Con hổ (cọp) là con vật đứng ở vị trí thứ 3 trong số 12 con giáp tương ứng với 12 Địa chi (Thập nhị địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo quan niệm văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong âm lịch, tháng Giêng là tháng Dần. Tháng và năm Dần theo Thiên can và Địa chi có: Giáp Dần, Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần và Nhâm Dần. Chu kỳ của mỗi năm can chi là 60 năm (Lục thập hoa giáp).
Tại các di tích ở Hội An, liên quan đến con hổ/cọp và năm Dần, bên cạnh những tác phẩm điêu khắc như bức điêu khắc gỗ trên cửa của di tích Minh Hương Phật tự, bức điêu khắc đá trên tường di tích hội quán Phước Kiến,.. hay hình ảnh con hổ/cọp được đắp vẽ trên bình phong, quần bàn của không ít di tích,... còn có những sự kiện diễn ra trong năm Dần như việc xây dựng hay tu bổ di tích, việc phụng cúng đồ vật, tự khí,…
Năm Bính Dần - 1686: Cây cầu có mái che ở Hội An tương truyền do người Nhật ở Hội An xây dựng vào khoảng cuối thể kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Sau này vào năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu ban tên
“Lai Viễn Kiều”, dân gian gọi là Chùa Cầu hay Cầu Nhật Bản
. Chùa Cầu đã được Đỗ Bá vẽ trong tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư năm Bính Dần - 1686 với tên đề 會 安 橋
(Hội An kiều). Trải qua khoảng 400 năm tồn tại đến ngày nay, Chùa Cầu đã được các thế hệ cư dân Hội An tu bổ nhiều lần, trong đó có lần tu bổ lớn vào năm Bính Dần - 1986 do Bộ Văn hóa
(nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND thị xã Hội An
(nay là UBND thành phố Hội An) thực hiện. Hạng mục tu bổ gồm phần mái, sàn cầu. Trong quá trình tu bổ có 79 đoàn khách đến tham quan, trong đó có 39 đoàn khách nước ngoài. Đại sứ Ba Lan và nhân viên sứ quán cũng đến tham quan. Lần tu bổ này, các hạng mục và trang trí kiến trúc được giữ nguyên như vào đầu thế kỷ 20.
Chùa Cầu - Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
Năm Mậu Dần - 1758: Kiến tạo chùa Hải Tạng tại Cù Lao Chàm (
phường Tân Hiệp xưa). Theo văn bia tại chùa Hải Tạng lập trong lần tu bổ năm Tự Đức nguyên niên -1848 cho biết chùa Hải Tạng được kiến tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (
tức năm Mậu Dần - 1758) ở vị trí cách chùa hiện nay 200m về hướng Đông Bắc. Sau đó vì hư hại do bão và đồng thời để thuận tiện cho nhân dân đến sinh hoạt lễ bái nên đến năm Tự Đức nguyên niên, ngôi chùa được chuyển dời đến xây dựng ở vị trí hiện nay và được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến bây giờ về mặt kiến trúc nghệ thuật lẫn các giá trị văn hóa phi vật thể. Văn bia có đoạn khắc: “
Duyên ư Cảnh Hưng thập cửu niên bản phường đẳng đồng tạo Hải Tạng tự cơ chỉ nhất tân di vạn cổ bất ý. Thượng niên cửu nguyệt hốt bị đại phong, điện trung ngõa giải, vu tư cẩn trạch Mậu Thân niên tam nguyệt thập nhất nhật lập trụ thượng lương trùng tu cựu tích” (dịch nghĩa: Duyên là vào đời Cảnh Hưng năm thứ 19 bản phường cùng xây dựng chùa Hải Tạng, nền móng mới mẽ để lại cho đời sau. Tháng 9 năm ngoái bổng nhiên bị lốc, ngói trên điện bị tốc vào lúc ấy mới chọn được ngày 11 tháng 3 năm Mậu Thân, dựng trụ thượng lương trùng tu cựu tích). Chùa Hải Tạng - Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng Việt
Năm Nhâm Dần - 1842: Lập bia về sự kiện di dời ngôi chùa từ Xuyên Trung đến vị trí hiện nay và đặt tên là chùa Viên Giác. Tấm bia ghi dấu sự kiện này hiện nay được đặt ở phía Đông sân chùa Viên Giác, nội dung do phó bảng Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Nguyễn Tường Vĩnh chế. Bia cao 134cm, rộng 94cm, làm bằng cẩm thạch. Nội dung văn bia có đoạn khắc: “
Hựu nhân Xuyên Trung xứ chi cổ tự hà thủy vi tai. Khứ niên ngũ nguyệt nhật đồng hương nhân chi thiện tâm, tế hương trung chi vô sự, quĩ chi dĩ nhật kinh chi, doanh chi, tiệt giá tự chi tài tu vi chính điện, tịch thập phương chi lực tân tạo tiền đường, tinh xá thanh lượng, hoảng trùng tân chi thể thế. Tằng hiên huy khoát sâm vạn tượng chi bao la. Dĩ tịch lộ vi huyền châu, dĩ triêu hà vi đan hoạch, phong nguyệt thanh huy ư đình viện, thảo hoa phân úc ư xuân thu. Cấu thành quảng cư vĩnh an thần tượng. Tiền thử vị hữu huy hiệu, toại dĩ Viên Giác danh yên” (dịch nghĩa: Lại nhân chùa xưa ở xứ Xuyên Trung bị xói. Năm qua, tháng 5, kẻ thiện tâm trong xã lúc rỗi rãnh mới lo kinh doanh dỡ chùa này lấy cây gỗ tu lại chính điện, quyên góp tài lực của thập phương xây mới tiền đường. Tịnh xá mát sạch, thể chế thấy thêm mới mẻ. Gác, mái sáng cao bao la cả vạn chúng sinh. Sương chiều giao rèm ngọc, sáng sớm lọt cửa son, gió trăng dọi sáng chốn viện đình, xuân thu cỏ hoa hương sực nức, làm nên chốn quảng cư rộng rãi để yên trí tượng thần. Trước đó chùa chưa có tên hiệu, nay lấy tên là Viên Giác).
Chùa Viên Giác - Ảnh: Hồng Việt
Năm Nhâm Dần - 1902: Lập bia “Quỳnh Phủ hội quán bi ký” nói về sự kiện 108 vị Chiêu Ứng và việc xây dựng “Nghĩa liệt Huynh đệ miếu” vào năm 1875 tại Hội An
(tiền thân hội quán Hải Nam ngày nay, tên gọi khác là Quỳnh Phủ hội quán) để thờ 108 vị Chiêu Ứng. Tại hội quán Hải Nam còn có bia Lữ Việt Hội An Quỳnh Phủ hội quán trùng tu bi chí lập năm Giáp Dần - 1974 nói về việc trùng tu hội quán Hải Nam từ năm 1971 đến năm 1973 thì hoàn thành.
Năm Bính Dần - 1926: Tu bổ lăng Ông An Bàng. Lăng Ông An Bàng là một trong những di tích kiến trúc tín ngưỡng tiêu biểu liên quan đến tục thờ cúng cá Ông ở Hội An. Lăng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX,kiến trúc tổng thể gồm bình phong, chính điện và hậu tẩm. Chính điện và hậu tẩm kiểu cuốn vòm đặc trưng của lăng thờ cá Ông vùng ven biển miền Trung. Mái lợp ngói âm dương và trang trí hình các con vật trong bộ tứ linh, bờ nóc trang trí con giống theo đề tài lưỡng long tranh châu. Năm Bính Dần - 1926, lăng được cộng đồng cư dân xã Đại An tu bổ lại. Ghi dấu sự kiện tu bổ này, xà cò tại di tích khắc Hán tự với nội dung:
Bảo Đại nguyên niên tuế thứ Bính Dần tứ nguyệt kiến Quý Tỵ thập tam Quý Sửu nhật Dần bài Đại An xã bản xã bản vạn đồng tu tạo. Năm Giáp Dần - 1974: Tu bổ tam quan hội quán Phước Kiến. Hội quán Phước Kiến được xây dựng năm 1697, mang tên Kim Sơn tự. Năm 1757 được tu bổ và đổi tên Mân thương hội quán, rồi năm 1900 lấy tên Phước Kiến hội quán. Văn bia Bổn hội quán trùng tu cập tăng kiến tiền môn bi ký tại hội quán Phước Kiến cho biết năm Tân Hợi - 1971 xây dựng tiền môn, đến năm Giáp Dần - 1974 thì trùng tu hoàn thành tam quan.