Đồng chí Lê Vinh – Bí thư Chi bộ đầu tiên của Cù Lao Chàm

Thứ hai - 20/06/2022 04:22
Đồng chí Lê Vinh sinh năm 1912 tại ấp Ngọc Thành, làng Kim Bồng (nay là khối Ngọc Thành, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An). Lúc nhỏ, Lê Vinh học hết chương trình Yếu lược (Primaire Élémentaire) rồi theo cha phụ đắp vẽ, cẩn gốm sứ tại các công trình kiến trúc ở Hội An.
      Do ảnh hưởng từ bạn bè trong làng có chí hướng cách mạng như Hoàng Kim Ảnh, Hoàng Cao Thượng, Phan Xuân Hoàng, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Thái… nên ông sớm hăng hái tham gia phong trào cách mạng. Trong mắt bạn bè, ông là một thanh niên điển trai, viết chữ đẹp, biết cả chữ Hán, nhà có của ăn của để, có điều kiện đi nhiều nơi, giao lưu với những thanh niên có tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ.

      Làng Kim Bồng quê ông là một làng quê văn vật có nhiều đóng góp về nhân tài, vật lực cho các cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Ngọc Thành là một mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông là một trong ba thành viên chủ chốt của “Hội đọc sách Kim Bồng” ra đời năm 1933. Hội đọc sách tác động tích cực, sâu sắc đến thanh niên, góp phần nâng cao dân trí tại xã và lan tỏa sâu rộng đến các vùng lân cận của Hội An.

      Tháng 5.1939, Tòa công sứ Pháp tại Hội An tổ chức hội chợ thường niên. Lợi dụng sự kiện này, ông Hoàng Kim Ảnh - đại diện Đoàn Thanh niên dân chủ thành phố làm đơn xin tham gia một gian hàng tại hội chợ để bán đồ dân dụng, với tên gọi là “Gian hàng đặc biệt”. Chủ trương của anh em thanh niên là nhằm hợp thức hóa cho “Gian hàng đặc biệt”, do Hoàng Kim Ảnh phụ trách, Lê Vinh và Lưu Thị Cẩm Hoa là người trực tiếp đứng bán hàng, thông qua đây để tuyên truyền cho Mặt trận dân chủ, kêu gọi quần chúng đấu tranh cách mạng, vận động thành lập các tổ chức dân chủ công khai.

      Khi hội chợ khai mạc, mọi người đều ngạc nhiên thấy một gian hàng khác thường, trên phông trang trí có vẽ bản đồ Liên bang Xô viết màu đỏ tươi nằm giữa quả địa cầu màu xanh. Gian hàng bán các sản phẩm như khăn tay, áo gối, rượu dâu, đồ dùng học sinh, vải, quần áo, bàn ghế gỗ. Đặc biệt, trên những tấm vải và bánh vẽ một số khẩu hiệu như “ủng hộ hòa bình”, “ủng hộ tự do dân chủ”, “đả đảo chiến tranh”... Ai vào hội chợ cũng đều chú ý gian hàng đặc biệt này. Sáng hôm sau mật thám Pháp đến bắt ông Hoàng Kim Ảnh và những người bán hàng, tịch thu hàng hóa. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng “gian hàng đặc biệt” đã gây tiếng vang lớn, động viên các tầng lớp nhân dân Hội An tham gia phong trào Mặt trận dân chủ lúc bấy giờ.

      Sau sự kiện này, đồng chí Lê Vinh bị tống giam một thời gian rồi được tha, ông tiếp tục tham gia các hoạt động khác và không ngừng phát triển “Hội đọc sách Kim Bồng”. Trải qua một thời gian dài, tổ chức Đảng ở Hội An bị địch khủng bố, đứt liên lạc với cấp trên nên nhiều thanh niên, trí thức, công nhân đã tự chia nhau đến các vùng miền trong và ngoài tỉnh để tìm cách móc nối liên lạc với Đảng.

      Tháng 3.1940, trên cơ sở tổ chức Đảng được khôi phục lại ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đầu năm 1940, đồng chí Trương Kiểm được Huyện ủy Duy Xuyên giới thiệu bắt liên lạc với các thành viên trong “Hội đọc sách Kim Bồng”. Cuối năm 1940, đồng chí Trương Kiểm thay mặt Huyện ủy Duy Xuyên triệu tập cuộc họp trên bãi cát cạnh bến đò Ba Nữ (Ngọc Thành) tuyên bố kết nạp 3 đồng chí là Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Kim Ảnh, Lê Vinh vào Đảng, thành lập Chi bộ Kim Bồng do đồng chí Hoàng Kim Ảnh làm bí thư, trực thuộc Huyện ủy Duy Xuyên. Đây là cơ sở để Xứ ủy quyết định thành lập Thành ủy lâm thời Hội An vào năm 1941. Đến năm 1942, Chi bộ Kim Bồng được Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo chuyển về trực thuộc Đảng bộ Hội An.

      Đêm 17.8.1945, đồng chí Lê Vinh phụ trách Tổ công nhân cứu quốc Ngọc Thành, xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An thắng lợi vào ngày 18.8.1945. Sau khi giành chính quyền thắng lợi, ngày 21.8.1945, Thị ủy Hội An cử một số cán bộ ra ra Cù Lao Chàm để xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Cù Lao Chàm, đồng thời lập Ủy ban Việt Minh do đồng chí Lê Vinh làm chủ nhiệm. Đến tháng 3.1946, Ủy ban hành chính khu VIII (Cù Lao Chàm) thành lập, đồng chí Lê Vinh được tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch.

      Về phương diện hành chính, Cù Lao Chàm lúc bấy giờ vẫn thuộc khu Tuy Nhạc (Cẩm An), tổ đảng có ba đồng chí là Trần Hối, Vương Tranh và Vương Ninh sinh hoạt chung với Chi bộ Cẩm An. Đến năm 1949, cùng với việc hợp nhất xã lần thứ hai, chia lại các đơn vị hành chính mới và thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, xây dựng Đảng thành một Đảng quần chúng mạnh mẽ”, Thị ủy Hội An tăng cường phát triển đảng viên và điều động một số đảng viên về sinh hoạt cùng tổ Đảng với các khu. Các đồng chí Nguyễn Thị Thi, Trần Kỉnh, Lê Vinh… được điều về công tác tại Khu VIII (Tuy Nhạc cũ).

      Kháng chiến ngày càng trở nên khốc liệt, đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhằm củng cố vùng hậu cứ Cù Lao Chàm, Thị ủy Hội An chủ trương tăng cường một số đảng viên ưu tú từ đất liền ra đảo để gầy dựng phong trào, tiến đến thành lập Chi bộ Đảng tại đây. Tháng 9.1949, Chi bộ Cù Lao Chàm được thành lập gồm các đồng chí Lê Vinh, Trần Hối, Lê Hớn, Vương Tranh, Vương Ninh, Lê Niếu, do đồng chí Lê Vinh làm Bí thư đến năm 1956. Sau năm 1956, Cù Lao Chàm không có tổ chức Đảng và trở thành vùng không xảy ra giao chiến giữa ta và địch, nên Thị ủy đã phát động phong trào đảm phục nuôi quân, gầy dựng cơ sở cách mạng tạo hành lang thông suốt liên lạc từ đảo và đất liền đến ngày giải phóng.

      Khi chấp hành Hiệp định Giơnevơ, nhiều cán bộ buộc phải đổi vùng hoạt động tránh sự theo dõi của địch và tập kết ra Bắc. Giữa năm 1958, phong trào cách mạng bị tổn thất lớn hầu hết cán bộ thoát ly của Thị ủy đều bị địch bắt, tổ chức Đảng bị phá vỡ, đường dây giữa các cơ sở đầu mối bị đứt liên lạc. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Lê Vinh chấp hành chủ trương của cấp trên chuyển vùng vào Thăng Bình hoạt động, đến năm 1960 rồi về lại Hội An nhưng bị địch theo dõi bắt giam tại nhà lao Hội An, sau một thời gian được trả tự do, ra tù ông làm nghề mộc để sinh sống và giúp đỡ cách mạng cho đến ngày giải phóng quê hương.

      Do những di chứng những năm tháng hoạt động gian khổ, tù đày nên sức khỏe ông bị giảm sút nghiêm trọng, ông bị bệnh và mất vào năm 1984.
 

Tác giả: Phùng Tấn Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây