Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu với Hội An

Thứ ba - 03/05/2022 21:57
Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) là vị chúa thứ 6 trong 9 đời chúa Nguyễn. Ông là con trưởng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn, thân mẫu họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Nghĩa hoàng hậu. Năm 1691 chúa Nghĩa mất, ông lên nối ngôi khi mới 17 tuổi.
lai vien kieu
Bức hoành Lai Viễn Kiều tại Chùa Cầu - Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
      Liên quan đến cuộc đời chúa Nguyễn Phúc Chu, tư liệu cho biết: “... Trước kia năm Giáp Dần (1674) mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà. Lớn lên học chăm chữ tốt, đủ tài lược văn võ...[1]. Sự ra đời của vị chúa này được mô tả với những dấu hiệu lạ thường dự báo cho sự xuất hiện của một vị chân chúa. Giai đoạn cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) được cho là một giai đoạn thái bình, thịnh trị “... Chúa mới giữ chính quyền, chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng...”[2]. Thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán năm 1695 cũng đã có nhận xét: “... Nay xem nhà vua thông minh nhơn thứ, độ lượng khoan hồng, thống trị mọi việc, biết thể tuất thần dân, giúp người lợi vật, gần xa sang hèn thấy đều thấm nhuần ơn trạch[3]. Nguyễn Phúc Chu là vị chúa có công mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phía Nam. Lần thứ nhất, năm Qúy Dậu (1693), lấy phần đất còn lại của Chiêm Thành cho tới Bình Thuận, lập nên trấn Thuận Thành; lần hai, năm Mậu Dần (1698), lấy một phần đất của Chân Lạp tương ứng với miền Đông Nam bộ ngày nay, năm Giáp Ngọ (1714) nhận đất xứ Hà Tiên do Mạc Cửu dâng, tương ứng với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh An Giang, Sóc Trăng ngày nay[4].

      Nguyễn Phúc Chu còn là vị chúa có những đóng góp xuất sắc về văn hóa. Ba sự kiện sau đây có thể giúp xác định điều này. Sự kiện thứ nhất là ông đã sai người sang Quảng Đông, Trung Hoa mời Thiền sư Thích Đại Sán sang nước ta mở giới đàn truyền bá đạo Phật vào năm 1695. Từ đây Phật giáo được hoằng dương rộng rãi ở Đàng Trong. Nhiều sơn môn, tự viện ra đời sau sự kiện này. Cũng vào dịp này, Nguyễn Phúc Chu đã thọ Bồ tát giới với pháp danh Hưng Long, tự hiệu Thiên Túng đạo nhơn[5]. Thích Đại Sán sau đó về Quảng Đông đã làm nên sách Hải Ngoại kỷ sự trong đó có nhiều thông tin về Cù Lao Chàm, phố Hội An, các di tích cầu Nhật Bản, chùa Di Đà, Quan Âm Phật đường, Quan phu tử miếu ở Hội An...

      Hai sự kiện còn lại liên quan trực tiếp đến phố Hội An. Sự kiện đầu xảy ra vào năm 1715 với việc chúa Nguyễn Phúc Chu ngự bút ban cho một di tích ở Hội An bức hoành đề 4 chữ “Cứu thế độ nhân”. Bức hoành hiện được treo tại di tích đình Sơn Phong nhưng theo các bậc cao niên của làng thì nó được mang về từ một di tích khác đã bị sụp đổ. Theo bản khai Folklore của làng Sơn Phong năm 1943 thì làng này mới thành lập năm 1935 trên cơ sở hợp nhất đất đai của làng Phong Hộ (sau đổi thành Phong Niên và An Phong), An Thọ và một phần đất của Sơn Phô thành Sơn Phong đệ tứ phường thuộc phố Hội An. Đến năm 1943 phường Sơn Phong vẫn chưa có đình mà chỉ có hai ngôi đình nhỏ của làng Phong Niên và làng An Thọ đã bị hư nát. Chức sắc của phường này khai rằng “Về cổ tích làng này không có gì đáng gọi là cổ tích, trong đình Phong Niên có một tấm bản gỗ chạm khá xưa[6]. Chúng tôi cho rằng “tấm bản gỗ khá xưa” này chính là bức hoành “Cứu thế độ nhân”, ngày trước treo ở đình Phong Niên, khi làm đình Sơn Phong mới mang về treo tại đình như hiện nay. Bức hoành bằng gỗ, kích thước khá lớn: dài 263cm, rộng 81cm, viền xung quanh rộng 15,5cm chạm hình 10 chim phượng bay trong các tư thế khác nhau chầu về mặt trời theo đề tài phượng triều dương.

      Hình các chim phượng chạm trổ sắc sảo, sinh động là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt đẹp. Lòng bức hoành chạm 4 chữ Cứu thế độ nhân, nét chữ phóng khoáng theo kiểu lệ thư, là ngự bút của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thượng khoản ghi: “Vĩnh Thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất Mùi bát nguyệt nhị thập nhất nhật đề” (ngày 21 tháng 8 năm Ất Mùi Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) âm lịch). Góc trên thượng khoản có một con dấu hình hột xoài, kích thước cao 9,5cm, rộng 4,5cm, giữa lòng 3 chữ triện từ trên xuống Thiên chí tôn (天至尊). Hạ khoản ghi: Quốc chúa Thiên túng đạo nhân ngự bút, cho biết đây là ngự bút do chính Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, tự hiệu Thiên Túng đạo nhân viết. Cuối hạ khoản có 2 con dấu một tròn, một vuông.

      Dấu tròn ở trên đường kính 6cm, giữa lòng 4 chữ triện từ trên xuống Hiệp nhất chủ nhân (恊弌主人) hai bên dòng chữ có hình 2 con rồng nhỏ chầu vào. Dấu vuông bên dưới có cạnh 6cm, lòng khắc nhiều chữ triện chưa đọc được. Cho tới nay đây là bức hoành có niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Hội An. Để được ngự ban bức hoành này chắc chắn phải là một di tích tín ngưỡng có tầm cỡ và việc chạm các hình chim phượng cho thấy sự liên quan đến một vị nữ thần, có thể là Thiên Y A Na Chúa Ngọc hoặc bà Đại Càn, hai vị nữ thượng thần từng được tôn thờ ở nhiều làng xã tại Hội An.

      Nếu sự kiện trên không thấy nhắc đến trong tư liệu nào thì sự kiện dưới đây liên quan đến việc chúa Nguyễn Phúc Chu ngự ban cho Chùa Cầu - cầu Nhật Bản bức hoành Lai Viễn kiều được ghi lại trong một số sử liệu như Hoàng Việt dư địa chí của Lê Quang Định; Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chép: “... Kỷ Hợi năm thứ 28 (1719) mùa xuân, tháng 3 chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía Tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho...[7]. Tư liệu cho biết đích xác nguyên do, năm tháng và nhân vật liên quan đến bức hoành đặc biệt này. Tên cầu Lai Viễn được lấy từ một câu trong kinh Thi: “Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ? (nghĩa là: có một người bạn từ xa đến há không vui hay sao)” lấy tên này đặt cho chiếc cầu nơi thương khách nước ngoài lui tới buôn bán cho thấy chúa là người hay chữ. Tên Lai Viễn kiều có nội hàm vừa nói lên được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Nhật Bản vừa thể hiện xu hướng mở rộng quan hệ bang giao với các nước bên ngoài. Bức hoành hiện treo ở mé Bắc cầu, trên khung cửa dẫn vào miếu thờ Bắc Đế Trấn Võ. Hoành bằng gỗ dài 145cm, rộng 59cm. Viền rộng 12 cm trang trí 6 hình rồng 5 móng, biểu tượng của vua chúa, viền trên 2 con, viền dưới 2 con theo đề tài lưỡng long tranh châu, hai bên mỗi bên một hình rồng kiểu hồi long. Thượng khoản bị sơn phủ mờ không đọc được, có lẽ là dòng ghi niên đại vào năm Cảnh Thịnh thứ 15 (1719). Đầu thượng khoản có một dấu hột xoài cao 13cm, rộng 5cm chữ bên trong cũng bị mờ do sơn phủ. Hạ khoản ghi: Quốc Chúa Thiên túng đạo nhơn đề. Cuối hạ khoản có 2 dấu vuông đều có cạnh 6,5cm. Dấu vuông trên có 6 chữ triện: Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn (福週阮王之印). Dấu dưới có 4 chữ triện: Kỳ mệnh duy thiên (其命惟天).

      Con dấu Phúc Chu Nguyễn Vương rất đáng lưu ý vì lúc này, năm 1719, chúa Phúc Chu đã xưng là Nguyễn Vương và làm dấu ấn chứ không đợi đến năm 1744 với sự kiện Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương như Lê Qúy Đôn ghi “Đến bây giờ (1744) Phúc Khoát tiếm xưng vương, bèn đúc ấn Quốc vương, gọi phủ là điện đổi chữ “thân” làm chữ “tấu”, có văn thư đưa xuống thuộc quốc thì xưng là “Thiên vương”, truy tôn tước vương” (cho các vị chúa tiền nhiệm)[8]. Một chi tiết khác cũng cần lưu ý là trong dấu ấn này chữ Chu được viết với bộ xước (週) chứ không phải bộ thủy () như một số tài liệu đã ghi[9].

      Chúng ta tự hào với hai di vật trên 300 năm tuổi và lại là bút tích của một vị chúa được đánh giá là văn hay chữ tốt, có tài lược văn võ. Đây là di sản ký ức, di sản tư liệu có giá trị về lịch sử - văn hóa, mỹ thuật, thư pháp học, ấn triện học cần được tiếp tục nghiên cứu, giải mã.
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản dịch năm 2007), Đại Nam thực lục (tiền biên), NXB Giáo dục, tr.105.
[2] Đại Nam thực lục (tiền biên), sđd, tr.106.
[3] Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xuất bản 1963, tr.88.
[4] Nguyễn Khắc Thuần (2003), Thế thứ các triều vua Việt Nam, NXB Giáo dục, tr.101.
[5] Hải Ngoại kỷ sự, sđd, tr.85.
[6] Bản sao tài liệu này hiện đang lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[7] Đại Nam thực lục (tiền biên), sđd, tr.137.
[8] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, NXB Thuận Hóa, tr.67-68.
[9] Wikipedia, Nguyễn Phúc Chu.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây