Ngày 12.3.1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “
Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Đây là chỉ thị nhạy bén, sáng suốt, kịp thời của Đảng. Trong lúc cả nước đã sẵn sàng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, tình hình thế giới và trong nước tạo ra thời cơ ngàn năm có một cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Ngày 14.8.1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Ở Đông Dương, quân đội Nhật mất tinh thần, hoang mang cao độ. Chính quyền Trần Trọng Kim hầu như tê liệt.
Sau khi nhận định tin Nhật đầu hàng, Tỉnh ủy họp ở Tam Mỹ, Núi Thành quyết định nhiệm vụ lịch sử: Khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Và thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, các phủ, huyện. Đồng chí Nguyễn Phe - Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban khởi nghĩa Hội An.
Ngày 15.8.1945, đồng chí Nguyễn Phe triệu tập hội nghị Thành ủy mở rộng tại Kim Bồng để bàn việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Hội nghị xác định nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa. Các đồng chí trong Thành ủy đã phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm lúc này là nhanh chóng phát triển các tổ chức cứu quốc. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Thành uỷ Hội An nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, huấn luyện các đội tự vệ vũ trang, các nơi như Ngọc Thành, Ngọc Uẩn, Vĩnh Hưng, Thanh Hà, Xuân Lâm, Tu Lễ, Trường Lệ... Huy động một số đảng viên đi móc nối lại cơ sở ở các huyện và chuyển các tài liệu tuyên truyền, vận động quần chúng chuẩn bị tập luyện vũ trang để xuống đường giành chính quyền khi thời cơ chín muồi.
Tại Hội An, đến ngày 17.8.1945, hoàn toàn không có quân lính Nhật. Trong đồn Bảo An, ngoài nhóm ở cơ sở, số đông binh lính đều có cảm tình với cách mạng, số còn lại đang hoang mang. Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng hết sức dao động.
Ngày 17.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa Hội An họp tại nhà ông Huỳnh Đủ, ấp Ngọc Thành, làng Kim Bồng (
nay là phường Cẩm Phô) để bàn việc khởi nghĩa, nhanh chóng chuyển Ủy ban khởi nghĩa thành Ban bạo động và đề ra một quyết định lịch sử: Khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm 17.8.1945. Đồng thời, phân công các thành viên ban khởi nghĩa đi huy động lực lượng, chỉ đạo cơ sở nắm lại tình hình binh lính ở đồn Bảo An và phân công một số đồng chí thảo thư gửi Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng.
18 giờ ngày 17. 8.1945, Ủy ban khởi nghĩa cử đồng chí Trần Đình Tri đưa tối hậu thư cho Tôn Thất Giáng yêu cầu bàn giao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh và cử đồng chí Nguyễn Phe nhanh chóng lên căn cứ của Tỉnh ủy ở Bích Trâm, Điện Bàn xin ý kiến cho Hội An khởi nghĩa trước so với kế hoạch của Hội nghị Tỉnh ủy đề ra. Khởi nghĩa ở Hội An thắng lợi sẽ hỗ trợ cho các phủ, huyện trong tỉnh giành chính quyền. Đây là một quyết định táo bạo và sáng suốt của Ủy ban khởi nghĩa Hội An.
Đồng chí Nguyễn Phe (người đứng giữa) - Trưởng ban Khởi nghĩa Hội An chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử cách mạng nhà ông Huỳnh Đủ năm 1984. Ảnh tư liệu
Trong đêm 17.8.1945, đồng chí Nguyễn Phe từ căn cứ của tỉnh về truyền đạt mệnh lệnh của Tỉnh ủy đồng ý cho Hội An khởi nghĩa giành chính quyền.
3 giờ sáng ngày 18.8.1945, lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa được phát ra. Lực lượng khởi nghĩa gồm các đội tự vệ vũ trang và quần chúng từ ấp Ngọc Thành về tập trung tại ngã ba Tin Lành nhập với các cánh quân từ Xuân Lâm, Tu Lễ, Xóm Mới, Trường Lệ... đồng loạt tiến về hướng Chùa Cầu để vào trung tâm thành phố giành chính quyền.
Đoàn người giành chính quyền tay cầm dao mác, gậy gộc, gương cao cờ, biểu ngữ, rải truyền đơn kêu gọi đồng bào vùng lên giành chính quyền, tiếng hô khẩu hiệu và tiếng mỏ nổi lên inh ỏi, tiếng pháo đốt giả tiếng súng... rầm rập tiến vào khắp các ngã đường từ các đường phố chính ra bờ sông, đi đến đâu dân nội thành hưởng ứng đến đó, từng đoàn người nối nhau đông đến hàng vạn người, khí thế cách mạng ngùn ngụt tràn dâng khắp các nẻo đường Hội An.
Lực lượng khởi nghĩa đã bao vây chiếm đồn Bảo An. Cơ sở nội ứng của ta đã mở toang cổng đồn để các đơn vị tự vệ vào chiếm đồn, thu được 125 khẩu súng trường, một số súng ngắn cùng nhiều đạn dược và trang bị ngay cho cho đội tự vệ để làm tăng thêm uy thế của lực lượng khởi nghĩa. Đến 5 giờ sáng ngày 18.8.1945, quân khởi nghĩa chiếm xong đồn Bảo An.
Trước lực lượng ngày càng to lớn, hùng hậu của quần chúng, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An tiến hành thuận lợi, đúng kế hoạch, Ủy ban khởi nghĩa quyết định cho một đơn vị tự vệ có trang bị đầy đủ vũ khí vừa thu được của địch cùng đông đảo quần chúng vũ trang bao vây Tòa Tỉnh trưởng. Tại đây Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng tuyên bố đầu hàng và giao nộp ấn tín, tài liệu, sổ sách cho lực lượng cách mạng.
6 giờ sáng ngày 18.8, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trước dinh Tỉnh trưởng, nhân dân Hội An được chứng kiến giờ phút thiêng liêng của ngày hội cách mạng, chính quyền công nông đầu tiên ở Hội An được thành lập.
Đồng chí Võ Toàn (
Võ Chí Công) thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, dõng dạc tuyên bố lật đổ chính quyền thực dân - phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng và đồng chí Nguyễn Phe (
Ưng) đọc 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi các tầng lớp nhân dân ra sức tham gia bảo vệ chính quyền vừa mới giành được. Một cuộc mít tinh mừng thắng lợi đã được tổ chức tại đây và biến thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng. Hàng vạn quần chúng vui mừng hò reo khắp phố phường mừng thắng lợi chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tỉnh lỵ Hội An đã góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 của tỉnh Quảng Nam. Hội An trở thành một trong 6 tỉnh lỵ (
Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Mỹ Tho) khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Đã 77 năm trôi qua nhưng những bài học về khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở Hội An, Quảng Nam vẫn vẹn nguyên giá trị. Bài học lịch sử về sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, bài học về nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ, chọn thời điểm để phát động quần chúng đấu tranh giành chính quyền, bài học về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, bài học về xây dựng mặt trận dân tộc rộng rãi có ý nghĩa phổ biến, đã trở thành một trong những điển hình của cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền ở Quảng Nam.