Nghề trồng rau Trà Quế - Quá trình xây dựng hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thứ sáu - 08/04/2022 05:40
Làng rau Trà Quế xã Cẩm Hà nằm cách trung tâm Hội An khoảng 2,5 km về phía Bắc. Nơi đây như một cù lao sông nước, được bao bọc bởi sông Để Võng và đầm Trà Quế. Khi nhắc đến địa danh Trà Quế, điều liên tưởng đầu tiên đó là nghề trồng rau truyền thống nổi tiếng có từ lâu đời, gắn kết với quá trình hình thành và phát triển vùng đất.
tra que
Làng rau Trà Quế xã Cẩm Hà - Ảnh: Quang Ngọc
 
      1. Giá trị nổi bật của nghề trồng rau Trà Quế

      Trà Quế là vùng đất được hình thành khá sớm. Tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy các dấu vết của Văn hóa Sa Huỳnh cách đây 2000 năm. Từ  địa danh Trà Quế đến di tích miếu Bà Yàng, giếng đá cổ,… không chỉ gợi nhớ dấu ấn của người Chăm trong lịch sử mà cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng của người Việt tại Trà Quế đã minh chứng cho diễn trình lịch sử lâu đời, liên tục của cộng đồng cư dân nơi đây.

      Bằng nhiều nguồn tư liệu cho biết, cách đây cách đây hơn 300 năm, những cư dân Việt đầu tiên thuộc các tộc Phạm, Mai, Nguyễn, Lê đã đến định cư tại vùng đất Trà Quế. Về sau có thêm các tộc Trần, Hồ. Ban đầu, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá tôm trên sông. Trong quá trình sinh sống, cư dân  đã tìm loại rau nấu với tôm, cua, cá,... để ăn thì rất ngon, bèn đem giống về trồng để sử dụng. Bằng những sáng tạo, tần tảo của mình, một số người dân nghĩ đến việc khai phá thêm đất để trồng rau, trồng lúa. Từ đó, những vạt ngò, rau húng, rồi đến rau é, hành, cải, hẹ,… lần lượt mọc lên trên vùng đất này. Do được gieo trồng trên một vùng thổ nhưỡng phù hợp, cùng với kỹ thuật chăm bón, các loại rau không những lên xanh tốt mà còn có hương vị thơm ngon đặc trưng. Vì vậy, Trà Quế dần dần trở thành một làng rau nổi tiếng xa gần.[1]

      Trong lịch sử, địa danh Trà Quế còn được gọi Nhự Quế, Thanh Quế, Nhà Quế. Chuyện lưu truyền trong dân gian kể rằng, vào khoảng thế kỷ XVIII có một vị vua du ngoạn trên dòng sông Đế Võng và ghé vào làng, thưởng thức một loại rau nhận thấy vị thơm của rau giống loại trà, vị cay giống quế, thế rồi vị vua này đặt tên làng rau là Trà Quế. Trong địa bạ Thanh Hà lập vào năm Gia Long thứ 17 (1818) cũng đã ghi chép danh xưng Trà/Nhà Quế. Như vậy, muộn nhất vào đầu thế kỷ XIX, địa danh Trà Quế đã xuất hiện. Trong tài liệu Quảng Nam xã chí của Viện Viễn Đông bác cổ đề cập đến thổ sản làng Thanh Hà vào thập niên 40 của thế kỷ XX như sau: “Làng Thanh Hà có diện tích trên 700 mẫu trừ Thanh khách ngoại nhân số độ 5000 người có thảy. Thổ sản của làng này đặc biệt là rau sống, lúa, khoai sắn… Trừ rau sống là có xuất sản chứ các thực phẩm khác thì cũng không đủ tiêu dùng cho dân làng. Nghề nghiệp của làng này đặc điểm là ngói, gạch, làm đồ gốm… Làng cũng có nghề đánh cá nhưng sơ sài, nghề nông thì chiếm được một nữa của làng. Ngoài các nghề chuyên môn ấy thì cũng còn các nghề khác nhưng không đáng kể.”[2]. Điều này cho thấy trước đây nghề trồng rau của làng gần như là nghề chính để phát triển kinh tế. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trà Quế là vùng căn cứ cách mạng quan trọng của quân và dân xã Cẩm Hà và thị xã Hội An, để qua mắt kẻ địch, người dân Trà Quế ngày sản xuất rau, đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ. Những gánh rau Trà Quế không chỉ nuôi sống gia đình mà còn góp phần nuôi quân, nuôi cán bộ; hương rau Trà Quế không chỉ mang hương vị của biển, của gió, của cát, của rong đầm Trà Quế mà còn có cả mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người con Trà Quế đã đổ xuống để bảo vệ, gìn giữ, xây dựng mảnh đất này.
Sau năm 1975, người dân làng rau Trà Quế bắt tay vào công cuộc xây dựng, tái thiết quê hương, cải tạo lại đất đai trồng hoa màu dần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế từ nghề rau truyền thống. Cơ sở hạ tầng dần thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đến năm 2001, thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) đã quy hoạch đưa vào sản xuất rau tập trung với tổng diện tích 15 ha. Hiện nay, làng rau Trà Quế có 207 hộ chuyên trồng rau với 345 lao động[3]. Diện tích đất trồng rau được cải tạo lên 18 ha[4]. Năm 2018, năng xuất rau đạt 792 tấn, giá trị đạt 10,73 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người trồng rau và dịch vụ khoảng 4,4 triệu đồng/người/tháng[5]. Theo thống kê, làng rau Trà Quế có khoảng 55 loại rau, trong đó các loại rau đã mất giống như hành hương, rau diếp, xà lách son, rau húng dài. Các loại rau còn lại đều được duy trì phát triển tốt, chất lượng ngày càng được nâng cao.

       Bên cạnh việc giữ gìn phương thức canh tác truyền thống trong quy trình trồng rau từ công đoạn chọn, bảo quản giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ. Người dân đã biết tích lũy kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp, cách thức sản xuất để có sản phẩm rau đảm bảo chất lượng, an toàn người sử dụng, ít tốn thời gian sản xuất. Tri thức dân gian được tích lũy theo thời gian, trong từng công đoạn sản xuất đều thể hiện sự tỉ mỉ, cần mẫn của người nông dân chịu thương chịu khó, mang tâm huyết của mình gửi vào từng vạt rau. Kinh nghiệm không chỉ riêng ai mà là sự cộng hưởng của cả cộng đồng cư dân để có những phương thức sản xuất chung nhất mà không phải làng nghề nào cũng có sự đồng điệu như vậy. Trải qua bao đời, nhờ vào yếu tố thổ nhưỡng cũng như kỹ thuật trồng và chăm bón thích hợp, nhất là nguồn phân xanh dinh dưỡng để bón cho rau từ các loại rong của đầm Trà Quế và sông Để Võng nên rau ở đây thơm ngon khác lạ. Mỗi loại rau có hình thái và hương vị riêng. Hình dáng, kích thước của rau cũng khác biệt so với nơi khác như rau lá nhỏ, dày, cây thấp cứng cáp, đặc biệt rất thơm, vị đậm đà hơn; rau mềm, dịu, khi ăn rau như tan trong miệng, không dai. Khi trộn lẫn các loại rau với nhau sẽ có 5 vị hòa lẫn vào nhau: cay, ngọt, đắng, chua, chát và để có món ăn ngon, người dân thường lựa các loại rau thích hợp, gia giảm số lượng rau tùy thích.

      Trà Quế có những loại rau đặc trưng mà mỗi lần đến Trà Quế không thể không thưởng thức như rau húng, é, cải con, hẹ,… Các loại rau ở Trà Quế không chỉ là món ăn hàng ngày trong bữa cơm gia đình, là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên sự thơm ngon cho các món ăn đặc sản của địa phương như  tam hữu, ram cuốn, mỳ Quảng, cao Lầu, bánh xèo,… mà chúng còn là những vị thuốc dân gian có tác dụng chữa các bệnh cảm cúm, phong hàn, phát ban và nhiều bệnh thời khí khác.

      Đặc điểm nổi bật nữa ở rau Trà Quế là giống cây trồng ở đây chủ yếu giống bản địa được duy trì cách đây hàng trăm năm. Giống cây ở đây, đối với loại giống để hạt có đặc điểm hạt nhỏ, chắc, đối với các loại giống cây trồng bằng nhánh, cành có đặc biểm thân cây cứng, nhỏ, rất thơm. Người dân ở đây luôn chú trọng, gìn giữ giống truyền thống, bởi tính nổi trội của giống truyền thống thơm ngon, phù hợp với thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, cho năng xuất ổn định. Để bảo vệ giống cây truyền thống không phải là điều đơn giản, mà là cả một quá trình lâu dài gắn bó với nghề, cộng với quá trình trồng trọt chăm bón tốt mới có thể duy trì nguồn giống lâu dài.

      2. Quá trình nhận diện giá trị và xây dựng hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

      Những năm trước đây, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành nhiều công trình nghiên cứu, đề xuất các phương án trong công tác bảo tồn và phát triển làng rau Trà Quế như việc thực hiện xuất bản ấn phẩm “Văn hóa ẩm thực ở Hội An”, trong đó giới thiệu về rau sống Trà Quế, năm 1998. Đề tài “Văn hóa Hội An truyền thống và phát triển” đề cập đến đặc điểm, quá trình phát triển làng rau Trà Quế. Đề tài điều tra khảo sát nghề trồng rau Trà Quế vào năm 2004. Để có cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung, nghề thủ công truyền thống nói riêng, năm 2006 Trung tâm đã tiến hành lập hồ sơ lý lịch cho nghề trồng rau Trà Quế. Đặc biệt, từ hướng dẫn của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, năm 2013, Trung tâm tổ chức chương trình “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống ở Hội An”, trong đó có nghề trồng rau Trà Quế. Ngoài ra còn nhiều dự án phối hợp với các tổ chức như Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa, các báo đài trong cả nước tiến hành khảo sát, nghiên cứu về tri thức nghề trồng rau, làm phim tài liệu về làng rau Trà Quế, tìm hiểu về giá trị di sản nghề truyền thống… Bên cạnh giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giá trị di sản văn hóa vật thể tại làng rau cũng được bảo tồn, phát huy hiệu quả như việc xây dựng hồ sơ pháp lý, kịp thời tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp như mộ Thượng thư bộ Binh Nguyễn Văn Điển, giếng đá Trà Quế, miếu ngũ hành, lập bia di tích lịch sử cách mạng chiến thắng thôn Trà Quế… Những hoạt động trên góp phần quan trọng trong việc nhận diện, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân làng rau Trà Quế, tạo nền tảng quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy các loại hình di sản văn hóa ở Trà Quế nói riêng và thành phố Hội An nói chung. 

      Từ các giá trị khoa học và cơ sở pháp lý đã được Trung tâm xây dựng từ trước, năm 2020, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đề xuất UBND thành phố Hội An xin chủ trương xây dựng hồ sơ nghề trồng rau Trà Quế để trình thẩm định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.  Để có cơ sở thực hiện, Trung tâm tiếp tục xin chủ trương và được sự thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tại công văn số 246/SVHTTDL-QLVH ngày 13/3/2020. Từ chủ trương cấp trên, Trung tâm đã trực tiếp thực hiện việc xây dựng hồ sơ này. Căn cứ vào Thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm tiến hành xây dựng kế hoạch dựa trên các nội dung yêu cầu của một bộ hồ sơ Quốc gia gồm có 9 nội dung lớn (Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể, hình ảnh, Phim tư liệu, Bản ghi âm, Bản đồ phân bố vị trí di sản; Tư liệu khảo sát điền dã có liên quan, Bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam trao quyền sử dụng các tư liệu kèm theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bản danh mục các tài liệu trong hồ sơ) cần thực hiện.

       Trong hơn 1 năm, Trung tâm đã thực hiện việc tập hợp tư liệu, tài liệu liên quan; liên hệ với các phòng ban của thành phố liên quan trong công tác bảo vệ và phát huy di sản nghề trồng rau Trà Quế tạo cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng hồ sơ. Sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND xã Cẩm Hà mà trực tiếp là Ban quản lý làng rau đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp cho việc xây dựng hồ sơ. Đặc biệt, sự đồng thuận nhân dân Trà Quế - những người trực tiếp đã và đang thực hành di sản đã hỗ trợ tích cực cùng với Trung tâm xây dựng thành công hồ sơ này.

      Trung tâm đã phối hợp với nhân dân Trà Quế, xã Cẩm Hà tổ chức buổi tham vấn cộng đồng với sự tham gia của những người có kinh nghiệm lâu năm nhất trong nghề để xây dựng lý lịch cho hồ sơ. Song song với đó là dựng phim tư liệu có độ dài hơn 21 phút về lịch sử hình thành và phát triển làng nghề rau Trà Quế. Trung tâm tiến hành các đợt tham vấn sâu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kỹ thuật trồng trọt, tri thức dân gian, kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học như sử dụng phương pháp điều tra, điền dã, phỏng vấn hồi cố để thu thập tư liệu; sử dụng bộ công cụ PRA để tham vấn cộng đồng các vấn đề cần điều tra; sử dụng phương pháp chuyên gia để xây dựng hồ sơ, đánh giá nhận xét về hiện trạng giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (nghề thủ công truyền thống). Từ các nguồn tư liệu trên, Trung tâm đã xây dựng lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể nghề trồng rau Trà Quế có độ dài 40 trang, với đầy đủ nội dung yêu cầu, cùng với nhiều tư liệu quan trọng kèm theo. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Trung tâm tiến hành các thủ tục pháp lý để trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. Và sau đó trình Cục Di sản Văn hóa (cơ quan trực tiếp thụ lý hồ sơ) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt. Qua quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ, ngày 04/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 784/QĐ-BNHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó ghi danh Nghề trồng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nằm ở hạng mục Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ tư của thành phố Hội An được vinh danh. Trước đó là nghề gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà), nghề yến Thanh Châu (xã Cẩm Thanh), nghề mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim) cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

      Việc công nhận này vừa là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề trồng rau Trà Quế, đồng thời cũng là cơ sở để bảo tồn và phát huy tốt hơn nghề trồng rau Trà Quế nói riêng, nghề truyền thống ở Hội An nói chung.
Phim Nghề trồng rau Trà Quế:
 
[1] Lê Thị Tuấn, Đề tài: “Điều tra khảo sát nghề trồng rau Trà Quế”, Trung tâm QLBT DSVH Hội An, năm 2004.
[2] Viện Viễn đông Bác cổ, Quảng Nam xã chí, Tập tài liệu điều tra về làng xã Quảng Nam năm 1943 – 1944 hiện đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[3] UBND xã Cẩm Hà, “Báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý du lịch tại làng rau Trà Quế xã Cẩm Hà”, năm 2018.
[4] Ban Quản lý làng rau Trà Quế thuộc UBND xã Cẩm Hà, năm 2016.
[5] UBND xã Cẩm Hà, “Báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý du lịch tại làng rau Trà Quế xã Cẩm Hà”, năm 2018.

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây