Trung phong Trần Văn Tứ - Cầu tướng tài năng của đội banh AS Faifo

Thứ năm - 21/07/2022 10:01
Trên một khu đất ven đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Tân An, thành phố Hội An) có một ngôi mộ nhỏ đơn sơ chỉ với một tấm bia bằng cẩm thạch, nấm mộ đắp bằng đất nằm khuất sau hàng cây và bên nhà dân, xung quanh ngôi mộ được trồng vài cây hoa trang đỏ, mặt bia mộ lại quay vào bên trong xưởng gỗ, hiếm người biết đây là nơi yên nghỉ của một “cầu tướng” trung phong Trần Văn Tứ đầy tài năng của bóng đá phố Hội nói riêng, tỉnh Quảng Nam, miền Trung nói chung trong thời kỳ thuộc Pháp.
mo cau tuong tran van tu
Mộ trung phong Trần Văn Tứ - Ảnh: Trần Phương
 
      Bóng đá du nhập Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhà cầm quyền đương thời tổ chức giải đấu hàng năm để các đội tranh tài, chọn lựa các cầu thủ tài năng đại diện thi đấu giải vô địch Đông Dương (bao gồm các đội miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam; Lào; Campuchia).

      Tại Faifo (Hội An), phong trào thể thao lúc bấy giờ cũng được hình thành và phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt là sự ra đời của các tổ chức, hội thể thao. Về bộ môn bóng đá, có nhiều đội bóng được thành lập nhưng nổi bật nhất là đội AS Faifo (AS Faifo là viết tắt của “Association Sportive Faifo”, có nghĩa là Hiệp hội thể thao Faifo) thuộc hạng “chân giày” (thời đó phân chia đội hạng cao là “chân giày”, hạng thấp là “chân đất”) thường xuyên du đấu, hoặc tiếp đón các đội mạnh ngay trên sân nhà như ASNA (Association sportive Nghệ An), SEPS Huế, Stade Olympique Huế, Citad sport Huế, Sport Touranais (Đà Nẵng), ASCF Nha Trang, Seps Qui Nhơn, Kiến Hương Thanh Hóa.

      Đội AS Faifo tham dự nhiều trận, giải đấu từ giao hữu cho đến chính thức đều đạt được nhiều chiến thắng vang dội với lối chơi hoa mỹ, ban bật nhanh, tạo nên thương hiệu của đội bóng lúc bấy giờ. Năm 1936, gần như toàn đội AS Faifo đại diện hội tuyển Trung Kỳ dự cúp Sylestre ở Nam Vang. Năm 1943, đội AS Faifo đạt được thành tích á quân giải vô địch Trung kỳ. Đặc biệt, trong năm 1943, đội bóng này góp công lớn trong việc đoàn thể thao Faifo đoạt cúp Sifa danh giá sau khi thắng nội dung bóng đá và chạy tiếp sức (bao gồm các bộ môn bóng đá, điền kinh, bóng rổ). Tờ báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương ngày 15/5/1943 đưa tin: “Coupe Sifa đáng giá hơn nghìn bạc đã về tay đoàn lực sĩ Faifo. Sau khi bại các đoàn lực sĩ Tourane, Huế, Asat Vinh, hai đoàn lực sĩ Faifo và Asna Vinh vào chung kết giải Sifa. Kết quả: Faifo thắng Asna về chạy tiếp sức và bóng tròn, nên đã mang coupe luân chuyển về Quảng Nam. Thật là một phần thưởng rất đích đáng và vinh dự cho sự cố gắng của đoàn lực sĩ Faifo”. Trong nhiều năm liền đóng góp nhiều “hảo thủ” cho hội tuyển Trung Kỳ thi đấu với các đội trong và ngoài nước. Một số cầu thủ trong đội có những tuyệt kỹ cá nhân đặc biệt, tạo nên thương hiệu riêng đến nỗi người hâm mộ bóng đá Faifo lúc bấy giờ truyền tụng nên câu vè còn được lưu truyền đến tận ngày nay: “Anh Đạt loang rê, Giáo Huê tém góc, anh Cũ bao sân, anh Cần đá bổng, Lenoir cú tếch, anh Tụy đá lết, anh Dậu đá chếch, anh Tứ a - lách - xô (Trần Văn Tứ)”. Trong số các cầu thủ đó, trung phong Trần Văn Tứ là một cầu thủ tài năng có tiếng ở miền Trung lúc bấy giờ. Ông được giới mộ điệu lúc đó nhận định là một cầu thủ trẻ triển vọng với những “tuyệt kỹ” của con nhà võ, có sở trường tung người vô lê rất có lực và chuẩn xác ghi nhiều bàn thắng quan trọng cho đội nhà. Qua tư liệu báo Tràng An số 100 ngày 15/12/1942 đưa tin về kết quả trận đấu giữa đội ASNA Vinh và AS Faifo, trong đội hình thi đấu có sự tham gia của trung phong Trần Văn Tứ, và thông tin về kết quả giải việt dã (gồm các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình) khi người về nhất chính là ông Hồ Cường của Faifo (Hội An) - ông vua đường trường Đông Dương vào năm 1943 (quán quân nội dung chạy 1.500m) cũng là bạn thân đồng niên với ông Tứ[1]. Cũng trong năm 1943, đoàn thể thao Hội An đoạt cúp Sifa sau khi thắng nội dung bóng tròn và chạy tiếp sức, mang cúp vàng Sifa về Quảng Nam (gồm nhiều bộ môn như bóng đá, điền kinh, bóng rổ). Báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương ngày 25/12/1943 có bài viết với tiêu đề “Trước ngày tái đấu giữa 2 hội tuyển Trung Bắc tại Tourane”, nội dung bài viết về tập dược giữa đội A và B hội tuyển Trung Kỳ để chọn lựa đội hình chính thức của hội tuyển Trung Kỳ tái đấu hội tuyển Bắc Kỳ, trong đó có đoạn nhận định về trung phong Trần Văn Tứ như sau: “Còn Hội tuyển B của Trung Kỳ, không rõ bác sĩ Haslé sẽ sắp đặt ra sao? Trước các danh thủ mà tài nghệ ngang nhau thật cũng khó cân lường trong khi bác sĩ muốn khoác cho họ những chiếc áo vinh dự. Hàng tiền đạo lợi hại nhất là vai trung phong, cái đó thì ai ai cũng đều rõ, vậy cầu tướng nào đáng nhận lấy trọng trách ấy? Thành (Huế), Tứ (Faifo) và Hưng (Tourane) ba vai tiên phong này chỉ có Tứ (Faifo) là đáng mặt đứng sau Tư S (Nha Trang). Với lối chơi khôn ngoan xảo trá của chàng kèm theo những quả tạt nhẹ nhàng và hiểm hóc, chàng đã gieo bao nhiêu sự gian nguy cho thủ trớ đối phương không phải là ít. Vậy Tứ (Faifo) đáng lãnh vai này hơn cả”.

      Là một cầu thủ tài năng, tương lai là vậy, nhưng số phận lại nghiệt ngã khiến ông ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại niềm thương tiếc lớn trong lòng người yêu bóng đá Hội An lúc bấy giờ. Sự cố xảy ra khi đội AS Faifo giao đấu với đội Sportive Touranais (Đà Nẵng) ngay tại sân vận động Hội An vào ngày 03/02/1944, đội bóng được xem là “kỳ phùng địch thủ” mỗi khi hai đội gặp nhau y như rằng trận đấu luôn diễn ra không chỉ gay cấn với những pha vào bóng máu lửa, quyết liệt trên sân mà còn trên khán đài với lực lượng cổ động viên đông đảo và cuồng nhiệt của cả hai đội. Trong một tình huống nhận được bóng từ đồng đội, trung phong Trần Văn Tứ quyết định đi bóng đột phá dũng mãnh vượt qua được các hậu vệ đội Sportive Touranais, thủ môn Thuyền lao ra phá bóng giải nguy nhưng trung phong Tứ đã nhanh chân sút quả bóng với một lực rất mạnh làm tung lưới đội bạn trước khi ngã gục xuống sân do va chạm với thủ môn. Sân vận động Faifo (Hội An) lúc bấy giờ dường như muốn nổ tung trước tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của các cổ động viên Faifo. Nhưng, khán giả phải khựng lại khi thấy trung phong Trần Văn Tứ nằm đau đớn trên sân. Khán giả lúc đó nghĩ ông sẽ không tiếp tục thi đấu được nhưng sau khi được bác sĩ chăm sóc, ông quyết định nén đau để tiếp tục thi đấu và góp công lớn khi ghi tiếp một bàn thắng mang về chiến thắng ngoạn mục cho đội AS Faifo với tỉ số 3-2. Tờ báo Sài Gòn ngày 08/3/1944 có đưa tin về trận đấu này như sau: “Mỗi lần hai đội banh tên tuổi Faifo - Tourane ra quân quần chúng thể thao lại một phen hồi hộp vì cuộc đấu thường hoạt động. Chiều Chúa nhựt vừa rồi Tourane B lại gặp Faifo ở quận về. Tuy gọi là Tourane B nhưng hàng ngũ đều đủ chiến tướng hữu danh trừ Lan đau chân không chơi còn đủ cả Minh, Mua, Housset, Được, Đình. Trước sự dũng mãnh của Faifo, Tourane luôn luôn bị lấn đất nhưng nhờ thủ thành Thuyền gan dạ và điềm tĩnh nên tỷ số quân bình 1-1 ở hiệp đầu. Tái đấu Tourane gác thêm bàn thứ nhì. Faifo quật khởi cố gỡ trung phong Tứ tuy bị thương nhưng cũng cố dìu dắt anh em toàn đội nhờ vậy Faifo gỡ huề 2-2 rồi nâng tỷ số lên 3-2 chiếm phần thắng”.

      Sau trận đấu đó, mặc dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do chấn thương quá nặng, đến khuya ngày 26/2/1944, trung phong Trần Văn Tứ đã từ giã cõi đời khi chỉ mới 25 tuổi.

      Lễ tang của ông được cử hành vào chiều ngày 28/2/1944, tang lễ được tổ chức rất long trọng, có các quan Tổng đốc, Án sát, Bố chánh cùng đông đảo nhân dân, người hâm mộ đến đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Mọi người đều ngậm ngùi, thương tiếc cho một cầu thủ tài hoa nhưng đoản mệnh, tiếc cho miền Trung mất đi một trung phong trẻ đầy tài năng. Tờ báo Sài Gòn ngày 15/3/1944 đưa tin về sự kiện này với tiêu đề Trung phong Tứ của đội banh Faifo đã tạ thế: “Sau khi đá cho Faifo gặp Tourane về giải vô địch Trung kỳ, trung phong Tứ đã ghi 1 chiến công rực rỡ cho đội banh nhà. Nhà trung phong trẻ tuổi ấy hứa hẹn nhiều với tương lai. Nhưng không ngờ tài hoa mạng yểu. Sau trận đấu, Tứ đã ra người thiên cổ. Nguyên sau trận hôm đó. Bịnh tình Tứ rất trầm trọng, quan thầy thuốc tận tâm cứu chữa, nhưng tới khuya thứ bảy 26 Fév. Tứ từ giã cõi đời. Lễ mai táng Trần Văn Tứ đã cử hành chiều hôm thứ hai 28 Fév. rất long trọng, có quan tổng đốc, quan án sát và quan bố chánh cùng các thân hào trong tỉnh tới đưa đám. Ai cũng ngậm ngùi thương tiếc Trần Văn Tứ và từ đây làng bóng tròn Trung kỳ mất 1 viên trung phong có hạng”.

      Đến nay, ngôi mộ của ông đã trải qua 78 năm nhưng nét chữ trên văn bia vẫn còn sắc sảo, rõ ràng. Bia mộ dạng hình chữ nhật, hai đầu trên vát góc, lòng chạm chìm nội dung tôn vinh, thể hiện sự trân trọng, tình cảm chân thành đối với trung phong Trần Văn Tứ bằng song ngữ Pháp - Việt, nguyên văn như sau:
ICI REPOSE
TRẦN - VĂN - TỨ, VALEUREUX FOOT-BALLEUR
enlevé cruellement à
l’affection des siens et de ses amis
IL PÉRIT À 25 ANS
LE 26 FÉVRIER 1944
donnant sur le Stade de Faifoo
un spectacle de courage
et d’intrépidité à l’exemple des
plus grands héros des temps passés
tous ses camarades pleurent sa perte
irréparable
et conserveront à jamais le souvenir
de sa grande bravoure
Ligue Sportive de Quảng – Nam
Đây là mồ
TRẦN-VĂN-TỨ
Một danh tướng của nền túc – cầu
Mà số mệnh đã tàn cướp
Giữa tình thương yêu tha thiết
Của thân bằng quyến thuộc
Anh mất năm 25 tuổi
Ngày 3 tháng 2 năm Giáp – Thân (1944)
Sau khi đã phô diễn trên sân vận động Faifoo…
Liên đoàn thể thao tỉnh Quảng Nam.
 
      Qua bao biến cố của thời cuộc, ngôi mộ của ông vẫn tồn tại, hiện diện cho đến ngày nay cũng như tinh thần thi đấu thể thao kiên cường của ông lúc sinh thời, để các thế hệ người dân yêu bóng đá Hội An, Quảng Nam luôn nhớ về ông, một “cầu tướng” đầy tài năng nhưng bạc mệnh của mảnh đất phố Hội.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Bài viết Một tấm bia lạ của nhà văn Nguyên Ngọc đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần (ngày 22/3/2012): https://cuoituan.tuoitre.vn/mot-tam-bia-la-482701.htm.
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây