Một số thông tin về làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn

Thứ hai - 04/07/2022 04:32
Địa bạ triều Nguyễn là một trong những nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam, nhất là nghiên cứu về làng xã, trong đó có Hội An, Quảng Nam.
      Địa bạ[1] là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng - xã. Mục đích lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất. Theo quy định, vào năm Gia Long thứ 4 (1805), mỗi địa bạ được làm thành 3 bản Giáp, Ất, Bính; làm xong gửi nộp lên Bộ Hộ đóng dấu. Bản Giáp để lưu chiểu ở bộ Hộ, bản Ất lưu chiểu ở thành trấn, bản Bính cấp cho các xã giữ làm bằng. Triều Nguyễn cũng quy định rõ cách thức làm sổ và các yếu tố kê khai bắt buộc như sau: Tên đơn vị hành chính: xã (hoặc thôn, phường, ấp), tổng, huyện, phủ, tỉnh (hoặc trấn, xứ); họ tên các chức dịch kê khai và lập địa bạ; vị trí địa lý: xác định ranh giới của đơn vị hành chính đó với các đơn vị hành chính khác ở 4 phía đông, tây, nam, bắc; tổng diện tích các hạng công tư điền thổ của xã hoặc thôn… Cuối cùng là ghi ngày tháng năm lập và ngày tháng năm sao địa bạ đó cùng dấu triện và chữ ký hay điểm chỉ của chức dịch từ xã (thôn), tổng, huyện, phủ, tỉnh và bộ Hộ.
 
mot trang dia ba xa phu ly hoi an
Một trang địa bạ xã Phụ lũy Hội An - Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

      Thời gian qua, trong quá trình triển khai sưu tầm tư liệu nhằm phục vụ nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã sưu tầm được hơn 2.000 trang tư liệu địa bạ của các làng xã Hội An, gồm địa bạ làng Đại An, Hòa An (Hòa Yên), Đông An, Hội An, Tân An, Kim Bồng, Phong Hộ, Minh Hương, An Mỹ, Hoa Phô, Để Võng, Thanh Châu, Cẩm Phô và Thanh Hà. Bản gốc địa bạ của các làng xã nêu trên được lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I – Hà Nội[2]. Ngoài ra, địa bạ làng Tân Hiệp và phường Xuân Mỹ cũng được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sao chụp lưu trữ trong nhân dân.

      Qua kết quả xử lý cho biết, địa bạ các làng xã ở Hội An được lập vào thời vua Gia Long, trong đó có 10 địa bạ lập vào năm Gia Long thứ 13 (1814) gồm: làng Đại An, Đông An, Hội An, Tân An, Kim Bồng, Phong Hộ, Minh Hương, An Mỹ, Hoa Phô, Đế Võng; địa bạ làng Thanh Châu lập năm Gia Long thứ 14 (1815); địa bạ làng Hòa An, Cẩm Phô và Thanh Hà lập năm Gia Long thứ 17 (1818). Địa bạ làng Tân Hiệp và phường Xuân Mỹ do một số trang tư liệu bị mất chữ nên chưa xác định được thời gian lập địa bạ. Tuy nhiên, qua đối chiếu với địa bạ của các làng khác, có thể xác định địa bạ 2 làng xã này cũng được lập vào thời vua Gia Long. 

      Cùng với việc ghi niên đại lập địa bạ, thông tin về diện tích đất đai các làng xã cũng được thống kê trong địa bạ gồm đất công, tư điền thổ, đất mộ địa, đất miếu, đình, chùa Phật; đất hoang và các loại khác. Theo thống kê ruộng đất của 16 làng xã: có 4 làng xã vừa có ruộng công vừa có ruộng tư, đó là làng Cẩm Phô, Thanh Hà, Hoa Phô và An Mỹ. Trong đó, làng Cẩm Phô có ruộng công nhiều hơn ruộng tư, cụ thể công điền là 156 mẫu, tư điền là 111 mẫu[3]; các làng Thanh Hà, Hoa Phô, An Mỹ có ruộng công ít hơn ruộng tư (làng Thanh Hà công điền là 190 mẫu, tư điền là 300 mẫu; làng Hoa Phô công điền 61 mẫu, tư điền là 65 mẫu; làng An Mỹ công điền là 20 mẫu, tư điền là 38 mẫu). Các làng Thanh Châu, Tân Hiệp, Đế Võng, Tân An, Xuân Mỹ, Kim Bồng chỉ có ruộng tư. Ruộng công thì có các làng Đông An, Hòa An, Phong Hộ.

      Có thể thấy, hầu hết các làng xã đều có đất sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp giữa các làng có tỷ lệ và quy mô khác nhau. Riêng, làng Hội An và làng Minh Hương không sản xuất nông nghiệp vì hai làng này hoạt động kinh tế bằng nghề buôn bán, thương mại.

      Việc thống kê quá trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa cũng được khái quát khá chi tiết: trong năm có 2 vụ sản xuất chính là vụ hè và vụ thu. Ruộng thì được chia thành 3 loại gồm ruộng hạng 1, ruộng hạng 2 và ruộng hạng 3. Đặc biệt, có trường hợp giữa một số làng có ruộng canh tác tại các làng giáp ranh bên cạnh như làng Thanh Hà, Kim Bồng,…

      Ngoài phần lớn diện tích canh tác trồng lúa, thì diện tích trồng dâu chiếm tỷ lệ khá lớn trong một số làng xã, như làng Kim Bồng có 518 mẫu, làng Thanh Hà có 35 mẫu, làng Cẩm Phô có 28 mẫu, làng An Mỹ có 11 mẫu. Ngoài ra làng Thanh Hà có đất trồng mía gồm 35 mẫu, làng An Mỹ có trồng cây dừa nước gồm 7 mẫu, làng Đế Võng có các nghề đánh bắt sông nước như làm đăng, nò.

      Cũng có một số loại đất không sử dụng để sản xuất nông nghiệp như đất cát trắng hoang, đất mộ địa chiếm tỷ lệ khá lớn, như làng Thanh Hà (đất mộ 372 mẫu, đất hoang 1.165 mẫu), làng Cẩm Phô (đất mộ 144 mẫu, đất hoang, cát trắng 154 mẫu), làng Hoa Phô (đất mộ 50 mẫu, đất hoang 36 mẫu), làng Đại An (đất hoang 438 mẫu), làng Hội An (đất mộ 46 mẫu). Ngoài ra, làng Đế Võng có 20 mẫu đất rừng. Một số làng xã có các dòng suối như Cẩm Phô là 850 tầm[4], Thanh Hà là 535 tầm, Hoa Phô là 212 tầm.

      Cũng theo địa bạ cho biết, hầu hết các làng xã đều có đất công để lập miếu, đình, chùa Phật. Các di tích miếu đình, chùa Phật tại các làng được thống kê như sau: làng Thanh Châu có 3 đình, 3 chùa, 1 miếu (miếu Thần Nông); làng Thanh Hà có 2 đình, 2 chùa, 3 miếu (2 miếu Thành Hoàng, 1 miếu Nhị vị); làng Cẩm Phô có 1 đình, 3 miếu (miếu Hội đồng, miếu Thành Hoàng, miếu Thần Nông); làng Đế Võng có 1 đình, 1 chùa, 3 miếu (miếu Thành Hoàng, miếu Ngũ Hành, miếu Thái Giám Bạch Mã),… Có thể thấy, trong địa bạ tên gọi loại hình đình, chùa được định danh tên chung với thuật ngữ là “đình, chùa Phật”, mà không được gọi tên riêng như loại hình miếu.

      Tên các xứ đất ở Hội An cũng được ghi chép trong địa bạ, theo số liệu thống kê, thì có hơn 100 tên gọi xứ đất của các làng xã. Trong đó, các làng xã Thanh Hà, Thanh Châu, Cẩm Phô, Đế Võng, Tân Hiệp đều có trên 10 xứ đất khác nhau, các làng xã còn lại có từ 1 đến 5 xứ đất. Đặc biệt, tên gọi các xứ đất này hiện nay vẫn còn được sử dụng gắn với các địa danh ở Hội An như Trà Quế,  Trường Lệ, Bãi Hương, Bãi Bấc, Bãi Làng…

      Có thể nói Địa bạ triều Nguyễn là nguồn tư liệu vô cùng quý, có ý nghĩa và giá trị quan trọng trong nghiên cứu, tìm hiểu về các làng xã ở Hội An nói riêng, Quảng Quảng Nam nói chung vào đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Dẫn theo Nguyễn Thu Hoài (2010), “Địa bạ triều Nguyễn: Một sưu tập quốc bảo về tư liệu Hán Nôm tại Việt Nam”, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội.
[2] Bản sao hiện lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[3] Chúng tôi chỉ lấy đơn vị tính là mẫu.
[4] Theo Từ nguyên: 1 tầm là 8 thước, khoảng 1,825m.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây