Một số thông tin về Hội An, Quảng Nam trong tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí

Thứ hai - 19/12/2022 04:04
Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long bắt đầu tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, đặc biệt vua Gia Long cho biên soạn bộ địa chí của vương triều và giao Thượng thư bộ Binh Lê Quang Định thực hiện và hoàn thành vào năm 1806 với tên gọi là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí.
tinh
Bìa sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí
 
      Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là tác phẩm ghi ghép chi tiết về hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy nước ta vào đầu thế kỷ XIX. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí gồm 3 phần chính, trong đó: Phần 1 gồm quyển 1 ghi chép lộ trình từ kinh sư đến các dinh trấn và thời gian đi đường giữa các dinh trấn gồm đường trạm dinh Quảng Đức trực lệ Kinh thành, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Phần 2 gồm các quyển 2, 3, 4 ghi ghép đường trạm từ kinh đô Huế đến các dinh trấn gồm Biên Hòa, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn thành Gia Định, Trấn Định, Vĩnh Trấn, Quảng Đức trực lệ Kinh thành, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoa, Thanh Bình, Sơn Nam Thượng, Thăng Long, Kinh Bắc, Lạng Sơn. Phần 3 gồm các quyển 5, 6, 7, 8, 9, 10 ghi ghép đường bộ và đường thủy ở các dinh trấn, kể từ đường chính bắt đầu ở lỵ sở đi đến các nơi gồm dinh Quảng Đức trực thuộc Kinh thành, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,  Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Phiên Trấn thành Gia Định, Trấn Biên, Trấn Định, Vĩnh Trấn, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoa, Thanh Bình, sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Thăng Long, Sơn Tây, Kinh bắc, Hải Dương, Yên Quảng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.

      Đặc biệt, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí đã ghi chép những thông tin có giá trị về đường thủy và đường bộ Hội An, Quảng Nam vào đầu thế kỷ XIX. Trong nội dung bài viết này, xin trích giới thiệu những thông tin về Hội An, Quảng Nam trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định biên soạn, do Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb Thế giới, ThaiHabooks và Phân Việt Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế xuất bản, năm 2021.
          Về thời gian đi đường từ Quảng Nam đến các dinh trấn: đến Quảng Ngãi 3 ngày, Bình Định 6 ngày rưỡi, Phú Yên 8 ngày rưỡi, Bình Hòa 13 ngày, Bình Thuận 17 ngày rưỡi, Trấn Biên 27 ngày rưỡi, Gia Định 26 ngày rưỡi, Trấn Định 30 ngày, Vĩnh Trấn 32 ngày rưỡi, Long Xuyên 39 ngày rưỡi, Kiên Giang 43 ngày, Quảng Trị 5 ngày, Quảng Bình 7 ngày rưỡi, Nghệ An 12 ngày rưỡi, Thanh hoa 16 ngày,…[1]

      Về khoảng cách đi đường từ giữa các địa phương tại Hội An, Quảng Nam: Từ phía đông quán nghỉ Thanh Chiêm có một đường đi 6.288 tầm[2] đến cửa biển Đại Chiêm.
      1.135 tầm, phía nam dọc theo sông, phía Bắc có dân cư rất trù mật, đến bến đò sông Thanh Hà, sông rộng 69 tầm, nước sâu 2 tầm, trong và ngọt, từ đây đi ngược lên thì đến ruộng đồng xã Cổ Lưu là hết, xuôi xuống dưới thì hợp lưu với sông lớn.
742 tầm, bên nam chạy dọc theo phù sa của sông, bên bắc là dân cư xã Thanh Hà, dân ở đây chuyên làm nghề đúc gạch ngói, làm lò gốm và nấu vôi trắng, đến nền cũ miếu Bát Vị, ở địa phận xã Thanh Hà.

      650 tầm, phía nam chạy dọc theo sông, phía bắc có miếu Hội Đồng và đình xã Cẩm Phô, đến cầu Lai Viễn, cầu dài 8 tầm, rộng 2 tầm, tục gọi là Cầu Ngói. Tương truyền cầu này do thương nhân Nhật Bản dựng lên, dưới cầu dựng trụ đá, phần trên đều bằng gỗ ván, gồm chín gian lợp ngói, có biển đề ba chữ vàng là Lai Viễn Kiều, có bảng vàng khắc bảy chữ Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân đề (tức Nguyễn Phúc Chu), hai bên cầu đều bày bán đủ các thứ hàng hóa, sát cầu về phía bắc có một gian nhà ngói, bên trong thờ Chân Võ Bắc Đế[3].

      310 tầm, hai bên đường đều là phố lợp ngói liền nhau, hầu hết là người Hoa sinh sống và buôn bán đủ các thứ hàng hóa, phía nam phố này gần sông, có rất nhiều tàu thuyền buôn neo đậu, bên trong có đình chợ xã Hội An, chùa hội quán Thương Dương, chùa Quan Đế Thánh Quân, chùa Di Đà, tất cả đều có biển đề chữ vàng, đúng là nơi đại đô hội, đến nhà kho Đông An, tạm dùng làm lỵ sở công đường. Trước mặt nhà kho là sông lớn.

      1.600 tầm, phía nam dọc theo sông nhỏ, quán xá rất trù mật, phía bắc có dân cư và ruộng cấy lúa, đến bến đò sông Thanh Châu, tục gọi là bến Làng Câu. Sông rộng 14 tầm, nước mặn sâu 1 tầm, xuôi xuống dưới đến xã Phước An, tục gọi là đò Làng Câu, đi ngược lên đến kho Đông An thì hợp lưu với sông lớn.
660 tầm, hai bên đường đều có dân cư và ruộng cấy lúa, đến bến đò xã Phước An, tục gọi là Đò Câu. Sông rộng 90 tầm, sâu 1 tầm 2 thước, nước sông mặn. Chảy theo hướng nam 862 tầm thì đến cửa Đại Chiêm, ra hướng Bắc 6.558 tầm thì đến kênh Cổ Cò rồi cùng chảy ra cửa biển Đà Nẵng.

      270 tầm, phía nam là dân cư, phía bắc là cửa biển, đến cửa biển Đại Chiêm[4].

      Từ phía Đông trạm Hà Lam có con đường theo hướng Đông đi 8.320 tầm đến đồn cửa biển Đại Chiêm[5]. Từ cửa Đại Chiêm đi ngược lên 862 tầm đến bến đò Phước An, tục gọi là đò Làng Câu[6].

      Có thể nói, những thông tin ghi chép về Hội An trong Hoàng Việt nhất thống dự địa chí có giá trị nhiều mặt để tham khảo, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Hội An, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vào đầu thế kỷ XIX.
 
[1] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb Thế giới, ThaiHabooks và Phân Việt Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, 2021, tr.55.
[2] 1 tầm khoảng 1,825m.
[3] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, sđd, tr.290
[4] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, sđd, tr.291.
[5] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, sđd, tr.294
[6] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, sđd, tr.297.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây