Miếu Ngũ Hành ở thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm

Thứ sáu - 04/11/2022 05:02
     Di chỉ khảo cổ học Bãi Ông, Cù Lao Chàm là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An. Kết quả khai quật và nghiên cứu cho thấy đây là địa điểm cư trú kết hợp mộ táng của cư dân tiền Sa Huỳnh thời Sơ kỳ Kim khí với niên đại 3100 ± 60 BP, đồng thời cho thấy mối liên hệ xa - gần; ngang - dọc của nhóm cư dân sống ở khu vực duyên hải, đảo ven bờ miền Trung Việt Nam thời Tiền sử[1]. Trong thời kỳ Champa, Cù Lao Chàm là điểm tiền tiêu trên trục đô thị Lâm Ấp – Kinh thành Trà Kiệu – Thánh địa Mỹ Sơn của vương quốc Champa. Thời kỳ Đại Việt, Cù Lao Chàm vẫn là “trấn sơn” của đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Dưới thời các Chúa Nguyễn, Cù Lao Chàm là phường Tân Hợp (Hiệp) thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam[2]. Ngày nay, Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cù Lao Chàm có tất cả 08 hòn đảo, trong đó hòn Lao có diện tích lớn nhất và chỉ có hòn Lao là có người cư trú. Do các đặc điểm về địa hình, ngày trước, hầu hết dân cư tập trung sinh sống ở Bãi Làng và Bãi Hương.

      Theo tư liệu “Quảng Nam xã chí” do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1943 – 1944, về “Làng Tân Hiệp” có mô tả đời sống của người dân trong khoảng thời gian này như sau: “Làng Tân Hiệp có ruộng, có rừng, dân số được 300 nhân mạng. Thổ sản của làng này đặc biệt hơn hết là gỗ, cây củi, mây… cùng nhiều nhất là yến, đồi mồi, xà cừ. Làng có ruộng nên dân làng chuyên về nghề nông một ít, nghề đánh cá cũng thịnh hành, nghề làm củi trong những tháng mà không làm ruộng và không đánh cá. Trong ba nghề này trừ ra, hầu hết dân làng không làm nghề gì khác. Nhưng về thương mãi bằng ghe buồm với các chỗ khác cũng đơn sơ thôi[3]. Dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn là vậy nhưng người dân làng Tân Hiệp lại rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa làng/xã như đình, chùa, lăng, miếu... nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Cũng theo tư liệu này, tại đây có 20 đạo sắc phong thần của các vua triều Nguyễn để nhân dân phụng thờ. Các thần được thờ chủ yếu liên quan đến nghề nghiệp sông nước của địa phương như: Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, Thiên Y A Na Chúa Ngọc, Nam Hải Ngọc Lân tôn thần, Phục Ba tướng quân… và Ngũ Hành Tiên nương.

      Theo triết học cổ đại Trung Quốc, Ngũ Hành gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 yếu tố cơ bản, có mặt trong mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Năm yếu tố này được Đạo giáo tôn thờ như 5 vị thần, được triều đình phong kiến Việt Nam ban tặng nhiều mỹ tự, mỹ hiệu, gia tặng thượng đẳng thần, đưa vào lễ tấn quang (tế theo nghi lễ quốc gia) và ban sắc phong cho phép các địa phương trong cả nước thờ cúng. Miếu Ngũ Hành được dựng lên ở mỗi xóm, ấp và trở thành một bộ phận trong thiết chế văn hóa làng xã.  

      Theo số liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Cù Lao Chàm hiện nay có 23 di tích kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng (như đình, chùa, miếu…) và 04 di tích kiến trúc dân dụng (giếng, nhà ở). Trong số đó, có đến 04 ngôi miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương (miếu Ngũ Hành ở thôn Bãi Hương, miếu Hiệp Hòa, miếu Bà xóm Trong và miếu Bà xóm Giữa ở thôn Bãi Làng. Ngoài ra, tại miếu Bà Bạch thôn Bãi Làng, bên cạnh miếu chính thờ Bạch Thố Kim Tinh Thần nữ, trong khuôn viên còn có các khám thờ nhỏ thờ riêng từng vị trong Ngũ hành). Qua đó cho thấy tín ngưỡng thờ Ngũ Hành khá phổ biến ở Cù Lao Chàm.

      Miếu Ngũ Hành thôn Bãi Hương tọa lạc trên một ghềnh đá cao khoảng 5m so với mực nước biển, khung cảnh thoáng rộng, lưng tựa vào núi. Miếu có quy mô nhỏ, thấp với lối kiến trúc cuốn vòm. Qua phỏng vấn hồi cố ông Lê Trọng[4] và một số vị cao niên khác ở thôn Bãi Hương, không ai rõ miếu được xây dựng từ lúc nào. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thu thập được tài liệu liên quan để giúp xác định niên đại xây dựng ngôi miếu. Dựa vào hình thức kiến trúc, có thể tạm đoán định miếu được xây vào khoảng đầu thế kỷ XX. Miếu được tu bổ năm 1967, 1990 do bà con địa phương thực hiện[5]. Bình phong bị sạt xuống biển, làm lại năm 1968[6]. Trước đây, hệ cửa mặt tiền ngôi miếu là cửa trượt làm bằng tôn. Năm 2016, do cửa cũ bị hư hỏng, người dân địa phương đã thay thế bằng cửa gỗ. Cạnh miếu có khám thờ nhỏ gọi là miếu ông Phổ (?), cũng được xây dựng từ rất lâu rồi.
 
Đường lên miếu Ngũ Hành
Đường lên miếu Ngũ Hành - Ảnh: Hoàng Phúc

      Về sinh hoạt tín ngưỡng, người dân Bãi Hương trước khi làm bất cứ việc mở hàng gì (như đi biển, buôn bán…) đều đến miếu thắp hương để cầu xin. Miếu thờ Ngũ hành, tuy nhiên, tín ngưỡng chính của người dân địa phương gắn với di tích lại liên quan đến nghề biển. Theo lời ông Lê Trọng, trong lễ cúng Bà (Ngũ Hành) hằng năm vào ngày mồng 04 tháng 2 âm lịch, người dân thường có tục thả bè trôi ra biển (ghe chở bè đi ra khỏi Bãi Hương mới thả). Nhiều năm về trước, có một số cụ rất khéo tay, làm long chu rất đẹp. Hiện giờ, không ai biết làm long chu nữa nên chỉ làm bè hình thuyền với kiểu dáng đơn giản. Trong bè để các vật dụng nấu nướng bằng đất nung, giấy tiền vàng bạc, gạo muối, một đĩa tam sên (thịt heo, trứng, cua luộc). Ngoài ra, người dân địa phương còn cúng vọng tại miếu vào ngày rằm, mồng một hằng tháng.

      Về kiến trúc, miếu Ngũ Hành có mặt tiền xoay hướng Tây – Tây Nam (hướng ra biển), tổng thể di tích gồm có ngôi miếu chính, khoảng sân nhỏ phía trước với bình phong và một khám thờ nhỏ phía bên phải miếu chính. Sau lưng miếu có một cây to, tán rộng vươn ra che mát toàn bộ khu vực sân trước miếu. Lối lên miếu được làm hình vòng cung men theo chân ghềnh đá ở phía trước miếu.

      Miếu chỉ có một gian, mặt bằng hình chữ nhật, phía trước xây rộng hơn một chút, mái giật cấp kiểu cổ diêm để tạo hiên. Kích thước tổng thể ngôi miếu: 2,82m x 2,73m. Do nằm vị trí xung yếu nên tường được xây dày để chống chọi với tác động của gió bão. Phần hiên khá hẹp. Tường mặt tiền xây giật cấp, tạo lối vào hình cuốn vòm, bên trên vòm có mảng trang trí vẽ hình lọ hoa. Trần hiên xây kiểu cuốn vòm (chỉ 1/2 vòm). Ngăn cách giữa không gian thờ tự và hiên là bộ cửa gỗ hai cánh kiểu thượng song hạ bản (cửa trượt qua hai bên). Trước đây, bộ cửa này đóng mở bằng chốt xoay, hướng cửa mở vào trong miếu (hiện còn dấu vết chốt xoay trên tường miếu). Nền miếu láng xi măng.
 
Kiến trúc tổng thể ngôi miếu
Kiến trúc tổng thể ngôi miếu - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Phần miếu thờ có lối vào hình cuốn vòm. Nội thất xây trần bê tông gạch vữa kiểu cuốn vòm. Bệ thờ xây gạch sát tường biên phía sau, bề mặt láng xi măng. Quần bàn vẽ trang trí phong cảnh làng chài, biển đảo. Phía trước đặt bộ tam sự và một giá kỉnh gỗ cẩn xà cừ đồ án “hoa – điểu”. Bên trên bệ thờ, sát tường biên phía sau xây khám thờ bằng gạch. Bệ khám thờ xây giật cấp, trên đặt bộ tượng Ngũ Hành tiên nương bằng đất nung, tư thế ngồi, lồng trong hộp kính để bảo quản. Trước bệ có gắn hai cấu kiện gỗ trang trí chạm hình long mã phụ hà đồ. Trán khám thờ vẽ hoa dây. Hai bên thân khám thờ có cặp câu đối: 元 威 灵 扶 宇 宙 亨 \ 利 恩 重 福 生 民 貞 (Nguyên uy linh phù vũ trụ hanh \ Lợi ân trọng phước sinh dân trinh).  
 
Khám thờ Ngũ Hành Tiên nương
Khám thờ Ngũ Hành Tiên nương - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Mái miếu lợp ngói âm dương, chia làm 4 mái (hai mái dục nhỏ ở hai bên). Bờ hồi (khu đĩ) kiểu cuốn thư (một bên cuốn thư trang trí “tùng – lộc”, bên còn lại đã mất chi tiết, không còn rõ nét). Bờ nóc đắp đồ án “cá hóa rồng chầu mặt nguyệt”, bờ chảy đắp hoa dây (?), đuôi bờ chảy mái hiên đắp hình nghê (hiện con giống một bên mái hiên đã bị hư hỏng). Cổ diêm đắp mảnh chén trang trí (hiện chỉ còn chi tiết trang trí hình bầu rượu). Các nét vẽ trang trí ở miếu rất đơn sơ, mộc mạc. Một điểm đặc biệt phải kể đến tại di tích này là những vật liệu tự nhiên sẵn có ở bãi biển như vỏ ốc, vỏ sò, xác san hô được tận dụng để phối kết hợp với mảnh chén tạo hình các chi tiết trang trí trên mái. Vỏ sò được dùng để tạo vảy cá trên bờ nóc, tạo những tán lá của cây tùng; san hô làm thân cây và phần sườn đồi bên dưới ở đồ án “tùng – lộc”.

      Trước miếu có bình phong, giữa bình phong có khám thờ nhỏ, hai bên là hai trụ biểu. Trần khám bằng bê tông (phẳng), trên đắp giả mái ngói (4 mái dốc). Mặt trong khám thờ quét vôi màu đỏ, vẽ chữ 神 (Thần). Phía trước bày bộ tam sự. Phía bên phải miếu có một khám thờ nhỏ khác, xây trên bệ cao, hơi chồm về phía trước so với miếu chính, gọi là miếu ông Phổ (?). Khám có tiết diện hình chữ nhật. Bên trong khám đặt bộ tam sự, ngoài ra không có chi tiết trang trí nào khác.

      Miếu Ngũ Hành thôn Bãi Hương được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa thành phố Hội An năm 2000. Tại miếu đã lắp dựng bảng thông tin giới thiệu về di tích bằng song ngữ Việt – Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Di tích mang những nét riêng về kiến trúc, góp phần cung cấp những thông tin cần thiết về đời sống văn hóa tinh thần của cư dân địa phương cùng những vấn đề liên quan đến đặc trưng kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng biển – đảo Cù Lao Chàm nói riêng, vùng đảo ven bờ nước ta nói chung.

* Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ di tích Miếu Ngũ Hành (thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp), Tư liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. 
2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
* Tài liệu trích dẫn
[1] Dẫn theo https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/tong-quan-ve-khao-co-lich-su-cu-lao-cham-713.html
[2] Dẫn theo Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2014), Thông tin nghiên cứu Cù Lao Chàm, trang 10, 11.
[3] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 167.
[4] Ông Lê Trọng (sinh năm 1950) trú tại tổ 2 thôn Bãi Hương, sống liền kề di tích và là thành viên Tổ quản lý di tích miếu Ngũ Hành.
[5] Theo Phiếu khảo sát di tích miếu Ngũ Hành do Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An lập năm 1997 - Hồ sơ lưu của Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
[6] Thông tin này do ông Lê Trọng cung cấp.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây