Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu với phong trào Cần vương và Nghĩa hội Quảng Nam

Chủ nhật - 04/09/2022 22:04
cu nguyen duy hieu
Chân dung Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu - Ảnh tư liệu
       

        1. Phong trào Cần vương và Nghĩa hội Quảng Nam

        Nghĩa hội Quảng Nam là tổ chức của những người chống Pháp tại tỉnh Quảng Nam theo chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi (1884-1885). Nghĩa hội là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần vương, thu hút được nhiều chí sĩ yêu nước ở đất Quảng như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La... đứng lên hưởng ứng.

        Sau sự biến kinh thành vào tháng 7 năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết cùng với các viên quan chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn đưa vua Hàm Nghi rút lên Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) xây dựng căn cứ kháng Pháp lâu dài. Tại đây, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước phò vua đánh Pháp. Lời hịch Cần vương nhanh chóng lan ra cả nước, dấy lên một cao trào phò vua Hàm Nghi chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần vương, nhân dân ta ở khắp mọi nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước đã sôi nổi đứng lên chống Pháp.

        Tháng 7 năm Ất Dậu (1885), tiến sĩ Trần Văn Dư thay mặt Nghĩa hội Quảng Nam ra “Bản cáo thị” kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên tham gia phong trào Cần vương chống Pháp. Tháng 9-1885, Nghĩa hội Quảng Nam dưới quyền chỉ huy của Trần Văn Dư bao vây chiếm tỉnh thành La Qua. Quân triều đình là Bố chánh Bùi Tiến Tiên, Tuần phủ Nguyễn Ngoạn bỏ thành rút chạy. Nghĩa quân làm chủ tình thế. Nhưng đến tháng 9, quân Pháp và quân Nam triều dưới quyền chỉ huy của tướng Schants đã phản công chiếm lại thành. Sau đó, cướp lấy thời cơ, quân Pháp và quân Nam triều tiếp tục truy kích, tấn công căn cứ của nghĩa quân ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ… Trước sức mạnh và vũ khí tối tân của địch, lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng. Đến tháng 10-1885, các căn cứ chỉ huy như Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng bị địch bao vây và lần lượt thất thủ. Trước tình thế nguy ngập đó, Trần Văn Dư đã bàn với bộ tham mưu (gồm Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành) về kế “giải binh quy điền” nhằm bảo toàn lực lượng, chuẩn bị kế hoạch lâu dài sau này. Sau khi nhận sự phó thác của Tiến sĩ Trần Văn Dư, đầu năm 1886, Nguyễn Duy Hiệu chính thức làm Hội chủ mới của Nghĩa hội Quảng Nam.
 

mo cu nguyen duy hieu

Mộ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu - Ảnh: Hồng Việt

        2. Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu - Người lãnh đạo kiệt xuất của phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam

        Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu còn được gọi là ông Hường Hiệu - Ông Hường Thanh Hà, người đã trực tiếp lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Cần vương ở Quảng Nam trong những năm 1885 - 1887; Người đã để lại cho lịch sử nước nhà những trang sử vẻ vang, hùng tráng.

        Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu sinh năm Đinh Mùi (1847) tại ấp Bến Trễ, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Lúc thiếu thời ông đã nổi tiếng là người thông minh, hiếu học: năm 14 tuổi (1861) thi đỗ Tú tài đầu bảng, năm 29 tuổi (1876) thi đỗ Cử nhân, 3 năm sau (1879) đỗ Phó bảng, làm quan tới chức Giảng tập với hàm Hồng lô tự khanh (tứ phẩm).

        Vào những ngày đầu thu năm Nhâm Ngọ (1882), Nguyễn Duy Hiệu được vua Tự Đức triệu vào cung làm thầy dạy học cho hoàng tử Ưng Đăng (sau là vua Kiến Phước). Dạy học được một thời gian, thấy cảnh quan lại chỉ lo tư lợi cá nhân, triều đình nhu nhược, nhất là sau khi vua Tự Đức băng hà, các vương tôn, đại thần tha hồ tranh quyền đoạt lợi, các quan phụ chính đại thần thao túng triều chính mặc cho giặc Pháp đang xâm lược nước ta. Ngao ngán trước những cảnh tượng đó, viện cớ mẹ già ở chốn quê nhà không ai chăm sóc, ông xin cáo quan về quê để lo tròn chữ hiếu.

        Sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, vua Đồng Khánh lên thay. Nguyễn Duy Hiệu đã bí mật phụng chỉ Cần vương của vua Hàm Nghi, khẩn trương tổ chức công cuộc Cần vương chống Pháp tại Quảng Nam. Sau khi Tiến sĩ Trần Văn Dư thọ nạn, ông chính thức là người thay thế lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Việc làm đầu tiên là Nguyễn Duy Hiệu tính đến việc xây dựng căn cứ chiến đấu lâu dài tại Trung Lộc - Quế Sơn và lập tân tỉnh, đây cũng chính là nơi trọng yếu chỉ đạo mọi hoạt động của Nghĩa hội ở cả vùng.

        Bên cạnh việc tập trung xây dựng căn cứ, Nguyễn Duy Hiệu cùng Phan Bá Phiến còn kêu gọi thân hào, nhân sĩ và tuyển mộ binh lính trong khắp cả vùng. Hưởng ứng lời kêu gọi đó của tân hội chủ, đông đảo thân hào, nhân sĩ của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng tham gia Nghĩa hội chống Pháp “trừ bạo an dân”. Ngoài ra, Nguyễn Duy Hiệu còn cho nghĩa quân bí mật đến văn miếu Quảng Nam rước 150 bài vị cùng các đồ thờ cúng lên Trung Lộc huyện Quế Sơn để tế lễ tạm tại miếu tranh nhằm kêu gọi tầng lớp sĩ phu Nho học phải thức tỉnh truyền thống của nước Đại Việt khi đất nước lâm nguy.

        Để đối phó với thế giặc mạnh có “đại bác tàu đồng”, Nguyễn Duy Hiệu đã thực hiện những chiến thuật đấu tranh truyền thống vốn có của cha ông đó là thực hiện chiến tranh du kích bằng cách “tiêu thổ kháng chiến”, “không dân đất trắng”. Những kế hoạch này của vị lãnh tụ Nghĩa hội được cựu Khâm sứ Huế lúc bấy giờ là Louis Baille chép trong hồi ký như sau: “người này còn trẻ mà có nghị lực phi thường, đã dần dần nổi tiếng nên vị anh hùng kỳ dị, dựng tỉnh Quảng Nam gần thành một nước. Thanh thế y lan mạnh lạ lùng trong hạt. Theo mệnh lệnh y, các làng bỏ hoang, dân quê tự đốt nhà và thanh dã trước khi quân ta tới”. Ngoài việc thực hiện chiến lược tiêu thổ kháng chiến khá hữu hiệu ấy, Nguyễn Duy Hiệu và những nhà lãnh đạo của Nghĩa hội cũng chỉ huy nghĩa quân đánh những trận thoát ẩn, thoát hiện làm cho quân Pháp kiếp vía kinh hồn. Như Baille đã thú nhận “Nó làm tiêu hao lực lượng quân ta bằng những trận đánh liên tục. Mỗi đêm là một khiêu khích đồn ta rồi lủi trốn để lẩn tránh, hẳn thế một cuộc phản công đích đáng. Mộng tưởng của một viên đồn trưởng là luôn luôn đuổi kịp được giặc, nhưng phần lớn đó chỉ là ảo tưởng đành phải bỏ dỡ...

        Chỉ trong vòng hơn 2 năm, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu, Nghĩa hội đã lập được nhiều chiến công vang dội và gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng gươm giáo thô sơ làm sao có thể cầm cự lại quân đội hùng mạnh với súng đạn tối tân của quân địch. Do vậy, Nghĩa hội ngày càng bị vây hẹp bởi không những quân lính của giặc Pháp mà còn quân của triều Đồng Khánh... Nhận thấy tình hình Nghĩa hội ngày một thế cô, nếu kéo dài sẽ tiếp tục bị tổn thất, Nguyễn Duy Hiệu quyết định giải tán Nghĩa hội và tự nhận hết “tội lỗi” về mình: “Nghĩa hội Quảng Nam ở ba tỉnh, không dưới vài trăm, đều là những người có tên tuổi, nhưng cam tâm làm giặc duy chỉ có mình Hiệu mà thôi. Kỳ dư đều bị ép theo. Họ sợ bị thiêu hủy nhà cửa, không dám không theo, ngoài ra không có bụng gì khác. Vậy chém một mình Hiệu cũng đủ, chớ nhọc lòng hỏi tội những kẻ khác làm gì”.

         Sau khi trốn thoát khỏi sự vây bắt của quân giặc, Nguyễn Duy Hiệu về làng Thanh Hà, vào đền Quan Thánh vái lạy, làm lễ trước mộ thân sinh, vái lạy thầy học và hướng mình lạy về phía Nghệ An nơi vua Hàm Nghi đang ẩn náu, sau đó ông cho người báo tin cho quân của Nguyễn Thân đến bắt. Trên đường bị giải về Huế, ông vẫn ung dung mỉm cười sẵn sàng chờ chịu thọ hình. Vào ngày Trung thu năm Đinh Hợi (1887), Nguyễn Duy Hiệu đã bị chém đầu thị chúng tại pháp trường An Hòa - Huế.

        Trước lúc lên đọan đầu đài Nguyễn Duy Hiệu đã làm thơ tuyệt mệnh hầu mong nhắn nhủ với người đời rằng “... Chìm nổi trên đời ai có tá, chớ đem thành bại luận anh hùng. Theo Nguyễn Duy Hiệu thất bại chưa hẳn là không anh hùng, mà anh hùng là những người biết làm theo chính nghĩa, biết vì quốc gia, dân tộc, không xu nịnh mãi quốc cầu vinh, ấy mới thật sự là anh hùng.  
 

hoc sinh vieng huong cu nguyen duy hieu

Học sinh trường THCS Nguyễn Duy Hiệu viếng hương tại mộ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu - Ảnh Hồng Việt


        Cái chết đầy tính chất bi tráng của Nguyễn Duy Hiệu - thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam đã khép lại phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Phong trào Cần vương của Nghĩa hội Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Trần Văn Dư, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu… tuy diễn ra ngắn ngủi, nhưng không kém phần oanh liệt, oai hùng và đã để lại mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Tống Quôc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây