Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân – người khai cơ dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An

Chủ nhật - 08/05/2022 22:52
Tộc Nguyễn Tường là một gia tộc nổi tiếng ở Hội An về truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt cao, làm quan lớn dưới triều Nguyễn và giai đoạn sau là các thế hệ con cháu có đóng góp lớn trong nền văn học mới của Việt Nam.
tuong van
Mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân - Ảnh: Trần Phương
 
      Theo gia phả của gia tộc cho biết rằng, tộc Nguyễn Tường nguyên là Nguyễn Như, về sau đổi thành Nguyễn Văn, gốc ở xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa. Đến đời thứ 3 có ông Nguyễn Văn Quyền theo thuyền vào Phú Xuân, làm chức Đội trưởng; sau một thời gian ông chuyển vào sinh sống tại xã Đệ Dương, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn. Đến đời thứ 5, ông Nguyễn Văn Huấn cùng gia đình chạy loạn vào định cư tại xã Mỹ Hội, huyện Tân Bình, phủ Gia Định, sau đảm nhận chức Đội trưởng, suất lĩnh riêng dân phu đi đào mương, canh tác. Ông sinh hạ được 7 người con, trong đó ông Nguyễn Văn Vân (sau đổi thành Nguyễn Tường Vân) là người đỗ đạt và làm quan lớn dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, là người khai cơ dòng họ Nguyễn Tường danh tiếng ở vùng đất Hội An. Kể từ đời ông Nguyễn Tường Vân, gia tộc Nguyễn Tường có một bước chuyển lớn sang một trang sử mới[[1]].

      Ông Nguyễn Tường Vân sinh năm 1772 tại xã Mỹ Hội, huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Từ thuở nhỏ, ông đã chuyên tâm trau dồi kinh sử để sau này giúp ích cho nước nhà. Sự nghiệp khoa cử, quan lộ của ông bắt đầu từ năm 1796 khi ông thi đỗ tam trường, được bổ chức Phủ Lễ sinh, sau đó thăng chức Nhập thị Thư viện. Sự kiện ông đổi tên lót Nguyễn Văn Vân thành Nguyễn Tường Vân, đến nay vẫn chưa có tư liệu lý giải thỏa đáng. Nhiều giả thuyết cho rằng khi ông cùng vua Gia Long đi qua Quảng Nam, nhìn thấy núi Phước Tường, nhà vua chỉ về phía ấy bảo rằng: “Nguyễn Phước là họ của ta, ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường” và từ đó ông mang họ Nguyễn Tường. Nhưng qua tư liệu viết tay của chính ông từ năm 1792-1814 có đoạn như sau: “Tháng 3, khoa Bính Thìn ta thi đỗ đệ tam danh ở kỳ nhất trường, đệ nhất danh ở kỳ nhị trường, được khâm thụ cho vào làm Lễ sinh ở phủ, tước Nam. Đương thời, ta được xem là người học hành đỗ đạt đầu tiên ở Gia Định. Rồi sau này, binh hỏa liên tiếp nhiều năm, cho nên việc đặt khoa thi cũng tùy vào các tài cao thấp mà thực hiện. Tháng 4 năm ấy (1796), ta được đề bạt vào viện Thị thư, cho ban tước Tử. Lúc đó, bắt đầu đổi Nguyễn Văn làm Nguyễn Tường[[2]]. Như vậy, sự kiện ông đổi từ Nguyễn Văn sang Nguyễn Tường là khi ông còn ở Gia Định chứ không phải đến khi vào Quảng Nam như nhiều thông tin đã công bố trước đây.

      Năm Đinh Tỵ (1797), ông tham gia chinh chiến ở Quảng Nam, sau đó được bổ làm chức Phụng chỉ ở viện Thị thư, đến năm Kỷ Mùi (1799) tham chiến ở Quy Nhơn, được thăng chức Tham luận vệ Túc trực, sau khi về Gia Định được thăng chức Tri bạ chánh doanh cai quản Nội đồ gia. Năm Tân Dậu (1801), ông tham gia cuộc chiến ở Phú Xuân giành được thắng lợi, sau đó được cử cùng sứ bộ đến Quảng Đông (Trung Quốc) để mua sắm đồ dùng cho triều đình[[3]]. Tháng 4 năm Gia Long thứ 3 (1804), ông được bổ nhiệm chức Cai bạ dinh Quảng Nam và chuyển đến sinh sống tại Hội An. Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông bị giáng xuống làm Thiêm sự bộ Hộ do phạm lỗi nhỏ. Năm Gia Long thứ 9 (1810), ông được thăng Ký lục trấn Bình Thuận, trong thời gian này ông đã giúp đời sống nhân dân vùng này yên bình khi dẹp được nạn cọp dữ quấy phá. Năm Gia Long thứ 11 (1812), ông được thăng chức Hiệp trấn Nghệ An, tại đây ông đã có công dẹp được loạn thổ phỉ[[4]]. Năm Gia Long thứ 12 (1813), ông được thăng Hữu Tham tri bộ Hộ, nhưng vẫn đảm nhiệm Hiệp trấn Nghệ An[[5]]. Năm Gia Long thứ 18 (1819), khi đang đảm nhiệm Hữu Tham tri bộ Hộ thì ông được cử làm Đề điệu trường thi Sơn Nam Hạ, sau đó đảm nhận thêm chức Bắc Thành Hộ tào sự vụ[[6]]. Tháng 1 năm Minh Mạng nguyên niên (1820) ông được triều đình triệu về Kinh nhưng Tổng trấn Bắc Thành lúc bấy giờ là Lê Chất đang ở Kinh thành để lo việc tang lễ vua Gia Long tâu xin vua Minh Mạng cho ông lưu lại vài tháng để cùng với Phó Tổng trấn Bắc Thành là Lê Văn Phong xử lý công việc ở thành. Tháng 8 năm Minh Mạng nguyên niên (1820), tại Bắc Thành đến kỳ duyệt tuyển binh đinh nên vua truyền ông đến trông coi, khi đến nơi thì tại đây xảy ra dịch bệnh, ông xin triều đình hoãn việc duyệt tuyển, vua đồng ý. Không may, tại đây ông lâm bệnh nặng, đến ngày 8 tháng 10 ông qua đời. Trước lúc mất, ông để lại tờ di biểu với những trăn trở, nỗi niềm của người con đối với đấng sinh thành, của bề tôi đối với minh chủ, đối với đất nước. Vua xem tờ biểu mà tiếc thương cho một vị đại thần tài đức vẹn toàn, vua truy tặng ông chức Binh bộ Thượng thư, ban 200 lạng bạc an táng, cấp cho 2 người trông nom mộ. Trong thời gian làm quan, với tấm lòng yêu nước thương dân, ông đã tâu lên vua những kế sách trị quốc, thể hiện được tầm nhìn, trí tuệ của một vị đại thần tài đức vẹn toàn: Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông soạn bản tấu với 10 điều chính sách dâng lên vua, trong đó có các việc: “Mở đường ăn nói; thận trọng tu sửa đức chính; lập nhà Thái học; thiết lập khoa cử; lập kho thóc cứu đói khi mất mùa; bỏ tiền kẽm đúc tiền đồng; ban khuôn dấu đồng định lệ thường; định thuế đầm, tuần, đầu nguồn; định ra lệ sung cấp chư quân; thuận cho các việc nhẹ[[7]]. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), ông dâng sớ tâu lên vua sáu điều tâm huyết: “Tha miễn tô thuế ruộng công ở 4 dinh trực lệ, tha miễn tiền thuế dung mân cho dân bốn dinh trực lệ, xem xét giảm tô thuế ruộng công từ trấn Nghệ An trở ra Bắc, căn cứ theo dân số đăng tịch ở Bắc Thành mà giảm suất lính, xem xét giảm các tuần nhánh ở Bắc Thành, cho phép dân được đóng thuyền buôn vượt biển[[8]].

      Sau khi mất, ông được triều đình đưa về Quảng Nam bằng thuyền lớn, được quốc táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

      Trên mảnh đất Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng, tính đến nay đã hơn 200 năm, tộc Nguyễn Tường là một trong những tộc họ để lại nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa, các thế hệ đều có những cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực thi cử, khoa bảng, quan lại, văn chương, nghệ thuật góp phần tô điểm, vinh danh thêm truyền thống văn hóa Hội An, Quảng Nam trong lịch sử. Ông Nguyễn Tường Vĩnh con trai trưởng của ông Nguyễn Tường Vân đỗ Phó bảng thứ nhất tại kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất (1838), trong thời gian làm quan triều đình ông được bổ làm nhiều chức vụ lớn. Ông Nguyễn Tường Phổ là con trai thứ 3 của ông Nguyễn Tường Vân đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1842), kinh qua các chức vụ như Hàn lâm viện Biên tu, làm việc trong Nội các, Hoằng An Tri phủ, Giáo thụ Điện Bàn, trông coi việc học ở phủ Học chánh tỉnh Quảng Nam. Đến đầu thế kỷ 20, trong nhóm “bát tú” - 8 thành viên sáng lập chính của Tự lực văn đoàn (ra đời năm 1932) có 3 anh em nhà Nguyễn Tường là Nguyễn Tường Tam (bút danh Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (bút danh Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Vinh/Lân (bút danh Thạch Lam); 3 người này gọi ông Nguyễn Tường Phổ là ông cố.

      Ông Nguyễn Tường Vân hiện được phụng thờ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường, địa chỉ số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An (tục gọi là Dinh Ông, kiệt Xóm Dinh - Xóm có dinh thự của quan lớn). Hàng năm, trước ngày chạp mả gia tộc Nguyễn Tường (ngày 11 tháng Chạp), con cháu trong gia tộc cùng nhau lên mộ dâng hương, chăm nom ngôi mộ ông. Những công lao, đóng góp của ông Nguyễn Tường Vân đối với nhân dân, đất nước dưới thời nhà Nguyễn được lưu lại qua những trang sử sách, tư liệu có giá trị, qua đó góp phần nhận diện được thân thế, sự nghiệp của một vị công thần trong lịch sử Việt Nam. Với các giá trị đặc biệt đó, mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15/7/2020 tại Quyết định số 1889/QĐ-UBND.
 
[[1]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2016), Di sản Hán Nôm tập 2 – Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, tr.14, 28.
[[2]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2016), Di sản Hán Nôm tập 2 – Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, tr.29.
[[3]] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện (tập 1,2), Nxb Thuận Hóa, tr.311.
[[4]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, sđd, tr.31.
[[5]] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002), Đại Nam Thực Lục (tập 1), tr.873.
[[6]] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện (tập 1,2), tr.311.
[[7]]Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2016), Di sản Hán Nôm tập 2 – Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, sđd, tr.105-108.
[[8]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, sđd, tr.99-114.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây