Làng nghề gốm Thanh Hà, Hội An - Nét đặc trưng từ một làng nghề gốm truyền thống ở miền Trung

Chủ nhật - 24/04/2022 23:06
Làng gốm Thanh Hà - Hội An ra đời vào những năm cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Với vai trò là một nghề phụ gắn bó chặt chẽ với đời sống của cư dân nông nghiệp, ngay từ buổi đầu tiên đến định cư tại vùng đất mới, những cư dân Việt từ phía Bắc trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất của người Chăm bản địa cùng với những kinh nghiệm mà họ mang theo từ cố hương đã tiến hành sản xuất những sản phẩm gia dụng phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
nghe gom
Phơi phôi gốm sau khi tạo hình - Ảnh: Thị Ngà
 
      Nhưng lịch sử đã tạo ra động lực phát triển mới cho làng nghề gốm ở Thanh Hà khi cảng thị Hội An phát triển thịnh đạt, một mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghề gốm của làng Thanh Hà, ngược lại sự phát triển của làng gốm Thanh Hà lúc bấy giờ cũng là yếu tố không thể thiếu góp phần cho sự thịnh vượng của cảng thị Hội An.

      Sự ra đời của làng gốm Thanh Hà gắn với vai trò của các tộc họ tiền hiền làng Thanh Hà như Nguyễn Văn, Lê, Ngụy, Nguyễn Viết,... Những tộc họ tiền hiền này không chỉ là những thế hệ có công khai hoang lập làng Thanh Hà mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự ra đời và hoạt động của nghề gốm. Gia phả một số tộc họ như Nguyễn Văn, Nguyễn Viết,... đều ghi tên con cháu của tộc từng làm nghề gốm và rất nổi tiếng. Trải qua quá trình phát triển, cho đến ngày nay con cháu của một số tộc họ tiền hiền này như Nguyễn Văn, Lê, Ngụy, Nguyễn Viết,... vẫn tiếp tục là lực lượng góp phần duy trì và bảo tồn các hoạt động của làng gốm. Cũng chính vì quá trình ra đời và phát triển của làng nghề gốm gắn bó chặt chẽ với các tộc tiền hiền mà nó cũng quy định một số đặc điểm của làng nghề này, đó chính là sự tiếp nối truyền thống ngành nghề từ vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ, Bắc Trung bộ - nơi xuất phát của các tộc họ tiền hiền..

      Làng gốm Thanh Hà là tên gọi chung cho làng nghề sản xuất gốm từng tồn tại ở làng Thanh Hà từ trước đến nay. Từ địa điểm ban đầu ghi nhận hoạt động sản xuất gốm cho đến địa điểm Nam Diêu tồn tại đến ngày nay là cả quá trình chuyển cư của làng nghề. Xét về mặt địa lý, Nam Diêu nằm ở vị trí khá thuận lợi. Đây là vùng đất nằm bên tả ngạn sông Thu Bồn - một con sông giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với lịch sử vùng đất Quảng Nam, có những điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu cũng như giao thông đường thủy và đường bộ, lại gần với thị trường tiêu thụ lúc bấy giờ là thương cảng Hội An. Sự chuyển cư này không phải là hiện tượng lạ đối với làng gốm Thanh Hà, bởi đây được xem như quy luật tất yếu của các làng nghề gốm không chỉ ở Thanh Hà mà cả những vùng khác để có thể tồn tại.
 
nghe gom 1
Một số sản phẩm gốm Thanh Hà - Ảnh: Thị Ngà
 
      Trải qua quá trình hình thành và phát triển hàng mấy trăm năm, những yếu tố như quy trình sản xuất, sản phẩm,... trở thành yếu tố đặc trưng quy định tính chất cũng như đặc trưng cơ bản của nghề gốm ở Thanh Hà so với những vùng khác. Quy trình sản xuất các sản phẩm gốm Thanh Hà cũng trải qua nhiều công đoạn phức tạp như bất cứ quy trình sản xuất ở các làng gốm khác. Nhưng trong mỗi công đoạn thì những làng gốm khác nhau sẽ có cách xử lý khác nhau, và chính điều này đã tạo nên nét đặc trưng cho từng vùng sản xuất. Làm đất là khâu đầu tiên trong quá trình sản xuất. Đất sét dùng để làm gốm ở đây là loại đất sét vàng, có độ dẻo cao và đất sét dùng để làm gốm và đất sét làm gạch, ngói có sự khác nhau về chất lượng. Đất sét sau khi mua về phải trải qua các công đoạn làm đất, nhào, đạp để trở thành loại đất sét dẻo, đáp ứng yêu cầu của việc chuốt gốm. Thợ làm đất sử dụng một số công cụ truyền thống như mai, nề,... kết hợp với tay, chân để làm đất mà không dùng bất cứ kỹ thuật hiện đại nào. Đất sét được sử dụng để tạo hình các sản phẩm gốm ở đây không pha thêm bất cứ loại phụ gia nào, chỉ trừ một số sản phẩm dùng để đun nấu như nồi, chảo,... thành phần đất có pha thêm một ít cát để tạo độ cứng, tránh tình trạng bể, vỡ sản phẩm trong quá trình sử dụng.

      Đồ gốm Thanh Hà được tạo dáng chủ yếu trên bàn xoay, do hai người phụ nữ cùng thực hiện, một người ngồi chuốt (thợ chuốt) và một người đứng vừa dùng chân phải đẩy bàn xoay vừa dùng tay nhồi đất (thợ đẩy). Bàn xoay quay từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ. Tất cả những đồ gốm ở Thanh Hà khi tạo hình đều có dạng đáy bằng. Những sản phẩm đáy tròn được thực hiện ở công đoạn sửa nguội. Trong công đoạn này, những chiếc bát đáy bằng được đặt úp trên bàn xoay để cạo sửa phần đáy thành đáy tròn. Kỹ thuật tạo dáng đồ gốm này được Cort & Lefferts xếp vào chuỗi phong cách F[1].

      Công đoạn nung để tạo ra sản phẩm cũng là một yếu tố đặc trưng làm nên sắc thái gốm Thanh Hà. Lò nung ở đây là loại lò bầu, được làm từ gạch và đất sét. Sản phẩm được vào lò từ cửa dùng để đút củi (còn gọi cửa ra vào), chất từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên sao cho chặt và kín lò mà không dùng bao nung. Thông thường những sản phẩm nhỏ được đặt phía trong góc lò, còn sản phẩm có kích thước lớn được đặt gần cửa lò. Nhiên liệu dùng để nung gốm hoàn toàn là củi. Việc nung gốm trải qua hai giai đoạn là un và chụm thắt. Đây là công đoạn quan trọng quyết định sự chất lượng sản phẩm gốm khi thành phẩm, nhưng nó lại phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của thợ chất lò, thợ đốt lò mà không theo một quy luật nào cả.

      Đặc trưng sản phẩm gốm Thanh Hà là gốm đỏ và gốm sành nâu. Các sản phẩm gốm không hề được phủ men và sản phẩm gốm truyền thống của Thanh Hà đều không trang trí, chỉ có một số ít các loại hũ có miệng hẹp được trang trí ở quanh phần cổ và vai với đồ án phổ biến là viền răng cưa nổi hay viền chỉ nổi. Bên cạnh đó làng nghề gốm Thanh Hà còn sản xuất vật liệu xây dựng như ngói âm dương, gạch.

      Dòng gốm Thanh Hà là dòng gốm dân gian, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia dụng hàng ngày. Thời kỳ nghề gốm phát triển thịnh vượng, sản phẩm gốm Thanh Hà còn được tiêu thụ ra tới vùng Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, vào đến Quảng Ngãi. Gốm Thanh Hà được bán sỉ hoặc bán lẻ cho các lái buôn và dân cư trong vùng. Đội ngũ lái buôn gốm là những người đóng vai trò trung gian giữa cư dân làng gốm Thanh Hà với các vùng khác. Trước đây phần lớn các lái buôn là người của làng gốm, họ là những lái buôn chuyên biệt hoặc vừa là người sản xuất vừa kiêm luôn lái buôn. Hiện nay, thành phần các lái buôn gốm có sự mở rộng, không đơn thuần chỉ là cư dân của làng gốm nữa mà có sự tham gia của dân cư các vùng lân cận.
 
      Trong toàn bộ quá trình sản xuất của nghề gốm Thanh Hà, việc phân công lao động trong sản xuất diễn ra chặt chẽ. Việc chuốt gốm truyền thống ở Thanh Hà do phụ nữ thực hiện, đàn ông không tham gia vào công đoạn này. Trong việc chuốt gốm, người phụ nữ ít tuổi hơn sẽ đảm trách việc đẩy bàn xoay còn người lớn tuổi hơn ngồi chuốt gốm. Đàn ông thì thực hiện các công việc như làm đất, chỉnh sửa sản phẩm, nung gốm, riêng việc chỉnh sửa sản phẩm cũng có trường hợp phụ nữ tham gia làm.

      Như bất kỳ một làng gốm nào khác, làng gốm Thanh Hà cũng mang những yếu tố đặc trưng của ngành nghề. Những yếu tố này góp phần định hình bản sắc của gốm Thanh Hà. Gốm Thanh Hà tuy không phải dòng gốm cao cấp nhưng nó đã vượt ra khỏi thị hiếu tiêu dùng để vươn đến cái đẹp hoàn mỹ, tự nhiên. Những sản phẩm dân dã nhưng gắn bó mật thiết với người dân trong cuộc sống hàng này, biến cái dân dã, tự nhiên thành những đặc trưng riêng không thể hòa lẫn với bất kỳ làng gốm nào khác.

Tác giả: Thị Ngà

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây