Công tác quản lý công trình, cảnh quan kiến trúc; bảo vệ và phát huy các công trình văn hóa, lịch sử và không gian công cộng ở Khu phố cổ Hội An

Thứ hai - 28/11/2022 03:46
Khu phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc thành phố Hội An, có tọa độ 15052’20” vĩ độ Bắc, 108020’10” kinh độ Đông.
      Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ Khu phố cổ Hội An thì Khu phố cổ được khoanh vùng thành 02 khu vực bảo vệ, gồm: Khu vực I là vùng lõi, được bảo tồn nguyên gốc, có diện tích 30ha; khu vực II là vùng đệm, có tổng diện tích là 280ha, trong đó chia thành khu vực IIA và khu vực IIB. Khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1985; Thủ tướng chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2009; và được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Khu Di sản này được đánh giá với ý nghĩa: như một bảo tàng sống “bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”.
 
KHONG ANH HOI AN
Một góc Khu Phố Cổ Hội An nhìn từ trên không - Ảnh: Quang Ngọc

      Khu phố cổ Hội An không chỉ có các quy định về lĩnh vực bảo tồn di sản, mà còn chịu sự điều tiết của rất nhiều quy định pháp luật khác của một địa phương thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Điều này tạo nên đặc điểm khá đặc thù của Khu phố cổ và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hơn so với nhiều di sản khác ở Việt Nam.

      1. Công tác quản lý công trình xây dựng, cảnh quan kiến trúc

       Trên cơ sở quy định về khu vực khoanh vùng bảo vệ Khu phố cổ, thành phố Hội An nhất quán quan điểm tuân thủ quy định về bảo tồn nguyên trạng khu vực I, xây dựng các công trình phục vụ phát huy Khu phố cổ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn, hài hòa về cảnh quan và kiến trúc. Các công trình xây dựng tiếp giáp Khu phố cổ trước khi thực hiện đều được xem xét cẩn trọng đến nhiều yếu tố, như về vật liệu, màu sắc, độ cao để không ảnh hưởng đến Khu phố cổ. Các yếu tố môi trường sông nước đều được quan tâm bảo tồn tối đa; các dự án về kè bảo vệ phố cổ, nạo vét sông đã được triển khai, 34 cây xanh trong Khu phố cổ được thành phố đưa vào danh mục cây cổ thụ để có chế độ quản lý, chăm sóc phù hợp.

      Sự đan xen của các công trình kiến trúc công cộng như chợ Hội An, quảng trường, công viên trên từng tuyến phố và cả Khu phố cổ làm cho không gian Khu phố cổ không bị ngột ngạt bởi mật độ xây dựng dày đặt. Đặc biệt các công trình tín ngưỡng: hội quán, đình, miếu, nhà thờ tộc, nhà ở trong các kiệt hẻm với diện tích khá lớn và luôn có khoảng sân rộng rãi - các công trình này được quy định không tăng mật độ xây dựng để gìn giữ cảnh quan, kiến trúc chung.

      Quy chế bảo vệ Khu phố cổ còn quy định chặt chẽ hoạt động tu bổ di tích trong khu vực I tương ứng với từng loại giá trị bảo tồn của mỗi công trình, trong đó có những yếu tố không ảnh hưởng đến công trình lân cận và cảnh quan chung như mặt tiền, độ cao, mái ngói, màu sắc, mái che. Các không gian sân trời trong mỗi công trình được quy định gìn giữ nguyên trạng, nghiêm cấm che chắn. Một số công trình có giá trị trong khu vực II cũng được bảo vệ qua quy định những công trình lân cận khi xây dựng mới không được cao hơn hạng mục cao nhất của di tích trong phạm vi 10m.
Một số tuyến phố có kiến trúc đặc trưng được quan tâm bảo tồn gắn với phát huy tạo thành không gian văn hóa đặc trưng như đường Nguyễn Thị Minh Khai gắn với không gian văn hóa Nhật, đường Phan Bội Châu gắn với không gian văn hóa Pháp.

      Các giải pháp về quản lý trật tự kinh doanh, mỹ quan đô thị được các ngành liên quan phối hợp theo dõi, giải quyết kịp thời đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Công tác phòng chống cháy nổ đảm bảo an toàn cho công trình và Khu phố cổ được kiểm tra thường xuyên; một số trường hợp xảy ra cháy được thành phố hỗ trợ kịp thời khắc phục không để ảnh hưởng đến khu vực. Công tác kiểm tra phòng chống lụt bão duy trì hàng năm, qua đó nhà nước có cơ chế hỗ trợ gỗ chống đỡ cho những di tích xuống cấp có nguy cơ ảnh hưởng.

      Đối với khu vực ngoài Khu phố cổ: Định hướng phát triển của thành phố là hướng đến xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Do đó trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng đô thị, yếu tố sinh thái như: sông nước, cồn bãi, biển, đồng ruộng, làng quê,… đặc biệt được chú trọng. Nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội của các xã, phường gắn với xây dựng làng quê sinh thái - văn hóa; trong đó các làng nghề truyền thống được quan tâm bảo tồn gắn với cảnh quan nông thôn truyền thống. Các di tích cũng được khoanh vùng tránh tác động xấu của quá trình đô thị hóa.

      2. Các giải pháp phát huy các công trình văn hóa, lịch sử và không gian công cộng

      Trong Khu phố cổ, những công trình văn hóa, lịch sử tiêu biểu đã được đưa vào điểm bán vé tham quan phục vụ du khách với sự đa dạng về loại hình và sở hữu: đình, chùa, hội quán, nhà thờ, nhà ở,... Trong đó Chùa Cầu đã là biểu tượng, điểm đến không thể bỏ qua của du khách.

      Một số ngôi nhà cổ thuộc sở hữu nhà nước đã được Hội An phát huy thích nghi linh hoạt qua việc hình thành đến 04 bảo tàng chuyên đề, 01 nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh trong phạm chưa đầy 1km2 của Khu phố cổ và các bảo tàng này đã và đang phát huy rất tốt giá trị - điểm thú vị mà không phải địa phương nào cũng có thể làm được.

      Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với các công trình văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy tốt; trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng.

      Các công trình văn hóa, lịch sử có giá trị được quan tâm lập các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với phát huy. Nổi bật là di tích đình Hội An dù có giá trị lịch sử - nghệ thuật kiến trúc rất cao nhưng do qua quá trình lịch sử trở thành trường mầm non duy trì hàng chục năm. Với quyết tâm cao, thành phố đã đầu tư xây cất một cơ sở dạy học khác để di dời cơ sở này ra khỏi di tích; đồng thời thực hiện các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy rất công phu. Đến nay dự án đã hoàn thành rất khang trang, vừa phục hồi về kiến trúc, vừa phục hồi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng và đang làm một trong những điểm tham quan lý thú cho du khách.

      Những công trình là nhà ở tư nhân cũng phát huy giá trị kinh doanh truyền thống giúp các chủ di tích có nguồn thu đáng kể, đảm bảo để đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, nhất là công tác trùng tu vốn cần nhiều chi phí hơn so với hoạt động xây dựng thông thường khác.

      Dù là trung tâm đô thị và có quy mô diện tích không lớn nhưng các không gian công cộng trong Khu phố cổ là khá phong phú. Những không gian này vừa được bảo tồn, thích nghi phù hợp với cảnh quan của Khu phố cổ, vừa phát huy gắn với các hoạt động văn hóa tạo sản phẩm du lịch. Trong đó có: Công viên tượng đài Kazik không chỉ là nơi lưu niệm về cố kiến trúc sư người Ba Lan Kazik - người có đóng góp lớn khơi dậy giá trị của Khu phố cổ, thể hiện lòng tôn kính của người Hội An, đây còn là điểm dừng chân của du khách, nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa. Bồn binh cuối đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật hô hát bài chòi hàng đêm. Cầu An Hội trở thành điểm đến không thể thiếu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh về đêm của Khu phố cổ. Vườn tượng An Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, lễ hội/sự kiện văn hóa. Một số tuyến đường đi bộ hình thành các khu chợ đêm: Nguyễn Hoàng, Bạch Đằng. Một số không gian công cộng khác trên một số trục đường chính là nơi tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật phục vụ khách hàng đêm. Sông Hoài phát triển du lịch ghe bơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp Khu phố cổ về đêm. Đặc biệt Khu phố cổ có hàng chục con hẻm phố, tuy hẹp nhưng mang lại nhiều ý nghĩa. Hẻm phố giải quyết vấn đề giao thông đi lại của người dân. Hẻm phố tạo sự giãn cách làm cho khối công trình Khu phố cổ trở nên nhẹ nhàng, mềm mại hơn; là giải pháp hữu hiệu để thoát nước vào mùa mưa, giảm áp lực tác động của lũ lụt lên các công trình trong Khu phố cổ. Hẻm phố còn là không gian yên bình, nhẹ nhàng dường như khác biệt không gian náo nhiệt tại những trục đường chính dù cho khoảng cách không xa, thậm chí chỉ vài bước chân.

      Năm 2018, UBND thành phố Hội An ban hành Đề án Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong Khu phố cổ Hội An. Hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè trong Khu phố cổ đã xuất hiện từ lâu đời, là một trong những yếu tố tạo nên phần “hồn” của Khu phố cổ và là sản phẩm văn hóa truyền thống của thành phố. Vì thế đề án xác định mục đích là nhằm vừa gìn giữ bảo tồn yếu tố truyền thống văn hóa kinh doanh buôn bán vỉa hè, hàng rong, vừa phát huy, phát triển tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của Khu phố cổ Hội An; Đảm bảo sự ổn định, trật tự, an toàn giao thông, phù hợp với truyền thống và cảnh quan của Khu phố cổ, với đời sống dân sinh. Toàn bộ các mặt hàng này đều có yếu tố lịch sử, truyền thống trong Khu phố cổ, mang đậm bản sắc văn hóa Hội An.
 

Tác giả: Phạm Phú Ngọc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây