Tết Nguyên đán qua ghi chép của người Pháp

Thứ sáu - 06/01/2023 02:28
Tết Nguyên đán là lễ lớn nhất trong năm, một trong những phong tục người Việt từ xưa cho đến ngày nay. Dưới thời kỳ Pháp thuộc, mặc dù bị hạn chế do những chính sách thuộc địa song với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, người Việt vẫn gìn giữ được nét đẹp bản sắc văn hóa Tết cổ truyền dân tộc. Qua các ghi chép của những công chức, nhà nghiên cứu người Pháp từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, trong bài viết này, xin giới thiệu một vài thông tin về lễ Tết Nguyên đán dưới thời kỳ Pháp thuộc.
cay neu khoi pho Xuan My Tan An
Cây nêu tại Khu thiết chế văn hoá Khối Xuân Mỹ, phường Tân An - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
      Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan là tác phẩm mang tính ký sự của Camille Paris, được xuất bản vào năm 1889. Cuốn ký sự này ghi chép lại đời sống dân chúng, quan lại, tình hình kinh tế, xã hội từ Huế đến các tỉnh phía Nam Trung Kỳ. Về phong tục người dân, Camille Paris ghi chép khá tường tận, trong đó có nhắc đến việc tặng quà, chúc tụng nhau trong các ngày Tết, lễ lớn của dân tộc: “Biểu lộ tình hữu hảo luôn được thể hiện qua sự chúc tụng trường thọ và phú quý, qua những lời nói kính trọng với tiền bối và qua quà cáp-thực phẩm, hoa quả hay đồ mỹ nghệ - giá trị các món quà phụ thuộc vào khả năng của bạn bè. Nhưng quà cáp chỉ tặng vào mỗi dịp lễ Tết và người nhận luôn phải tìm cơ hội đầu tiên để đáp lại… Vào những dịp lễ truyền thống, người trên phát quà cho người dưới, còn kẻ bên dưới sẽ đáp lại vào dịp khác những đồ vật khác. Những dịp lễ mà người ta tặng quà nhau là: Tết Nguyên đán, thường vào tháng 2…”.[1]

      Paul Giran (1875-1921) là một quan chức thuộc địa người Pháp, từng giữ chức vụ Tham biện Dân sự vụ Đông Dương. Năm 1904, Paul Giran xuất bản tác phẩm Psychologie du peuple Annamite, nhan đề tiếng Việt là Tâm lý dân tộc An Nam. Năm 1912, ông tiếp tục xuất bản thêm cuốn sách Magie et religion Annamites, có tên tiếng Việt là Phù thuật và tín ngưỡng An Nam. Hai tác phẩm này ghi chép, phân tích về các vấn đề văn hóa xã hội, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức bộ máy hành chính… của nước An Nam. Về các nghi lễ Tết Nguyên đán, được Paul Giran cho biết: “Các nghi lễ cũng quy định việc dâng cúng các bữa ăn cho tổ tiên gia đình vào những thời điểm nhất định trong năm. Trước Tết ít lâu, phải chăm sóc dọn dẹp mồ mả; đêm giao thừa, phải chuẩn bị một bữa ăn và dâng cúng thức ăn trên bàn thờ tổ tiên. Theo lễ nghi này trong ba ngày Tết, phải đặt thức ăn như một phẩm vật trước tất cả bàn thờ, từng ngày, thay mới vào những giờ ăn hằng ngày[2].

      Về tục cúng Ông Táo: “Ông vua bếp, dịch đúng nghĩa đen là vua của bếp, hoặc còn gọi là Ông Táo, như chúng tôi đã nói, ngài được biểu hiện trong mỗi gia đình bằng hình ảnh một cái lò; nhưng đây là loại bếp lò thời nguyên thuỷ vốn được tạo ra từ ba trụ đất sét chỉ chuyên dùng nấu cơm. Một số bếp nấu khác tiện lợi hơn được dùng làm bếp bình thường. Ngài là vị giám hộ của gia đình, giám sát mọi hành vi của họ; tuỳ độ chú tâm tuân thủ những chỉ định thờ cúng ngài, mà hạnh phúc hay khổ sẽ chiếm lĩnh trong ngôi nhà. Cấm trò chuyện ầm ĩ hoặc thực hiện những chuyện bất sự trong gian phòng dành cho Ông vua bếp; ta không thể khóc ở đó, không được hát hò, cãi lộn, làm vấy máu, cũng không được đưa vào đồ uế tạp như rác, xương, lông gà vịt, thịt chó, không được bóc tỏi hoặc bóc hành ở đó. Ngày hai tư tháng Chạp, Ông vua bếp về trời gặp Ngọc Hoàng để báo cáo những hành vi tốt hoặc xấu đã phạm trong suốt năm của gia đình mà ngài chịu trách nhiệm giám sát. Chính vì thế, vào hôm trước ngày này, nhằm ngày hai ba, tất cả các gia đình đều tổ chức lễ khởi hành của Vua bếp. Với mục đích này, mỗi gia đình trang bị hai bộ mũ, hoặc một bộ đồ hàng mã; mỗi bộ gồm ba mũ và đôi khi là bộ lễ phục hoàn chỉnh, cũng như ba gói đựng những thỏi vàng hoặc bạc, tất cả được đặt trên một cái bệ hoặc ngai vàng cũng được làm bằng giấy. Một trong các bộ này được dành cho vị thần mà ta tổ chức lễ khởi hành; bộ còn lại dành cho vị thần bếp của năm mới khi ngài đến nhà. Bởi lẽ ở An Nam, khác với ở Trung Hoa, vị thần bếp được thay đổi mỗi khi năm mới đến. Ở đây có một biểu tượng sâu sắc”.[3]

      Georges Pisier (1910-1986), là một nhà sử học người Pháp. Ông từng giữ chức Tham biện thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Trong thời gian công tác, ông đã dành nhiều thời gian ghi chép về văn hóa, lịch sử con người các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Đối với lễ Tết Nguyên đán của người Việt, Georges Pisier đã ghi chép về lễ cúng Táo quân và tục dựng cây Nêu như sau: “Việc chuẩn bị thực sự bắt đầu cùng với Lễ Táo quân hoặc Tết Táo quân. Ngày 23 tháng Chạp, ông Táo hay còn gọi ông Vua bếp, đi lên trời trong bảy ngày để báo cáo với Ngọc Hoàng. Trong dịp này, người ta dâng tặng Táo quân nhiều vật phẩm, thực phẩm và các phương tiện đi lại như hia và mũ cánh chuồn. Vua bếp đã chứng kiến các sự việc và hành động của gia đình trong một năm và có nhiệm vụ phải báo cáo tất cả cho vị thần trên trời, để khẳng định điều gì là đúng… Vào dịp này, Vua bếp cưỡi cá chép tượng trưng, được bán đầy trong các chợ vào sáng ngày 23… Người ta không quy định nội dung và nguồn gốc của Táo quân. Hình tượng nhân vật này là ba người gộp lại. Người An Nam thường nhầm lẫn ông Táo với Thổ công. Sự tưởng tượng dân gian cho Táo quân là hình ảnh đại diện cho một gia đình… Sau đó người ta dựng “cây năm mới” (cây nêu), một cây tre dài vài mét, được trang trí bằng một chùm lá, trên đó người ta treo một chiếc vòng tròn bằng tre có móc nhiều con cá nhỏ, chuông nhỏ và khánh bằng đất sét nung. Người ta buộc một túm lá, các thỏi vàng bằng giấy, trầu cau, cành thơm hoặc cành xương rồng. Người ta cũng treo một cái đèn lồng ở trên ngọn cây. Cây năm mới có nhiệm vụ thiết yếu, đó là hướng dẫn tổ tiên trở về nhà ăn tết với người sống bằng chiếc đèn lồng treo trên cây. Những âm thanh phát ra từ các đồ vật đung đưa trước gió sẽ giúp xua đuổi tà ma. Người ta cũng sử dụng phương pháp khác để tự bảo vệ mình. Người ta dùng vôi trắng vẽ các đường cung tên có mũi tên chỉ các hướng ở trước ngôi nhà, hình các đống lửa bảo vệ chống lại đội quân ma quỷ”.[4]

     Indochine là tờ báo tiếng Pháp của Hội Alexandre de Rhodes, ra đời vào năm 1940 với sự tham gia cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu là thành viên của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. Indochine số 177, ngày 20/1/1944 có đăng tải một bài viết của Bouchet được trích từ tác phẩm Au Coeur des rites et des traditinons (Giữa những tập tục và truyền thống) ghi chép về nước An Nam trong chuyến công tác dài kết thúc vào năm 1935. Về lễ Tết Nguyên đán, Bouchet ghi chép như sau: “Chúng ta đang ở cuối tháng Mười hai âm lịch. Chẳng mấy lúc nữa năm cũ, theo cách nói của người An Nam, “sẽ chuyển giao cho năm mới”. Vì thế mọi người đang rầm rộ sửa soạn cho ngày lễ, ở Pháp gọi là lễ ngày đầu tiên của năm còn ở An Nam gọi là “Tết cả”, có nghĩa là lễ chính, hay còn gọi là “Tết Nguyên đán” có nghĩa là lễ buổi bình minh đầu tiên. Có một ngạn ngữ cổ nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thật đúng như vậy! Ở An Nam thay vì nói “làm lễ” (célébrer une fête) thì người ta nói “ăn Tết” (manger la fête) đặc biệt là đối với Tết Nguyên đán; trong các gia đình giàu có cũng như nghèo, người ta “ăn Tết” nhiều ngày”.[5]

      Qua một vài tư liệu đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thú vị về lễ Tết Nguyên đán như tục cúng Ông Táo, tục dựng nêu, những nghi lễ, tập tục dân gian ngày Tết vào đầu thế kỷ XX… qua đó góp phần làm sáng tỏ hơn đời sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt xưa, đồng thời khẳng định truyền thống, bề dày văn hóa dân tộc Việt.

* Tài liệu trích dẫn

[1] Camille Paris (bản dịch năm 2021), Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan, Nguyễn Thuý Yên dịch, Nxb Hồng Đức, tr.345-346.
 
[2] Paul Giran (bản dịch năm 2019), Tâm lý dân tộc An Nam đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử, xã hội và chính trị, Nxb Hội Nhà văn, tr.147.
 
[3] Paul Giran (bản dịch năm 2020), Phù thuật và tín ngưỡng An Nam, Nxb Thế giới, tr.230-231.
 
[4] Tết Việt Nam xưa, Thu Uyên dịch, Nxb Thế giới, 2020, tr.131-136.
 
[5] Việt Nam qua tuần san Indo Chine 1941-1944, Lưu Đình Tuấn tuyển dịch, Nxb Thế giới, 2019, tr.187-188.

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây