các video về di sản lên các website của cơ quan; tổ chức hoạt động “Một giờ tham quan Bảo tàng” bằng hình thức livestream với 03 chủ đề; trưng bày online với 04 chủ đề về giới thiệu về các sưu tập hiện vật bảo tàng; tổ chức khai mạc phòng trưng bày di tích Nhà Lao Hội An, bước đầu mở cửa định kỳ để phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của du khách và Nhân dân địa phương.

      Trong năm qua, Trung tâm cũng đã triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; duy trì liên lạc và thực hiện các nội dung của Kế hoạch Câu Lạc bộ Di sản tại Việt Nam năm 2021; hoàn thành báo cáo lần 3 và điền oline trên website UNESCO lần 1; hoàn thành 01 hồ sơ tham gia Giải thưởng quốc tế Melina Mercouri UNESCO-Hy Lạp về bảo vệ và quản lý cảnh quan văn hóa; tiếp tục tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ để bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Hội An.

      Có thể nói rằng, những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực công tác của Trung tâm trong năm 2021 vừa qua là rất quan trọng, góp phần làm cho Di sản Văn hóa Hội An được bảo tồn và phát huy có hiệu quả. Bước vào năm mới 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân, theo đó các hoạt động bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Hội An cũng cần phải có những giải pháp thích ứng phù hợp. Do vậy, trong năm 2022, Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng của các hoạt động công tác chuyên môn, trong đó chú trọng:
      - Tích cực tham mưu UBND thành phố triển khai Kế hoạch Quản lý Di sản Văn hóa thế giới - Khu phố cổ Hội An, giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt, qua đó huy động được các nguồn lực của thành phố và tỉnh Quảng Nam và xã hội trong triển khai các nhiệm vụ đề ra.

      - Tập trung xây dựng và triển khai các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học mới có tính ứng dụng thực tiễn cao, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hội An, ưu tiên về lĩnh vực kiến trúc truyền thống Hội An, khảo cổ học và các loại hình di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống.

      - Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khoa học tu bổ di tích; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dự án, hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp trong quản lý, tu bổ di tích. Tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về tu bổ di tích Chùa Cầu; tôn tạo di tích Cây Thông Một, phê duyệt dự án Phòng cháy chữa cháy Khu Phố cổ Hội An,.. đảm bảo theo kế hoạch.

      - Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Quy chế Bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới - Khu phố cổ Hội An trong Nhân dân bằng nhiều hình thức; thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ khoa học về di sản bằng phương pháp số hóa; tăng cường chất lượng, kịp thời, hiệu quả của công tác tham mưu cấp phép, giám sát hoạt động sửa chữa, tu bổ di tích - nhà ở trong Khu phố cổ đạt quy chuẩn chất lượng ISO 9001 - 2015. Tham mưu xây dựng và triển khai đề án cải tạo cảnh quan, kiến trúc khu vực I, IIA, IIB khu phố cổ.

      - Thực hiện các giải pháp nâng cao tính hấp dẫn của các điểm bảo tàng, di tích; hướng Bảo tàng đến với công chúng; thiết lập các điểm bảo tàng, điểm tham quan mới có chất lượng; tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy, phục vụ du khách tại các điểm bảo tàng, di tích với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện mới.

      - Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, tư liệu hóa, quảng bá di sản thông qua việc chú trọng trong công tác in ấn, xuất bản, thông tin về các kết quả nghiên cứu bảo tồn, thông tin về hoạt động quản lý di sản,… bằng nhiều hình thức, đa phương tiện. Tăng cường, chủ động trong công tác hợp tác quốc tế; tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế cho hoạt động bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

     Những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 là hết sức nặng nề, chúng ta hi vọng rằng từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid -19, thực hiện tốt chức năng bảo tồn và phát huy hiệu quả Di sản Văn hóa Hội An, góp phần tạo động lực để thành phố phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ gìn Di sản văn hóa lâu dài và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

 

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây