Theo dòng Rọc Gốm

Thứ sáu - 04/03/2022 03:25
Trong lịch sử hình thành các nền văn minh của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới thì những dòng sông luôn đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ những dòng sông chính là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt dân cư, hoạt động sản xuất nông nghiệp, là môi trường khai thác, đánh bắt, nuôi trồng các loài thủy sản. Sông còn là những tuyến giao thông thủy huyết mạch để kết nối giao thương, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền…
hau xa II
Hiện vật tại di tích Hậu xá II - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Đối với thành phố Hội An, lâu nay khi đề cập đến vai trò của sự hình thành đô thị - thương cảng Hội An xưa, người ta thường hay nhắc đến ngay các dòng sông như: Thu Bồn, Sài Giang, sông Hoài, hay Trường Giang, Cổ Cò/Lộ Cảnh giang,… vì những dòng sông này được đề cập trong nhiều nguồn tư liệu lịch sử. Điều đó có thể đúng nhưng có lẽ sẽ chưa thật đầy đủ, bởi trên thực tế, ở Hội An vẫn còn khá nhiều tuyến sông, nhiều dòng chảy cổ chảy theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An xưa. Trong số đó phải kể đến dòng Rộc/Rọc Gốm - một trầm tích sông cổ, một dòng sông lịch sử, giữ vai trò rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển của vùng đất Hội An từ mấy ngàn năm qua.

      Rọc Gốm là cách gọi dân gian của người dân Thanh Hà lâu nay về một dòng chảy/dòng sông cổ đã bị bồi lấp ở địa phương từ lâu đời. Đây là một nhánh chính của con sông Thu Bồn, chạy dọc theo các cồn cát từ Lai Nghi, Thanh Hà, xuống đến Cẩm Phô và theo khe Ồ Ồ/Ào Ào chảy qua Chùa Cầu trước khi đổ ra sông Hoài thơ mộng.

     Điều hết sức thú vị mà lâu nay ít được đề cập và đánh giá một cách hệ thống trong các công trình khảo cứu địa phương là chạy dọc theo hai bên bờ Rọc Gốm xưa chính là sự phân bố dày đặc các dấu tích văn hóa vật chất,… liên quan đến quá trình định cư, sinh sống, giao thương với bên ngoài của các lớp cư dân cổ xưa nhất trong vùng đất liền Hội An từ thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, đến Champa, rồi tiếp nối đến các giai đoạn hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An/Faifo, một cảng thị phát triển sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong. Đó là các di tích mộ táng và di chỉ cư trú thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh; đó là sự phân bố dày đặc các di tích khảo cổ, các dấu tích kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng, giếng nước, các bến thuyền cổ của người Champa; đó còn là sự tồn tại hiện hữu của nhiều di tích kiến trúc, tín ngưỡng thời kỳ Đại Việt - Đại Nam của cộng đồng các cư dân Việt - Hoa - Nhật từ các thể kỷ XVII, XVIII…
 
hiện vật ruộng rau muống chùa bà mụ (hồ điều hòa)
Hiện vật tại di tích Ruộng rau muống Chùa Bà Mụ - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Qua các đợt thám sát vào cuối năm 1989, rồi tiến hành khai quật trên diện rộng vào những năm 1990, các nhà khảo cổ học của Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội (trước đây là trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Sở Văn hóa, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (trước đây là Ban quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An), đã phát hiện hàng loạt các di tích, di chỉ khảo cổ về các lớp cư dân thuộc phức hệ Văn hóa Sa Huỳnh muộn (giai đoạn hậu kỳ) khá điển hình của miền Trung Việt Nam, có niên đại cách ngày nay trên dưới 2000 năm, đó là các di tích như: An Bang, Hậu Xá II, Hậu Xá I, Xuân Lâm, Thanh Chiếm… Từ kết quả nghiên cứu một cách có hệ thống, các nhà khoa học đã nhận định: Những di tích mộ táng Sa Huỳnh tập trung cơ bản trên một dải cồn cát dài khoảng 5km ôm bên dưới một dòng chảy có hướng chủ yếu Đông - Tây,… cực Tây của cồn là địa điểm Lai Nghi và phía Đông là trung tâm thành phố Hội An[1]. Thông qua hệ thống các di tích khảo cổ thời kỳ này, thấy rõ tính chất phân bố dân cư men theo dòng chảy/sông Rọc Gốm, đồng thời chuyển dời theo hướng Nam, Đông Nam, qua đó, cũng thể hiện rõ yếu tố sông nước, cồn bàu hay yếu tố nông nghiệp của cư dân Sa Huỳnh trên đất Hội An[2]. Với những chủng loại hiện vật vô cùng phong phú được phát hiện, đặc biệt là sự xuất hiện các công cụ sản xuất, vũ khí bằng sắt rất đa dạng về loại hình tại các di tích, di chỉ bên dòng Rọc Gốm, cho thấy các cư dân Sa Huỳnh xưa đã đạt đến một trình độ phát triển cao trong sản xuất, cùng với nhiều hiện vật khác ven dòng sông cổ này, từ thời Sa Huỳnh đã tồn tại những bến sông - tụ điểm giao lưu buôn bán và văn hóa. Và như thế có thể cho rằng, Hội An đã đóng vai trò là một cảng thị từ những thế kỷ thứ II, I trước công nguyên và thế kỷ thứ I, II công nguyên[3]. Đến những năm 2000, nhiều di tích văn hoá Sa Huỳnh tiếp tục được phát hiện tại Duy Xuyên như di tích Gò Mả Vôi - Gò Miếu Ông, Gò Cấm, Thôn Tư, Lai Nghi,… những di tích này tạo thành một phức hệ văn hóa mộ táng - cư trú rộng lớn của những cộng đồng cư dân làm nông nghiệp, khai thác sản vật rừng, biển và đặc biệt là buôn bán nội vùng, liên vùng và tham gia vào mạng lưới thương mại đường trường trên biển[4]. Đặc biệt, với sự phát hiện những đồng tiền cổ (Ngũ Thù - Tây Hán) và tiền Vương Mãng ở các di chỉ khảo cổ tại Hậu Xá, cho phép xác định giai đoạn cuối của văn hóa Sa Huỳnh nằm vào khung niên đại từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ I. Những đồng tiền cổ ngoài việc xác định niên đại còn cho thấy chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh ở đây đã có sự giao lưu và buôn bán với nhiều tộc người khác trong đó có người Trung Hoa[5]. Có thể nói với vị trí cửa sông, ven biển mở ra bên ngoài, cư dân Sa Huỳnh theo một số nhà nghiên cứu đã có cái nhìn về biển, giao lưu xa và chặt chẽ với miền cao nguyên Thượng Lào - Kò Rạt và miền hải đảo Thái Bình Dương; giao lưu với cư dân Đông Sơn và cư dân Đồng Nai cả đường bộ và ven biển[6].

      Tiếp nối thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, trong thời kỳ văn hóa Champa, các cư dân Champa xưa cũng để lại nhiều di tích hai bên bờ dòng Rọc Gốm. Năm 1919, bác sĩ A. Sallet trong bài viết: “Le vieux Faifo, BAVH, 12/1919, tr.501-506” đã nhắc nhắc đến những miếu thờ cổ có tên của người Việt nhưng bảo lưu các yếu tố Chàm như Lăng Bà Lồi, Bà Vàng,… một pho tượng sư tử được dân chúng gọi là Bà Chúa Lồi thờ ở Sơn Phô (nay là phường Sơn Phong) và các tác phẩm mà trước đó H. Parmentier đã khảo tả trong các tác phẩm lớn của ông (Parmentier. H, lventaire deserlif des monumenst Chams le lí Annam, Pari 1909)[7].  Từ những thông tin khá ít ỏi ban đầu và chưa rõ ràng này, đến nay bằng những nỗ lực của các nhà khảo cổ, nhiều di tích về Champa Hội An đã được phát hiện nghiên cứu, trong đó có nhiều di tích đặc biệt quan trọng nằm ở bên dòng Rọc Gốm như di chỉ Hậu Xá I - Dấu tích cư trú cổ phân bố liền kề khu mộ địa văn hóa Sa Huỳnh. Đây là địa điểm cư trú có thời gian tồn tại kéo dài và có thể xác định quá trình văn hóa phát triển liên tục Lâm Ấp - Champa qua những tích tụ văn hóa dấu tích của người xưa còn khá nguyên vẹn[8]. Bên cạnh đó, cách di tích Hậu Xá I không xa về phía Nam, bên bờ Nam dòng Rọc Gốm, di tích Ruộng Đồng Cao (nguyên thuộc xóm Hậu Xá, Thanh Hà, nay là khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô) được thám sát, khai quật trong các năm 1999, 2009. Qua nghiên cứu, đối sánh các hiện vật được khai quật tại đây, các nhà khoa học xác định đây là di chỉ cư trú Champa dạng cụm ven sông, niên thế kỷ II - IV công nguyên. Và một điều cũng rất bất ngờ nữa là ở điểm cuối của dòng Rọc Gốm, chỉ cách Chùa Cầu khoảng 150m về phía Bắc, trong quá trình thi công hồ điều hòa Chùa Cầu năm 2006, cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã phát hiện một vò gốm cổ hình trứng lớn còn nguyên vẹn, cùng với nhiều mảnh gốm thô xung quanh. Theo các nhà nghiên cứu thì di tích này có niên đại khoảng thế kỷ thứ I, IV thuộc thời kỳ văn hóa Chămpa sớm, tương đương với lớp Champa sớm nhất của Trà Kiệu. Qua các loại hình di tích cư trú khá phong phú, đa dạng trong thời kỳ Champa sớm từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V, cùng với các dấu vết kiến trúc, phế tích điêu khắc nghệ thuật, hệ thống giếng cổ mang phong cách Champa,… với niên đại khác nhau được tìm thấy dọc theo hai bờ Bắc Nam dòng Rọc Gốm, có thể khẳng định dòng Rọc Gốm xưa có vị trí vô cùng quan trọng cho sự phát triển đô hội của một trung tâm Lâm Ấp phố tại Hội An, chí ít là trong thời kỳ mà Simhapura là kinh thành (kinh đô Trà Kiệu) của vương quốc Champa.
 
Ruong dong cao
Hiện vật tại di tích Ruộng Đồng Cao - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

      Trải qua thời gian, do tác động của nhiều yếu tố thiên di, bồi lấp của tự nhiên, quá trình khai phá lập làng, dựng phố của tiền nhân và của quá trình đô thị hóa hiện nay, có lẽ sẽ khó nhận ra sự hiện diện của hệ thống thủy đạo chằng chịt ở khu vực phía Bắc và Tây - Bắc Khu phố cổ Hội An. Thế nhưng từ các trầm tích, dấu vết các thủy vực, các ruộng lúa, ao hồ, cồn bàu, các tuyến mương,… còn sót lại như: Mương Ba Mồi, Ao Làng, Cửa Suối, Bàu Ốc, Bàu Súng,… chúng ta vẫn có thể hình dung được dòng Rọc Gốm trước đây có thể nối với sông Ngoài (sông Cổ Cò/Lộ Cảnh giang) và đầm Trà Quế - vũng tàu phía Bắc của thương cảng Hội An xưa và cả với sông Trong là sông Thu Bồn[9]. Trong giai đoạn phát triển sôi động, sầm uất vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thương thuyền của các nước khi vào cảng thị Hội An buôn bán có thể đến từ hai cửa biển. Nếu vào cửa biển phía Nam thì đi từ cửa Đại Chiêm theo sông Thu Bồn về phố Hội An, thuyền lớn thì đậu ở vũng tàu phía Nam - vũng Trà Nhiêu. Ngược lại, nếu tàu đến từ hướng Bắc thì có thể vào cửa biển Đà Nẵng rồi xuôi dòng theo sông Cổ Cò để đến Hội An, theo đó các thuyền lớn sẽ neo đậu ở vũng tàu phía Bắc - vùng đầm Trà Quế, các thuyền nhỏ thể sẽ theo các dòng chảy theo hướng Nam, Đông - Nam về Hội An theo hướng Chùa Cầu? Dọc theo hai bên bờ dòng Rọc Gốm với đoạn cuối qua khu vực Chùa Cầu cũng có rất nhiều di tích kiến trúc tín ngưỡng đều dựa vào yếu tố sông nước để đặt vị trí tọa lạc nhằm thuận tiện cho việc giao thông đường thủy, hoặc chọn tuyến sông làm hướng của mặt tiền. Có thể kể ra một số di tích tiêu biểu như: Chùa Long Tuyền, miếu Thần Nông (Cẩm Phô), mộ Trung Lương hầu Khổng Thiên Như, chùa Pháp Bảo, Hải Bình cung và Cẩm Hà cung (Minh An)…

Ang Bang
Hiện vật tại di tích An Bang - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Như vậy, khởi nguồn từ Lai Nghi, Thanh Hà chảy về phố Hội An/Faifo mà Chùa Cầu có thể được xem là điểm cuối nguồn của dòng sông cổ Rọc Gốm - là nhánh sông chính của dòng sông mẹ Thu Bồn. Có lẽ đây chính là một trong những nhánh sông mang nhiều trầm tích văn hóa từ quá khứ nhất của vùng đất Hội An trước khi đổ ra sông Hoài (cũng là một nhánh nhỏ của Thu Bồn). Và Faifo/Hội An phố cùng với nhiều công trình kiến trúc với đa loại hình, công năng sử dụng và phong cách văn hóa được xây dựng tại đây có lẽ như một sự kế thừa, tiếp nối tuyệt vời các giá trị văn hóa từ thời kỳ Sa Huỳnh đến Champa trên một dòng sông Rọc Gốm lịch sử mà các dấu vết văn hóa vật chất còn sót lại đã minh chứng nơi đây đã là cảng thị sơ khai hay tiền cảng thị thời kỳ Sa Huỳnh, và là Chiêm cảng/Lâm Ấp phố thời kỳ Champa. Qua đó, cũng có thể nói, sự ra đời của các khu phố Việt, Nhật, Hoa,… vào cuối thể kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII chính là sự kế thừa các nền tảng văn hóa quá khứ, tạo động lực cho sự khởi đầu thăng hoa, mở ra một trang sử mới trong những thời kỳ phát triển hưng vượng của đô thị - thương cảng Hội An lúc bấy giờ và cả về sau này.

      Từ những giá trị nhiều mặt về lịch sử - địa sinh thái, văn hóa của dòng Rọc Gốm, thiết nghĩ trong định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị Hội An thời gian đến, cần quan tâm nghiên cứu, có giải pháp nạo vét phục hồi, khơi thông các tuyến sông, các dòng chảy cũ, trong đó có dòng Rọc Gốm. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, tạo vẻ mỹ quan cho một “Đô thị sinh thái” mà Hội An đang hướng đến mà nó còn giải quyết bài toán về điều tiết khí hậu, lũ lụt, thoát nước mặt, chống ngập úng cục bộ cho thành phố trong tương lai; đồng thời qua đó, chúng ta cũng sẽ khơi tạo lại những tuyến giao thông thủy độc đáo nhằm kết nối liên vùng… Cùng với đó cần có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy các di tích khảo cổ, các di tích kiến trúc ngưỡng,… gắn liền với dòng sông này một cách phù hợp. Đây chắc chắn sẽ là những việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm nhắc nhớ về những ký ức lịch sử - nhân văn xưa cũ của vùng đất Hội An, đồng thời tạo ra những điểm/tuyến tham quan mới về di sản văn hóa - sinh thái độc đáo và hấp dẫn cho thành phố để thu hút du khách gần xa.
 
  

         
Tài liệu trích dẫn: 
[1] Lâm Mỹ Dung (2019), Hội An thời tiền sơ sử và Champa,Tạp chí Xưa &nay, Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 513, tháng 11- 2019, tr.24-tr.27.
[2] Đề tài Nghiên cứu, biên soạn Địa chí Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[3] PTS. Hoàng Văn Khoáng, PTS. Lâm Mỹ Dung (1990), Những đồng tiền cổ ở đất Hội An và các giai đoạn lịch sử của nó, Đô thị cổ Hội An (Hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng , ngày 22-23/3/1990), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1991, tr.107- tr.111.
[4] Lâm Thị Mỹ Dung, Chu Lâm Anh, Hoàng Thúy Quỳnh(2021), Làm giàu và sử dụng giá trị các tài nguyên di sản khảo cổ lưu vực sông Thu Bồn trong phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển”, tr.505 - tr.516.
[5] PTS. Hoàng Văn Khoáng, PTS Lâm Mỹ Dung (1990), Những đồng tiền cổ ở đất Hội An và các giai đoạn lịch sử của nó, Đô thị cổ Hội An (Hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng , ngày 22-23/3/1990), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1991, tr.107- tr.111.
[6] Trần Quốc Vượng, Chiêm cảng Hội An với cái nhìn của người Việt và người Chàm, Tạp chí Đất Quảng số 51, 1998, tr.102.
[7] Trần Kỳ Phương, Vũ Hữu Minh, Cửa Đại Chiêm thời vương quốc Champa thế kỷ IV-XV, Đô thị cổ Hội An (Hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 22-23/3/1990), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1991, tr.125- tr.134.
[8] Lâm Mỹ Dung (2019), Hội An thời tiền sơ sử và Champa, Tạp chí Xưa & nay, Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 513, tháng 11- 2019, tr.26.
[9] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung thì: “Nối thông giữa sông trong và sông ngoài theo hướng Bắc - Tây Bắc qua Nam - Đông Nam là hệ thống dòng chảy, nước rất mạnh vào mùa mưa, nhưng lại khô ráo vào mùa nắng. (Nguyễn Chí Trung (2019): Tổng quan về điều kiện tự nhiên, lịch sử làng Thanh Hà, https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/tong-quan-ve-dieu-kien-tu-nhien-lich-su-lang-thanh-ha-815.html).

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây