Theo dòng Rọc Gốm
- Thứ sáu - 04/03/2022 03:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Rọc Gốm là cách gọi dân gian của người dân Thanh Hà lâu nay về một dòng chảy/dòng sông cổ đã bị bồi lấp ở địa phương từ lâu đời. Đây là một nhánh chính của con sông Thu Bồn, chạy dọc theo các cồn cát từ Lai Nghi, Thanh Hà, xuống đến Cẩm Phô và theo khe Ồ Ồ/Ào Ào chảy qua Chùa Cầu trước khi đổ ra sông Hoài thơ mộng.
Điều hết sức thú vị mà lâu nay ít được đề cập và đánh giá một cách hệ thống trong các công trình khảo cứu địa phương là chạy dọc theo hai bên bờ Rọc Gốm xưa chính là sự phân bố dày đặc các dấu tích văn hóa vật chất,… liên quan đến quá trình định cư, sinh sống, giao thương với bên ngoài của các lớp cư dân cổ xưa nhất trong vùng đất liền Hội An từ thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, đến Champa, rồi tiếp nối đến các giai đoạn hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An/Faifo, một cảng thị phát triển sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong. Đó là các di tích mộ táng và di chỉ cư trú thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh; đó là sự phân bố dày đặc các di tích khảo cổ, các dấu tích kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng, giếng nước, các bến thuyền cổ của người Champa; đó còn là sự tồn tại hiện hữu của nhiều di tích kiến trúc, tín ngưỡng thời kỳ Đại Việt - Đại Nam của cộng đồng các cư dân Việt - Hoa - Nhật từ các thể kỷ XVII, XVIII…
Tiếp nối thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, trong thời kỳ văn hóa Champa, các cư dân Champa xưa cũng để lại nhiều di tích hai bên bờ dòng Rọc Gốm. Năm 1919, bác sĩ A. Sallet trong bài viết: “Le vieux Faifo, BAVH, 12/1919, tr.501-506” đã nhắc nhắc đến những miếu thờ cổ có tên của người Việt nhưng bảo lưu các yếu tố Chàm như Lăng Bà Lồi, Bà Vàng,… một pho tượng sư tử được dân chúng gọi là Bà Chúa Lồi thờ ở Sơn Phô (nay là phường Sơn Phong) và các tác phẩm mà trước đó H. Parmentier đã khảo tả trong các tác phẩm lớn của ông (Parmentier. H, lventaire deserlif des monumenst Chams le lí Annam, Pari 1909)[7]. Từ những thông tin khá ít ỏi ban đầu và chưa rõ ràng này, đến nay bằng những nỗ lực của các nhà khảo cổ, nhiều di tích về Champa Hội An đã được phát hiện nghiên cứu, trong đó có nhiều di tích đặc biệt quan trọng nằm ở bên dòng Rọc Gốm như di chỉ Hậu Xá I - Dấu tích cư trú cổ phân bố liền kề khu mộ địa văn hóa Sa Huỳnh. Đây là địa điểm cư trú có thời gian tồn tại kéo dài và có thể xác định quá trình văn hóa phát triển liên tục Lâm Ấp - Champa qua những tích tụ văn hóa dấu tích của người xưa còn khá nguyên vẹn[8]. Bên cạnh đó, cách di tích Hậu Xá I không xa về phía Nam, bên bờ Nam dòng Rọc Gốm, di tích Ruộng Đồng Cao (nguyên thuộc xóm Hậu Xá, Thanh Hà, nay là khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô) được thám sát, khai quật trong các năm 1999, 2009. Qua nghiên cứu, đối sánh các hiện vật được khai quật tại đây, các nhà khoa học xác định đây là di chỉ cư trú Champa dạng cụm ven sông, niên thế kỷ II - IV công nguyên. Và một điều cũng rất bất ngờ nữa là ở điểm cuối của dòng Rọc Gốm, chỉ cách Chùa Cầu khoảng 150m về phía Bắc, trong quá trình thi công hồ điều hòa Chùa Cầu năm 2006, cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã phát hiện một vò gốm cổ hình trứng lớn còn nguyên vẹn, cùng với nhiều mảnh gốm thô xung quanh. Theo các nhà nghiên cứu thì di tích này có niên đại khoảng thế kỷ thứ I, IV thuộc thời kỳ văn hóa Chămpa sớm, tương đương với lớp Champa sớm nhất của Trà Kiệu. Qua các loại hình di tích cư trú khá phong phú, đa dạng trong thời kỳ Champa sớm từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V, cùng với các dấu vết kiến trúc, phế tích điêu khắc nghệ thuật, hệ thống giếng cổ mang phong cách Champa,… với niên đại khác nhau được tìm thấy dọc theo hai bờ Bắc Nam dòng Rọc Gốm, có thể khẳng định dòng Rọc Gốm xưa có vị trí vô cùng quan trọng cho sự phát triển đô hội của một trung tâm Lâm Ấp phố tại Hội An, chí ít là trong thời kỳ mà Simhapura là kinh thành (kinh đô Trà Kiệu) của vương quốc Champa.
Trải qua thời gian, do tác động của nhiều yếu tố thiên di, bồi lấp của tự nhiên, quá trình khai phá lập làng, dựng phố của tiền nhân và của quá trình đô thị hóa hiện nay, có lẽ sẽ khó nhận ra sự hiện diện của hệ thống thủy đạo chằng chịt ở khu vực phía Bắc và Tây - Bắc Khu phố cổ Hội An. Thế nhưng từ các trầm tích, dấu vết các thủy vực, các ruộng lúa, ao hồ, cồn bàu, các tuyến mương,… còn sót lại như: Mương Ba Mồi, Ao Làng, Cửa Suối, Bàu Ốc, Bàu Súng,… chúng ta vẫn có thể hình dung được dòng Rọc Gốm trước đây có thể nối với sông Ngoài (sông Cổ Cò/Lộ Cảnh giang) và đầm Trà Quế - vũng tàu phía Bắc của thương cảng Hội An xưa và cả với sông Trong là sông Thu Bồn[9]. Trong giai đoạn phát triển sôi động, sầm uất vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thương thuyền của các nước khi vào cảng thị Hội An buôn bán có thể đến từ hai cửa biển. Nếu vào cửa biển phía Nam thì đi từ cửa Đại Chiêm theo sông Thu Bồn về phố Hội An, thuyền lớn thì đậu ở vũng tàu phía Nam - vũng Trà Nhiêu. Ngược lại, nếu tàu đến từ hướng Bắc thì có thể vào cửa biển Đà Nẵng rồi xuôi dòng theo sông Cổ Cò để đến Hội An, theo đó các thuyền lớn sẽ neo đậu ở vũng tàu phía Bắc - vùng đầm Trà Quế, các thuyền nhỏ thể sẽ theo các dòng chảy theo hướng Nam, Đông - Nam về Hội An theo hướng Chùa Cầu? Dọc theo hai bên bờ dòng Rọc Gốm với đoạn cuối qua khu vực Chùa Cầu cũng có rất nhiều di tích kiến trúc tín ngưỡng đều dựa vào yếu tố sông nước để đặt vị trí tọa lạc nhằm thuận tiện cho việc giao thông đường thủy, hoặc chọn tuyến sông làm hướng của mặt tiền. Có thể kể ra một số di tích tiêu biểu như: Chùa Long Tuyền, miếu Thần Nông (Cẩm Phô), mộ Trung Lương hầu Khổng Thiên Như, chùa Pháp Bảo, Hải Bình cung và Cẩm Hà cung (Minh An)…
Từ những giá trị nhiều mặt về lịch sử - địa sinh thái, văn hóa của dòng Rọc Gốm, thiết nghĩ trong định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị Hội An thời gian đến, cần quan tâm nghiên cứu, có giải pháp nạo vét phục hồi, khơi thông các tuyến sông, các dòng chảy cũ, trong đó có dòng Rọc Gốm. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, tạo vẻ mỹ quan cho một “Đô thị sinh thái” mà Hội An đang hướng đến mà nó còn giải quyết bài toán về điều tiết khí hậu, lũ lụt, thoát nước mặt, chống ngập úng cục bộ cho thành phố trong tương lai; đồng thời qua đó, chúng ta cũng sẽ khơi tạo lại những tuyến giao thông thủy độc đáo nhằm kết nối liên vùng… Cùng với đó cần có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy các di tích khảo cổ, các di tích kiến trúc ngưỡng,… gắn liền với dòng sông này một cách phù hợp. Đây chắc chắn sẽ là những việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm nhắc nhớ về những ký ức lịch sử - nhân văn xưa cũ của vùng đất Hội An, đồng thời tạo ra những điểm/tuyến tham quan mới về di sản văn hóa - sinh thái độc đáo và hấp dẫn cho thành phố để thu hút du khách gần xa.