Những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển tại di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An

Thứ hai - 03/10/2022 04:27
Bảo tồn và phát triển là hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết, biện chứng lẫn nhau trong hoạt động quản lý di sản. Bảo tồn là nguyên tắc bắt buộc của mọi di sản, trong khi phát triển là xu thế tất yếu của thời đại không chỉ riêng trên lĩnh vực này.
chua cau nhin tu ntmk
Một góc Khu Phố Cổ Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Thực tế cho thấy, bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề lớn đặt ra, đã và đang mang tính toàn cầu không chỉ riêng của bất cứ di sản nào. Việc giải quyết mối quan hệ ấy thực sự không phải là điều dễ dàng đối với hầu hết các di sản. Nếu giải quyết tốt mối quan hệ này sẽ tạo nên sự cân đối, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội; nhưng nếu không tốt sẽ dẫn đến tình trạng di sản được bảo vệ nhưng không đóng góp được cho sự phát triển hoặc tình trạng lạm dụng sự phát triển làm cho di sản bị tổn hại, thậm chí là phải trả giá cho sự phát triển đó.

      So với các di sản thế giới ở Việt Nam nói riêng và các di sản trên thế giới nói chung, Khu phố cổ Hội An với đặc thù là một “bảo tàng sống”, vấn đề bảo tồn và phát triển thực sự là điều trăn trở lớn và luôn là mối quan tâm của Hội An không chỉ trong thời gian qua mà còn trong thời gian đến.

      Đặt ra mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển tại Khu phố cổ Hội An, có thể thấy rằng cần xoay quanh vấn đề trọng tâm là bảo tồn cái gì cho sự phát triển và phát triển như thế nào để đáp ứng được yêu cầu bảo tồn. Xem xét ở khía cạnh này, có những đặc điểm riêng của Khu phố cổ tác động đến việc nhận thức và hành động như sau:
Khu phố cổ Hội An là một báu vật không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Một cảng thị truyền thống sau hàng trăm năm hình thành vẫn còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa vốn có để rồi đến ngày 04/12/1999, Khu phố cổ Hội An vinh dự được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới do đáp ứng được 02 tiêu chí: “Biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế” và “Điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo”. Trước và sau đó, Khu phố cổ được Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1985; Thủ tướng chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2009.

      Trong quần thể kiến trúc Khu phố cổ còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn những nét chính về quy hoạch, kiến trúc của một đô thị - thương cảng cổ. Dù diện tích không lớn, khoảng 130ha, trong đó vùng lõi là 30ha, vùng đệm là 100ha, nhưng trong quần thể này có hơn 1.000 công trình lịch sử - văn hóa có giá trị với nhiều loại hình khác nhau: Đình, chùa, hội quán, cầu, nhà ở, nhà thờ tộc, giếng… Trong mỗi công trình còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Tượng thờ, đồ thờ tự, hoành phi, liễn đối, kinh sách, tư liệu Hán Nôm, chén, bát sành sứ... Dưới lòng đất Khu phố cổ là các lớp văn hóa khảo cổ liên quan đến các thời kỳ phát triển của Đô thị - thương cảng Hội An từ thời Sa Huỳnh cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với nhiều di chỉ khảo cổ đã được khai quật. Ngoài ra, nhiều di tích còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến các thời kỳ đấu tranh yêu nước, cách mạng không chỉ của Hội An mà còn của tỉnh Quảng Nam.

      Vậy, vấn đề phát triển tại Khu phố cổ Hội An làm sao để không ảnh hưởng đến những giá trị nổi bật toàn cầu, mang tính cốt lõi của di sản.

      Vấn đề sở hữu tạo nét đặc thù riêng so với các di sản văn hóa khác. Riêng trong vùng lõi của di sản đã có đến 930 di tích thuộc sở hữu tư nhân, chiếm 82,3%; di tích thuộc sở hữu cộng đồng là 13 di tích, chiếm 1,2%; trong khi di tích thuộc sở hữu nhà nước chỉ là 187 di tích, chiếm 16,5%. Như vậy phần lớn (hơn 80%) di tích trong Khu phố cổ thuộc về quyền sở hữu của tư nhân và tập thể, đồng nghĩa trong từng di tích vẫn đang hàng ngày diễn ra hoạt động cư trú, sinh hoạt, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Chủ nhân thực sự trong đó chính là cộng đồng dân cư. Họ không chỉ là chủ nhân nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể với những tập quán xã hội truyền thống của cư dân đô thị, những món ăn truyền thống, những lễ hội văn hóa cộng đồng… Yêu cầu đặt ra là bên cạnh trách nhiệm bảo tồn bằng được các giá trị di sản (vật thể và phi vật thể) thì di sản đó phải tạo ra được nguồn lực đảm bảo để cộng đồng tái đầu tư cho di sản; đồng thời trong hoạt động bảo tồn phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nguyên tắc bảo tồn nghiêm ngặt các yếu tố nguyên gốc cấu thành di sản nhưng đáp ứng được nhu cầu dân sinh trong bối cảnh cuộc sống đương đại. Khi các lợi ích hài hòa thì cộng đồng sẵn sàng chấp thuận, đồng hành với mọi chính sách bảo tồn mà nhà quản lý đề ra. Đây là hai mặt đối lập cần tìm ra sự thống nhất hoàn hảo đảm bảo lợi ích cho các yêu cầu.

      Bảo tồn và phát triển tại Khu phố cổ Hội An không chỉ riêng cho Khu phố cổ mà còn là mục tiêu, động lực cho sự phát triển chung của thành phố Hội An. Trên nền tảng di sản văn hóa, Hội An sớm đặt vấn đề và thực thi nhiệm vụ bảo tồn để phát triển và phát triển tạo động lực bảo tồn; bên cạnh bảo tồn cần phải chú trọng phát huy giá trị di sản gắn với hoạt động du lịch cho mục tiêu phát triển chung của thành phố. Thành quả của sự phát triển du lịch không chỉ trong phạm vi Khu phố cổ mà đã lan tỏa ra hầu khắp vùng ven thành phố. Hội An đã trở thành điểm đến thu hút trên bản đồ du lịch trong nước và trên thế giới. Tỉ trọng đóng góp của nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm trên 70% trong cơ cấu ngành kinh tế Hội An. Thực tiễn đó cho thấy bảo tồn và phát triển trên nền tảng di sản văn hóa là hướng đi đúng đắn và hiệu quả đối với Hội An. Vấn đề đặt ra là trong sự phát triển đó cần đảm bảo cân bằng, không tạo ra áp lực tác động ngược trở lại đối với di sản.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây