Hiện nay, vị trí này thuộc địa phận khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Từ bến xe Hội An
(đường Nguyễn Tất Thành), đi theo đường Nguyễn Tất Thành về phía Đông khoảng 500m đến ngã tư giao nhau với đường Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, đi thẳng theo đường Lý Thường Kiệt khoảng 1.700m thì rẽ trái vào đường bê tông khoảng 100m tiếp tục rẽ trái khoảng 70m là đến di tích
(bên trái theo hướng đi).
Khu mộ tộc Nguyễn Viết - Ảnh: Trần Phương
Trong khuôn viên di tích hiện nay có 06 ngôi mộ tộc Nguyễn Viết, trong đó có 04 ngôi mộ chứa đựng giá trị cao về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật.
Về lịch sử định cư của tộc Nguyễn Viết tại làng Để Võng, theo nội dung tấm bia đá đặt trước sân từ đường tộc Nguyễn Viết
(tổ 7, khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu) cho biết tộc Nguyễn Viết định cư tại làng Để Võng vào thời Thịnh Đức
(1653 – 1657)[1]. Nội dung mặt trước văn bia: 大 南
(Đại Nam), 始 祖 考 底 江 前 賢 阮 貴 公 號 仁 澤 字 奮 之 謚 [] 烈 㞢 墓
(Thủy tổ khảo Để giang tiền hiền Nguyễn Quý công hiệu Nhân Trạch tự Phấn Chi thụy [] Liệt chi mộ),歳 次 丙 寅 冬 至 前
(Tuế thứ Bính Dần Đông chí tiền), 本 族 三 派 裔 孫 仝 奉 立
(Bổn tộc tam phái duệ tôn đồng phụng lập). Nội dung mặt sau văn bia: “
Như cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ có tông. Tiền hiền làng Đế Võng là cụ Nguyễn, theo nhà Lê tòng quân xuống phía Nam đến đất Quảng Nam, ông thấy cảnh vật ở đây, nghĩ rằng có thể dựng được cơ nghiệp lâu dài. Ông tập trung những ngư dân ở đất phù sa lập lại thành xã hiệu dần dần trở thành làng mạc. Kể từ thời Thịnh Đức (1653 – 1657), Cảnh Trị (1663 – 1671), các vị về sau tiếp tục khai khẩn lập nên địa bạ những vẫn coi ông tiền hiền tộc Nguyễn là người đầu tiên lập làng. Công lao dựng lên làng ấp của ông rất lớn, giúp cho ngư dân có cơ ngơi sinh sống. Công ơn này thật vô bờ bến, đáng tán dương. Trải qua mấy trăm năm đến nay con cháu có 3 phái 10 đời rồi có tiếng trung hậu, dòng dõi thư hương. Nhờ vậy mà họ Nguyễn trở thành một vọng tộc chính là nhờ phúc ấm của Người để lại. Mộ phần của ông táng ở xứ Phù Sa, Ất Sơn thuộc đất của làng, hướng Tân là nơi cát địa. Toàn tộc mỗi năm lấy ngày Đông Chí để cúng tế ông, viên chức trong xã đều về cúng bái. Vào năm Khải Định thứ 9 (1924), bổn xã suy tôn ông là vị khai sáng tiền hiền. Việc ấy đã rõ ràng đây không phải là bằng chứng hay sao. Xưa nay có nhiều cái không thể mai một được đó là công lao. Có những cái không thể hủy hoại được đó là danh tiếng. Nhưng việc kinh doanh và kế hoạch của ông là người trung thành với nước dựng cơ nghiệp cho làng xã thì không thể mai một và hủy hoại được. Đây không đáng để biểu dương hay sao. Nếu như không làm trước lấy gì để truyền lại cho đời sau, đó là công đức của ông. Từ xưa ông là bậc tiên tri, là thánh hiền dù đã lâu đời nhưng chúng ta đâu dễ quên được. Vì con người không phải như nước – sông – rạch. Con cháu ông được nối dõi muôn đời. Uống nước nhớ nguồn, nhớ đến công đức của ông để lưu truyền lại ngoài ngàn năm sau. Kẻ hậu sinh đâu dám thuật chuyện của ông nhưng có bổn xã cúng tiền 30 đồng, ông tộc trưởng và là hương lão của làng Nguyễn Viết Biểu cúng một tấm đá dày để làm bia. Cháu của phái nhất là học sinh Nguyễn Viết Đôn, cháu phái nhì là Nguyễn Trinh, ủy viên Nguyễn Thường, cháu phái ba là phó lý Nguyễn Trác cùng thuật lại những gì đã nghe rồi ghi lại trên tấm bia này để lưu truyền muôn thuở. Cử nhân khoa năm Mậu Tý, Quang Lộc Tự Thiếu Khanh, hưu trí hiệu Quật Đình, Nguyễn Hữu Thường nhuận sắc. Học sinh tú tài thượng hạng, Hàn lâm viện cung phụng hiệu Thanh Giang, Nguyễn Tấn Mẫn – Soạn”.
[2] Mộ vợ chồng ông Nguyễn Viết Minh - Ảnh: Trần Phương
Song mộ vợ chồng ông Nguyễn Viết Minh và bà họ Nguyễn Đây là ngôi mộ được xây dựng sớm nhất trong khu mộ, là nơi yên nghỉ của vợ chồng ông Nguyễn Viết Minh và bà họ Nguyễn
(hiệu là Ý Phạm), trên bia mộ không đề niên hiệu cụ thể mà chỉ đề năm Ất Mão. Đối chiếu bảng phả hệ cho biết ông Nguyễn Viết Minh thuộc đời thứ 4 tộc Nguyễn Viết làng Để Võng, do đó có khả năng ngôi mộ này được lập vào năm 1795.
Ngôi mộ có mặt tiền quay theo hướng Đông, bố cục gồm có: Bia mộ, bao bia, tay ngai và nấm mộ. Bia mộ dạng hình chữ nhật, chất liệu đá xám, vị trí trung tâm trán bia chạm nổi hình tượng mặt trời, hai bên là hình tượng rồng chầu theo kiểu thức “
cành lá hóa long”, thân và đuôi rồng kéo dài xuống phần diềm hai bên bia, hai bên diềm bia tiếp tục chạm nổi đồ án rồng theo hướng từ trên xuống cũng theo kiểu thức “
cành lá hóa long”, kế tiếp hai bên diềm đến vị trí đế bia vẫn sử dụng đồ án rồng theo kiểu thức “
cành lá hóa long”, vị trí trung tâm đế bia chạm nổi đồ án hoa lá, lòng bia chạm chìm các dòng Hán tự:
Nguyên văn: 㤙 賜 耆 老;
顯 妣 阮 堂 正 配 阮 氏 懿 範
考 底 江 鄉 望 阮 府 明 正 之 墓;
歲 次 乙 卯 年 秋 月 吉 旦;
男 實 嫡 孫 曰 盛 哀 女 氏 [] 孫 奠 意 仝 立.
Phiên âm: Ân tứ kỳ lão;
Hiển tỷ Nguyễn đường chính phối Nguyễn Thị Ý Phạm; khảo Để giang hương vọng Nguyễn Phủ Minh chính chi mộ;
Tuế thứ Ất Mão niên thu nguyệt cát đán;
Nam: Thực, đích tôn: Viết Thịnh; Ai nữ: Thị []; Tôn: Điện, Ý đồng lập.
Bao bia có dạng hình cuốn thư, được xây bằng gạch, tô trát vữa, liên kết với bao bia hai bên xây đoạn tường kéo dài ra phía trước dạng tay ngai, chất liệu vữa hợp chất. Nấm mộ được đắp cao bằng đất, bao quanh xây thành bằng chất liệu vữa hợp chất.
Mộ ông Nguyễn Viết Lễ - Ảnh: Trần Phương
Mộ ông Nguyễn Viết Lễ Ngôi mộ này được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 13
(năm 1860), là nơi yên nghỉ của ông Nguyễn Viết Lễ, thuộc đời thứ 6 tộc Nguyễn Viết, lúc sinh thời đảm nhận chức Thư lại. Mộ do các con là Viết Dậu, Viết Sửu, Thị Giáp, Thị Tài, Thị Trị, Thị Tiếu, Thị Bình cùng lập.
Ngôi mộ có mặt tiền quay theo hướng Bắc
(hơi chếch về hướng Tây Bắc). Tổng thể công trình có quy mô bề thế, hiện trạng kỹ thuật vẫn còn tốt. Đây là ngôi mộ có quy mô lớn, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và còn nguyên vẹn nhất trong các ngôi mộ. Bố cục tổng thể gồm có: Nhà bia, bia mộ, tay ngai, quynh trong, quynh ngoài. Các hạng mục ngôi mộ được xây bằng vữa hợp chất, riêng hạng mục nhà bia bằng chất liệu vữa xi măng
(đã qua quá trình tu sửa), bia mộ bằng chất liệu cẩm thạch trắng. Kiến trúc mộ được xây nương theo địa hình gò đất, thấp dần từ sau ra trước
(kích thước ngôi mộ: dài 8,48m, rộng 4,46m).
Nhà bia có mặt bằng dạng hình chữ nhật, bên trên có xây mái che. Trong nhà bia gắn bia mộ bằng chất liệu cẩm thạch trắng, dạng hình chữ nhật, diềm nhỏ bao quanh lòng bia chạm nổi hồi văn, diềm chân bia chạm nổi đồ án “
hồi văn dây lá”, diềm hai bên và trán bia chạm nổi đồ án “
ngũ phúc”
(5 con dơi), trong đó vị trí trán bia bố trí một chi tiết con dơi ở vị trí trung tâm, hai bên là chi tiết hồi văn cách điệu đan xen cành lá, quả tua, dơi; hình tượng dơi được thể hiện theo kiểu thức hóa từ cành lá
(cành lá hóa dơi). Lòng bia mộ khắc chìm các dòng Hán tự:
Nguyên văn: 底 江;
顯 考 属 府 書 吏 鄉 望 阮 有 序 之 墓;
嗣 德 拾 叁 年 仲 夏 吉 旦;
男 曰 酉 丑,女 氏 甲 財 治 笑 平 仝 立.
Phiên âm: Để giang;
Hiển khảo thuộc phủ Thư lại hương vọng Nguyễn Hữu Tự chi mộ;
Tự Đức thập tam niên trọng hạ cát đán;
Nam: Viết Dậu, Sửu; Nữ: Thị Giáp, Tài, Trị, Tiếu, Bình đồng lập.
Nấm mộ được xây dựng theo dạng hình yên ngựa, bề mặt phẳng, không có hoa văn trang trí. Quynh trong cũng được tạo hình dạng yên ngựa, bao bọc quanh nấm mộ. Giữa quynh và nấm mộ có rãnh thoát nước được tạo theo dốc xuôi về phía trước, phần cuối quynh xây khối tròn hình xoáy trôn ốc bao bọc hai bên nhà bia. Quynh ngoài cũng có dạng hình yên ngựa, bao bọc quynh trong và nấm mộ. Giữa quynh ngoài và quynh trong có rãnh thoát nước tạo dốc xuôi về phía trước, phần cuối quynh xây khối tròn hình trôn ốc, phần này nhô ra phía trước hơn so với quynh trong. Tại vị trí uốn cong giao nhau giữa thành quynh và phần trụ xoáy trôn ốc được trang trí đồ án cá chép bằng chất liệu gạch, tô trát vữa hợp chất, quét vôi màu đỏ
(chỉ còn lại chi tiết cá chép bên phải, chi tiết bên trái đã bị hư hại).
Tay ngai bắt đầu từ vị trí trụ xoáy trôn ốc của quynh ngoài, kéo dài và mở rộng về phía trước ở hai bên, tại vị trí trung tâm tay ngai xây khối tròn hình xoáy trôn ốc. Vị trí tiếp giáp giữa tay ngai và quynh ngoài được đắp nổi hình tượng các cụm mây đối xứng nhau. Một mảng tường uốn cong nối hai đầu khối xoáy trôn ốc tay ngai vòng ở phía trước mộ tạo thành mặt bằng cũng có hình dạng yên ngựa. Phần nền giữa hai tay ngai, phía trước ngôi mộ được láng vữa vôi, bề mặt bằng phẳng. Để tạo sự liên kết về kiến trúc giữa bia mộ và tay ngai, người thợ đã xây hai khối trụ tiết diện hình chữ nhật ở mỗi bên và được mở rộng ra hai bên, thân trụ được đắp nổi gờ chỉ trang trí.
Mộ bà họ Dương (vợ ông Nguyễn Viết Lễ) - Ảnh: Trần Phương
Mộ bà họ Dương (vợ ông Nguyễn Viết Lễ) Ngôi mộ này được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 5
(năm 1903), đối chiếu nội dung bia mộ và bảng hệ phả tộc Nguyễn Viết cho biết đây là mộ bà Dương Thị Phượng, là vợ lớn của ông Nguyễn Viết Lễ, mộ do các con: Viết Sửu, Viết Dậu, Thị Tiếu, Thị Trị, Thị Bình cùng lập.
Ngôi mộ có mặt tiền quay theo hướng Bắc, giáp đường bê tông, tổng thể gồm có: bia mộ, nhà bia, nấm mộ. Nhà bia có dạng hình chữ nhật, bên trên có mái che, hai bên nhà bia xây một đoạn tường kiểu thức như tay ngai; nấm mộ đơn sơ được đắp bằng đất. Bia mộ bằng chất liệu cẩm thạch trắng, dạng hình chữ nhật, bề mặt được được chạm khắc nhiều đồ án có giá trị nghệ thuật, trong đó diềm lòng bia chạm nổi đồ án hồi văn gấp khúc; diềm ngoài: trán bia chạm nổi đồ án vòng tròn lưỡng nghi, bao quanh là các cụm mây cách điệu đường nét mềm mại, vị trí hai góc trán bia chạm nổi đồ án “
phụng hàm thư”, hình tượng chim phụng trong tư thế tung cánh, trên lưng chạm nổi chữ 壽
(thọ) theo thể triện thư dạng tròn, miệng ngậm dây quấn đồ án bát bửu
(thư bút); diềm bên trái chạm nổi lần lượt các đồ án từ trên xuống dưới là đồ án thuộc bát bửu
(bầu hồ lô và cặp sáo), bên dưới là đồ án dơi theo kiểu thức “
lá hóa dơi” kết hợp chi tiết các cụm mây cách điệu; diềm bên phải, phía trên chạm nổi đồ án thuộc bát bửu
(cây quạt và phất trần), bên dưới trang trí đồ án dơi, kiểu thức giống diềm bên trái; đế bia được chạm nổi đồ án “
hồi văn hoa lá”.
[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2019),
Di sản Hán Nôm Hội An – tập 5 – Tư liệu lưu trữ trong các gia đình, dòng họ (quyển 1), NXB Đà Nẵng. Tr.166.
[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015),
Di sản Hán Nôm Hội An tập 1 – Văn bia, NXB Đà Nẵng. Tr.158.