Một số thông tin về kiến trúc Chùa Cầu qua tư liệu

Chủ nhật - 03/04/2022 22:27
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam hiện còn 12 cây cầu có mái che với kết cấu “thượng gia hạ kiều”, nhiều nhất là Nam Định với 5 cầu, Hà Nội có 4 cầu (đều nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ), Ninh Bình, Huế, Quảng Nam mỗi tỉnh có 1 cầu.
      Trong số đó, nổi bật nhất, nổi tiếng nhất có thể kể đến là Chùa Cầu, Hội An. Chùa Cầu còn có tên gọi khác là Lai Viễn kiều, cầu Nhật Bản. Năm 1925 (Ất Sửu, Khải Định thứ 10), Chùa Cầu được triều đình phong kiến nhà Nguyễn liệt vào cổ tích An Nam[1]. Trước năm 1930, Chùa Cầu đã được Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp xếp hạng là một trong ba di tích nổi tiếng ở Hội An thời bấy giờ, gồm: cầu Nhật Bản; chùa Bà Mụ và hội quán Triều Châu.

      Chùa Cầu bắc qua một lạch nước nhỏ, nối liền hai tuyến đường Trần Phú (phường Minh An) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Cẩm Phô), nằm về phía tây nam Khu phố cổ Hội An. Kiến trúc độc đáo với chiếc cầu cong cong, nối ba gian giữa ở phía bắc có ngôi miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ, công trình được quét vôi màu đỏ, hai đầu cầu thờ tượng chó, khỉ, tường hồi trang trí quả lựu, phật thủ. Đây là hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong mắt người dân địa phương lẫn du khách trong và ngoài nước. Hiện chưa có cơ sở để xác định được chính xác niên đại khởi dựng và hình thức kiến trúc ban đầu, tuy nhiên, thông qua các nguồn tư liệu, có thể nhận thấy kiến trúc Chùa Cầu trước đây có khác biệt so với kiến trúc hiện nay.

      Văn bia trùng tu Chùa Cầu lập năm 1817 có đoạn (dịch nghĩa): “Hai bên cầu có chỗ để bày hàng, giữa cầu là đường đi, dẫu ở nơi xa cũng tới đó vì vậy mà đặt tên là Lai Viễn kiều chăng? Cầu trên có mái, dưới lát ván bình thản như đi trên đất bằng, hành khách qua đó mệt mỏi thì ngồi nghỉ, đi bộ cũng tiện, đi ngựa cũng tiện, đứng trên cầu mà ngắm cảnh, nhìn dòng nước để làm thơ cũng là thú vị. Ngày nay gặp hội thanh bình, bán buôn đầy chợ, hành khách đầy đường nhộn nhịp ngựa xe thảy qua cầu ấy”. Thông tin trên cho thấy, trước đây cầu không đơn thuần là lối đi cho khách bộ hành, việc vận chuyển hàng hóa, qua lại cầu thời đó ắt hẳn cũng rất nhộn nhịp nên có thể mặt cầu được lát ván bằng phẳng để việc lưu thông dược thuận tiện.
 
       Những bức tranh, ảnh tư liệu giúp chúng ta có thể hình dung được một cách trực quan kiến trúc Chùa Cầu thời gian trước đây. Trong bức tranh màu về Chùa Cầu những năm 1901 – 1903 được sử dụng làm hình minh họa trong cuốn sách “Các thuộc địa Pháp” của tác giả Brossard[2], góc quan sát là từ phía bờ sông góc Đông Nam, có thể thấy kiến trúc có nhiều điểm khác biệt so với hiện nay. Phần tường bao xây gạch đầu cầu phía Đông quét vôi màu vàng, tường bao phía Nam có một mảng rộng 2 gian đắp gờ chỉ và các ô hộc trang trí. Mố cầu là các trụ đá đứng độc lập. Thành cầu dường như được bao che toàn bộ bằng ván gỗ và lan can gỗ. 
 
01

      Năm 2014, nhà báo Dominique Foulon – Tạp chí tiếng Pháp Carnets du Vietnam (Sổ tay Việt Nam) tặng thành phố Hội An hai bức ảnh quý về chùa Cầu[3]. Trong đó, một bức ảnh (có thể khẳng định) được chụp trước đợt tu bổ năm 1915 có góc chụp từ hướng Đông (đường Trần Phú ngày nay) cho thấy tường bao phía Đông rất khác so với kiến trúc hiện nay: mảng tường hai bên có ô chữ “壽” (Thọ) biến thể. Đặc biệt, bức ảnh thể hiện khá rõ cốt lối đi giữa cầu tương đương với đường giao thông ở hai đầu cầu. 
 
02
Ảnh chụp từ hướng Đông
 
      Một bức ảnh khác[4] có góc chụp từ hướng Đông (không rõ năm, tác giả) cho thấy có câu đối bằng chữ Hán ở hai trụ giữa tường bao phía Đông. Các câu đối ở hai trụ giữa hai đầu tường hồi hiện nay đã bị mất chữ, bong mờ. Dựa vào tư liệu, trước đây nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên và Nguyễn Phước Tương đã xác định được nội dung những câu đối này.
 
03

      Trong nghiên cứu của Albert Sallet – Nhà dân tộc học người Pháp được tôn vinh là nhà “Quảng Nam học”, đăng trên tập Những người bạn cố đô Huế, gọi tắt là BAVH, mục “Hội An cổ” trong tập VI, in năm 1919 có mô tả khá chi tiết về kiến trúc Chùa Cầu và ảnh chụp minh họa. Trong đó có thông tin quan trọng sau: “Cái cầu được trùng tu toàn bộ vào năm 1915. Chính vào lúc sửa chữa đã chạm trang trí mỹ thuật các trái cây ở cả hai mặt, thay cho những bức tranh đơn sơ trước đây. Cái miếu bị bão quét mất cách đây vài năm, đến đầu năm 1917 mới xây lại. Mùa hè năm 1918, người ta có đặt đối xứng gần các chỗ đầu cầu 4 bia đá ghi lại công trình xây dựng, tên của các nhà hảo tâm bằng chữ La-tinh vụng về, tên của người Âu (Tòa sứ và Công chính) đang cai quản trong thời gian xây dựng, việc đặt các bia này không được bổ ích cho lắm”.
 
06

      Qua mô tả và ảnh minh họa, có thể thấy rõ sau lần tu bổ năm 1915, kiến trúc Chùa Cầu có một số thay đổi đáng kể so với kiến trúc Chùa Cầu trong một số tranh, ảnh chụp trước thời điểm này và khá tương đồng với kiến trúc hiện nay. Tường bao phía Nam hoàn toàn phẳng phiu, không còn gờ chỉ và ô hộc chữ thập. Các đầu trụ mố cầu được liên kết bằng kết cấu vòm. Phần ván gỗ bao che thành cầu được thay bằng tường gạch, vữa, có hàng ô thoáng bông gió ở gian giữa, lan can song gỗ giữ nguyên. Tường bao phía Đông được trang trí hình quả phật thủ. Đồng thời, ảnh chụp thể hiện rất rõ cốt lối đi chính giữa cầu ngang bằng với mặt đường giao thông hai đầu cầu. Trong mô tả ở trên đề cập đến một số thay đổi kiến trúc nhưng không đề cập đến việc thay đổi cao độ lối đi chính giữa cầu. Một thông tin cần lưu ý nữa là phần miếu (chùa) bị hư hại do bão và được làm lại vào đầu năm 1917.

     Trong một bức ảnh[5] được (cho là) chụp năm 1934 (tác giả: Jacques Gruault), góc chụp từ phía Tây (đường Nguyễn Thị Minh Khai), có thể thấy tường bao phía Tây tương đồng với kiến trúc ngày nay, đó là phù điêu hai quả lựu ở hai bên. Cốt lối đi giữa cầu ngang bằng với mặt đường giao thông ở đầu cầu.
 
chua cau
Annam, Phai Pho, 1934
 
      Trong lần trùng tu vào năm 1986 (được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10) do Trung tâm Bảo quản và Tu bổ di tích Trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích) phối hợp với UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) thực hiện, mặt cầu được nâng lên, tạo dáng cong vồng (như ta thấy hiện nay). Theo nội dung tư liệu báo cáo về kết quả trùng tu Chùa Cầu thì: “… các cụ già 70 - 80 tuổi còn chống gậy đến gặp lãnh đạo góp ý các chi tiết công việc sửa chữa, trùng tu hoặc ra tận công trình đứng hàng giờ xem thợ làm, Ủy ban đã kịp thời chỉ đạo Ban tổ chức Hội nghị bô lão gần 30 cụ tuổi từ 65 - 85 để xin ý kiến về độ cong của mặt cầu. Các cụ đã sôi nổi tham gia đóng góp nhiều ý kiến có giá trị và thống nhất việc làm lại mặt cầu như hiện nay là đúng”. Qua đối sánh, chỉ có một sự khác biệt lớn về kiến trúc trong lần tu bổ năm 1986 so với năm 1915 là mặt cầu đã được nâng lên. Năm 1996 có một đợt tu bổ Chùa Cầu, chỉ tu bổ như nguyên trạng, không làm thay đổi kiến trúc di tích.
 
cc
Chùa Cầu sau tu bổ năm 1986
 
      Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, chịu các tác động của thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung, di tích Chùa Cầu đã nhiều lần xuống cấp và được trùng tu. Ít nhiều có sự chuyển hóa, thay đổi về hình thức kiến trúc qua các lần trùng tu này, song di tích vẫn giữ được dáng vẻ hài hòa, cân đối về hình khối kiến trúc, có sự mềm mại, thanh nhã trong các chi tiết trang trí.
Việc tìm hiểu kiến trúc Chùa Cầu qua các nguồn tư liệu giúp nhận diện giá trị kiến trúc di tích, tạo cơ sở khoa học để góp phần đề ra quan điểm, giải pháp tu bổ phù hợp nhằm bảo tồn một cách nguyên vẹn giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa nổi bật của di tích và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả trong thời gian đến.
 
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Nguồn tham khảo: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/chum-anh-mau-hiem-ve-viet-nam-nam-1903-post81321.gd
[3] Nguồn: https://tienphong.vn/anh-cuc-hiem-ve-chua-cau-giai-doan-1910-1930-post721267.tpo
[4] Nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/29828499457/sizes/o/
[5] Nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/46724625094/in/album-72157679499300628/

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây