Các nghề buôn bán, dịch vụ liên quan đến biển đảo ở Hội An

Thứ hai - 30/05/2022 05:25
Quá trình chung sống, tương tác lâu dài với biển đảo đã cho ra đời tại Hội An một ngành kinh tế mới là nghề biển với nhiều cách thức khác nhau từ khai thác, đánh bắt cho đến gia công, chế biến, vận chuyển, dịch vụ, buôn bán…
      Sự có mặt trên quy mô rộng lớn của nghề biển đã làm đời sống kinh tế - xã hội tại Hội An có sự chuyển biến tích cực, đưa nền kinh tế địa phương hội nhập mạnh mẽ với các vùng miền trong nước và với bên ngoài, trong đó các nghề buôn bán, dịch vụ liên quan đến biển đảo ở Hội An đóng vai trò khá quan trọng.
 
CU LAO CHAM
Một góc Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng Việt

      Nghề buôn đường biển, buôn ghe bầu: Nghề buôn đường biển nói chung, buôn ghe bầu nói riêng là một nghề rất nổi tiếng tại địa phương. Trong các thế kỷ trước nghề này rất phát triển tại địa phương với sự tham gia đông đảo của nhiều thành phần cư dân tại chỗ từ người Hoa, người Nhật cho đến người Việt. Ngoài ra còn có một lượng lớn khách thương tứ xứ thường xuyên ghé bến Hội An để trao đổi mua bán hàng hóa. Đội ngũ khách buôn, thủy thủ người Việt tham gia mạng lưới mậu dịch trên biển này khá đông và bao gồm cả những người có kinh nghiệm đi biển, có của cải từ các vùng phố thị, nông thôn chứ không phải chỉ có dân biển, tạo thành một đội ngũ đông đảo được gọi là dân các lái, dân ghe bầu, bạn ghe bầu. Những người đi buôn ghe bầu nói riêng, ghe thuyền buồm nói chung lập thành các vạn buôn đường biển và thường lấy chính tên địa phương để đặt như vạn Thanh Châu, Cẩm Phô, Hội An,… Theo nhiều nhân chứng thì trước đây nghề buôn ghe bầu, buôn đường biển ở Hội An, xứ Quảng phát triển vào bậc nhất với số lượng ghe thuyền và người tham gia đông, trong đó có những gia đình có đến hai ba chiếc ghe bầu, ghe buôn tham gia buôn bán đường biển. Hàng năm từng đoàn ghe bầu của các vạn Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Sơn Phô, Hội An, Cẩm An, Trường Lệ đã giong buồm ra khơi để thực hiện những chuyến buôn xa, dài ngày. Hàng hóa mang đi là sản vật tại chỗ như cau, quế, hồ tiêu, chiếu, nón, đường, đồ tre đan, đồ gốm, gỗ, hải sản khô và chở về là các mặt hàng như gạo, dây dừa, lá đệm, đồ sứ, muối mắm, vải vóc, đồ đồng… Cảnh buôn bán bằng đường biển diễn ra tại Hội An hết sức tấp nập, sôi động tạo thành một quang cảnh như Thích Đại Sán mô tả vào thế kỷ 17 “Cột buồm như rừng tên xúm xít[1] hoặc như Nguyễn Tuân khắc họa vào đầu thế kỷ XX “…trên sông thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm, dây thừng…[2]

      Trong những chuyến buôn xa, dài ngày những chiếc ghe bầu Hội An, Quảng Nam đã từng ghé lại hầu hết các bến cảng trong nước. Mặc dù đã cao tuổi nhưng một số người từng đi ghe bầu hiện còn sống vẫn không giấu được tự hào khi kể về thời kỳ hoạt động sôi nổi “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng” trước đây. Các địa phương ghe bầu Hội An thường ghé bến mua bán gồm Vinh, Nam Định, Quảng Bình, Phú Xuân, Quảng Ngãi, Đề Ghi, Sông Cầu, Phan Thiết, Phan Rang, Sài Gòn, Gia Định. Một số chiếc còn đến Kẻ Chợ (Hà Nội) và ngược dòng Mê Kông lên tận Nam Vang (Campuchia).
Không chỉ buôn bán với trong nước, những chiếc ghe bầu Hội An nói riêng, Đàng Trong nói chung đã từng làm những cuộc hải trình đến quan hệ buôn bán với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và xa hơn, trong đó có thể kể đến Trung Hoa, Singapore, Thái Lan, Malaixia.

      “Đã từ lâu, những chiếc ghe bầu của An Nam đã làm những cuộc hành trình dài đến Trung Hoa, Singapore, Thái Lan, Vương quốc An Nam là người cung cấp nhiều muối cho Trung Hoa. Ông H.Monbot cho chúng ta biết hàng năm những đoàn vận tải lớn đến Quảng Đông, Áo Môn, Phúc Kiến lúc về chở đầy hàng tơ lụa, vũ khí và thuốc Bắc[3].

      Và để thấy rõ hơn khả năng buôn bán và hải hành của những dân buôn đường biển người Việt nói chung, Hội An, Đàng Trong nói riêng; ta hãy xem lại đoạn hồi ký của thuyền trưởng người Anh, Geogre Windsor Earl viết vào thế kỷ 18 đã trích ở phần trước. Geogre Windsor Earl cũng cho ta biết sự có mặt của những thương nhân Việt trong mạng lưới buôn bán đường biển cụ thể là ở Singapore.

      “… Thật thú vị nếu được quen biết với những người Việt này. Tính tình họ năng động, ngôn từ lại hoạt bát như dân Pháp. Khi đến buôn bán ở Singapore họ đã phải khéo léo trong sự cạnh tranh. Hoàn cảnh sinh hoạt của họ thật sự khó khăn vì chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình Việt Nam. Họ rất can đảm khi xuất dương. Thuyền họ lại không trang bị vũ khí và như thế có thể là miếng mồi ngon cho bọn hải tặc…[4]

      Thật thú vị và tự hào khi đọc những dòng nhận xét này từ một người nước ngoài về khả năng hàng hải của người Việt. Và quả thật, càng ngày ta càng tìm thấy nhiều tư liệu thư tịch, tư liệu dân gian cho biết người Việt là những tài công, thủy thủ giỏi giang và từ khá sớm họ đã tích cực tham gia vào mạng lưới buôn bán trên biển.
 
- Nồi Rang nhứt Tế, nhì Sềnh
Dưới Giành chú Chắt mom trên anh Dừa
Làm nghề mà giữ tích xưa
Đừng có chưa nhóc đã sợ, chưa lừa đã run
- Gió Nam thổi xuống lò vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn
Dời chân bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu gợn dạ buồn bấy nhiêu
Cạnh buồm bao quản gió xiêu
Lòng ta thương bạn chín chiều ruột đau.
 
      Qua khảo sát càng ngày danh sách những người đi buôn đường biển càng được cung cấp dài ra và từ đó có thể thấy rằng rất nhiều người ở nhiều địa phương, do hấp lực của nguồn lợi từ nghề buôn đường biển mang lại đã xuất vốn sắm ghe thuyền, thuê tài công, thủy thủ để đi buôn. Có thể kể tên ở đây như các ông Bảy Nhiếp, Siêu Ngữ, Cửu Ty, Hương Đợi, Tư Tuân ở Thanh Tây, Huỳnh Đạm, Cửu Đằng, Huỳnh Dễ, Bá Hai, Thủ Hương; Hương Ba ở Sơn Phô, ông Tạo, bà Cửu Cang ở Cẩm Phô; bà Ngụy Như Dư, ông Ngụy Cường, Nguyễn Liên, Nguyễn Thiết ở Thanh Hà, ông Bảy Muỗn, Mười Sách, Xá Trọng, Ba Danh ở Làng Câu, các hiệu Chân Long Hưng, Minh Ký, La Thiên Thái, Tấn Ký, Hiệp Ký, Quân Thắng, Phùng Hưng, Bảo Sinh Long, Châu Tiên Lợi ở Minh Hương, Hội An… Đây chỉ là con số rất ít trong danh sách dài những người, gia đình, hiệu buôn ở Hội An tham gia buôn bán bằng đường biển trong các thời kỳ trước đây. Có thể nói nghề buôn đường biển đã một thời làm nên sự vàng son thịnh đạt của thương cảng Hội An và qua đó chứng minh cho sự thích nghi mạnh mẽ của các thế hệ cư dân địa phương với môi trường biển đảo, cũng như khả năng dựa vào biển đảo để sinh tồn, phát triển của người dân địa phương.

      Nghề rỗi biển: Rỗi là tên gọi chỉ những người làm nghề mua tôm cá từ những ghe thuyền đi biển về để bán lại cho người tiêu thụ. Có thể xem đây là nghề làm trung gian mua bán hải sản để kiếm lời. Nghề rỗi chủ yếu là do phụ nữ làm và đội ngũ những người này khá đông.

      Hàng ngày họ gánh gánh dạo qua các vạn nghề biển để chờ những chuyến ghe đi biển về đón mua tôm cá hoặc cũng có người sắm ghe chèo ra cửa biển để đón mua. Tôm cá mua xong sẽ được mang bán tại chợ cho người tiêu thụ.

      Ngoài đội ngũ rỗi còn có một số người chuyên làm đại lý mua hải sản để bán lại các nơi, dân địa phương gọi là đầu nậu. Đây là những người có vốn lớn, có mạng lưới tiêu thụ rộng nên thu mua nhiều tôm cá, mực cùng một lúc. Các đầu nậu này lại thường ứng trước tiền để các chủ ghe mua xăng dầu, phương tiện sau đó thu lại dần bằng cách những người được ứng tiền phải bán tôm cá cho họ. Hình thức đầu nậu này hiện vẫn còn duy trì ở các làng biển địa phương. Rỗi, đầu nậu là những hình thức dịch vụ nhằm giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được từ nghề biển thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của các nghề khai thác, đánh bắt hải sản cũng như nhu cầu tiêu thụ hải sản tại địa phương.
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Trần Văn An (2016), Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Nxb Hội Nhà văn, tr.116.
[2] Trần Văn An (2016), sđd, tr.116.
[3] Serge de Lebrusse – Particularites de la Marine en Indochine, France Asia No 52 Juilet, 1950, p180.
[4] Trần Văn An (2016), sđd, tr.118.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây