Tri thức dân gian về chọn vật liệu đan thúng chai ở Hội An, Quảng Nam

Thứ hai - 26/09/2022 05:39
Đan thúng chai là nghề thủ công truyền thống được hình thành từ khá sớm ở Quảng Nam nói chung, ở Hội An nói riêng bởi sản phẩm của nghề là phương tiện gắn liền và phục vụ cho nghề đánh bắt ở môi trường sông, biển của một số xã vùng ven Hội An và khu vực lân cận.
      Để làm ra được một chiếc thúng chai, người thợ phải thực hiện nhiều khâu, công đoạn, đặc biệt người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề lâu năm. Ngay từ việc chọn công cụ, vật liệu để đan thúng chai cho đến việc đan, đát, lận vành và trét thúng chai, những người thực hành nghề đã đúc kết nên những kinh nghiệm, tri thức dân gian đòi hỏi người trong nghề phải nắm kỹ để thực hành và gìn giữ, lưu truyền nghề.

      Tre là nguyên liệu chính để đan thúng chai. Đối với chiếc thúng chai sử dụng vật liệu truyền thống là tre thì hầu như vật liệu chính trong chiếc thúng chai chiếm 80% là tre, bao gồm nan, vành, bộ rã, giường thúng. Vì vậy, để chuẩn bị cho công đoạn đan thúng, các nghệ nhân phải trải qua khâu chọn mua tre.
 
chuan bị tre
Chuẩn bị tre - Vật liệu chính để đan thúng chai - Ảnh: Hoàng Phúc

      Tại Hội An hoặc ở một số địa phương lân cận, những người thợ đan thúng chai thường mua tre ở vùng gần miền núi thuộc Điện Bàn, Đại Lộc hay tre nguồn, tre nguồn rẻ hơn nhưng phải mua với số lượng nhiều, vì tốn công vận chuyển. Đối với một số người thực hiện công việc đan thúng chai không thường xuyên, dùng tre ít thì thường mua tre bụi tại địa phương thuộc Duy Xuyên, Điện Phương (Điện Bàn).

      Tre để làm thúng chai thường chọn tre già, loại tre đồng (tre vùng đất thịt) tốt hơn tre vùng cát. Tre phải được đốn vào tháng chạp và tháng giêng là tốt nhất vì tháng giêng tre già, rụng lá thì thân chắc không bị mọt, nếu đốn vào các tháng khác trong năm, tre đã ra măng hoặc còn non dễ bị mọt. Theo kinh nghiệm dân gian về chọn tre, tre tốt là tre có mắc nhỏ và dựa vào màu da để biết, tre có điểm trắng là tre mềm, không chất lượng.

      Phải chọn mua loại tre mỡ, ít mắc. Tre mỡ thường ở khu vực đất thịt như Duy Xuyên, Điện Bàn. Đối với tre ở khu vực đất cát thường nhỏ và chỉ dùng để làm nhà. Những người thợ làm nhiều và thường xuyên hay mua tre rút/tre lựa, có nghĩa là chọn những cây tre tốt mua. Còn nếu mua y bụi tre thì gọi là mua xả. Theo kinh nghiệm dân gian, mua tre rút có lợi hơn đối với nghề đan thúng chai, đối với một số nghề khác thì mua tre bụi có lợi, làm được nhiều việc.

      Theo kinh nghiệm sử dụng của những người thực hành nghề, tre ở địa phương tốt hơn tre ở trên nguồn, tre ở địa phương để ba năm ngoài sông không hư nhưng tre nguồn để khoảng một tháng là đỏ lớp trên. Một cây tre dài, lấy được khoảng 3-4 đoạn để chẻ nan, được khoảng 40 nan, do đó để đan một cái thúng cần khoảng 7 đến 8 cây tre. Tre dùng để làm vành phải chọn tre đặc, chắc.

      Tre mua về chưa sử dụng phải để dưới nước ngoài bến sông, lấy lá dừa nước đậy lên trên, chứ không ngâm, tre ngâm làm thúng chai không được vì tre chín rồi đan sẽ bị nứt. Nếu tre mua về mà sử dụng liền thì sau khi đốn tre, róc mắc cho sạch, cắt đoạn với chiều dài theo nhu cầu, chẻ tre, vót nan, công đoạn này cũng rất tốn công và đòi hỏi người làm phải chịu khó vì phải vót lấy cật tre và chuốt thật kỹ, sau đó đem phơi khoảng 5 đến 6 nắng cho thật khô. Khi phơi thì lật phần cật tre lên trên (phần vỏ), tre phải phơi khô mới sử dụng để đan, nếu không phơi để lâu bị mốc. Nếu không có nắng thì đem nan hong khói (để trên giàn khói) rồi mới sử dụng để đan. Để làm vành, phải chọn tre đặc cho lớp vành được chắc chắn.

      So với công đoạn đan, lận vành, công đoạn trét thúng chai đơn giản hơn nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, cẩn trọng từ khâu chọn vật liệu cho đến kỹ thuật thì mới cho ra một sản phẩm đảm bảo chất lượng. Vật liệu chính dùng để trét thúng chai là phân trâu hoặc phân bò và dầu rái. Tùy theo kinh nghiệm dân gian của từng người, từng địa phương khác nhau, có nơi sử dụng phân trâu, có nơi sử dụng phân bò để trét. Theo ông Trần Văn Hỷ - người đang thực hành nghề đan thúng chai ở Duy Vinh, Duy Xuyên cho biết, trước đây ông cha sử dụng phân trâu để trét nhưng hiện tại ông sử dụng phân bò, vì theo kinh nghiệm của ông Hỷ, con bò khi ăn nhai kỹ hơn nên phân bò mịn hơn phân trâu, do đó khi sử dụng ít tốn thời gian để đánh nhuyễn phân, hơn nữa phân bò dễ tìm kiếm hơn phân trâu. Để trét một thúng chai cần khoảng 5 à 7 kg phân bò, để có lượng phân đó, người thợ phải đi đến tận chuồng nuôi bò của các nhà dân trong địa phương để lấy và khi đi lấy phân phải chọn phân mịn và có màu vàng với mục đích tiết kiệm được thời gian trét và cho ra sản phẩm đẹp, bền hơn.
 
tret thung
Ông Trần Văn Hỷ đang trét thúng chai - Ảnh: Lệ Xuân

      Sau khi trét phân bò, đến công đoạn trét/quét dầu rái. Cây dầu rái là tên gọi dân gian, có tên khác là dầu con rái, dầu nước. Dầu rái có nhiều lợi ích, có công dụng để trét ghe thuyền, thúng mủng, dùng làm đèn đuốc, còn được sử dụng trong các công trình xây dựng... Cây dầu rái phân bố rất nhiều ở các cánh rừng già vùng Đại Chánh, Đại Thạnh - Quảng Nam. Thời Nguyễn, dầu rái được ví như một sản vật nổi tiếng của núi rừng phương Nam, như một loại thuế đặc biệt phải cống nộp cho triều đình. Thời kỳ Pháp thuộc, dầu rái vẫn là một loại “sưu cao, thuế nặng”. Nghề khai thác dầu rái ở Đại Lộc là một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng một thời của vùng đất này. Cùng với vật liệu tre, dầu rái là nguồn vật liệu sẵn có và tương đối dồi dào của xứ Quảng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nghề thủ công đóng ghe, thuyền của vùng đất này phát triển từ khá sớm.

      Vì vậy, để trét thúng chai, những người thợ thực hành nghề ở Hội An, Quảng Nam thường chọn mua dầu rái Đại Lộc và dễ dàng tìm mua ở địa phương. Hiện nay, dầu rái thường được mua ở cửa hàng bán sơn, hoặc bán vật tư ghe thuyền… Ngoài dầu rái, khi trét thúng, một số người thợ đan thúng chai trộn thêm chai phà vào dầu rái để tạo thêm độ bền cho thúng chai. Chai phà được lấy từ mủ của cây gỗ chò (giống mủ của cây sầu đông/cây xoan), xay ra thành bột màu trắng đục.

      Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của điều kiện khoa học kỹ thuật, nhu cầu cuộc sống nên thúng chai bằng vật liệu tre truyền thống đã dần thay thế cho thúng chai sử dụng vật liệu mới, đó là loại thúng nhựa composite hoặc là thúng chai truyền thống nhưng bên ngoài trít nhựa. Hiện nay, ở Hội An vẫn còn sử dụng thúng chai bằng vật liệu tre truyền thống trong thực hành nghề đánh bắt hải sản.

      Từ trong quá trình thực hiện các công đoạn để đan thành chiếc thúng chai hoàn chỉnh, người thợ đan đã tiếp thu những kỹ thuật, kinh nghiệm dân gian của ông cha đi trước để lại, đồng thời bản thân những người thợ qua kinh nghiệm thực tế thực hành cũng đã tích lũy được những kỹ thuật đan, kể cả tri thức dân gian trong việc chọn lựa vật liệu, công cụ để đan thúng chai. Vì vậy, cần kịp thời nhận diện để bảo tồn, gìn giữ những tri thức, kinh nghiệm dân gian trong thực hành nghề đan thúng chai ở Hội An, Quảng Nam.

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây