Đến năm 1741, kiều cư người Hoa tại Hội An đã có tổ chức riêng trong Dương Thương hội quán để làm nơi hội họp, sinh hoạt. Về sau, do sự phát triển về số lượng người từ các tỉnh ở Trung Quốc sang cư trú đã hình thành nên các bang riêng, gồm có: Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Gia Ứng. Nhưng cộng đồng này vẫn duy trì một tổ chức điều hành chung là Dương Thương hội quán Lý sự hội hay gọi tắt là Ngũ Bang
[1]. Có thể nói cộng đồng người Hoa đóng một vai trò khá quan trọng trong hoạt động mậu dịch ở Hội An nói riêng, Quảng Nam, Đàng Trong và Việt Nam nói chung trong lịch sử. Không chỉ vậy, người Hoa còn lưu lại trên vùng đất Hội An nhiều dấu tích, di tích kiến trúc đặc sắc như hội quán, nhà thờ tộc, miếu, mộ táng;... di tích Khu mộ tộc Lưu ở phường Cẩm Châu là một trong số đó.
Khu mộ tọa lạc trong một khuôn viên thuộc địa phận khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu. Các ngôi mộ được tạo lập trong thời gian nửa cuối thế kỷ 19 bằng chất liệu vữa vôi, trải qua thời gian dài, chịu tác động của thiên nhiên khi vị trí gần sông thường xuyên bị ngập lụt hàng năm đã khiến các ngôi mộ dần xuống cấp, hư hại. Năm 1995, con cháu tộc Lưu đã sửa chữa khu mộ nhằm tránh sự xuống cấp thêm.
Tổng thể di tích gồm có 11 ngôi mộ và 01 khám thờ, trong đó có 05 ngôi mộ có bia mộ và 06 ngôi mộ chỉ có nấm mà không có bia. Theo nội dung các bia mộ cho biết tộc Lưu nguyên gốc ở trấn Dũng Bảo, huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong các ngôi mộ này, có 02 ngôi được lập sớm nhất vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Quang Tự thứ 5
(1879); 01 ngôi mộ được lập năm Ất Dậu, niên hiệu Quang Tự thứ 11
(1885); 02 ngôi mộ được lập năm Kỷ Mão
(không đề niên hiệu nên chưa xác định được chính xác năm nào).
Từ bên ngoài đi vào trong khuôn viên di tích sẽ thấy 01 khám thờ xây bằng gạch, chính giữa bệ thờ đắp nổi chữ Hán: 福
(phúc). Dưới đây, xin thông tin chi tiết về 05 ngôi mộ có bia mộ trong khu di tích này.
Mộ bà họ Trần Ngôi mộ được lập vào năm 1879, là nơi yên nghỉ của bà họ Trần, thụy là Nhược Lan, vợ ông họ Lưu, nguyên quán ở huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngôi mộ xoay theo hướng Nam, có bố cục đơn giản, gồm có bệ thờ, nấm mộ hình chữ nhật, quynh, chính giữa quynh gắn bia cẩm thạch trắng. Các hạng mục ngôi mộ xây bằng gạch, bề mặt tô trát vữa, quét vôi màu vàng. Bia mộ không có hoa văn trang trí, lòng bia được cấu trúc 04 hàng chữ khắc lõm theo lối chân phương, hàng chữ chính giữa: 劉 澤 枝 正 室 謚 若 蘭 陳 仲 娘 之 墓
(Lưu trạch chi chánh thất thụy Nhược Lan Trần Trọng Nương chi mộ); phía trên bia mộ hai bên lấy dòng chữ chính giữa làm trục đối xứng khắc lõm các chữ Hán, dòng chữ bên trái: 廣 東
(Quảng Đông), dòng chữ bên phải: 南 海
(Nam Hải); bên trái dọc theo thân bia khắc lõm dòng lạc khoản: 光 绪 五 年 仲 夏
(Quang Tự ngũ niên trọng hạ).
Mộ ông họ Lưu và bà họ Trần Đây là ngôi mộ đôi, được lập vào năm Kỷ Mão
[2], là nơi yên nghỉ của ông Lưu Tứ Lang, thụy là Triều Ngọc và người vợ thứ họ Trần, thụy là Như Nghĩa. Ngôi mộ xoay theo hướng Nam, có bố cục đơn giản, gồm: 02 nấm mộ hình chữ nhật, quynh, chính giữa quynh gắn bia cẩm thạch trắng. Các hạng mục ngôi mộ xây bằng gạch, bề mặt tô trát vữa, quét vôi màu vàng. Bia mộ không có hoa văn trang trí, lòng bia chạm chìm các dòng chữ Hán, đầu bia đề: 鎮 涌 堡
(Trấn Dũng Bảo), 石 龍 鄉
(Thạch Long Hương); giữa thân bia: 皇 清 顯 考 十 七 世 成 魁 謚 朝 玉 劉 四 郎 妣 劉 門 副 室 陳 氏 謚 如 義 仲 姬 之 墓
(Hoàng Thanh Hiển Khảo thập thất thế thành khôi thụy Triều Ngọc Lưu Tứ Lang; Tỉ Lưu môn phó thất Trần Thị thụy Như Nghĩa trọng cơ chi mộ), dòng lạc khoản bên trái: 歲 次 己 卯 季 春
(tuế thứ Kỷ Mão quý xuân), dòng lạc khoản bên phải: 承 繼 嗣 錫 悠 立
(Thừa kế tự Tích Du lập).
Mộ bà họ Nguyễn Căn cứ theo thông tin trên bia mộ cho biết ngôi mộ này được lập vào năm 1885, là nơi yên nghỉ của bà họ Nguyễn, thụy
[3] là Mỹ Đình, là vợ ông họ Lưu, nguyên quán ở huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngôi mộ xoay theo hướng Nam, bố cục ngôi mộ khá đơn giản, gồm có bệ thờ, nấm mộ hình chữ nhật, quynh, chính giữa quynh gắn bia mộ bằng cẩm thạch trắng. Các hạng mục ngôi mộ xây bằng gạch, bề mặt tô trát vữa, quét vôi màu vàng. Bia mộ không có hoa văn trang trí, lòng bia được cấu trúc ba hàng chữ khắc chữ Hán theo lối chân phương, hàng giữa khắc chữ lớn: 劉 榮 枝 正 室 謚 美 亭 阮 仲 娘 墓
(Lưu vinh chi chính thất thụy Mỹ Đình Nguyễn Trọng Nương mộ). Vị trí hai bên đầu bia lấy hàng chính giữa làm trục đối xứng khắc các chữ Hán, hàng chữ bên trái: 廣 東
(Quảng Đông), hàng chữ bên phải: 南 海
(Nam Hải); dòng lạc khoản bên trái bia
(nằm theo trục dọc với hàng chữ bên trái ở trên): 光 绪 十 一 年 乙 酉 仲 秋
(Quang Tự thập nhất niên Ất Dậu trọng thu). Mộ bà họ Dư Ngôi mộ này được lập năm 1879, là nơi yên nghỉ của bà họ Dư, vợ ông họ Lưu, thụy là Nghi Phạm, nguyên quán ở huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là ngôi mộ có quy mô lớn nhất trong các ngôi mộ, còn lưu giữ được giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Ngôi mộ xoay theo hướng Nam, xây dựng bằng vữa hợp chất, bề mặt quét vôi màu vàng, hình thức kiến trúc có sự đối xứng cả trên mặt đứng lẫn mặt bằng. Diện tích tổng thể ngôi mộ khoảng 75m
2, bố cục gồm có: bao bia + bia mộ, nấm mộ, quynh trong, quynh ngoài, bình phong hậu và tay ngai phía trước.
Mộ bà họ Dư vợ ông họ Lưu - Ảnh: Trần Phương
Bia và bao bia gắn liền vào nấm mộ. Nấm mộ được xây theo chiều thấp dần từ phía sau ra phía trước. Bao bia kết hợp giữa gạch, vữa và cẩm thạch xám, vị trí bao bia bằng cẩm thạch xám được chạm các chi tiết trang trí kiểu hồi văn. Bia mộ được làm bằng cẩm thạch trắng, dạng hình chữ nhật, lòng văn bia chạm lõm các chữ Hán theo kiểu hành thư: 貞 節 流 芳
(Trinh tiết lưu phương), diềm bên trái chạm chìm các chữ Hán theo kiểu hành thư: 書 成 班 管 兼 彤 管
(Thư thành ban quản kiêm đồng quản), diềm bên phải chạm chìm các chữ Hán theo kiểu hành thư: 淚 洒 南 枝 到 北 枝
(Lệ sái nam chi đáo bắc chi); bên dưới bia mộ có bệ đỡ bằng cẩm thạch trắng, bên trên đặt bát hương. Mặt bia được cấu trúc 05 hàng chữ được khắc theo lối chân phương, hàng chữ chính giữa: 皇 清 顯 妣 劉 門 德 配 余 氏 謚 儀 範 令 婆 之 墓
(Hoàng Thanh Hiển Tỉ Lưu môn đức phối Dư Thị thụy Nghi Phạm lệnh bà chi mộ). Vị trí hai bên đầu lòng bia lấy hàng giữa làm trục đối xứng khắc các chữ
(bắt đầu từ vị trí chữ thứ 3 của hàng giữa), hàng chữ bên trái: 廣 東
(Quảng Đông), hàng chữ bên phải: 南 海
(Nam Hải). Dòng lạc khoản bên trái văn bia: 光 緒 五 年 歲 次 己 卯 季 春
(Quang Tự ngũ niên tuế thứ Kỷ Mão quý xuân). Dòng lạc khoản bên phải: 長 男 從 魁 三 男 讓 魁 嗣 孫 錫 悲 錫 瘚 錫 憙 錫 息 錫 悠 錫 慈 女 孫 遂 利 遂 心 遂 喜 遂 [] 仝 立 石
(Trưởng nam Tòng Khôi tam nam Nhượng Khôi tự tôn Tích Bi Tích Quyết Tích Hí Tích Tức Tích Du Tích Từ nữ tôn Toại Lợi Toại Tâm Toại Hỉ Toại []
đồng lập thạch).
Nấm mộ có hình yên ngựa, kích thước: rộng 180cm, dài 230cm, cao 16cm
(so với đường rãnh giữa nấm mộ và quynh trong); phần dưới
(gần sát bao bia) rộng 97cm, bề mặt đắp nổi hình mây cuộn. Quynh trong có dạng hình yên ngựa bao bọc quanh nấm mộ, giữa quynh và nấm mộ có đường rãnh rộng 16cm, tạo dốc xuôi về phía trước. Quynh rộng 46cm, tuy nhiên độ rộng của quynh không đồng đều mà có xu hướng thu nhỏ về phía trước. Phần cuối của quynh được tạo dáng uốn cong, xây cuốn tròn hình trôn ốc bao bọc hai bên bao bia; hai khối xoắn ốc có hướng xoắn ngược nhau. Quynh ngoài có dạng hình chữ nhật vát góc phía trên, phần đuôi của quynh mở rộng, bề mặt đắp hồi văn kiểu gấp khúc, mang ý nghĩa bát cát tường. Giữa quynh ngoài và quynh trong có đường rãnh rộng 16cm, tạo dốc xuôi về phía trước. Phần trên của quynh cao khoảng 72cm so với nền đất tự nhiên. Tại vị trí giữa hai lớp quynh vị trí đầu mộ đắp nổi đồ án cuốn thư
(quét vôi màu đỏ). Kế vị trí đầu mộ là bình phong hậu kiểu cuốn thư, mặt trong đắp nổi hình tượng tán cây tùng; kích thước bình phong: dài 630cm, cao 153cm, dày 62cm. Tay ngai bắt đầu từ vị trí khối xây quynh trong và quynh ngoài, kéo dài và mở rộng về phía trước ở hai bên. Mặt trong, đoạn đầu tay ngai đắp nổi đồ án hình hoa sen. Tay ngai ở mỗi bên có hai cấp, cấp trên rộng hơn cấp dưới. Phần cuối của tay ngai được tạo hình gấp khúc vào bên trong, bên trên bề mặt tạo hình tứ giác chồng lên nhau. Một mảng tường gạch tô trát vữa được xây uốn cong nối hai khối trụ cuối tay ngai lại với nhau. Phần nền giữa hai tay ngai, phía trước ngôi mộ được láng xi măng, bề mặt thấp dần từ trên xuống dưới
(thấp hơn nền đất tự nhiên bên ngoài khoảng 40cm).
Mộ ông Lưu Nhị Lang, Lưu Đệ Thập Lang, Lưu Thập Ngũ Lang Ngôi mộ này được lập vào năm Kỷ Mão
(có thể năm 1879), là nơi yên nghỉ của 03 người họ Lưu, gồm có: Lưu Nhị Lang
(thụy là Triều Lương), Lưu Đệ Thập Lang
(thụy là Tích Thông), Lưu Thập Ngũ Lang
(thụy là Tích Thứ). Tuy là nơi yên nghỉ của 03 người nhưng chỉ có 01 nấm mộ hình chữ nhật. Ngôi mộ xoay theo hướng Nam, có bố cục đơn giản, gồm nấm mộ, quynh, chính giữa quynh gắn bia cẩm thạch trắng, bên dưới bia mộ có bệ đỡ bằng đá. Các hạng mục ngôi mộ xây bằng gạch, bề mặt tô trát vữa, quét vôi màu vàng. Bia mộ không có hoa văn trang trí, lòng bia được cấu trúc bảy hàng chữ khắc lõm theo lối chân phương, hàng chữ chính giữa: 皇 清 顯 考 十 七 世 泰 魁 謚 朝 樑 劉 二 郎 之 墓
(Hoàng Thanh Hiển Khảo thập thất thế thái khôi thụy Triều Lương Lưu Nhị Lang chi mộ), hai hàng chữ hai bên đối xứng nhau qua hàng chữ chính giữa, nội dung hàng chữ bên trái: 十 八 世 謚 錫 聰 劉 第 十 郎
(Thập bát thế thụy Tích Thông Lưu Đệ Thập Lang), nội dung hàng chữ bên phải: 十 八 世 謚 錫 恕 劉 十 五 郎
(Thập bát thế thụy Tích Thứ Lưu Thập Ngũ Lang); hai dòng chữ trên đầu bia đối xứng nhau qua hàng chữ chính giữa, nội dung hàng chữ bên trái: 南 海 縣
(Nam Hải huyện), nội dung hàng chữ bên phải: 鎮 涌 堡
(Trấn Dũng Bảo), dòng lạc khoản bên trái bia: 歲 次 己 卯 季 春
(Tuế thứ Kỷ Mão Quý Xuân), dòng lạc khoản bên phải bia: 承 繼 嗣 錫 憙 立
(Thừa kế tự Tích Hí lập).
Sự tồn tại của di tích khu mộ tộc Lưu là tư liệu thực địa có giá trị lịch sử, góp phần tìm hiểu, nghiên cứu làm rõ hơn về quá trình nhập cư, định cư của người Hoa trên địa bàn thành phố Hội An trong lịch sử. Đây còn là một trong những công trình mộ táng có quy mô và giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc trong thế kỷ 19 còn hiện diện ở Hội An, góp phần cung cấp nguồn tư liệu nghiên cứu về loại hình mộ cổ ở Hội An. Với những giá trị đó, di tích Khu mộ tộc Lưu đã được ghi vào Danh mục bảo vệ của thành phố Hội An vào năm 2000.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Trần Văn An, Nguyễn Chí Trung, Trần Ánh
(2005),
Xã Minh Hương với thương cảng Hội An thế kỷ XVII-XIX, Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam, tr.19-21.
[2] Theo nội dung bia mộ cho biết ngôi mộ được lập năm Kỷ Mão nhưng lại không ghi niên hiệu vua do đó chưa thể xác định chính xác năm Kỷ Mão là năm nào, tuy nhiên căn cứ hình thức kiến trúc ngôi mộ và niên đại các ngôi mộ trong khu mộ, bước đầu có thể đoán định ngôi mộ này được lập năm 1879.
[3] Theo giải thích của nhà nghiên cứu Thiều Chửu
(Nguyễn Hữu Kha) thì chữ Thụy có nghĩa như sau:
“Tên hèm, lúc người sắp chết người khác đem tính hạnh của người sắp chết ấy so sánh rồi đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy. Ta gọi là tên cúng cơm”.