Một số thông tin ghe thuyền Hội An, Đàng Trong qua ghi chép của người nước ngoài

Thứ hai - 07/11/2022 03:59
Vào thời kỳ phát triển thịnh vượng, ngoài các loại ghe thuyền trong nước, thì thuyền buôn, tàu thuyền với nhiều chủng loại của các nước như Anh, Bồ Đào Nha, Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản,… đã đến Hội An để giao thương, buôn bán. Chính đều này đã tạo nên sự sôi động, nhộn nhịp đa sắc màu của các loại ghe thuyền ở Hội An, Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Qua quá trình sưu tầm, tiếp cận tư liệu, dưới đây xin thông tin về ghe thuyền ở Hội An, Đàng Trong qua ghi chép của người nước ngoài.
TRANH TAU THUYEN TREN SONG FAIFO

      Vào thế kỷ 17, Thiền sư Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ đã ghi chép về sự có mặt của nhiều đoàn thuyền vào buôn bán ở Hội An như sau: “Xa trong cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió ở cửa Hội An[1].

      Đến thế kỷ 18, trong chuyến hành trình ven biển Nam Kỳ, L.Cadière cho biết ghe thuyền tại Hội An, Quảng Nam như sau: ở đây có hai loại thuyền hay ghe đi biển; một loại tên là ghe bầu, là các ghe lớn đi ven biển, có mái gắn chặt, được làm nên bởi nhiều tấm ván do đinh ghép lại, lớn nhỏ tỳ cỡ riêng của nó; một loại là ghe đánh cá được gọi là ghe làm nghề. Có hai loại ghe làm nghề: thứ nhất là ghe câu, tức là đánh cá bằng cần đường xa, kích thước nhỏ hơn so với ghe mành; tức là ghe đánh cá bằng lưới bủa. Cả hai loại không có mái; thân bằng tre đan phần trên có nẹp ván mỗi bên[2].

      Giữa thế kỷ 18 (cụ thể năm 1835), Thái Đình Lan và đoàn thủy thủ của ông gặp nạn trôi dạt vào Cù Lao Chàm và được người dân ở đây cứu sống, khi trôi dạt vào Cù Lao Chàm, ông và đoàn thủy thủ nhận thấy các con thuyền đang đi tới đều là thuyền giáp bản (giáp bản là tên thuyền nước ngoài). Nhìn kỹ thì thấy ở cửa của đảo lớn có nhiều cột buồm tua tủa, biết đó là một cảng lớn, mọi người trên thuyền cuống cuồng vui mừng,…[3]

      Cuối thế kỷ 18, J.Barrow cũng đã có những đề cập rất chi tiết đến nghề đóng tàu thuyền ở Đàng Trong - Nam Hà trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793, ông cho biết: … “Ngành kỹ nghệ đặc biệt mà ngày nay có thể nói là người xứ Nam Hà nổi trội hơn cả là kỹ thuật đóng tàu biển của họ, chẳng thiếu loại kích cỡ nào cũng như có đủ các loại chất lượng gỗ dùng để đóng… Những chiếc trong số đó như những thuyền sampan (tam bản), thuyền Mành của Trung Quốc, những chiếc khác giống như thuyền buồm proa thông dụng của người Mã Lai. Đặc biệt, trong tác phẩm này có vẽ bức tranh phụ bản được dịch là Thuyền bè trên sông Faifo (Hội An) mô tả cảnh tấp nập tàu thuyền của các nước ở Hội An[4].

      Đầu thế kỷ 20, trong tác phẩm Hồi ký xứ Đông Dương của Paul Doumer, bên cạnh những ghi chép về lịch sử - văn hóa xứ Đông Dương, ông đã có những ghi chép về loại thuyền mành, thuyền tam bản chở quế ở cảng thị Hội An: “... Quế được vận chuyển trực tiếp từ Hội An sang Quảng Châu bằng những thuyền mành lớn hoặc trên những chiếc thuyền tam bản được phái đến Đà Nẵng. Đó là nơi có một chiếc tàu nhỏ chạy máy hơi nước cắm cờ Đức đến chuyển hàng hóa theo định kỳ tới Hương Cảng, Quảng Châu…[5].

      Vào những thập niên 1930-1940 của thế kỷ 20, J.B.Piétri đề cập đến việc đóng thuyền gỗ, thuyền buồm và kỹ thuật đóng thuyền gỗ trong tác phẩm Thuyền buồm Đông Dương (Voiliers d’Indochine) [6] tương đối đầy đủ, chi tiết, trong đó có miêu tả đến thuyền ở Hội An, Quảng Nam. Trong phần viết về ghe câu và ghe trường Hội An ông cho biết: Mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hội An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và tải trọng. Chính đây là nơi đóng thuyền bè có uy tín…

      Đến những năm 1960 của thế kỷ 20, trong Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền Nam Việt Nam[7] cũng đã có những mô tả, ghi chép về một số loại thuyền buồm hoạt động ở Hội An, Quảng Nam: Thuyền buồm đánh cá trang bị động cơ và buồm, là những thuyền nhỏ chỉ có buồm hoặc thuyền buồm có gắn máy. Số thuyền này chỉ có ít và hoạt động gần Hội An, Quảng Nam. Đây là những thuyền đánh cá, thỉnh thoảng có chở hàng hóa và hành khách.

      Thuyền buồm chở hàng: là những thuyền nhỏ có hai cột buồm chuyên chở hàng quanh tỉnh Quảng Nam. Những thuyền này nổi cao trên mặt nước, thân thuyền phẳng, mũi và lái nhọn giống hình chiếc muỗng. Một đặc điểm hình dáng quan trọng là chiếc bánh lái lớn, cong, nhô cao trên lái thuyền. Thuyền dùng loại buồm tứ giác có góc rất nhọn. Cột buồm chính dựng gần mũi, cột buồm phụ dựng ở đầu mũi.

      Thuyền máy đánh cá: những thuyền đánh cá và chở hàng nhỏ hoạt động gần Hội An. Thuyền nhỏ, hình lưỡi liềm, hai đầu giống nhau, thân thuyền vễnh cong vừa phải từ phía lái thấp đến đầu mũi hơi cao hơn. Chiếc bánh lái bằng gỗ dài, lớn, cong được ráp vào trục bánh lái cong bằng một hệ thống chốt và mộng nhô cao hơn cả trục bánh lái. Toàn bộ bánh lái có thể nâng cao hay hạ thấp trong lô lái có khoét rãnh…

      Có thể nói những ghi chép, miêu tả của người nước ngoài về ghe thuyền và nghề đóng ghe thuyền ở Việt Nam nói chung, Hội An, Đàng Trong nói riêng rất đa dạng và phong phú, qua đó cho thấy vai trò đặc biệt của cảng thị Hội An là đầu mối, điểm trung chuyển hàng hóa, buôn bán của thuyền buôn các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
[1] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, tr.146.
[2] L.Cadière (Phan Xưng dịch) (2001), “Một chuyến đi thuyền ven biển Nam Kỳ vào thế kỷ XVIII”, BAVH, tập VIII, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.51-52.
[3] Trần Ích Nguyên (bản dịch, 2009), Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứ, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr.166-167.
[4] J.Barrow (bản dịch, 2011), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb Thế giới, tr.86-88.
[5] Paul Doumer (bản dịch, 2020), Hồi ký xứ Đông Dương, Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch, Nxb Thế giới, tr.346-347.
[6] Nguyên bản tiếng Pháp là Voiliers d’Indochine.
[7] Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền Nam Việt Nam được soạn bởi Phòng Thông tin về Khủng hoảng ở những Quốc gia khác, Viện Battelle Memorial, Phòng Thí nghiệm tại Columbus, tỉnh Columbus, Tiểu bang Ohio năm 1967, tr.377, 415, 457.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây